Saturday, January 4, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHãng bay lãi lớn, cổ phiếu hàng không 'cất cánh'

Hãng bay lãi lớn, cổ phiếu hàng không ‘cất cánh’

Cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý I và quý II, cổ phiếu hàng không đã có những diễn biến tích cực kể từ đầu năm, khác hẳn với sự ảm đạm của năm 2023.


Lợi nhuận tiếp tục phục hồi
Tiếp đà phục hồi của quý I, ngành hàng không trong quý II tiếp tục ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực, với lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không chỉ trở lại mức trước đại dịch mà còn thiết lập những kỷ lục mới. Hoạt động du lịch nội địa và quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ đã góp phần tạo đà cho sự phục hồi của các hãng hàng không và các doanh nghiệp liên quan.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) và Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.035 tỷ đồng và 579 tỷ đồng. Đây là sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái khi cả hai doanh nghiệp này đều ghi nhận lỗ do doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Sự phục hồi này phần lớn nhờ vào sự gia tăng nhu cầu đi lại, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch.

“Ông lớn” ngành hàng không, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), vẫn tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu về lợi nhuận với con số ấn tượng 3.228 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không chỉ là một thành tựu đáng kể sau giai đoạn khó khăn do Covid-19, mà còn là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACV.

Trước đó, trong quý I, HVN cũng đã đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục. Điều này cho thấy không chỉ là phục hồi, nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không đã và đang thiết lập những chuẩn mực mới trong kết quả kinh doanh của mình.

Không chỉ các hãng hàng không, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ vận tải hàng không và dịch vụ sân bay cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS) đã báo cáo mức lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ, đạt 3,8 tỷ đồng.

Các công ty khác như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HoSE: SCS), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (HoSE: NCT), và Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) cũng không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng, với lợi nhuận tăng lần lượt 46,8%, 25,7%, và 52%, đạt 190 tỷ đồng, 64 tỷ đồng và 12,1 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (HoSE: AST), doanh nghiệp chuyên kinh doanh các cửa hàng tại sân bay, cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 10% so với cùng kỳ, thu về 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phục hồi toàn diện của ngành hàng không và các lĩnh vực liên quan.

Cơ hội rộng mở
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lượng hành khách quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 104% so với nửa đầu năm 2019. Riêng lượng hành khách quốc tế không bao gồm Trung Quốc đã vượt mức trước đại dịch, đạt 116%. Điều này được thúc đẩy nhờ vào sự tăng trưởng của các thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan và khu vực Châu Đại Dương, với mức tăng lần lượt 110%, 148%, và 119% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngược lại, lượng hành khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 lại giảm 17% so với cùng kỳ, dù hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi nhẹ 4%. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các hãng hàng không nội địa đang tiến hành sửa chữa máy bay, dẫn đến thiếu hụt công suất và làm tăng giá vé. Mặc dù vậy, Vietcap vẫn dự báo thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025, với lượng hành khách quốc tế đạt 51,1 triệu và hành khách nội địa đạt 86 triệu người.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, được dự báo sẽ trở lại với tổng nhu cầu vận chuyển hành khách đạt 80,3 triệu người, tăng 7,1% so với năm 2023, và vận chuyển hàng hóa đạt 1,16 triệu tấn, tăng 4,8% so với 2023. Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy cơ hội phát triển rộng mở của ngành hàng không trong thời gian tới.

Một trong những động lực quan trọng thúc đẩy ngành hàng không trong tương lai chính là siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành. Dự án này đang được đẩy mạnh tiến độ xây dựng, với các phần quan trọng như dự án thành phần 1 và 2 đang tiến triển tốt, trong khi phần thành phần 4 đã bắt đầu quá trình đấu thầu vào giữa năm 2024. Dự kiến, sân bay Long Thành sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng không lớn của khu vực và quốc tế, đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế, bao gồm cả khách quá cảnh, và 20% khách nội địa.

ACV, đơn vị chủ trì dự án thành phần 3, đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 9/2026, vượt tiến độ dự kiến từ 60 đến 90 ngày. Báo cáo cập nhật mới nhất vào tháng 6/2024 cho thấy nhà ga hành khách hiện đang hoàn thành sớm hơn 20 ngày so với tiến độ. ACV cũng dự kiến sẽ hoàn thành đường băng trước ngày 30/4/2025, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Giới phân tích nhận định rằng, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ không chỉ cho ngành hàng không mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Với vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, sân bay này sẽ có lợi thế cạnh tranh cao, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng không khu vực và thế giới.

Cổ phiếu khởi sắc
Sau một năm 2023 khá trầm lắng, cổ phiếu ngành hàng không đã có sự khởi sắc rõ rệt trong 8 tháng đầu năm 2024. Nhiều cổ phiếu trong ngành đã phục hồi mạnh mẽ, thậm chí một số mã còn tăng trưởng vượt bậc.

Nổi bật là cổ phiếu HVN, đã tăng khoảng 55% từ đầu năm, từ mức giá 12.250 đồng/cổ phiếu trong phiên đầu năm lên 19.050 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, vào phiên 5/7, HVN đã thiết lập đỉnh mới trong lịch sử với giá 36.350 đồng/cổ phiếu, mặc dù sau đó có sự điều chỉnh, nhưng vẫn giữ mức tích cực hơn so với diễn biến của năm 2023.

ACV cũng có diễn biến tương tự với mức tăng khoảng 70% trong vòng 8 tháng, từ 63.900 đồng/cổ phiếu đầu năm lên 109.900 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 13/8). Vào ngày 21/6, ACV đã đạt mức đỉnh mới tại 135.300 đồng/cổ phiếu, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp này.

Các cổ phiếu trong lĩnh vực hỗ trợ vận tải hàng không và dịch vụ sân bay cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Cổ phiếu SAS tăng 26%, SCS tăng 29%, AST tăng 16%, SGN tăng 24%, NCS tăng 32%, NCT tăng 15%, và MAS tăng 9%.

Tuy nhiên, một ngoại lệ đáng chú ý là cổ phiếu VJC của Vietjet, khi giá cổ phiếu này giảm 6% trong 8 tháng đầu năm 2024. Mặc dù VJC đã từng thiết lập mức đỉnh 118.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 13/5/2024, nhưng sau các đợt điều chỉnh, giá cổ phiếu đã giảm xuống còn 100.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/8. Dù vậy, VJC vẫn thuộc nhóm những cổ phiếu có giá cao nhất trên sàn chứng khoán, phản ánh sức mạnh thương hiệu của hãng hàng không này.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cổ phiếu ngành hàng không sẽ tiếp tục là một trong những điểm sáng trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2024, khi các doanh nghiệp trong ngành đã có quý thứ hai liên tiếp ghi nhận lợi nhuận dương nhờ giá bán và sản lượng tăng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới