Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC: “bò” tới đâu rồi?

COC: “bò” tới đâu rồi?

COC: “bò” tới đâu rồi? Nội câu hỏi đó đã hàm ý tốc độ “rùa” của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, một văn kiện dầu chưa ra đời, nhưng là niềm hy vọng của tất cả để Biển Đông thật sự là một vùng biển hòa bình như mong muốn.

Cuộc họp thông báo kết quả AMM-57, tổ chức tại Jakarta, Indonesia

Câu hỏi trở lại đúng một năm, sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56, tổ chức ở Jakarta (Indonesia), vào trung tuần tháng 7 năm ngoái.

Thời điểm đó, dẫu không phải không có những hoài nghi, nhưng ít nhất cũng có tới 50% hy vọng trước các thông tin tích cực liên quan chương trình nghị sự, được phát ra từ ban tổ chức AMM-56.

Đành là một sự kiện quốc tế quan trọng tầm khu vực, cái gì mà chẳng quan trọng, nhưng dư luận và nhiều nhà quan sát, cả có mặt tại Jakarta trong vai trò quan sát viên trực tiếp, cũng như làm “quan sát viên” từ xa khi đó cũng vẫn cứ chúi vào câu chuyện Biển Đông. Dễ hiểu, liên quan tình hình khu vực ASEAN, Biển Đông vẫn là câu chuyện nóng. Đến nỗi, ngay thời điểm AMM-56 được tổ chức, các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã và đang “cãi nhau như mổ bò”. Và trớ trêu nữa là: sau bao nhiêu năm, trong các cuộc đấu khẩu, cái lý của bên nào cũng y nguyên, chẳng có gì mới. Mà mới sao được, khi mục tiêu của mỗi bên liên quan, trước sau cơ bản vẫn chỉ là khẳng định chủ quyền, rằng: của tôi cái này, của tôi cái kía, trong đó, ngang bướng nhất là Trung Quốc khăng khăng bám chặt yêu sách “đường 9 đoạn”.

Thế nên, khi có tin các bộ trưởng tại AMM-56 tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thì dư luận không quan tâm và phấn khởi sao được. Nhiều người càng trở nên hào hứng hơn khi Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm tới.

Theo tính toán với tiến độ đó, cũng lắm tới năm 2026, COC được thông qua. Có được COC, Biển Đông chưa hẳn hết chuyện, nhưng một vấn đề quốc tế mà có một bộ quy tắc giúp vãn hồi, xử lý, giải quyết được những cái căng thẳng nhất, cũng là tốt rồi.

Nhưng rồi câu chuyện liên quan COC gần như bị bỏ bẵng đi, chẳng được nhắc tới trong cả năm qua. Hai khả năng được đặt ra: những nhà đàm phán chán nản thật rồi chăng? Hay họ vẫn đang hối hả hoàn thành những việc cuối cùng để rồi loan ra kết quả khiến dư luận bất ngờ và sửng sốt?

Nhưng tới những ngày này, khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan đã loan ra kết quả, thì những người lạc quan nhất về COC cũng buộc phải chưng hửng, bi quan và cảm thấy là “hỏng hẳn”.

Ngày 30/7 vừa qua, Ban Thư ký ASEAN đã thông báo về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan tại một cuộc họp có đại diện của phái đoàn các nước tại ASEAN, các đối tác của ASEAN, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo các cơ quan báo chí quốc tế và Indonesia, nếu như câu chuyện Biển Đông nói chung và COC nói riêng có tín hiệu lạc quan mới, hẳn Tổng Thư ký ASEAN, ông Kao Kim Hourn giấu sao nỗi phấn khởi.

Tiếc là điều đó đã không xảy ra. Cho dù nhấn mạnh nhấn mạnh AMM-57 đã chứng tỏ các nước thành viên đề cao đoàn kết và tin cậy như một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của ASEAN; thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế số, chuyển đổi xanh, tăng cường kết nối khu vực về hạ tầng, thể chế và con người; khẳng định rằng, nhiều văn kiện, sáng kiến đã được thúc đẩy như Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Anh, Quỹ Tương lai số ASEAN-Ấn Độ, Sáng kiến Xanh và Gói kết nối bền vững ASEAN – EU…, nhưng liên quan đến câu chuyện Biển Đông, quan chức ASEAN này chỉ đề cập một cách dè dặt: Các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ quan điểm và lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, Myanmar, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và xung đột Nga – Ukraine…

Như vậy, một trong những cái khiến dư luận sốt ruột và hóng nhất, là tiến độ COC, đã không được đề cập trực tiếp. Điều đó có nghĩa gì? Võ đoán thôi, nhưng nhiều khả năng, các bên liên quan, nhất là Trung Quốc và những quốc gia liên quan trực tiếp vấn đề Biển Đông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để hóa giải những điểm tắc trong quá trình xây dựng COC, như: phạm vi áp dụng COC (áp dụng với toàn bộ Biển Đông hay chỉ với những khu vực mà Tòa Trọng tài (PCA) cho là có tranh chấp; tính ràng buộc pháp lý đến đâu; những hành vi nào gây quan ngại cần phải hạn chế…Và đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp là như thế nào, mang tính song phương hay đa phương?

Tóm lại, cho dù về ý chí, cả 10 nước ASEAN và Trung Quốc cùng hô to quyết tâm, nhưng về thực tiễn, trước hàng loạt vấn đề còn tranh cãi, chưa thể thỏa thuận, việc xây dựng và đàm phán COC tăng tốc sao được?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới