Khi Mỹ tăng cường hỗ trợ cho các ngành công nghiệp quốc gia và mở rộng thuế quan đối với Trung Quốc, các đồng minh của quốc gia này có thể gặp nhiều khó khăn.
Chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ đang thu hẹp thị trường đối với hàng loạt ngành công nghiệp ở các nền kinh tế có thu nhập cao. Cuối cùng, các nền kinh tế này có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng với một Trung Quốc độc lập về công nghệ, cũng như giá nguyên liệu thô cao hơn.
Sự siết chặt trên nhiều “mặt trận” có thể khiến thu nhập của nhiều ngành giảm đáng kể. Các loại tiền tệ như yen, euro, won và thậm chí là nhiều đồng tiền khác đều đã đi theo một quỹ đạo giảm giá chung.
Các nền kinh tế có thu nhập cao, như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã tạo ra các ngách cạnh tranh của họ trong nền kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm sau Thế chiến II. Họ đạt được lợi thế trong các lĩnh vực cụ thể như công nghệ, sản xuất.
Quyền định giá trong các lĩnh vực công nghiệp là chìa khóa để đạt được mức nhập cao. Sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách cải cách quyết định mở cửa cách đây bốn thập kỷ và gia nhập nền kinh tế toàn cầu, những lợi thế mà các nền kinh tế thu nhập cao đạt được đã được khuếch đại. Chi phí đã được giảm xuống đáng kể khi một số trong số họ chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, cán cân này đã bị lung lay do sự phát triển công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc. Cuộc chiến giá cả trên thị trường ô tô của Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Đây là thị trường lớn nhất thế giới và đã bị các công ty đa quốc gia thống trị trong nhiều thập kỷ. Họ sản xuất ô tô tại Trung Quốc với chi phí thấp và bán chúng với giá cao. Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thay đổi mọi thứ. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài.
Chiến lược kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc là một đòn giáng mạnh vào các nền kinh tế tiên tiến này. Mỹ muốn làm suy yếu hoặc đảo ngược sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc. Một phương pháp để thực hiện điều này là cắt đứt Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao.
Những hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận các thiết bị cần thiết để sản xuất chip có lẽ là minh họa tốt nhất. Chúng thu hẹp thị trường đối với các cường quốc sở hữu công nghệ này. Khi Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình, họ sẽ cạnh tranh ở các thị trường nước ngoài, tiếp tục làm giảm thêm doanh thu của họ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Song, những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại. Trong khi chính quyền Hoa Kỳ tiếp theo, dù do Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump điều hành, có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt công nghệ đối với Trung Quốc.
Các nhà sản xuất chip của Hoa Kỳ hiện vẫn có thể bán nhiều sản phẩm khi các lệnh trừng phạt hiện tại chưa áp dụng. Nhưng nếu Mỹ mở rộng danh sách trừng phạt vào năm tới, doanh thu có thể giảm đáng kể.
Để đáp trả, Trung Quốc có thể sẽ đổ nhiều nguồn lực hơn vào các công nghệ mà Mỹ từ chối cho họ tiếp cận. Nếu chiến lược này thành công, các cường quốc công nghệ có thể sẽ đánh mất vĩnh viễn thị trường Trung Quốc và theo thời gian quốc gia tỉ dân này chính là mối đe dọa ở các thị trường khác. Khi nói đến sản xuất, Trung Quốc có chi phí thấp hơn và quy mô lớn hơn. Các cường quốc tầm trung như Đức và Nhật Bản sẽ ở thế bất lợi đáng kể.
Mỹ đã hướng đến mục tiêu tái công nghiệp hóa trong nhiều năm nay. Trợ cấp sản xuất trong Đạo luật Giảm lạm phát là một ví dụ điển hình.
Chính quyền tiếp theo có thể sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc gia. Theo đó, không chỉ Trung Quốc, mức thuế quan đối với các quốc gia khác cũng sẽ tăng. Việc mua sắm của chính phủ Mỹ và các nhà thầu của họ sẽ tùy thuộc vào quá trình nội địa hóa sản xuất.
Việc mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, sự cạnh tranh gia tăng và giảm xuất khẩu sang Mỹ có thể làm “rỗng ruột” đối với hàng loạt các nền kinh tế phát triển. Đồng thời, họ cũng có thể bị ép mua năng lượng và khoáng sản từ Mỹ.
Sức mạnh của các loại tiền tệ ở những nền kinh tế có thu nhập cao phụ thuộc vào các điều khoản thương mại của họ. Khi mất đi các ngành công nghiệp có sức mạnh định giá, họ có thể được cho là không khác gì các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Trong môi trường địa chính trị hiện tại, tiền tệ của họ đang phải đối mặt với xu hướng giảm. Những gì đang xảy ra với đồng yên sẽ lan sang các loại tiền tệ của các cường quốc trung bình khác.
Đồng USD hiện đang bị định giá quá cao, tuy nhiên khi tiền tệ của các cường quốc trung bình suy giảm, đồng USD sẽ được định giá cao hơn nữa.
Đông Á chiếm phần lớn tiền tiết kiệm toàn cầu. Một số chính trị gia Mỹ đã thảo luận về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực. Điều này sẽ khiến những người giàu trong khu vực sợ hãi và chuyển tiền ra ngoài quốc gia của họ. Theo đó, nhiều tài sản sẽ được giao dịch bằng đồng USD hơn.
Trong khi đó đồng USD cần có giá trị thực tế để có thể thực hiện kế hoạch tái công nghiệp hóa trong dài hạn. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải định giá lại đồng tiền của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể bị ép buộc phải làm như vậy, như Nhật Bản đã làm trong Hiệp định Plaza năm 1985. Mỹ sẽ phải đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để đạt được điều đó và quốc gia tỉ dân này chắc chắn sẽ yêu cầu nhiều nhượng bộ để biến thỏa thuận này thành hiện thực. Khi Mỹ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, giá trị của đồng USD sẽ có giá trị trở lại.
T.P