Hàng loạt tổng kho chứa hàng với quy mô lớn được các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng ở các khu vực sát biên giới Việt Nam.
Thậm chí nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây kho bãi, trung tâm phân loại ngay tại Việt Nam nhằm rút ngắn tốc độ giao hàng,
Nhờ hệ thống kho bãi cũng như trung tâm phân loại được đầu tư bài bản, nhiều đơn hàng Trung Quốc được đặt chỉ trong 1 – 2 ngày đã có thể đến tay khách hàng tại Hà Nội, 3 – 5 ngày tới TP.HCM.
Xây tổng kho, trữ hàng tại biên giới
Dạo quanh nhiều tuyến đường xung quanh khu vực cửa khẩu Bằng Tường (Trung Quốc), giáp biên giới với tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi chứng kiến hàng loạt xe container đi lại nhộn nhịp, nhiều xe đậu ngay các kho hàng lớn, sẵn sàng chở hàng về cửa khẩu gần đó.
Một số xe khác, hướng từ Việt Nam về lại tổng kho Trung Quốc ở vùng biên giới, thùng container trống, hoàn thành chuyến hàng.
Vừa chuẩn bị đặt chân vào “Khu livestream thương mại điện tử quốc tế Bằng Tường”, chúng tôi chứng kiến chiếc xe container màu đỏ đang đậu trước kho lớn và được chất các bao tải hàng lên, bên hông xe có ghi dòng chữ chuyên vận tải tuyến Trung Quốc – Việt Nam.
Trước đó, khi vừa tới cổng “Khu công nghiệp logistics thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc – ASEAN (Hà Khẩu)”, được đầu tư khoảng 13.100 tỉ đồng, diện tích 128 mẫu giáp biên giới với tỉnh Lào Cai, chúng tôi bị choáng ngợp trước các tòa nhà xây dựng hiện đại, quy mô lớn được dùng cho việc chứa hàng xuất sang Việt Nam.
Tại khu công nghiệp này có các phân khu chức năng gồm: trung tâm kho bãi logistics, trung tâm thông quan hàng hóa… chỉ cách Hà Nội khoảng 295km.
Anh Hoàng (người Trung Quốc, làm việc tại khu này) chia sẻ nhờ có kho hàng gần biên giới nên sau khi khách Việt đặt mua qua livestream trên sàn thương mại điện tử, hàng sẽ được nhanh chóng lấy và chuyển đi.
Để kiểm chứng, phóng viên đã lên TikTok và đặt mua bộ trang sức titan từ cửa hàng anh Hoàng làm việc, buổi phát sóng bán hàng qua mạng được thực hiện ngay tại Hà Khẩu. Chỉ năm ngày sau hàng đã được chuyển về một địa chỉ ở TP.HCM, miễn phí vận chuyển, không bị hư hỏng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại ba địa phương biên giới của Trung Quốc là Hà Khẩu (giáp Lào Cai), Bằng Tường (giáp Lạng Sơn) và Đông Hưng (giáp Quảng Ninh), hàng loạt kho hàng khổng lồ đã và đang được xây dựng, cách biên giới Việt Nam 3 – 4km. Kho chứa hàng giúp nhà bán hàng, các sàn rút ngắn thời gian vận chuyển và thời gian đặt hàng. Kho càng gần, chi phí càng giảm.
Theo một số doanh nghiệp logistics, nhiều kho hàng gần khu vực biên giới được các doanh nghiệp tự xây dựng để phục vụ hoạt động bán hàng. Thậm chí do không giáp với Việt Nam, các doanh nghiệp ở Quảng Châu đã tìm tới vùng biên giới Đông Hưng để xây và thuê kho, tạo sự thuận tiện cho việc vận chuyển, buôn bán hàng qua Việt Nam.
Đầu tư kho hàng, trung tâm phân loại tại Việt Nam
Không chỉ xây kho để trữ hàng ngay sát biên giới Việt Nam, hàng loạt công ty Trung Quốc trong mảng logistics và thương mại điện tử đã rót tiền đầu tư vào kho hàng tại Việt Nam.
Điển hình như Tập đoàn Best Inc dù chỉ mới thâm nhập thị trường Việt Nam 5 năm nhưng “đại gia” vận tải đến từ Trung Quốc này đã đầu tư tổng cộng 50 triệu USD (gần 1.300 tỉ đồng) vào kho hàng tại Việt Nam.
Ngoài trung tâm phân loại hàng hóa tự động được đầu tư bài bản tại Củ Chi (TP.HCM), cuối năm 2021 tập đoàn này đã đưa vào hoạt động thêm trung tâm phân loại có quy mô lớn nhất của mình ở Đông Nam Á, đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Bắc Ninh).
Tính đến giữa năm 2024, doanh nghiệp này đã phủ sóng với 36 trung tâm phân loại hàng hóa, hơn 700 bưu cục, 7.500 nhân viên giao hàng, diện tích kho bãi 100.000m2.
Ông Vương Hạo – tổng giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ & chuỗi cung ứng nước ngoài của một tập đoàn logistics Trung Quốc – cho biết đã nghiên cứu thị trường Việt Nam, dự báo trong 10 năm tới ngành logistics rất sôi động.
“Chúng tôi đã ký kết hợp đồng thuê kho và mở kho hàng thông minh. Từ giờ đến cuối năm nay sẽ khởi động miền Bắc và miền Nam của Việt Nam”, ông nói.
Theo ông Vương Hạo, tập đoàn này căn cứ vào mức độ phát triển thị trường để quyết định đầu tư kho. Tại Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ mở hàng chục kho vận thông minh, trong đó tự mở hoặc tổ chức nhượng quyền kho.
Ngoài ra tập đoàn này cũng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam có sở hữu kho để cung cấp công nghệ, chiến lược, nguồn hàng để cùng vận hành kho, tối ưu chi phí và hiệu suất.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Shopee cũng cho biết đã xây dựng một mạng lưới logistics tối ưu với hệ thống kho bãi được đầu tư bài bản, tập trung tại các trung tâm phân loại hiện đại như Củ Chi (TP.HCM) và Bắc Ninh.
Những kho hàng này cho phép các đối tác vận chuyển có thể đáp ứng lưu lượng giao nhận hàng 24/24, đồng thời giúp Shopee mở rộng phạm vi tiếp cận và phục vụ người dùng ở nhiều khu vực.
“Với mục tiêu đẩy nhanh giao vận, chúng tôi cũng lựa chọn hợp tác với các đơn vị vận chuyển lớn trong ngành có đầu tư trung tâm phân loại chuyên nghiệp, sở hữu mô hình giao hàng theo khu vực (HUB) có địa chỉ nhận hàng gần nhất với người dùng để rút ngắn tối đa thời gian giao hàng”, vị này nói.
Đua rút ngắn thời gian, giảm chi phí
Trong hành trình hơn 10.000km lần theo nguồn hàng Trung Quốc vào Việt Nam, chúng tôi được nhiều doanh nhân trong ngành logistics cho biết ngoài hệ thống logistics hiện đại, các doanh nghiệp đều đầu tư hàng loạt tổng kho quy mô lớn tại sát biên giới Việt Nam, thậm chí tại Việt Nam để chứa hàng với mục tiêu rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí.
Theo các doanh nghiệp này, trong cuộc đua về giá rẻ và thời gian giao hàng, các tổng kho (chứa đủ loại hàng từ điện tử, gia dụng, mỹ phẩm…) đóng vai trò rất quan trọng. Và trong thực tế, nhiều người tiêu dùng Việt “khoái” mua hàng trên các sàn của Trung Quốc do có giá rất rẻ và giao hàng chỉ vài ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cúc Uy Giang – giám đốc Cross-border (phụ trách nghiệp vụ chuyển hàng xuyên biên giới) của một doanh nghiệp logistics Trung Quốc, phục vụ cho sàn Shopee, Lazada và Tikok – cho biết các nhà bán hàng hay các sàn thương mại điện tử đều thuê các kho biên giới hoặc kho chứa sẵn hàng tại Việt Nam.
Theo ông Giang, trước đây đơn đặt hàng phải tốn nhiều thời gian để gom, chuyển từ nội địa Trung Quốc đến Việt Nam. Ngoài ra, do hàng loạt thủ tục liên quan khiến đơn hàng chậm đến tay khách hàng, chưa kể chi phí cũng bị đội lên. Tuy nhiên mọi chuyện nay đã khác.
Nhiều sàn thương mại điện tử có vốn Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, xây kho ở biên giới hoặc thuê của đơn vị thứ ba, chẳng hạn như Best để trữ sẵn hàng. “Thậm chí có những sàn đã chuẩn bị hàng hóa để sẵn tại Việt Nam. Có lệnh đặt hàng, hàng từ kho sẽ trực tiếp đi qua các đơn vị vận chuyển chặng cuối để giao đến tay khách hàng”, ông Giang cho biết.
Là người chuyên bán hàng trên TikTok và Shopee ở Việt Nam, chị L. – một KOC (người tiêu dùng có tầm ảnh hưởng lớn) với 1 triệu tài khoản theo dõi trên mạng – hé lộ chuẩn bị một phiên livestream quy mô lớn thông thường mất khoảng 1 – 2 tháng. Sau khi ký hợp đồng với KOC, phía nhà xưởng ở Trung Quốc nhanh chóng vận chuyển hàng về kho bãi sẵn có ở Việt Nam.
“Với cách làm như hiện nay, hàng Trung Quốc sẽ được giảm bớt chi phí vận chuyển và cả thời gian giao hàng, thêm ưu thế để thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam qua các sàn thương mại điện Shopee, Lazada, TikTok Shop…”, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử nói và bày tỏ lo lắng về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong cuộc đua này.
T.P