Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSabin, “nóng” lên rồi

Sabin, “nóng” lên rồi

Thỏa thuận tạm thời đạt được về việc tiếp tế cho binh sĩ Philippines ở bãi Cỏ Mây liệu có dẫn đến hiệu ứng tích cực làm dịu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông? Những gì diễn ra trong 2 ngày qua cho thấy, đó chỉ là hy vọng.

Bãi cạn Sabin/Chop Mao

“Hy vọng vẫn chỉ là hy vọng” – đó là một nhận định đúng, ít nhất, tới thời điểm này. Khu vực bãi cạn Cỏ Mây quả có hạ nhiệt thật khi Philippines và Trung Quốc đạt được thỏa thuận hồi tháng 7 vừa qua, trong đó, một nội dung có lẽ là quan trọng nhất tiết lộ, là: “Hai bên nhất trí căng thẳng sẽ giảm… để ngăn xung đột, bất cứ điều gì có thể gây thương tích, gây hại cho binh lính hay bất kỳ ai”.

Từ chỗ hoài nghi, giới quan sát, chỉ sau đó ba ngày, đã thực chứng hiệu lực của thỏa thuận nêu trên bằng thông tin phát ra bởi Manila: Philippines đã hoàn tất chuyến tiếp tế không bị cản trở cho binh sĩ của họ tại bãi cạn Cỏ Mây vào ngày thứ Bảy.

Tuy nhiên, giữa lúc nhiều người lấy làm hồ hởi với thông tin trên, một số người vẫn bi quan: để rồi xem, cái sự “hạ nhiệt” tại bãi cạn Cỏ Mây kéo dài được mấy ngày.

Ngoài ám ảnh vụ va chạm của tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines ngày 17/6 làm một binh sĩ Philippines “đứt một ngón tay” – một vụ va chạm mà Bộ Ngoại giao Mỹ – đồng minh của Philippines – nhận định là hành động “leo thang và vô trách nhiệm” của Trung Quốc, và cảnh báo: “Hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila được áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông”, những người không mấy lạc quan nói trên còn căn cứ vào việc trong thỏa thuận đó, hai bên đã “thòng” theo điều kiện “thỏa thuận sẽ không gây phương hại đến quan điểm của nhau ở Biển Đông”.

Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là rằng, một khi quan điểm về chủ quyền đối với Cỏ Mây – điểm mấu chốt, nguyên nhân của những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc, không có gì thay đổi, thì những lắng dịu tại đó chỉ có thể tạm thời, không thể “bền vững”. Đó là chưa kể, liên quan vấn đề này, Hà Nội cũng khẳng định, Cỏ Mây phải là của Việt Nam bởi nó nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý…

Chẳng phải đợi lâu, chỉ hai tuần sau, những gì diễn ra tại các điểm đảo trên Biển Đông đã kịp cho thấy, những nhà quan sát “thiếu lạc quan” trên mới là những người tỉnh táo, có tầm nhìn xa. Ít nhất, tới lúc này, “bóng ma” xung đột tại Cỏ Mây một lần nữa hiện hữu với những tin xấu dồn dập đổ về từ bãi cạn Scaborough và bãi cạn bãi Sabin/Chóp Mao.

Khỏi phải điểm lại những gì liên quan Scaborough. Bởi đó là khu vực điển hình xung đột giữa Philippines và Trung Quốc; là nguồn cơn trực tiếp khiến Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), năm 2013, và được tuyên thắng kiện với phán quyết ngày 12/6/2016.

Tuy nhiên, bất chấp điều đó, suốt 8 năm qua, Scaborough vẫn thường xuyên diễn ra các vụ việc gây cấn, căng thẳng. Bắc Kinh thường xuyên triển khai tàu hải cảnh tuần tra xung quanh bãi cạn, và xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực. Năm 2023 và đầu năm 2024, hải cảnh Trung Quốc còn nhiều lần triển khai dây phao chắn lối vào Scarborough để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận. Động thái mới đó khiến Philippines, cùng với tố cáo, đã phải quyết đoán cho thợ lặn cắt các đoạn dây phao của Trung Quốc…

Chuyện chăng dây phao chưa kịp nguội hẳn, thì liên tục trong mấy ngày qua, Manila và Bắc Kinh cáo buộc lẫn nhau gây ra các hoạt động quân sự tại Scaborough. Thậm chí, ngày 11/8, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã phải đích thân lên án các hành động của không quân Trung Quốc tại không phận ở khu vực bãi cạn Scarborough, gọi đó là những hành vi “vô lý, bất hợp pháp và đầy liều lĩnh”…

Những gì vừa diễn ra tại bãi cạn bãi Sabin/Chóp Mao cũng “nóng” hơn lên như một sự tăng nhiệt của những diễn biến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc phát sinh hồi tháng 5 năm nay.

Trước đó, ngày 11/5, văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. từng cho biết, lực lượng hải cảnh Philippines phát hiện hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu hải quân, hiện diện một cách đáng ngờ trong khu vực bãi cạn Sabin/Chóp Mao; Philippines đã buộc phải cử một tàu “để giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo”, đồng thời “ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát”…

Ba tháng sau diễn biến trên, câu chuyện Sabin/Chóp Mao tái diễn. Nhưng lần này, bên lên tiếng “tố” trước không phải Manila, mà là Bắc Kinh. Hãng Reuters, ngày 5/8 loan tin phát ra từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 3/8, hải cảnh nước này bắt đầu giám sát các tàu tuần tra và tàu đánh cá của Philippines tập trung quanh bãi cạn Sabin/Chop Mao, gần một con tàu mà Trung Quốc cho là “bị mắc cạn bất hợp pháp” tại bãi cạn.

Qua cách diễn đạt đó, vẻ như Bắc Kinh đang cảnh giác với việc Manila tái diễn một kịch bản tương tự tại bãi cạn Cỏ Mây: biến một chiếc tàu cũ tàu cũ (như tàu BRP Sierra Madre ở Cỏ Mây lâu nay) thành tiền đồn, để ngăn cản Trung Quốc tiếp cận Sabin/Chop Mao?

Nếu thật thế, diễn biến tiếp theo lại sẽ là căng thẳng và khó tránh khỏi xung đột giữa hai bên, một khi Philippines tiếp tế hậu cần cho binh sĩ đồn trú ở bãi cạn Sabin/Chop Mao.

Và như thế, Sabin/Chop Mao nhiều khả năng sẽ thực sự trở thành một điểm “nóng” mới – thứ ba, sau Scaborough và Cỏ Mây, chứ không chỉ còn là điểm nóng ở dạng “tiềm năng” nữa như nhận định của một số nhà quan sát quốc tế nữa.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới