Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột bộ phận thanh niên Campuchia hiểu chưa đúng về Việt Nam

Một bộ phận thanh niên Campuchia hiểu chưa đúng về Việt Nam

Campuchia là quốc gia láng giềng có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và có đường biên giới trên đất liền dài 1.137 km. Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa hai nước có nhiều giai đoạn thăng trầm.

Bộ đội Việt Nam giúp người dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pốt.

Nhìn từ góc độ lịch sử thế giới, sự thù hận giữa các quốc gia về cơ bản là do chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ. Điển hình như Trung Quốc và Nhật Bản, với chiến tranh càng khốc liệt, hận thù càng sâu sắc. Mặc dù quân đội Việt Nam từng đổ bao xương máu ở Campuchia để giúp họ chấm dứt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nhưng thay vì biết ơn, một bộ phận giới trẻ Campuchia hiện nay lại coi đó là sự xâm chiếm và thể hiện thái độ bài trừ người Việt!.

Lịch sử tranh chấp

Lịch sử Việt Nam và Campuchia có sự đối đầu dai dẳng, đặc biệt là việc Đế quốc Khmer hùng mạnh đang dần suy yếu vào thế kỷ XIV. Song song với đó là sự trỗi dậy của Đại Việt mà điển hình là quá trình Nam tiến mở rộng lãnh thổ của cư dân và chính quyền thời chúa Nguyễn. Đến giữa thế kỷ XVIII, người Khmer đã để mất nhiều vùng lãnh thổ, bao gồm cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tờ báo của Campuchia sau này đã nhấn mạnh, đây là hành vi cướp đất của Việt Nam và khiến cho không ít người Campuchia có suy nghĩ tiêu cực về đất nước láng giềng.

Có một sự thật rõ như ban ngày, việc mở rộng non sông, bờ cõi là một đường lối phát triển tất yếu của các quốc gia, của xã hội loài người. Nó cũng giống như cách mà trước đây người Campuchia sử dụng để tạo nên Đế chế Khmer đạt đỉnh cao và trở thành đế chế lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ XII, với việc quản lý một vùng đất rộng tới 1.200.000 km². Vì thế mà người Campuchia thường có câu “Cây thốt nốt mọc đến đâu, đất của người Cam sẽ trải dài đến đó”. Trong khi sử sách Việt Nam cũng có cách gọi hào hùng hơn về việc mở rộng bờ cõi đó là “mang gươm đi mở nước”. Do đó, bất kỳ một quốc gia nào cũng ít nhiều có hằn thù với các nước láng giềng bởi những hiềm khích không thể tránh khỏi trong quá trình xác định biên giới bờ cõi.

Đối với người Cam, việc đế chế Khmer rộng lớn khi xưa bị mất chắc chắn là một lịch sử đau thương. Điều này cũng giải thích cho việc tại sao Campuchia chưa bao giờ hết xích mích với người Thái và cũng không hoàn toàn tin tưởng người Việt Nam.

Ngoài ra, sự đối lập văn hóa giữa hai nước với Việt Nam thuộc vùng văn hóa Đông Á, trong khi Campuchia thuộc vùng văn hóa Ấn Độ cũng là yếu tố dẫn tới sự bất hòa. Các tổ chức chống phá tại đây đã nhiều lần lợi dụng vấn đề này để kích động người dân và khiến họ nghĩ rằng, người Việt Nam chỉ mang lại những điều bất hạnh và đau khổ cho người Khmer.

Thời kỳ tiếp theo, mặc dù người dân Campuchia có ghi nhận sự giúp đỡ của người Việt Nam trong việc Campuchia giành độc lập từ Pháp, nhưng họ cũng chỉ trích rằng Việt Nam đã lợi dụng đất đai của người Campuchia vào công cuộc chống Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Điều này dẫn đến việc quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa phát động chiến dịch Campuchia nhằm tiêu diệt lực lượng quân giải phóng hoạt động bí mật tại đất nước này. Nó cũng khiến nhiều khu vực của xứ sở Chùa Tháp bị quân Mỹ ném bom nặng nề. Đỉnh điểm hơn nữa là vào ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ theo chủ nghĩa cộng sản toàn trị do Đảng Cộng sản Campuchia lãnh đạo, đã chiếm thủ đô Phnom Penh và bắt đầu thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1979, Campuchia trải qua một trong những thảm kịch diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Hình ảnh những cánh đồng chết trở thành biểu tượng của sự tàn bạo tột cùng. Đây là những nơi mà hàng triệu người Campuchia đã bị giết hại và chôn xác tập thể tại một địa điểm. Ước tính có hơn 3 triệu dân vô tội đã thiệt mạng trong thời kỳ này.

Song song với việc tàn sát trong nước, Khmer Đỏ còn tìm cách tấn công sang các nước láng giềng. Một mặt chúng tuyên bố muốn hòa bình với các nước nhưng lại liên tục gây ra các cuộc đụng độ ở biên giới. Nghiêm trọng nhất là các cuộc tấn công sang vùng biên giới Tây Nam của Việt Nam. Chúng liên tục tấn công, đốt phá nhà cửa, chùa chiền và thảm sát dân thường trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1976, có thể kể đến những vụ tàn sát kinh hoàng tại Tân Lập, tỉnh Tây Ninh hay Ba Chúc, tỉnh An Giang.

Trước tình hình đó, vào ngày 25/12/1978, quân đội Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng. Việc đánh bại Khmer Đỏ đã được thực hiện xong từ năm 1979, nhưng do tàn quân của chúng vẫn còn tồn tại và đe dọa chính phủ mới tại Phnom Penh, nên Việt Nam phải đóng quân ở đây trong suốt 10 năm tiếp theo trước sự ngỏ lời của chính quyền mới.

Cần khẳng định rằng, đây là một cuộc chiến chính nghĩa để giải phóng quốc gia láng giềng anh em và giúp nước bạn xây dựng lại trật tự xã hội.

Người Việt ở Campuchia

Đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống thủy lợi của nó bao gồm cả hồ Tonlé Sap là một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới. Vào thế kỷ XVIII, nó trở thành nơi hội tụ của các nhóm dân tộc Việt, Khmer, Chăm và người Hoa.

Nhưng từ đầu thế kỷ XIX, người Việt ngày càng chiếm ưu thế và gia tăng sức ảnh hưởng tại đây. Đặc biệt, chế độ bảo hộ của Pháp còn gây ra một số vấn đề, trong đó họ khuyến khích người Việt Nam, những người mà họ cho là chăm chỉ hơn, di cư sang Campuchia để làm việc trên các đồn điền cao su hoặc làm công chức nhà nước. Đến năm 1950, người Việt Nam chiếm gần 1/3 dân số Phnom Penh. Sau khi Campuchia và Việt Nam giành được độc lập khỏi Pháp, người Việt Nam ở Campuchia và người Khmer ở miền Nam Việt Nam, thường được nước bạn gọi là Khmer Krom, đã trở thành một thách thức lớn đối với hai quốc gia mới khi họ cố gắng xây dựng sự đoàn kết dân tộc.

Biên giới kế thừa từ chính quyền thực dân Pháp chỉ đơn giản là chia đôi Đồng bằng sông Cửu Long mà không tính đến địa lý bản sắc dân tộc rối ren của khu vực. Thế nên, ân oán cũ dần chuyển thành hận thù. Cho đến tận ngày nay, nhiều người Campuchia vẫn coi người Việt sinh sống tại Tonlé Sap là cái gai trong mắt.

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, từ năm 1955 – 1963, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao và quân sự với Campuchia, có khoảng 500.000 người Khmer ở miền Nam Việt Nam đã buộc phải Việt hóa tên của họ. Trong khi cho đến cuối những năm 1960, vẫn còn hơn nửa triệu người Việt đang sinh sống ở Campuchia. Dù ông Diệm cố gắng lôi kéo họ chuyển về Việt Nam bằng việc cung cấp đất đai ở khu vực biên giới như một cách để hạn chế sự xâm nhập của những người cộng sản qua Campuchia, nhưng họ vẫn muốn ở lại vì đã quá gắn bó với lối sống ven sông Mekong và hồ Tonlé Sap.

Tuy nhiên, hầu hết những người này đều đã chạy trốn khỏi cuộc thanh trừng diễn ra sau cuộc đảo chính tháng 3/1970 của tướng Campuchia Lon Nol. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người gốc Việt từng tháo chạy đã quay trở về Tonlé Sap, nhưng việc trở lại lần này lại biến họ thành những người nhập cư bất hợp pháp.

Năm 2013, có khoảng 14.000 người gốc Việt sinh sống trong các xóm nổi trên khu vực biển hồ. Chỉ một số ít có điều kiện sống trong những ngôi nhà sàn kiên cố, còn lại phần lớn người Việt lại sống lay lắt trong những chiếc ghe thuyền tạm bợ. Cuộc sống lênh đênh sông nước rất khó khăn và vất vả.

Năm 2019, chính quyền xứ sở Chùa Tháp đã di dời khoảng 4000 gia đình gốc Việt tại đây đến một khu vực trên đất liền. Động thái này vấp phải nhiều chỉ trích của người dân bản địa vì họ cho rằng Campuchia đang nhường đất cho người Việt Nam. Từ đó, càng củng cố thêm nghi ngờ về việc chính quyền Phnom Penh là con rối của “anh bạn hàng xóm”. Thực ra tin đồn này bắt nguồn từ những năm 1980 khi Chính phủ Campuchia lúc đó được cho là không thể hoạt động độc lập trước ảnh hưởng của Việt Nam, mặc dù không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho điều đó. Đây cũng là lý do mà những người dân gốc Việt làm nghề chài lưới ở Tonlé Sap bị một số người dân bản xứ nhìn nhận như kẻ thù, chứ không phải là những người nhập cư đến để làm ăn sinh sống.

Trong thế kỷ XXI, tình cảnh bài Việt thỉnh thoảng cũng bùng lên ở Campuchia, phần lớn là do người dân nước này lo sợ một ngày nào đó người hàng xóm sẽ chiếm đất của họ. Một số chính trị gia đối lập vẫn tiếp tục khai thác vấn đề này để biện minh cho sự căm ghét của họ đối với người Việt. Nó được thể hiện bằng các cuộc tấn công chống lại người Việt Nam, dẫn đến việc hãm hiếp và sát hại một số người Việt tại xứ sở Chùa Tháp.

Một trong những ví dụ trước đây về tình cảnh chống Việt Nam ở Campuchia là một loạt các cuộc biểu tình diễn ra từ tháng 7/2013 – 7/2014. Những người biểu tình tập trung chủ yếu ở Thủ đô Phnom Penh để chống lại chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Họ không chỉ yêu cầu tăng mức lương tối thiểu lên 160 USD/tháng, mà còn cho rằng Việt Nam đã đưa công dân sang để bỏ phiếu thay cho họ.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng một phần bị thúc đẩy bởi nhận thức về tham nhũng, thiếu tự do và chất lượng cuộc sống yếu kém, khi Campuchia đứng gần cuối bảng xếp hạng quốc tế trong việc đo lường các chỉ số về hạnh phúc. Sự kiện này dẫn đến nỗi sợ hãi giữa các công ty và nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bị lục soát và cướp bóc bởi những người cực đoan, và khiến cho một người đàn ông gốc Việt thiệt mạng. Đỉnh điểm là một số người đã đốt cháy cờ và tiền giấy Việt Nam. Họ còn kêu gọi chính phủ Campuchia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tẩy chay hàng hóa và kiện Việt Nam ra tòa để đòi lại vùng đất Khmer Krom, tức Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vẽ lại bản đồ phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Từ năm 2012 – 2014, khu vực biên giới phía Tây Nam Việt Nam thường xuyên bị nhiều người Cam kéo đến kích động và phá rối. Ngoài ra, các nhà hoạt động đảng đối lập còn yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam công nhận Đồng bằng sông Cửu Long là lãnh thổ cũ của Campuchia và lên tiếng xin lỗi về hành vi cướp đất. Ngày 9/7/2014, Đại sứ quán đã ra tuyên bố kêu gọi Campuchia tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời thẳng thắn từ chối xin lỗi.

Như vậy có thể thấy, một bộ phận người dân tộc Khmer có nhận thức không đúng về cộng đồng người Việt do cảm giác thù địch cộng đồng dai dẳng từ lịch sử mở rộng lãnh thổ của người Việt Nam trong quá khứ, cũng như những đảng đối lập dùng vấn đề lãnh thổ để kích động người dân và dùng nó như một quân bài chính trị.

Sự chênh lệch về kinh tế

Cùng với lý do lịch sử, sự chênh lệch về kinh tế cũng góp phần khiến người Campuchia không thiện cảm với người Việt. Kể từ khi đế chế Khmer sụp đổ, Việt Nam đã chiếm ưu thế về kinh tế. Ngay cả khi hai nước đều bị tàn phá như nhau vào cuối Chiến tranh Đông Dương, những cuộc cải cách của Việt Nam vào năm 1986 đã nhanh chóng tái phát triển đất nước. Kết quả, nền kinh tế Việt Nam ngày càng toàn cầu hóa và mở rộng, cũng như dần khẳng định vị thế ở Đông Nam Á. Nhưng điều này lại vô tình gây bất bình cho người dân xứ sở Chùa Tháp, khi họ vốn luôn tin rằng Việt Nam đã gây ra tội lỗi đối với dân tộc Campuchia.

Về mặt văn hóa, Việt Nam cũng có danh tiếng lớn hơn và ngày càng cởi mở hơn, trong khi Phnom Penh vẫn còn sống trong niềm tự hào lịch sử. Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào năm 2023, Việt Nam có tổng sản phẩm quốc nội đạt 433.7 tỷ USD và GDP/người là 4.324 USD, còn Campuchia có tổng sản phẩm quốc nội chỉ là 41.86 tỷ USD và GDP/người là 2.461 USD.

Gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc

Kể từ những năm 1990, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã bắt đầu được cải thiện. Cả hai đều là thành viên của các tổ chức khu vực đa phương như ASEAN và Hợp tác Mê Kông – Sông Hằng, đồng thời đôi bên cũng mở cửa và phát triển thương mại thường xuyên qua biên giới. Tính đến năm 2021, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 10 tỷ USD.

Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện có gần 200 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là khoảng 2,9 tỷ USD và duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN, cũng như nằm trong nhóm năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Hoạt động đầu tư của Việt Nam có mặt trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, viễn thông, ngân hàng, dịch vụ tài chính, công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hàng không và du lịch. Các doanh nghiệp không chỉ đầu tư kinh doanh hiệu quả mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Campuchia.

Mặc dù vậy, hoạt động đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ở xứ sở Chùa Tháp vẫn còn một số hạn chế và thách thức như kết quả đầu tư chưa tương xứng với quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn và mang tính chiến lược, chưa tạo ra sự bứt phá trong hợp tác và một số dự án đã triển khai còn gặp vướng mắc không giải quyết được.

Kể từ năm 2010, quan hệ hai nước bắt đầu xuất hiện những rạn nứt bởi sự xuất hiện của Trung Quốc. Trong thời gian đầu, Bắc Kinh đã xóa phần lớn khoản nợ của Campuchia và cấp những khoản vay mới để xây dựng các tòa nhà chính phủ, trùng tu đền Angkor Wat, cũng như xây dựng các cây cầu bắc qua sông Mê Kông và hồ Tonlé Sap.

Sau khi lấy được lòng tin của người dân và chính quyền Phnom Penh, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng mối quan hệ chặt chẽ với Campuchia nhằm tiếp cận các cảng biển có thể cho phép họ khai thác trữ lượng dầu ở Vịnh Thái Lan. Việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia vào năm 2012 đã mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Tính đến năm 2021, đất nước tỷ dân đã đầu tư tổng cộng 17,3 tỷ USD vào xứ sở Chùa Tháp, tương đương khoảng 44,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nước này.

Con số này cũng tương đương với các khoản mà Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, không bao gồm khoảng 24 tỷ USD Hồng Kông và hơn 33 tỷ USD của Đài Loan. Nó cũng chưa bao gồm những dự án trị giá nhiều tỷ đô thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh đang đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian sắp tới. Ước tính có khoảng 70% số đường xá và cầu cống ở xứ sở Chùa Tháp được Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Điều này dẫn đến việc Campuchia nhiều lần quay lưng với ASEAN để ủng hộ Trung Quốc.

Chẳng hạn như năm 2016, đây là quốc gia duy nhất trong khu vực đưa ra lập trường có lợi cho Bắc Kinh tại một cuộc họp của ASEAN nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hành động của Phnom Penh đã dập tắt sự kỳ vọng của các nhà quan sát khi cho rằng cuộc họp sẽ đưa ra một tuyên bố chung nhằm chỉ trích quan điểm của Trung Quốc.

Thức lâu mới biết đêm dài: Gần đây, với sự gia tăng của dòng người nhập cư Trung Quốc đã chiếm lĩnh thị trường làm việc của người lao động ở Campuchia, người dân ở xứ sở Chùa Tháp đang có phản ứng dữ dội và quay sang chống Trung Quốc.

Họ chỉ trích việc chính phủ đã thông qua các dự án đầu tư của nước ngoài để giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp, nhưng trên thực tế các nhà đầu tư đại lục lại chỉ muốn sử dụng lao động người Trung. Cùng với các dự án và hợp đồng được ký kết, lao động từ Trung Quốc tràn sang Campuchia rất đông nên rất khó kiểm soát, thậm chí còn làm gia tăng tình trạng bất ổn, các hoạt động tội phạm như đánh bạc, buôn người và buôn bán chất cấm.

Ngoài ra, các công ty của người Hoa đang phát triển và đầu tư vào Campuchia cũng có xu hướng khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước này, điển hình là khai thác gỗ và động vật hoang dã. Hiện nay, những cáo buộc về các giao dịch mờ ám liên quan đến những thành viên chính phủ Campuchia và các công ty Trung Quốc vẫn đang gia tăng đều đặn. Nhiều người còn bày tỏ sự phẫn nộ với đất nước tỷ dân vì họ từng ủng hộ Khmer Đỏ, vốn gây ra nạn diệt chủng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Campuchia. Cùng với việc chính phủ nhà nước ưu ái các công ty Trung Quốc đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi về tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại Phnom Penh.

Như vậy, việc Campuchia liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc và phản ứng của họ đối với các tranh chấp ở biển Đông đã khiến mối quan hệ với chính phủ Việt Nam bị ảnh hưởng. Nhưng từ đó, nó cũng cho thấy nước này hoàn toàn hoạt động độc lập với ảnh hưởng và lợi ích chiến lược của Việt Nam. Điều này như một bằng chứng thép đập tan tin đồn của người dân xứ sở Chùa Tháp về việc Việt Nam có nhúng tay vào bộ máy chính trị của họ. Hơn nữa, tư tưởng bài Trung Quốc tăng lên ở Campuchia cũng làm giảm đi thái độ thù địch đối với người Việt Nam.

Tóm lại, sự “trục trặc” trong mối quan hệ Việt – Campuchia, cho đến lúc này, chưa đến mức nghiêm trọng. Các làn sóng nghi ngờ, thậm chí là thù hằn của người Khmer đối với người Việt là có thật, nhưng nó không phản ánh tình cảm của tất cả người dân Campuchia. Hy vọng rằng, người dân hai nước Việt Nam – Campuchia có thể hoàn toàn gác lại quá khứ và hóa giải mọi đố kỵ, hiểu lầm để cùng nhau xây dựng đất nước phát triển hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới