Saturday, November 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới“Sông bay” là thế nào?

“Sông bay” là thế nào?

Theo các nhà khoa học, có một loại bão được gọi là sông khí quyển hoặc sông bay, đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. “Sông bay” là những dải hơi nước khổng lồ, được sinh ra ở các đại dương ấm khi nước biển bốc hơi.

Mưa lớn và lũ lụt đã tác động tới một số khu vực ở Ấn Độ trong những tuần gần đây, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng nghìn người khác phải di dời. Lũ lụt không phải là chuyện hiếm ở Ấn Độ hay khu vực Nam Á vào thời điểm này trong năm khi khu vực hứng một lượng mưa lớn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến mưa gió mùa thất thường hơn, với lượng mưa lớn trong một khoảng thời gian ngắn rồi tiếp theo đó là thời kỳ khô hạn kéo dài.

Theo BBC, các nhà khoa học cho biết, có một loại bão còn được gọi là sông khí quyển hoặc sông bay, đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. “Sông bay” là những dải hơi nước khổng lồ, được sinh ra ở các đại dương ấm khi nước biển bốc hơi.

Hơi nước tạo thành một dải hoặc một cột ở phần dưới của khí quyển và di chuyển từ vùng nhiệt đới đến các vĩ độ lạnh hơn rồi rơi xuống dưới dạng tuyết hoặc mưa, đủ sức tàn phá để gây ra lũ lụt hoặc lở tuyết chết người.

Những “con sông trên trời” mang theo khoảng 90% tổng lượng hơi nước, di chuyển qua vĩ độ trung bình của Trái đất và có lưu lượng dòng chảy thường xuyên gấp 2 lần Amazon – con sông lớn nhất thế giới tính theo lượng nước xả.

Khi Trái đất nóng lên nhanh hơn, các con sông khí quyển này trở nên dài hơn, rộng hơn và dữ dội hơn, khiến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới có nguy cơ bị lũ lụt.

Tại Ấn Độ, các nhà khí tượng học cho rằng sự nóng lên của Ấn Độ Dương đã tạo ra “những con sông bay”, ảnh hưởng đến lượng mưa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature năm 2023, tổng cộng có 574 con sông khí quyển xảy ra trong mùa gió mùa ở Ấn Độ từ năm 1951 đến năm 2020, với tần suất các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy tăng theo thời gian. Báo cáo cho biết: “Trong hai thập niên qua, gần 80% các con sông khí quyển nghiêm trọng nhất đã gây ra lũ lụt ở Ấn Độ”.

Một nhóm nhà khoa học của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và Đại học California, những người tham gia vào nghiên cứu, cũng phát hiện ra rằng 7 trong số 10 trận lũ lụt nghiêm trọng nhất của Ấn Độ trong mùa gió mùa từ năm 1985 đến năm 2020 có liên quan đến sông khí quyển. Nghiên cứu cho thấy, sự bốc hơi từ Ấn Độ Dương đã tăng đáng kể trong những thập niên gần đây, tần suất các sông khí quyển và lũ lụt do chúng gây ra đã tăng lên khi khí hậu ấm lên.

Một con sông khí quyển trung bình dài khoảng 2.000km, rộng 500km và sâu gần 3km. Hiện nay, các con “sông bay” đang rộng hơn và dài hơn, một số dài hơn 5.000km. Tuy nhiên, chúng vô hình với mắt người.

Brian Kahn, nhà nghiên cứu khí quyển tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA cho biết, chỉ có thể nhìn thấy sông bay bằng tần số hồng ngoại và vi sóng.

Các nghiên cứu toàn cầu đã chỉ ra rằng hơi nước trong khí quyển đã tăng tới 20% kể từ những năm 1960. Các nhà khoa học đã liên kết các con sông khí quyển với khoảng 56% lượng mưa cực đoan (mưa và tuyết rơi) ở Nam Á, mặc dù có rất ít nghiên cứu về khu vực này. Ở Đông Nam Á, đã có nhiều nghiên cứu chi tiết hơn về mối liên hệ giữa các con sông khí quyển và mưa lớn liên quan đến gió mùa.

Do nguy cơ lũ lụt thảm khốc và lở đất mà chúng có thể gây ra, các dòng sông khí quyển đã được phân loại dựa trên kích thước và sức mạnh của chúng – giống như bão.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới