Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiới trẻ Việt dễ bị tổn thương tài chính

Giới trẻ Việt dễ bị tổn thương tài chính

Lạm phát lối sống dẫn đến thiếu kiểm soát chi tiêu, thiếu mục tiêu tài chính rõ ràng, thiếu kiến thức nên đầu tư theo đám đông dẫn đến thua lỗ lớn,… đều là những điểm phổ biến trong việc thiếu quản lý tài chính cá nhân ở nhiều người trẻ Việt hiện nay.


Điều này đặt ra nhu cầu khá cấp thiết cần có những giải pháp căn cơ và toàn diện để phát triển tư duy và năng lực quản lý tài chính cá nhân cho thế hệ tương lai của đất nước, qua đó từ mỗi gia đình thịnh vượng sẽ góp phần vào bức tranh phát triển chung của kinh tế – xã hội.

Người trẻ Việt vẫn loay hoay với quản lý tài chính
Anh N.V.B. (28 tuổi), nhân viên marketing tại một công ty hàng tiêu dùng lớn với mức lương trên 40 triệu/tháng, không có người phụ thuộc, mỗi năm anh B dành 200 triệu cho các khoản du lịch và mua sắm, chưa kể đến tiền thuê căn hộ ở khu vực trung tâm và các khoản sinh hoạt khác.

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, công ty anh B cắt giảm các khoản thưởng. Cùng lúc, anh B cũng có kế hoạch kết hôn. Đến lúc này anh mới nhận ra mình chẳng tiết kiệm hay đầu tư đáng kể khi tất cả tài sản của anh chỉ gói gọn trong khoản tiền 200 – 300 triệu đồng gửi ngân hàng. Đáng nhẽ, nếu chỉ cần trích 20 – 30% mức lương hàng tháng để tiết kiệm rồi tìm các kênh đầu tư phù hợp, anh B đã có thể tích lũy gần 1 tỷ đồng cho mục tiêu mua nhà để chuẩn bị xây dựng gia đình.

Gia đình anh chị L.V.L (32 tuổi), đều làm quản lý tại các công ty thương mại điện tử, cũng rơi vào tình cảnh tương tự dù tổng thu nhập gia đình quanh 150 triệu/tháng. Trong những năm qua, vợ chồng chị L bỏ ra không dưới 500 triệu/năm cho quỹ du lịch. Vợ chồng chị cũng bỏ không ít tiền vào các kênh đầu tư khác nhau. Song, việc đầu tư của vợ chồng chị L luôn gặp rủi ro, mua đất nền đã 8 năm vẫn chưa có sổ, trong khi khoản tiền đầu tư vào trái phiếu cũng chưa biết ngày thu hồi được vốn. Sau nhiều năm làm lụng, ngoài căn hộ 2 phòng ngủ đang ở cùng với khoản nợ ngân hàng, gia đình chị L hiện không có tích lũy nào khác.

Câu chuyện của anh B, chị L phản ánh thực trạng mà nhiều người trẻ Việt gặp phải trong quản lý tài chính cá nhân. Theo Báo cáo sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Backbase thực hiện năm 2021, có tới 67% người Việt ở độ tuổi khảo sát cho biết họ cảm thấy căng thẳng về tài chính. Các báo cáo khảo sát về dân trí tài chính do Mastercard và Visa thực hiện cũng cho kết quả xếp hạng của người Việt rất thấp so với các nước trong khu vực Châu Á.

Còn theo khảo sát của FIDT, đơn vị chuyên về tư vấn tài chính cá nhân, trong gần 500 khách hàng ở độ tuổi dưới 45 thì 100% đều có rất nhiều vấn đề tài chính mà ngay bản thân họ cũng không nhận biết, ví dụ như các khoản đầu tư đều cực kỳ rủi ro và thiếu tính pháp lý cần thiết, áp lực dòng tiền vì lãi vay quá cao và sai sót trong hoạch định tín dụng, thiếu các cơ chế bảo vệ tài chính, thiếu tối ưu thuế thu nhập cá nhân,…

Thiếu “bác sĩ tài chính”
Tại các thị trường phát triển hàng đầu thế giới hay một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hong Kong hay gần bên chúng ta như Indonesia, Thái Lan, thì Tư vấn tài chính (Financial Advisor/ Financial Planner) là một lĩnh vực nghề nghiệp được Chính phủ tạo hành lang pháp lý và có tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về năng lực hành nghề, tiêu chuẩn về quy trình tư vấn cũng như tiêu chuẩn về khung đào tạo, tương tự như luật sư hay bác sĩ.

Tại những thị trường này, vai trò của người tư vấn tài chính, hay nôm na có thể hiểu giống như người quản gia về tài chính, sẽ cung cấp các lời khuyên, khuyến nghị trên toàn bộ các phạm vi liên quan tới tài chính của mỗi cá nhân, từ quản lý dòng tiền, quản lý các khoản vay ngân hàng, hoạch định đầu tư, hoạch định bảo hiểm, hoạch định thuế thu nhập cá nhân và xa hơn là hoạch định hưu trí, thừa kế và quản lý di sản.

Không chỉ vậy, những người tư vấn tài chính này còn được cấp phép về khung năng lực hành nghề theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, các “bác sĩ tài chính” này có thể giới thiệu và đề xuất cho thân chủ những sản phẩm tài chính đang có trên thị trường như hợp đồng bảo hiểm, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư,…. sao cho phù hợp và tối ưu nhu cầu và mục tiêu tài chính của khách hàng so với tình hình tài chính của họ.

Đơn cử như tại Úc, người tư vấn tài chính được Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) cấp phép để tư vấn về các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng. Từ đó, đảm bảo rằng họ có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính chuyên nghiệp và đáng tin cậy, giúp khách hàng đưa ra những quyết định tài chính thông minh và an toàn.

Tại Việt Nam, trong khi người dân nói chung và người trẻ nói riêng rất cần được tư vấn tài chính thì những người tư vấn tài chính ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở vai trò “bán” sản phẩm, chứ chưa có năng lực và động lực để “tư vấn” cho khách hàng.

Trong nhiều năm qua, họ chỉ được các định chế tài chính đào tạo chủ yếu về sản phẩm và quy trình chốt khách hàng. Thu nhập của họ cũng đến phần nhiều từ hoa hồng sản phẩm mà không phải là phí tư vấn và xây dựng kế hoạch tài chính cho khách hàng. Bên cạnh đó, do chưa có nhiều các quy định pháp lý chi tiết về chất lượng nội dung tư vấn đến khách hàng, nhiều tư vấn tài chính chỉ tập trung vào chức năng và nội dung của sản phẩm mà không quan tâm đến việc sản phẩm này có phù hợp với tình hình và mục tiêu tài chính của khách hàng hay không.

Trên thực tế, nhiều trường hợp khách hàng có năng lực tài chính còn yếu nhưng nhân viên tư vấn lại “khuyến nghị” khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm với mức phí đóng lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm, dẫn đến việc khách hàng mất khả năng đóng phí khi giảm thu nhập hoặc khó khăn về dòng tiền. Ngoài ra, cũng có những nhân viên tư vấn tại một vài ngân hàng thời gian qua vô tình vì thiếu năng lực hoặc cố tình đánh tráo khái niệm, làm khách hàng hiểu lầm là sản phẩm tiền gửi của ngân hàng trong khi đây lại là các sản phẩm trái phiếu có rủi ro cao.

Nền móng cho một thế hệ ít tổn thương tài chính
Trong xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã thấy được vai trò quan trọng của việc phổ cập kiến thức tài chính cá nhân đến đông đảo người dân. Quyết định 149/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện quan điểm nhất quán và chủ trương mạnh mẽ từ cơ quan quản lý cho việc phổ cập kiến thức tài chính cơ bản đến toàn dân, mọi tầng lớp trong xã hội để góp phần nâng cao dân trí tài chính, củng cố vào bức tranh phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.

Những năm gần đây, nhiều nội dung liên quan đến tài chính cá nhân đã được đưa vào các chương trình giáo dục đào tạo bậc phổ thông cho học sinh cấp 3, qua đó cung cấp những kiến thức cơ bản cho toàn dân ở cấp độ đào tạo phổ thông về quản lý chi tiêu, xây dựng kế hoạch tài chính, quản lý thu nhập, bảo vệ tài chính để giúp định hình những kiến thức nền tảng và cơ bản nhất. Đồng thời, tạo tiền đề để từng bước xây dựng kỹ năng quản lý tài chính giống như một trong những kỹ năng thường thức đời sống hàng ngày mà mỗi công dân sẽ được cung cấp trong giáo dục phổ thông.

Song, tại các nước phát triển, những nội dung đào tạo về tài chính cho trẻ được áp dụng khá sớm, khoảng 8 – 9 tuổi. Ban đầu, trẻ sẽ được làm quen với các khái niệm rất cơ bản về tiền, giá trị của tiền, vai trò của các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm. Lên đến chương trình đào tạo trung học cơ sở, các em sẽ được tìm hiểu thêm về vai trò, chức năng của các sản phẩm tài chính.

Dựa trên các kinh nghiệm quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng về giáo dục có thể sẽ xem xét và cân nhắc cho việc phổ cập kiến thức tài chính cá nhân sớm hơn về độ tuổi, rộng hơn về phạm vi cung cấp kiến thức để người trẻ có thể sớm hình thành những kỹ năng quan trọng, mang theo trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc sớm đưa tài chính cá nhân thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo phổ thông.

Sự loay hoay trong quản lý tài chính cá nhân thiếu hiệu quả của người trẻ Việt (thế hệ 8x, 9x và thế hệ Gen Z) là điều không có gì ngạc nhiên bởi đây là những thế hệ không được đào tạo gì về tài chính cá nhân trong suốt những năm phổ thông và thậm chí là cả ở đại học. Chính vì thế, việc phổ cập tài chính từ thuở trẻ là hành động cấp thiết để cho một thế hệ mai sau không vướng vào những tổn thương tài chính không đáng có.

Song song với việc giáo dục kiến thức tài chính từ bậc giáo dục phổ thông, giáo dục kiến thức tài chính ở bậc đại học cũng cần nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. Thế hệ người trẻ hiện tại đang cần những bác sĩ tài chính đủ chất lượng và có khung giấy phép hành nghề để giúp giải quyết những tổn thương tài chính và đưa ra những lời khuyên quản lý tài chính an toàn và hiệu quả hơn.

Tại các nước phát triển, cùng với luật sư và bác sĩ, nhà tư vấn tài chính/ hoạch định tài chính (Financial Advisor/ Financial Planner) là một trong ba nghề không thể thiếu trong xã hội và phần lớn các gia đình trung lưu đều tìm đến khi cần lời khuyên và định hướng về tài chính. Do đó, Việt Nam cũng nên có chương trình đào tạo chính quy cho việc phát triển các chương trình đào tạo về tư vấn tài chính cá nhân.

Đi cùng với đó là khung pháp lý hành nghề, các tiêu chuẩn về đào tạo, đạo đức nghề nghiệp để người dân có thể nhận diện và tiếp cận lực lượng bác sĩ tài chính chuyên nghiệp, tư vấn và hành động vì lợi ích cao nhất của khách hàng. Hiện nhiều trường đại học như Đại học Văn Lang hay Học viện Ngân hàng đều đã và đang trong quá trình mở chuyên ngành về đào tạo tư vấn tài chính trong các năm tiếp theo.

Để có một cơ thể khỏe mạnh, mỗi tế bào trong cơ thể cần phải khỏe mạnh. Tương tự, khi một quốc gia muốn phát triển kinh tế và xã hội, sức khỏe tài chính của mỗi gia đình, mỗi người dân cần phải vững vàng. Muốn đạt được điều này, việc nâng cao nhận thức và giáo dục về tài chính cá nhân là điều không thể thiếu và cần được ưu tiên ngay từ bây giờ. Chỉ khi từng cá nhân và gia đình có sự ổn định và vững chắc về tài chính, chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế quốc gia mạnh mẽ và bền vững.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới