Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuốc gia nào là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam

Quốc gia nào là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam

Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam liên tục đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Để đạt được kết quả này, không chỉ dựa vào yếu tố nội sinh mà còn có sự tác động của yếu tố bên ngoài.

Chính nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã và đang là nguồn tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc sử dụng vốn vay nước ngoài hợp lý sẽ đem lại những hiệu quả hết sức to lớn, đem đến những lợi thế cho một đất nước chậm phát triển như Việt Nam. Đây cũng là sự lựa chọn thông minh để rút ngắn thời gian tích lũy vốn, từ đó nhanh chóng phát triển kinh tế đất nước.

Nợ nước ngoài là gì?

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác được vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Tái thiết Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đã đưa ra định nghĩa về nợ nước ngoài. Theo đó tổng vay nợ nước ngoài là khối lượng nghĩa vụ nợ vào một thời điểm nào đó đã được giải ngân và chưa hoàn trả, được ghi nhận bằng hợp đồng giữa quốc gia đi vay với các tổ chức quốc tế và các quốc gia cho vay. Trong đó, quốc gia đi vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cả gốc lẫn lãi hoặc không lãi các khoản vay. Nợ nước ngoài của một quốc gia đồng nghĩa với việc quốc gia đó phải thực hiện một số cam kết để có thể vay vốn, đồng thời phải kèm theo nghĩa vụ trả nợ.

Theo quy định tại Việt Nam, nợ nước ngoài là tổng nợ hiện hành không bao gồm nợ dự phòng mà nước ta vay của các nước khác và các tổ chức quốc tế, kèm theo đó là nghĩa vụ trả nợ theo đúng kỳ hạn trên các hợp đồng ký với bên cho vay. Hiện nay, nợ nước ngoài của quốc gia sẽ bao gồm nợ nước ngoài của khu vực công và nợ nước ngoài của khu vực tư nhân. Theo đó, định nghĩa về vay nước ngoài được phát biểu như sau: “Vay nước ngoài là các khoản vay ngắn hạn (có thời hạn vay đến 1 năm), trung và dài hạn (có thời hạn vay trên 1 năm), có hoặc không phải trả lãi, do Nhà nước, Chính phủ Việt Nam vay các tổ chức tài chính quốc tế, Chính phủ các nước, các tổ chức và các cá nhân là người không cư trú ở Việt Nam”.

Phân loại nợ nước ngoài

Hiện nay, có rất nhiều cách để phân loại nợ nước ngoài.

Cách đầu tiên là phân loại nợ nước ngoài theo “chủ thể đi vay”. Cách này sẽ phân khoản nợ thành hai chủ thể: nợ công và nợ tư nhân.

Về nợ công (hay còn gọi là nợ quốc gia), khoản này bao gồm nợ nước ngoài của chính phủ, của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tài chính tín dụng và các tổ chức kinh tế Nhà nước trực tiếp vay tiền của nước ngoài. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả nợ nước ngoài của khu vực tư nhân được khu vực công bảo lãnh. Loại này được xác định là các khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân, trong đó nghĩa vụ trả nợ sẽ được bảo lãnh bởi một đối tượng thuộc khu vực công như chính phủ trung ương, các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương ở cùng quốc gia với bên nợ.

Về nợ tư nhân, đây là các khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân không được khu vực công trong cùng một nền kinh tế bảo lãnh theo hợp đồng. Về bản chất, đây là các khoản nợ do khu vực tư nhân tự vay tự trả. Trong thực tế, có những khoản nợ nước ngoài của khu vực này sẽ được một thể chế thuộc khu vực công bảo lãnh một phần theo hợp đồng. Đối với những khoản nợ như vậy, giá trị hiện tại của các khoản thanh toán được bảo lãnh sẽ được xếp vào loại nợ nước ngoài của khu vực tư nhân được các cơ quan Chính phủ bảo lãnh, trong khi những khoản thanh toán không được bảo lãnh sẽ được xếp vào loại nợ nước ngoài của khu vực tư nhân không được bảo lãnh.

Loại hình thứ hai là nợ nước ngoài theo “thời hạn vay”. Loại hình này được phân làm hai loại: nợ dài hạn và nợ ngắn hạn.

Về nợ dài hạn, đây là những khoản nợ có thời gian đáo hạn gốc theo hợp đồng hoặc đã gia hạn kéo dài trên một năm. Nó được tính từ ngày ký kết vay nợ cho tới hạn thanh toán khoản nợ cuối cùng. Nợ dài hạn là loại nợ cần được quan tâm và quản lý nhiều hơn do khả năng tác động lớn đến nền tài chính quốc gia bởi lượng vốn vay lớn, cộng với việc tiềm ẩn rủi ro nhất định trong thời gian vay kéo dài. Đồng thời, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ thường xuyên theo dõi và phân tích nợ dài hạn của tất cả các quốc gia một cách có hệ thống. Từ đó, họ sẽ có những đánh giá về tình hình vay nợ của một quốc gia. Hàng năm và hàng quý, Ngân hàng Thế giới sẽ yêu cầu các nước vay nợ phải nộp bản báo cáo bên nợ. Bản báo cáo này sẽ bao gồm thông tin về tất cả các khoản nợ dài hạn phải trả bằng đồng tiền của nước mình và bằng hàng hóa, dịch vụ.

Còn nợ ngắn hạn, đây là loại nợ có thời hạn đáo nợ từ 1 năm trở xuống. Thông thường, nợ ngắn hạn chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nợ nước ngoài của một quốc gia. Vì thời gian đáo hạn ngắn, lượng tiền không quá lớn nên nợ ngắn hạn thường không thuộc đối tượng quản lý một cách chặt chẽ như nợ dài hạn. Tuy nhiên, thời gian vay ngắn cũng là một điểm hạn chế vì khoản nợ không được trả đúng hạn sẽ gây mất ổn định cho hệ thống ngân hàng.

Loại hình thứ ba là nợ nước ngoài theo “loại hình vay”. Đây là một trong những hình thức vay nợ phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Kiểu nợ này thường được phân ra hai loại: vay hỗ trợ phát triển chính thức (được gọi tắt là ODA) và vay thương mại.

Vay ODA. Theo định nghĩa của tổ chức OECD, nó bao gồm các khoản vay song phương giữa các chính phủ hoặc các khoản vay đa phương từ các tổ chức quốc tế cho các chính phủ, trong đó sẽ có ít nhất 25% tổng giá trị khoản vay là cho không và bên vay sẽ không có nghĩa vụ phải hoàn trả khoản này. Ngoài các khoản cho không, ODA còn bao gồm các khoản cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, các đóng góp bằng hiện vật và các khoản tín dụng của nước cho vay. Thông thường, các khoản vay ODA sẽ không bao gồm viện trợ về quân sự giữa các chính phủ và các khoản vay của các tổ chức phi chính phủ. Theo quy ước, dòng vốn ODA sẽ bao gồm các đóng góp của các cơ quan chính phủ tài trợ ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương cho các nước đang phát triển và của các tổ chức đa phương cho các chính phủ. Việc nhận ODA của một quốc gia thường bao gồm việc giải ngân từ các nhà tài trợ song phương và các tổ chức đa phương. Đồng thời, việc cho vay bởi các tổ chức tín dụng với mục tiêu khuyến khích xuất khẩu sẽ không được tính vào nguồn ODA.

Về vay thương mại, đây là các khoản vay không có ưu đãi về lãi suất và thời gian đáo hạn. Thông thường, lãi suất vay thương mại sẽ tương ứng với lãi suất của thị trường tài chính quốc tế, nó luôn thay đổi bởi các yếu tố trên toàn cầu. Chính vì vậy, vay thương mại thường có lãi suất khá cao và chứa đựng nhiều rủi ro. Đối tượng vay thương mại thường là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc vay thương mại của chính phủ cũng phải được cân nhắc hết sức thận trọng. Chỉ nên quyết định vay khi không còn cách nào khác và khi vay phải xem xét phương án vay tối ưu.

Phân loại nợ theo “chủ thể cho vay”. Kiểu nợ này thường được phân thành hai chủ thể.

Thứ nhất là nợ đa phương. Đây là các khoản nợ đến từ các tổ chức quốc tế như các cơ quan của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các ngân hàng phát triển khu vực và các cơ quan liên chính phủ.

Thứ hai là nợ song phương. Nó thường đến từ chính phủ một nước như các nước thuộc tổ chức OECD hoặc đến từ một tổ chức quốc tế nhân danh một chính phủ duy nhất dưới các dạng hỗ trợ tài chính và viện trợ nhân đạo bằng hiện vật.

Hiện nay, các khoản vay thương mại qua hình thức song phương và đa phương cũng là một trong những nguồn vay chủ yếu của Chính phủ Việt Nam, bên cạnh nguồn vốn ODA và trái phiếu chính phủ. Các khoản vay này sẽ là hình thức vay không có ưu đãi cả về lãi suất và thời gian ân hạn. Lãi suất vay sẽ được tính theo thị trường tài chính quốc tế và nó có thể biến động bất thường tùy thuộc vào tình hình địa chính trị thế giới. Chính vì vậy mà nguồn vốn vay này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nên việc vay thương mại của Chính phủ cần phải được tính toán hết sức thận trọng giữa được và mất. Đồng thời, cũng phải tính toán đến khả năng trả nợ của từng khoản vay cụ thể để không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng một phần của các khoản vay thương mại nhằm cho vay lại đối với các tổ chức đơn vị trong nước. Trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp thực hiện việc cho vay lại. Thông thường, các tổ chức đơn vị trong nước được vay lại từ Chính phủ phải là các tổ chức có tiềm năng phát triển lớn, đang thiếu vốn. Nếu có vốn thì được đánh giá là sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, nợ thương mại song phương và đa phương của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2023 là khoảng 41,6 tỷ USD, chiếm khoảng 9,6% tổng GDP, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2022. Mặc dù có tăng sau đà giảm nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 45,8 tỷ USD vào năm 2020.

Các chủ nợ đa phương của Việt Nam

Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam đang nợ các chủ nợ đa phương là hơn 23 tỷ USD, chiếm khoảng 55% tổng nợ nước ngoài và chiếm khoảng 5,3% tổng GDP quốc gia. Dưới đây là ba chủ nợ đa phương lớn nhất của Việt Nam:

  1. Các tổ chức tài chính (535 triệu USD)

Theo bản tin nợ công số 17 của Bộ Tài chính, các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đang là chủ nợ đa phương lớn thứ ba của Việt Nam với tổng mức nợ là 535 triệu USD. Các khoản vay này chủ yếu được Chính phủ đầu tư cho việc phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng đã và đang đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

  1. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) (7,7 tỷ USD)

Đây là một ngân hàng phát triển khu vực được thành lập vào ngày 19/11/1996. Hiện có trụ sở chính tại số 6 đại lộ ADB, thành phố Mandaluyong, vùng đô thị Manila, Philippines. Đồng thời, ngân hàng cũng duy trì 31 văn phòng đại diện trên toàn thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở Châu Á. Hiện nay, ADB có 68 thành viên, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc là những thành viên giữ tỉ trọng cổ phần lớn nhất. Năm 1966, Việt Nam Cộng hòa trở thành thành viên chính thức của ADB. Đến năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tiếp quản tư cách hội viên ADB của chính quyền Sài Gòn và kế thừa vai trò này kể từ đó đến nay.

3.Ngân hàng Thế giới (WB) (14,8 TỶ USD)

Ngân hàng Thế giới, được gọi tắt là WB, được thành lập năm 1944 và là tổ chức thuộc hệ thống của Liên Hợp Quốc. Tổ chức này được thành lập nhằm hỗ trợ sự phát triển và nâng cao mức sống của người dân tại các quốc gia thành viên. Hiện nay, WB bao gồm 5 cơ quan chính là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế, Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Công ty Tài chính Quốc tế, Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên và Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp Đầu tư. Hiện nay, 6 cổ đông lớn nhất của WB là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023, Việt Nam đang nợ Ngân hàng Thế giới khoảng 14,8 tỷ đô. Khoản nợ này đa phần được Chính phủ Việt Nam vay để cải thiện các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, phát triển đô thị, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Ngoài ra hiện nay, WB và Việt Nam đang hướng tới hợp tác trong các lĩnh vực mới như khuyến khích phát triển tư nhân và chống biến đổi khí hậu.

Các chủ nợ song phương của Việt Nam

Khoản nợ này tính đến tháng 6/2023 là khoảng 17,4 tỷ USD, chiếm khoảng 41,8% tổng nợ nước ngoài và chiếm khoảng 4% tổng GDP quốc gia.

  1. Cộng hòa Liên bang Đức (591,18 Triệu USD)
    Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, hay Tây Đức, đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 khi thủ tướng Tây Đức Willy Brandt thực hiện chính sách hòa hợp với các nước cộng sản. Trước đó, chúng ta đã lập quan hệ ngoại giao và có mối quan hệ tốt đẹp với Cộng hòa Dân chủ Đức, tức Đông Đức. Đến cuối thế kỷ XX, khi bức tường Berlin sụp đổ, Đông Đức và Tây Đức mới được hợp lại thành Cộng hòa Liên bang Đức như ngày nay.

Bên cạnh đó, Đức cũng cung cấp cho Việt Nam những khoản vay thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức. Các khoản vay này chủ yếu dành cho chương trình phát triển lưới điện tại vùng nông thôn, phát triển hệ thống y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển công nghệ bền vững để bảo vệ môi trường. Năm 2023, Việt Nam đang nợ Đức tổng cộng 591,18 triệu USD.

  1. Cộng hòa Pháp (1,16 tỷ USD)
    Trong quá khứ, Pháp từng đô hộ Việt Nam, nhưng sau đó hai quốc gia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Kể từ đó, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trong việc khai thông quan hệ và xóa nợ, đồng thời giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước chủ nợ là thành viên Câu lạc bộ Paris. Năm 2013, hai nước ký kết tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số ấn tượng. Hiện nay, đất nước hình lục lăng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU. Năm 2023, thương mại song phương giữa hai quốc gia đạt hơn 7 tỷ USD.

Xét về hoạt động đầu tư, Cộng hòa Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Kể từ năm 1993 đến nay, Pháp đã đầu tư khoảng 18,4 tỷ USD, trong khi các doanh nghiệp của quốc gia này đã có mặt tại 35 tỉnh thành ở nước ta. Song song với đó, chính quyền Paris cũng cung cấp những khoản vay cho chính phủ Việt Nam để cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và hệ thống y tế. Trong năm 2023, Pháp đang là chủ nợ song phương lớn thứ tư của Việt Nam với tổng nợ là 1,16 tỷ USD.

  1. Hàn Quốc (1,25 TỶ USD)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2023, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án, có tổng vốn đăng ký là 85,9 tỷ USD. Các dự án đầu tư của xứ sở kim chi chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng và dầu khí. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đã có mặt tại 59 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư, chính quyền Seoul còn cam kết cung cấp nguồn vốn vay cho Việt Nam để cải thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, y tế, giáo dục và chuyển đổi số. Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, Việt Nam đang nợ Hàn Quốc khoảng 1,25 tỷ USD và quốc gia này cũng là chủ nợ lớn thứ ba của Việt Nam.

  1. Các nhóm quốc gia (3,24 tỷ USD)

Bên cạnh Đức, Pháp và Hàn Quốc, Theo Bộ Tài chính, các nhóm quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Australia cũng đang là chủ nợ song phương của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đang là những đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Hiện nay, các quốc gia này đều có nguồn vốn đầu tư rất lớn vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc hiện đứng thứ 6 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta với 4.161 dự án có tổng số vốn đầu tư là 27 tỷ USD. Các lĩnh vực mà Trung Quốc đầu tư bao gồm nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng. Thời gian qua, các nhà đầu tư của đại lục đã mở rộng sang các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến, chế tạo điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may và giày da. Việc này có đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan và Australia cũng đang có những dự án trị giá hàng tỷ đô trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, công nghiệp chế biến, nông nghiệp, dịch vụ và giáo dục. Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 6/2023, các quốc gia này đang là chủ nợ lớn thứ hai của Việt Nam với tổng nợ là 3,24 tỷ USD.

5.Nhật Bản (11,16 tỷ USD)

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973, sau 50 năm, tức là vào năm 2023, cả hai nước đều đã nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Có thể nói, từ khi mở cửa cho đến nay, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, đất nước mặt trời mọc đang là đối tác thương mại lớn thứ tư, đồng thời là đối tác xuất khẩu và nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 44,95 tỷ USD. Tính đến hết năm 2023, tổng số vốn đăng ký của Nhật Bản ở Việt Nam là khoảng hơn 42 tỷ USD. Trong năm này, đất nước mặt trời mọc cũng đầu tư gần 6,57 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 2 chỉ sau Singapore. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra còn có các đầu tư khác như bất động sản, bán lẻ, sản xuất, phân phối điện khí, nông nghiệp và y tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nợ các chủ nợ tư nhân bao gồm các tổ chức nắm giữ trái phiếu chính phủ, các ngân hàng thương mại khoảng 1,11 tỷ USD. Như vậy, hiện nay Nhật Bản và WB lần lượt là những chủ nợ song phương và đa phương lớn nhất của Việt Nam. Không giống như một số quốc gia khác trên thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ưu đãi với yêu cầu cho vay không quá khắt khe của Trung Quốc, Việt Nam đã và đang đa dạng hóa các nguồn vốn vay, đặc biệt là với các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế có độ tin cậy cao cùng yêu cầu cho vay khắt khe. Bên cạnh Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, hiện nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và mới đây là Australia để từ đó giúp chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn vay nhằm phục vụ cho nhu cầu hoạt động kiến thiết đất nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới