Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Mexico dần ‘quay lưng’ với TQ

Vì sao Mexico dần ‘quay lưng’ với TQ

Trong khi Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất tại Mexico khi đầu tư tăng gấp bốn lần trong bốn năm qua, Mỹ vẫn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của nước này, chiếm khoảng 40% trong tổng số 40 tỷ USD.


Dần “quay lưng” với Trung Quốc
Do nỗ lực trừng phạt Trung Quốc của Mỹ và chính sách sản xuất “gần bờ” của nước này, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Washington. Mexico hiện cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ.

Bất chấp sự gia tăng đầu tư từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, về lý thuyết là một lợi thế kinh tế, vào tháng 5, Mexico đã quyết định áp thuế từ 5 – 50% đối với hơn 500 sản phẩm từ các quốc gia không có thỏa thuận thương mại tự do với nước này, bao gồm cả Trung Quốc, qua đó tác động đến khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mexico.

Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, trong chuyến thăm Mexico, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellin đã kêu gọi chính quyền Mexico “minh bạch” nguồn gốc đầu tư nước ngoài và đầu vào lắp ráp tại nước này, nhằm bảo vệ “an ninh quốc gia Mỹ”.

Trong khi áp lực của Mỹ đóng vai trò lớn nhất trong việc ra quyết địch áp thuế, Mexico cũng thực hiện các biện pháp này nhằm đảo ngược tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mexico Rogelio Ramirez de la O phàn nàn rằng “Trung Quốc bán cho chúng tôi chứ không mua từ chúng tôi. Đây không phải là thương mại có đi có lại”. Số liệu công bố cho thấy lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao gấp khoảng chín lần lượng hàng xuất khẩu từ Mexico.

Đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ đã thống nhất việc ngăn chặn Trung Quốc trốn tránh lệnh trừng phạt thông qua đầu tư và xuất khẩu sang Mexico.

Ý định mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Mexico của các công ty Trung Quốc đặc biệt khiến các nhà lập pháp Mỹ lo ngại, họ cho rằng đây là một nỗ lực nhằm lợi dụng hiệp định thương mại giữa Mexico với Mỹ và Canada.

Nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, BYD của Trung Quốc, đã đàm phán với các tiểu bang khác nhau ở Mexico để xây dựng nhà máy mới mà BYD dự kiến ​​sẽ tạo ra 10.000 việc làm. Hiện tại, chỉ có một nhà máy sản xuất ô tô nhỏ của một thương hiệu Trung Quốc tại Mexico được tài trợ bởi vốn của Mexico.

Mỹ gần đây đã chú ý tới các sản phẩm thép và nhôm của Mexico. Vào ngày 10/7, Nhà Trắng đã công bố rằng thuế quan lần lượt là 25% và 10% sẽ được áp dụng đối với kim loại từ Mexico nếu quốc gia này không chứng minh được rằng kim loại đó hoàn toàn có nguồn gốc từ Mexico. Nhà Trắng cho biết thêm rằng Mexico sẽ phải trả mức thuế 10% đối với các sản phẩm nhôm đã được nấu chảy hoặc đúc tại Trung Quốc.

Những biến động khó lường trước
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí BusinessWeek vào tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Có điều gì đó thực sự tồi tệ đang xảy ra ở Mexico. Trung Quốc đang xây dựng những nhà máy ô tô khổng lồ. Họ sẽ khiến UAW (công đoàn công nhân ô tô) mất việc. Họ đang xây dựng chúng ở Mexico để sản xuất ô tô bán ở Mỹ, chúng ta được lợi gì từ điều này?”.

“Chính sách sản xuất ‘gần bờ’ ở Mexico sẽ không được áp dụng vào thời của tôi, bạn biết tại sao không? Mọi người đều chuyển đến Mexico. Họ đang xây dựng ở Mexico, họ không phải trả thuế và họ đang bán chúng ở Mỹ. Thậm chí sẽ không có ngành công nghiệp ô tô nếu tôi không ngăn chặn điều đó”, ông Trump nêu rõ.

Ông Trump tiếp tục đề xuất rằng nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 này, ông sẽ áp dụng mức thuế chung là 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến Mexico nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump vào ngày 20/7 tại Grand Rapids, Michigan, ông Trump cho biết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông (từ năm 2017-2021), chính phủ Mexico đã trao cho ông “mọi thứ ông muốn” trong các cuộc đàm phán về các vấn đề như thương mại và di cư.

Đáp lại lời đe dọa áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mexico của ông Trump, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết: “Những gì họ nói với bạn rằng ô tô có thể được sản xuất tại Mỹ có nghĩa là trung bình mỗi chiếc ô tô được bán tại Mỹ sẽ khiến công dân Mỹ tốn thêm từ 15.000 – 20.000 USD”.

Ông nhấn mạnh rằng mức giá cao sẽ không được các công ty, nhà đầu tư hoặc người lao động chấp nhận, điều này chẳng khác gì một suy nghĩ viển vông.

Dù vậy, sự mơ hồ về các chính sách tron tương lai đã khiến các nhà đầu tư thay đổi chiến lược. CEO Tesla Elon Musk hiện đang tạm dừng xây dựng nhà máy xe điện (EV) trị giá hàng tỷ USD ở Monterrey, đông bắc Mexico cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ.

Hy vọng của Mexico rằng các rào cản thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến các công ty chuyển đến Mexico và đổ nguồn lực vào nền kinh tế đang nhanh chóng tan biến.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ triển vọng tăng trưởng của Mexico lần thứ hai, hiện dự kiến ​​sẽ đạt 2,2% vào cuối năm. Các công ty phân tích và quỹ đầu tư cũng đã làm như vậy, vì vậy dự báo 2,5% của chính phủ đang ngày càng xa vời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới