Những ngày này tại thành phố Geneva-Thụy Sĩ đang diễn ra Phiên họp Kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Phiên họp tối quan trọng này sẽ tiến hành từ ngày 22/7 đến ngày 2/8/2024.
Phiên họp tại Geneva có nhiệm vụ xem xét các nguyên tắc và cách thức nhằm thúc đẩy việc thực thi, cũng như tính phổ quát của NPT, đưa ra các khuyến nghị cho Hội nghị Kiểm điểm NPT (dự kiến được tổ chức vào năm 2026 tại New York).
Việt Nam là thành viên NPT, tham dự cuộc họp này cùng đại diện các nước thành viên và các tổ chức quốc tế. Tại đây, Hà Nội đã nêu đề xuất quan trọng về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, khẳng định chính sách nhất quán về chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân. Trước tình hình diễn biến phức tạp về sự đối đầu quân sự giữa các cường quốc hạt nhân, Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường thực thi NPT, bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân.
Đề xuất của Việt Nam được các thành viên hết sức hoan nghênh. Cụ thể, Hà Nội khẳng định, chính sách nhất quán là: “Ủng hộ chống phổ biến tiến tới giải trừ toàn diện và triệt để vũ khí hạt nhân. Đề cao vai trò then chốt của NPT trong nỗ lực giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”.
Điểm đáng chú ý trong thông điệp của Việt Nam là, đề nghị các quốc gia thành viên thực hiện một cách cân bằng, toàn diện cả “Ba trụ cột” của NPT và phải được “sự tiến triển thực chất, không dừng lại ở những hô hào chung chung”. “Ba trụ cột” đó là: Không phổ biến; giải giới; quyền sử dụng kỹ thuật hạt nhân cho mục đích hoà bình.
Việt Nam kêu gọi các nước tham gia và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và cùng thúc đẩy Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện sớm có hiệu lực. Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng các nước thành viên tiếp tục có đóng góp tích cực tại cuộc họp để chuẩn bị hướng tới Hội nghị Kiểm điểm NPT sẽ diễn ra vào năm 2026.
Nhân loại sẽ không bao giờ quên sự kiện đau thương xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là vụ ném bom nguyên tử xuống lãnh thổ Nhật Bản. Hai quả bom nguyên tử do quân đội Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6 /8/1945 và ném xuống Nagasaki vào ngày 9/8/ 1945.
Thế nhưng phải gần 25 năm sau vụ ném hai quả bom rung chuyển thế giới này, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mới ra đời. Ngày 1/6/1968 được chọn là ngày khởi đầu tiến trình tham gia ký kết Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này được thiết lập nhằm mục đích hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân. Hiệp ước được 190 nước phê chuẩn và là một trong các Hiệp ước nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất trên thế giới.
Rồi phải mất một quãng thời gian khá dài nữa, gần 40 năm sau, ngày 19 9/2005, trải qua nhiều cuộc đàm phán tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc, một Tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên được công bố. Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ tất cả các hoạt động hạt nhân của mình, đồng thời tái gia nhập NPT.
Nhưng không làm sao hiểu nổi, ngay hôm sau, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ “không bỏ chương trình hạt nhân, cho đến khi có được một lò phản ứng hạt nhân dân sự”.
Chuyện quan trọng liên quan đến hòa bình thế giới mà họ thay đổi như trở bàn tay. Theo một báo cáo của Viện Khoa học và An ninh quốc tế, vào thời điểm ấy, dự tính lượng Plutonium dự trữ của Triều Tiên đủ để chế tạo từ 4 đến 13 quả bom hoặc đầu đạn hạt nhân.
Mục tiêu của Bình Nhưỡng là muốn gây áp lực, buộc Mỹ phải chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Khi đó Wassinghton buộc phải chấp nhận đàm phán và nhượng bộ về kinh tế và an ninh.
Không thể chần chừ, không thể chờ đợi lâu hơn, ngày 2/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết: Lấy ngày 29/8 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân. Mục đích của Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới là: Phải kiên quyết chấm dứt những vụ thử hạt nhân, coi đây là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu “bảo đảm thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Thế nhưng, đó vẫn chỉ là… Nghị quyết.
Trên thực tế, nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân hiện hữu tại “lục địa già” châu Âu, ở Triều Tiên và một số quốc gia. Vũ khí hạt nhân bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Trong đó loại vũ khí hạt nhân chiến lược được dùng để chỉ các vũ khí lớn với các mục tiêu phá hủy lớn như các thành phố. Còn vũ khí hạt nhân chiến thuật là các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn được dùng để phá hủy các mục tiêu quân sự, viễn thông hoặc cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng, phức tạp. Khi lãnh đạo các nước phương Tây tuyên bố về khả năng gửi quân tham chiến, Quân đội Nga đã không ngần ngại tuyên bố, diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật và không ngoại trừ khả năng phải dùng tới con bài cuối cùng (!). Điểm khác biệt lớn nhất của vũ khí hạt nhân chiến thuật so với cấp chiến lược là chúng có hiệu suất công phá nhỏ hơn (chỉ khoảng vài chục Kilotone). Chúng được thiết kế để sử dụng ngay trên chiến trường với tầm sát thương hiệu quả khoảng vài km tính từ tâm vụ nổ. Có điều, hiệu ứng hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật vượt rất xa so với các loại vũ khí thông thường.
Theo các nguồn tin tình báo, Mỹ hiện có kho vũ khí hạt nhân chiến thuật khoảng 20.000 đơn vị. Lầu Năm Góc đang sử dụng chúng như một biện pháp tăng cường răn đe chiến lược. Còn Nga có khoảng gần 2.000 đơn vị. Quân đội Nga đang tái trang bị hàng loạt đầu đạn hạt nhân chiến thuật để cân bằng với chiến lược hạt nhân mới của Mỹ, nhất là tại châu Âu.
Động thái nêu trên của Nga và Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã tạo ra cuộc chạy đua hạt nhân mới tại châu Âu. Và hậu quả nặng nề đang treo lơ lửng, một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẽ không có người chiến thắng cuối cùng trong chiến tranh.
Thế nên, những ý kiến đề xuất quan trọng của Việt Nam tại phiên họp “đầu bờ” là rất dũng cảm và là đóng góp lớn cho hòa bình thế giới.
H.Đ