Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiểm nhấn trong lập trường đối ngoại của bà Harris

Điểm nhấn trong lập trường đối ngoại của bà Harris

Lập trường đối ngoại của Phó Tổng thống Kamala Harris đang thu hút sự chú ý lớn sau khi ông Biden rút lui khỏi chiến dịch tranh cử.

Bà Harris trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên ở bang Milwaukee.


Theo New York Times, nhiều cựu lãnh đạo chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ tuần này đã lên tiếng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trong nỗ lực tranh cử Nhà Trắng của bà, bất chấp việc bà chưa có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao. Ngoài ra, cả Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã lên tiếng đề cử bà cho vị trí ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ.

Trong tình hình đó, lập trường về chính sách đối ngoại, nhất là các vấn đề quan trọng như khủng hoảng Gaza, xung đột tại Ukraine hay tầm nhìn về quan hệ với Trung Quốc của bà Harris đang nhận được chú ý lớn.

Cuộc chiến ở Dải Gaza
Nhìn chung, bà Harris đồng quan điểm với ông Biden về việc Mỹ cần ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas ở Dải Gaza. Bà khẳng định lập trường của chính quyền hiện tại rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng lên tiếng gay gắt hơn ông Biden về nỗi đau mà người dân Gaza đang phải chịu.

“Những gì đã xảy ra ở Gaza trong 9 tháng qua thật quá tàn khốc”, bà Harris nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 25/7.

“Hình ảnh trẻ em thiệt mạng và những người dân tuyệt vọng, đói khát chạy trốn để tìm nơi an toàn, đôi khi phải di dời lần thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư – chúng ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những thảm kịch này”, bà nói thêm, nhấn mạnh rằng “Tôi sẽ không im lặng”.

Bà Harris không tham dự bài phát biểu của Thủ tướng Israel Netanyahu trước Quốc hội Mỹ hôm 24/7, nhưng lên án những người biểu tình đốt cờ Mỹ và vẽ graffiti với thông điệp chống Israel gần Điện Capitol. Sau khi gặp ông Netanyahu, bà đã bày tỏ sự ủng hộ với gia đình của những con tin người Israel bị Hamas bắt giữ kể từ vụ tấn công ngày 7/10.

Vào tháng 3, bà kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza”, mô tả tình hình hiện tại là một thảm họa nhân đạo. Phó Tổng thống cũng lên tiếng phản đối cuộc tấn công vào Rafah của Israel, với lý do thiếu nơi trú ẩn cho những người dân phải di dời.

Xung đột tại Ukraine
Theo New York Times, sự ủng hộ hết mình của bà Harris dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là một sự tương phản rõ nét với lập trường của ông Trump và sẽ là bàn đạp quan trọng cho bà trong vị thế toàn cầu.

Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, bà Harris cũng tuyên bố rằng bà và ông Biden cam kết hỗ trợ cho Ukraine “tới chừng nào có thể”.

Khoảng 2 tuần trước cuộc tranh luận giữa Tổng thống Biden với ông Trump, bà Harris đã thay mặt cho Tổng thống tham dự Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ, nơi bà kêu gọi một “nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Cho đến nay, Điện Kremlin vẫn giữ im lặng về chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Harris. Người phát ngôn Dmitry Peskov nhận định Phó Tổng thống có “lời lẽ không thân thiện” nhưng Nga vẫn chưa thể chính thức đánh giá lập trường tranh cử của bà.

Châu Á – Thái Bình Dương
Bà Harris đã đề cập đến những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với các đồng minh và lợi ích của Mỹ tại Châu Á. Trong bài phát biểu năm 2021 tại Singapore, bà đã chỉ trích các hành động hàng hải của Trung Quốc, bao gồm cả cách đối xử với đội tàu đánh cá của các quốc gia khác và việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bà cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng Bắc Kinh vẫn tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra yêu sách đối với phần lớn Biển Đông”.

Năm 2022, trên một tàu của Hải quân Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, bà Harris đã tái khẳng định chính sách không chính thức của Hoa Kỳ là ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc), tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Đài Loan, phù hợp với chính sách lâu dài của chúng tôi”.

Nhìn chung, các chuyên gia cho biết, chính sách của bà đối với Trung Quốc khó có thể khác biệt đáng kể so với ông Biden.

“Theo một cách nào đó, chính sách Trung Quốc của ông Biden phản ánh sự đồng thuận của đảng Dân chủ. Tôi không nghĩ bà Kamala Harris sẽ có chính sách Trung Quốc khác biệt đáng kể. Tôi thực sự nghĩ rằng cấu trúc đã khá ổn định”, Rick Waters, cựu lãnh đạo Văn phòng Điều phối Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.

Ngoài Trung Quốc, quan điểm của bà Harris đối với Ấn Độ cũng là chủ đề được nhắc đến nhiều. Foreign Policy đánh giá Ấn Độ là một trong những điểm sáng nhất trong các mối quan hệ song phương của chính quyền ông Biden, với việc Washington ngày càng coi nước này là đối trọng quan trọng với Trung Quốc và là đối tác chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Quốc phòng và công nghệ là những trụ cột đặc biệt vững chắc của mối quan hệ Mỹ – Ấn Độ, khi một số thỏa thuận và sáng kiến ​​được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington vào năm ngoái.

Cũng như các quan hệ đối tác và khu vực khác, các chuyên gia cho biết chính sách Ấn Độ của bà Harris khó có thể khác biệt đáng kể so với ông Biden. Mối quan hệ Mỹ – Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ đáng tin cậy của lưỡng đảng trong nhiều thập kỷ, kể cả dưới thời ông Trump, và vẫn rất quan trọng đối với cả hai bên nên sẽ không có thay đổi đáng kể.

Vấn đề nhập cư
Khi nhậm chức, ông Biden đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế biên giới phía nam do ông Trump đưa ra. Những thay đổi này, cùng với xu hướng di cư toàn cầu, đã dẫn đến việc gia tăng số lượng người di cư không có giấy tờ vượt biên từ Mexico. Ông Biden giao cho bà Harris nhiệm vụ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư ở Trung Mỹ, bao gồm đói nghèo, tội phạm và tham nhũng.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Phó Tổng thống tới Guatemala vào năm 2021, bà Harris đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc điều tra tình trạng tham nhũng ở quốc gia này và cảnh báo những người di cư tiềm năng rằng, “Đừng đến Mỹ”.

Đảng Cộng hòa đã đổ lỗi cho bà Harris về số lượng người di cư vượt biên cao. Vào tháng 3, bà thừa nhận nhu cầu cải cách nhập cư, nhận định rằng, “Chúng tôi rất rõ ràng, và tôi nghĩ hầu hết người Mỹ đều rõ ràng, rằng chúng ta đang có một hệ thống nhập cư hỏng hóc và chúng ta cần phải sửa chữa nó”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới