Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMong các “Quý ông” hãy cư xử cho đàng hoàng, tử tế!

Mong các “Quý ông” hãy cư xử cho đàng hoàng, tử tế!

Thoả thuận giữa Philippines và Trung Quốc về những tranh cãi và va chạm tại Bãi Cỏ Mây được giới nghiên cứu cho rằng, đó là “Thỏa thuận giữa các Quý ông”. Nghe thì có vẻ sang trọng, nhưng gọi đúng tên phải là thứ “thỏa thuận không nuốt lời”.

Trước hết cần nhắc lại, vì sao lại phải có sự thỏa thuận về một “bãi cỏ” như vậy? Sao không đàm phán, không có giải pháp, có sự phân định dứt khoát?

Chưa thể ngồi với nhau bàn thảo cho thật kỹ lưỡng, khoa học, có bằng chứng rõ ràng để các bên tâm phục khẩu phục, cho nên Bắc Kinh và Manila mới chọn giải pháp tình thế…thỏa thuận. Vì rằng Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô đang có tranh chấp giữa “ba nước, bốn bên” là Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Nhưng khởi thủy là của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm giữ.

Hôm 21/7, sau khi thỏa thuận, cả Manila và Bắc Kinh đều giấu kín trong tay áo văn bản. Vì mục đích của hai bên nhắm tới là, xoa dịu vết thương đang mưng mủ tại Bãi Cỏ Mây (Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin và Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu).

Vì sự im lặng khó hiểu này mà các nhà quan sát thấy cần lên tiếng. Và họ đã tìm ra cụm từ “Thỏa thuận không nuốt lời”. Khi cần nói một cách nhã hơn thì gọi là “Thỏa thuận giữa các Quý ông” (gentlemen’s agreement). Đây không hẳn là một kiểu ngoại giao mới. Nó đã từng được vận dụng ở một số nơi trong những tình thế tạm hòa hoãn.

Trong kinh tế thì đây là một thỏa thuận hoặc giao dịch không chính thức, được đưa ra chỉ bằng sự thống nhất chung về mặt quan điểm của các đối tác tham gia. Đây trước sau chỉ là thoả thuận miệng, lời nói gió bay, không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy xét về mặt bản chất là không chính thức, nhưng việc vi phạm thỏa thuận không nuốt lời có thể có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ kinh doanh, nếu một bên quyết định rút lại lời hứa của họ.

Nghi ngờ thỏa thuận “cho vui” này, trong Thông cáo chung kết thúc cuộc họp tại Tokyo hôm 29/07, các ngoại trưởng bốn nước trong Bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) đã cam kết “Tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng”. Các bên bày tỏ ”quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Đông và mạnh mẽ lên án “mọi hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng” tại các vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Thông cáo này tránh nêu đích danh Trung Quốc là nước gây hấn.

Tại khu vực Bãi Cỏ Mây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã kéo dài từ lâu. Từ đầu năm 2023 cho tới nay thì sức nóng càng dữ dội. Philippines ngả hẳn sang Mỹ cũng một phần vì nguy cơ bị tấn công quân sự. Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần dùng chiến thuật đâm tàu, phun vòi rồng, chiếu tia laser vào mắt các thuỷ thủ của Philippines.

Sau Thỏa thuận, hai bên đang chờ đợi những gì? Có thể là Hải cảnh Trung Quốc sẽ bớt hung hăng hơn, ít nhất là từ nay đến cuối năm, tùy vao thái độ của Manila và tùy vào thời tiết chính trị. Ngược lại cả hai bên vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Họ giải thích các điều khoản của thỏa thuận theo những cách khác nhau, với những lý lẽ tù mù, thiếu minh bạch.

Hôm 22/7, bà Mao Ninh – Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – nói: Bắc Kinh đã đồng ý cho phép Manila tiếp tế nhu yếu phẩm cho nhân sự của họ trên tàu Sierra Madre “với tinh thần nhân đạo”. Bà giải thích với các nhà báo, nhiệm vụ tiếp tế đó chỉ có thể diễn ra nếu Philippines thông báo trước cho Trung Quốc và sau khi tiến hành xác minh tại chỗ. Trung Quốc sẽ giám sát toàn bộ quá trình tiếp tế.

Như vậy có nghĩa là cái dây trói đã nới lỏng nhưng vẫn trong tay ông chủ. Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) lập tức phản ứng, rằng nước này sẽ tiếp tục khẳng định các quyền ở Biển Đông. Manila lưu ý rằng, họ mới chỉ đạt được thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh, “không phải là nhượng bộ lập trường quốc gia”.

Lời lẽ vẫn rất cứng rắn, bởi Philippines đã cảm thấy mệt mỏi với áp lực bị đẩy lên từ phía Trung Quốc, không chỉ ở Bãi Cỏ Mây mà cả Bãi cạn Scarborough, cùng Bãi Sabin. Manila chờ đợi Washington nhưng Nhà Trắng vẫn chưa thể hiện sự ủng hộ qua hành động, mà chỉ là những tuyên bố theo hướng mập mờ chiến lược.

Thưa các bạn, Thoả thuận giữa Philippines và Trung Quốc khiến chúng tôi nhớ đến một thoả thuận tương tự giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 2011. Khi đó ông Nguyễn Phú Trọng vừa đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên và sang thăm Trung Quốc. Bắc Kinh và Hà Nội đã ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển.

Vấn đề cốt lõi của Thỏa thuận là: Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời,v.v..

Thỏa thuận thì “ngon lành” thế, nhưng sau đó không lâu, năm 2014, Bắc Kinh đã xổ toẹt. Họ đã đưa giàn khoan khủng Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cơ chế đường dây nóng liên lạc giữa hai Đảng đã tắt ngấm. Mọi lời cam kết đã “chìm sâu dưới đáy những gì đau thương”. Tuy đau nhưng Hà Nội đã tỉnh mộng trước dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Câu chuyện cách đây 10 năm của Việt Nam là gương tày liếp. Manila cần cảnh giác khi dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Không thể tin và không nên tin vào những cam kết của kẻ bất chấp luật pháp quốc tế và coi uy tín như một thứ phù du.

Mong các “Quý ông” hãy cư xử cho đàng hoàng, tử tế!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới