Trong bài viết hôm 23/6 trên The Diplomat, chuyên gia Prasanth Parameswaran đã tiết lộ nội dung “Thỏa thuận 10 điểm” mà Trung Quốc đã dùng để chia rẽ ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters
Thời gian qua, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực cho sự kiện Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN – Trung Quốc diễn ra tại Côn Minh, xoay quanh việc tuyên bố chung cứng rắn của ASEAN về Biển Đông lập tức bị rút lại do áp lực từ phía Bắc Kinh.
Thông tin từ hội nghị cho biết, khi Trung Quốc phát hiện ra ASEAN đã chuẩn bị sẵn tuyên bố chung nói trên, nước này đã tìm cách chia rẽ khối 10 nước Đông Nam Á và ép ASEAN phải dựa vào cái gọi là “Thỏa thuận 10 điểm” mà Bắc Kinh đã chuẩn bị, để các bên có thể tiến hành họp báo.
Không có gì ngạc nhiên khi đại đa số các nước ASEAN phản đối Thỏa thuận 10 điểm nói trên, song một vài nước, trong đó nổi bật có Lào và Campuchia, đã vì sức ép của Trung Quốc mà rút khỏi tuyên bố chung cùng ASEAN trước đó, dẫn đến việc tuyên bố này “chết từ trong trứng nước”. Cuộc họp báo sau hội nghị cũng bị hủy bỏ.
Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Vậy nội dung của Thỏa thuận 10 điểm này là gì? Và tại sao đa số các nước ASEAN không chấp nhận nó? Cho đến thời điểm bài viết này được xuất bản, Thỏa thuận 10 điểm vẫn chưa được công bố, song cây bút Parameswaran của The Diplomat đã được đọc văn bản này, và dưới đây là nội dung của nó.
Phần I: Quan hệ Trung Quốc – ASEAN
Đúng như tên gọi của nó, phần I (bao gồm 2 điểm đầu trong 10 điểm của thỏa thuận) nhấn mạnh mối quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN.
Đây là một trong những luận điệu thường được Bắc Kinh áp dụng, rằng vấn đề Biển Đông cần được đặt trong bức tranh toàn cảnh về quan hệ Trung Quốc-ASEAN, và tránh không thổi phồng vấn đề.
Cụ thể, trong điểm đầu tiên, Trung Quốc muốn cùng ASEAN nhân kỉ niệm 25 năm quan hệ đối thoại để đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa đôi bên. Theo ông Parameswaran, “nhân dịp kỉ niệm” cũng là một chiêu bài Bắc Kinh rất hay sử dụng.
Ở điểm thứ 2, Trung Quốc nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, sự ủng hộ của ASEAN đối với sự phát triển của Trung Quốc, và “vai trò quan trọng” của Bắc Kinh trong hợp tác khu vực.
Phần II: ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Sau khi “mở bài” bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của mình đối với ASEAN cũng như tầm quan trọng của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, điểm thứ 3-4-5-6 của Thỏa thuận 10 điểm đề cập đến vấn đề nhức nhối nhất trong quan hệ đôi bên vào thời điểm hiện tại: Biển Đông.
Trong đó, điểm thứ 3 có nội dung “chung chung” nhất, cụ thể là đôi bên sẽ hợp tác để đảm bảo hòa bình và ổn định trên Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh an ninh khu vực và phát triển thịnh vượng.
Đến điểm thứ 4, Trung Quốc nói sẽ cùng ASEAN “xử lý đúng đắn vấn đề Biển Đông, và không để vấn đề này ảnh hưởng tới bức tranh toàn cảnh trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ở điểm này, theo ông Parameswaran, một lần nữa Trung Quốc đang muốn đơn giản hóa vấn đề Biển Đông bằng cách kêu gọi các nước ASEAN nhìn vào “bức tranh toàn cảnh”.
“Nhìn vào bức tranh toàn cảnh” là một luận điệu thường xuyên được Trung Quốc sử dụng để đối phó với ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Thông điệp này chủ yếu muốn hướng tới các nước không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhằm ngăn cản ASEAN đạt được một quan điểm thống nhất mà nhiều khả năng sẽ bất lợi cho Trung Quốc liên quan tới vùng biển này.
Điểm thứ 5, Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng cam kết áp đắt một cách đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DoC), đồng thời tích cực đẩy mạnh thảo luận hướng tới thống nhất một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (CoC).
Ông Parameswaran nhận định, điểm này thể hiện quan điểm từ trước đến nay của Bắc Kinh, rằng ưu tiên nên được giành cho việc áp đặt DoC thay vì hướng tới thống nhất CoC, bởi với những hành vi bành trường phi pháp như hiện nay, Trung Quốc rõ ràng không muốn bị trói buộc bởi các điều khoản trong CoC.
Ở điểm thứ 6, Trung Quốc và ASEAN sẽ tuân thủ các quy tắc thuộc Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), 5 Nguyên tắc Cùng Tồn tại Hòa bình, và Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).
Đáng nói là trong điểm thứ 6 này, Trung Quốc tuy có nhắc đến UNCLOS, song cũng đặt nó bên cạnh các văn bản khu vực, thậm chí cả văn bản do chính Trung Quốc đồng sáng lập (5 Nguyên tắc cùng Tồn tại Hòa bình).
Phần III: Vai trò của các bên trong tranh chấp Biển Đông
4 điểm cuối cùng trong Thỏa thuận 10 điểm của Trung Quốc đề cập đến vai trò của các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Điểm 7 viết, các nước “liên quan trực tiếp” cần giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán và thảo luận hòa bình, thay vì đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực.
Điểm này thể hiện rõ luận điệu của Bắc Kinh rằng mỗi nước cần giải quyết tranh chấp song phương thay vì trên tư cách ASEAN nói chung, hay có sự can dự các tòa án quốc tế.
Điểm thứ 8, các bên liên quan cần kiềm chế, tránh các hành động có thể phức tạp hóa vấn đề và khiến căng thẳng leo thang, cũng như thống nhất áp đặt các biện pháp phòng tránh phù hợp để kiểm soát rủi ro trên biển một cách sớm nhất có thể.
Điểm thứ 9, ASEAN và Trung Quốc sẽ tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không phận Biển Đông, đúng như quyền của tất cả các nước được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Điểm thứ 10 kêu gọi “các nước bên ngoài khu vực đóng vai trò mang tính xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Kết luận
Theo ông Parameswaran, có 3 đánh giá có thể rút ra từ nội dung Thỏa thuận 10 điểm nói trên của Trung Quốc.
Thứ nhất, văn bản này tương đối chung chung và không có thông tin gì mới. Nội dung đa phần phản ánh những quan điểm từ trước đến nay của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, cộng thêm một vài điểm liên quan đến các lo ngại của ASEAN, như việc bảo vệ quyền tự do đi lại trên hải phận và không phận Biển Đông.
Thứ hai, có một số điểm quan trọng mà Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Ví dụ điển hình là vấn đề quân sự hóa cũng như cải tạo, bồi đắp đất tuyệt nhiên không hề được nhắc tới trong cả 10 điểm, dù đây là những nguyên nhân có thể nói đã đóng vai trò chủ đạo trong việc khiến căng thẳng trên Biển Đông leo thang vài năm trở lại đây.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn tránh đề cập đến các chi tiết bất lợi cho mình, nhưng ông Parameswaran không hiểu tại sao Bắc Kinh có thể nghĩ rằng ASEAN sẽ chấp nhận một thỏa thuận về Biển Đông mà thiếu đi những từ khóa quan trọng như “quân sự hóa” hay “bồi đắp đất”.
Thứ ba, nội dung của Thỏa thuận 10 điểm nói trên cho thấy, việc ASEAN không chấp nhận dùng phiên bản của Trung Quốc để thay thế cho tuyên bố chung trước đó của họ là hoàn toàn dễ hiểu.
Trước khi bị “rút lại” (nhiều nguồn tin cho rằng thực chất tuyên bố chung ASEAN chưa từng được công bố), phiên bản của ASEAN đi thẳng vào các quan ngại của tổ chức này về Biển Đông, cũng như đưa ra các biện pháp giải quyết cụ thể hơn.
Trong khi đó, Thỏa thuận 10 điểm của Trung Quốc, theo ông Parameswaran, chẳng khác nào một bản copy của những quy tắc và quan điểm chung chung, không có giá trị thực tiễn.
Comments are closed.