Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững tranh chấp kéo dài trên Vịnh Thái Lan

Những tranh chấp kéo dài trên Vịnh Thái Lan

Thái Lan và Campuchia đều là những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á lục địa. Hai nước cũng có đường biên giới chung dài khoảng 600 km. Tuy nhiên, hai bên không chỉ có mâu thuẫn trên đất liền mà còn có cả những yêu sách trên biển. Vậy hiện nay tình hình phân chia trên biển của Thái Lan và Campuchia diễn ra như thế nào?

Đền Preah Vihear

Vùng biển của Thái Lan và Campuchia

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh, thịnh vượng và bền vững của các vùng biển trên thế giới. Bên cạnh đó, nó cũng là công cụ pháp lý hữu hiệu để các nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Campuchia là quốc gia ký kết UNCLOS vào năm 1983, còn Thái Lan, mặc dù Công ước này được Quốc hội thông qua năm 1982, nhưng xứ Chùa Vàng đã trì hoãn việc phê chuẩn trong gần ba thập kỷ. Phải tới năm 2011, chính quyền Băng Cốc mới phê chuẩn Công ước này.

Vùng biển của Thái Lan

Nước này có đường bờ biển dài 2960 km, trong đó 1670 km nằm trên Vịnh Thái Lan thuộc Biển Đông, một phần của Thái Bình Dương, và 750 km còn lại nằm ở bờ biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương, bên cạnh đó là khoảng 540 km nằm trên 258 hòn đảo lớn nhỏ khác.

Quá trình phát triển hệ thống đường cơ sở thẳng của Thái Lan hình thành ba giai đoạn:

Năm 1959: Tuyên bố vào năm 1959;

Năm 1970: Chỉ định 2 Nhóm Đường Cơ Sở Thẳng ở Vịnh Thái Lan;

Năm 1992: Ban hành luật mới liên quan đến Đường Cơ Sở Thẳng ở Vùng Vịnh.

Trong đó, năm 1959, xứ sở Chùa Vàng ban hành một nghị định xác định đường giới hạn cho Vịnh Băng Cốc. Theo đó, đây là vịnh lịch sử và vùng biển phía Bắc đường giới hạn trên là lãnh hải của Thái Lan. Nhưng trên thực tế, nó được coi là vùng nội thủy và lãnh hải sẽ được mở rộng xuống phía Nam đường giới hạn này. Đến năm 1966, hoàng gia Thái Lan tuyên bố chiều rộng lãnh hải sẽ nằm trong khoảng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy, trước khi UNCLOS ra đời, nước này đã xác định được chiều rộng lãnh hải của mình. Kể từ đó, Thái Lan không thay đổi tuyên bố của họ. Cho đến nay, trong mọi tình huống, nó vẫn phù hợp với các chuẩn mực được chấp nhận của luật pháp quốc tế.

Sau đó, đến năm 1970, xứ sở Chùa Vàng tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng cho ba khu vực bờ biển của mình. Hai trong số đó nằm trong Vịnh Thái Lan. Theo đạo luật năm 1970 về thiết lập đường cơ sở thẳng khẳng định các vùng nước nằm trong đường cơ sở là nội thủy của Thái Lan. Ở những nơi khác dọc theo bờ biển, đường cơ sở sẽ đi dọc theo đường mực nước thấp được áp dụng. Cả hai hệ thống đường cơ sở thẳng riêng biệt đều kết nối các đảo giáp ranh với các điểm trên bờ biển đất liền của Thái Lan. Trên cơ sở tuyên bố này, các yêu sách và quyền tài phán trên biển của xứ sở Chùa Vàng đã được ban hành.

Thềm lục địa

Ngày 18/5/1973, Thái Lan đơn phương vạch ra ranh giới của thềm lục địa trong Vịnh. Ranh giới này là đường trung tuyến giữa một bên là các đảo quan trọng của họ như Ko Pha Ngan, Ko Samui và bờ biển Thái Lan, còn bên kia là các đảo và bờ biển của các quốc gia liên quan như đảo Koh Rong, Koh Rong Sanloem của Campuchia, hay đảo Phú Quốc và mũi Cà Mau của Việt Nam. Ngày nay, đường trung tuyến này chúng ta hay gọi là đường 1973. Đặc biệt, Thái Lan đã bỏ qua các đảo xa bờ như đá Ko Kra và Ko Losin của nước này, đảo Koh Poulo Wai của Campuchia và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam.

Vùng biển của Campuchia

Hiện nay, đất nước Chùa Tháp có đường bờ biển dài 443 km. Do tình hình chính trị phức tạp, nước này đã có nhiều sự thay đổi tuyên bố đường cơ sở thẳng. Campuchia nằm dưới sự đô hộ của Pháp trong 90 năm từ năm 1863 – 1953. Ngoài hiệp ước năm 1907 do chính quyền Pháp thay mặt Campuchia ký kết với Thái Lan (lúc đó gọi là Xiêm), chính quyền thuộc địa không đưa ra bất kỳ yêu sách cụ thể nào đối với vùng biển của Campuchia. Những gì chính quyền Pháp đã làm là ban hành quy định vào năm 1936 để bảo vệ nghề cá ngoài khơi bờ biển nước này. Theo đó, quy định này chủ yếu liên quan đến quyền tài phán nghề cá, hàng hải và hình phạt đối với các hành vi bất hợp pháp trong lãnh hải Đông Dương.

Đường cơ sở năm 1957

Sau khi độc lập hoàn toàn khỏi Pháp, Campuchia lần đầu tiên đưa ra yêu sách về vùng biển vào năm 1957. Cùng lúc đó, xứ Chùa Tháp cũng bắt đầu đưa ra yêu sách đường cơ sở thẳng cho các vùng biển của mình. Yêu sách đầu tiên được đưa ra vào năm 1957 và được chia thành ba phần là phần phía Bắc, trung tâm và phía Nam. Trong đó, phần phía Bắc có điểm đầu tiên là điểm cuối trên biên giới đất liền giữa Campuchia và Thái Lan. Sau đó, nó đi qua đảo Koh Smach nằm sát bờ biển.

Tiếp đến, phần trung tâm nối liền một số hòn đảo nằm ngang cửa Vịnh Kompong Som. Những hòn đảo này nằm xa bờ hơn những hòn đảo nằm ở phía Bắc. Còn phần phía Nam bao gồm ba điểm, trong đó các đường cơ sở kéo dài đến bờ biển đất liền phía Nam cho đến giao điểm của ranh giới đất liền Campuchia – Việt Nam. Yêu sách này ra đời trước Công ước Geneve 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Dù vậy, các đường cơ sở của Campuchia tuyên bố vẫn phù hợp với điều 4 của Công ước này.

Đường cơ sở năm 1972

Sau khi Vương Quốc Campuchia bị thay thế bởi Cộng hòa Khmer, chính phủ mới đã trao quyền thăm dò toàn bộ thềm lục địa cho nhóm Elf Eras của Pháp vào ngày 21/2/1972. Hơn nữa, Campuchia còn sửa đổi yêu sách của mình, theo đó hệ thống đường cơ sở thẳng năm 1972 có thể chia thành ba phần là khu vực phía Bắc, Trung tâm và khu vực lân cận Ko Chang, tức đảo Phú Quốc. Điều này làm cho đường cơ sở thẳng năm 1972 mở rộng rất quan trọng trong yêu sách của Campuchia so với yêu sách năm 1957. Có rất nhiều lời chỉ trích liên quan đến việc lựa chọn các điểm cơ sở được sử dụng để xây dựng đường cơ sở năm 1972. Tuy nhiên, một thông báo quan trọng về đường này là nó đã đưa đảo Phú Quốc vào lãnh thổ Campuchia.

Bên cạnh đó, yêu sách hàng hải của Phnom Penh không chỉ bỏ qua đường cơ sở thẳng khu vực 1 của Thái Lan mà còn cắt ngang khu vực mà chính phủ Băng Cốc tuyên bố là vùng lãnh hải. Sau đó, tại kỳ họp của Hội đồng Liên Hợp Quốc về Luật biển lần thứ ba năm 1976, chính phủ Campuchia đưa ra tuyên bố về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều này tượng trưng cho sự công nhận đầu tiên của Campuchia về chế độ vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, nước này một lần nữa không đề cập đến giới hạn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Đường cơ sở năm 1982

Năm 1978, Campuchia đưa ra yêu sách đầu tiên về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Sau đó, với sự thay đổi chính quyền từ Campuchia Dân chủ sang Cộng hòa Nhân dân Campuchia, Hội đồng Nhà nước đã ban hành nghị định ngày 31/10/1982 sửa đổi toàn diện hệ thống đường cơ sở thẳng. Nghị định này tiếp tục mở rộng yêu sách của Campuchia bằng cách sử dụng các hòn đảo xa hơn về phía biển từ đất liền làm điểm cơ sở. Để hoàn thành mục tiêu đó, Campuchia đã đơn giản hóa đường cơ sở thẳng của mình bằng cách giảm số điểm cơ sở từ 20 xuống còn 5 điểm. Theo nhiều chuyên gia, động lực để họ sửa đổi là nhằm tạo thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định về vùng biển lịch sử với Việt Nam ngày 7/8/1982 và nâng cao vị thế trên bàn đàm phán với Thái Lan.

Đường cơ sở năm 1982 bao gồm năm điểm cơ sở, trong đó điểm số 0 lúc đó chưa được quyết định. Tuy nhiên, theo điều 3 của Hiệp định vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, điểm số 0 nằm trên biển, trên đường cơ sở thẳng giữa quần đảo Thổ Chu và quần đảo Koh Poulo Wai. Mặt khác, hiệp định giữa Hà Nội và Bangkok về Vịnh Thái Lan ngày 9/8/1997 xác định điểm số 0 là điểm cách đều giữa nhóm đảo Thổ Chu và nhóm đảo Koh Poulo Wai. Như vậy, hệ thống đường cơ sở năm 1982 của Campuchia được coi là có giá trị nhất.

Đối với yêu sách về các vùng biển trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, yêu sách của Campuchia giống với yêu sách của các quốc gia khác. Nước này tuyên bố chủ quyền 12 hải lý lãnh hải và 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế tính từ đường cơ sở. Trong đó, Campuchia tuyên bố yêu sách về thềm lục địa lần đầu vào ngày 6/2/1970 và lần thứ hai vào ngày 1/7/1972. Theo đó, điểm bắt đầu sẽ là điểm cuối trên ranh giới đất liền Thái Lan – Campuchia. Sau đó, vẽ một đường đi qua Ko Kut và Koh Kong chạy thẳng về phía Tây Nam, sau đó hơi bẻ về phía Nam tới phía Đông, bao trọn vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc và kết thúc tại điểm cuối trên đường biên giới Việt Nam – Campuchia.

Yêu sách này đã vấp phải sự phản đối của Thái Lan. Hầu hết các luật sư Thái Lan đều cho rằng phía Campuchia đã đơn phương xác định thềm lục địa mà không viện dẫn bất kỳ nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế, trong khi phía Bangkok đề cập đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mặc dù nó ra đời sau khi hai nước tuyên bố yêu sách về thềm lục địa, nhưng nó dựa trên Công ước Geneve năm 1958 mà Thái Lan là một bên tham gia. Tuy nhiên, những yêu sách này, đặc biệt là về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đã dẫn đến một khu vực được yêu sách chồng chéo với các quốc gia láng giềng là Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, Campuchia vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ranh giới biển với xứ sở Chùa Vàng. Xét trên thực tế địa lý, Vịnh Thái Lan chỉ rộng 320.000 km². UNCLOS 1982 cho phép các quốc gia ven biển yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng tới 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vì vậy, dù các quốc gia trong vịnh có đưa ra tuyên bố dựa trên nguyên tắc nào hay không dựa trên nguyên tắc nào thì cũng sẽ có những khu vực yêu sách chồng chéo. Như vậy, rất khó để nói đường lối của bên nào đúng hơn theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Từ đây, một khu vực chồng chéo giữa Thái Lan và Campuchia đã xuất hiện trong Vịnh.

Tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia

Khu vực chồng lấn giữa hai nước có diện tích lên tới 26.000 km². Theo các đánh giá, nơi đây có thể chứa khoảng 311 triệu m³ khí tự nhiên cùng với khoảng 500 triệu thùng dầu với giá trị hàng chục tỷ đô. Tranh chấp này tồn tại vì hai quốc gia đã áp dụng các phương pháp khác nhau để xây dựng yêu sách của mình giữa các bờ biển liền kề. Mặc dù cả Campuchia và Thái Lan đều sử dụng cùng một phương pháp là lấy đường trung tuyến làm cơ sở cho các yêu sách của mình, nhưng họ đã sử dụng các điểm cơ sở khác nhau nên có cách giải thích khác nhau về đường trung tuyến.

Hai nước đã không giải quyết được tranh chấp lãnh hải kể từ vòng đàm phán đầu tiên vào năm 1970. Tuy nhiên, sự thành công của Thái Lan và Malaysia trong việc đàm phán vùng khai thác chung vào năm 1979 đã truyền cảm hứng cho chính phủ Thái Lan và Campuchia thử nghiệm các giải pháp tương tự nhằm biến xung đột thành hợp tác để khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Như đã nói ở trên, khu vực tranh chấp được ước tính có trữ lượng dầu khí lớn. Nếu đàm phán thành công, cả Thái Lan và Campuchia sẽ có được nguồn năng lượng giá rẻ trong tương lai. Chính vì vậy vào năm 2001, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ liên quan đến các khu vực thềm lục địa chồng lấn. Theo biên bản này, họ sẽ đẩy mạnh đàm phán về cơ chế phát triển chung ở các khu vực dưới vĩ độ 11 độ Bắc và phân định lãnh hải ở khu vực trên vĩ độ 11 độ Bắc, đồng thời thành lập Ủy ban kỹ thuật chung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hai mục tiêu.

Năm 2007, Campuchia đề nghị công nhận di sản văn hóa cho đền Prasat Preah Vihear, nhưng bị UNESCO bác bỏ do còn tồn tại những bất đồng với Thái Lan. Khi nước này bác bỏ và phản đối đề nghị này của Campuchia. Tuy nhiên một năm sau đó, khi Bộ Ngoại giao Thái Lan ủng hộ, trong cuộc họp ngày 7/6/2008 tại Canada, Ủy ban Di sản Thế giới đã thông qua đơn của Campuchia và công nhận đền Prasat Preah Vihear nằm trong danh sách di sản thế giới. Chính quyền và nhân dân đất nước Chùa Tháp rất vui mừng chào đón sự kiện này. Khi đó, Thủ tướng Hun Sen đã phát biểu rằng, đây là vinh dự mới của nhân dân Campuchia, bởi đền Prasat Preah Vihear được công nhận là đỉnh cao của kiến trúc Khmer và có giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Trái lại, dư luận Thái Lan đã thực sự bùng nổ khi quyết định của UNESCO được đưa ra và điều này khiến cho chính phủ hai nước phải đưa quân tới khu vực xung quanh ngôi đền.

Trên thực tế, Thái Lan không phản đối chủ quyền của Campuchia đối với Prasat Preah Vihear, nhưng nước này lâu nay vẫn khẳng định chủ quyền đối với vùng đất rộng hơn 4,6 km² xung quanh ngôi đền cổ này. Vì vậy, phía Bangkok cho rằng phạm vi mà Phnom Penh xin đề cử bao gồm cả vùng đất mà Thái Lan có chủ quyền nên đã xâm phạm lãnh thổ của xứ sở Chùa Vàng. Từ đây, ngôi đền Prasat Preah Vihear được hướng đến để phát triển du lịch lại trở thành nơi tranh chấp giữa hai nước. Phải đến năm 2013, khi Tòa án Công lý Quốc tế đã khẳng định chủ quyền của Campuchia đối với khu vực 4,6 km² xung quanh đền cổ Prasat Preah Vihear, quyết định này mang tính chất ràng buộc và các bên không thể kháng nghị. Chính vì vậy, Thái Lan buộc phải rút toàn bộ các lực lượng quân sự, cảnh sát và nhân viên an ninh đang hiện diện tại vùng đất có tranh chấp chủ quyền.

Như vậy, quyết định này đã hợp pháp hóa quyền sở hữu đền Prasat Preah Vihear và vùng đất xung quanh ngôi đền cổ của Campuchia. Đồng thời, nó cũng được xem là cái kết cho vụ tranh chấp hơn nửa thế kỷ giữa Phnom Penh với Băng Cốc. Nhưng nếu cả hai quốc gia sử dụng cách này trong việc phân định vùng chồng lấn ở Vịnh Thái Lan thì cần phải tính toán rất rõ ràng, vì hai nước có thể trở thành kẻ thù của nhau chỉ sau một quyết định.

Cách thứ hai được dùng phổ biến hơn là hai nước trực tiếp đàm phán dựa trên cơ sở luật pháp và các công ước quốc tế. Hiện nay, Thái Lan và Campuchia đều lựa chọn cách này. Theo đó, hai nước sẽ tiến hành những cuộc thảo luận đàm phán cho đến khi thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận. Cách tiếp cận này có thể mất nhiều thời gian và trong thời gian diễn ra đàm phán họ có thể xảy ra những mâu thuẫn trên biển. Nhưng nếu cả Băng Cốc và Phnom Penh cùng nhau đưa ra những giải pháp tạm thời, thì cả hai có thể tránh được những cuộc xung đột không đáng có. Khi Campuchia và Thái Lan đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên, sẽ tạo ra cơ hội giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, như trường hợp của Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Từ đây, nguồn tài nguyên ở khu vực tranh chấp có thể được khai thác và đưa vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển của các quốc gia.

Tháng 2/2024, Thủ tướng Campuchia là Hun Manet đã đến thăm Thái Lan mà một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự là đàm phán về khu vực chồng lấn trong Vịnh Thái Lan. Khu vực này được coi là kho báu năng lượng với giá trị rất to lớn. Nếu họ tìm được tiếng nói chung, người dân hai nước sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Hơn nữa, nó diễn ra trong bối cảnh Bangkok phải đối mặt với tình trạng suy giảm lượng khí đốt tự nhiên và cần tăng cường an ninh năng lượng.

Tương tự, Phnom Penh cũng đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài và không thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp riêng sau hơn hai thập kỷ cố gắng. Do đó, việc đàm phán lần này được cả hai nhà lãnh đạo rất coi trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc đàm phán vẫn chưa được công bố. Nhiều khả năng hai thủ tướng chỉ nêu quan điểm, còn việc thảo luận chính thức sẽ được giao lại cho các cơ quan có liên quan của hai nước. Trong khi một số bộ trưởng cấp cao của Thái Lan và Campuchia thông báo rằng, họ đồng ý thúc đẩy các cuộc đàm phán để phát triển khu vực yêu sách chồng chéo. Động thái này đánh dấu khả năng tan băng của tranh chấp đã kéo dài nhiều năm, vốn là nguyên nhân cản trở hoạt động thăm dò dầu khí trên Vịnh Thái Lan.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới