“Thôn tính mềm” là cách nói uyển chuyển của các nhà Trung Quốc học. Thật ra thì từ lâu Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông và biến tất cả các nước Đông Nam Á thành sân nhà của họ.
Nếu Chiến lược “Vành đai&Con đường” là phương tiện để Trung Quốc ôm giấc mộng bá chủ, thâu tóm cả thế giới, thì Đông Nam Á nằm trong “vành đai” nhỏ hơn. Đông Nam Á bao gồm hai khu vực: Đông Nam Á lục địa (Campuchia, Lào, Myanmar, bán đảo Malaysia, Thái Lan và Việt Nam) và Đông Nam Á hải đảo (Malaysia, Philippines, Brunei, Đông Timor, Singapore và Indonesia). Sáu nước lục địa còn được gọi là Bán đảo Đông dương.
Hai khu vực lục địa và bán đảo tạo thành vòng cung, bao phủ vùng Biển Đông. Đây là vùng biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài của Trung Quốc.
Trong thời đại ngày này, thời của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời toàn cầu hóa, nhiều quốc gia – nhất là các nước G7, G20 – đã nhanh chóng đạt được những thành tựu vượt trội về phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ. Trung Quốc đã chớp thời cơ này. Họ muốn lập lại một trật tự quốc tế mới. Đây chính là điểm nhấn mang tính bước ngoặt.
Từ khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước vào năm 2013, Học thuyết “Giấc mơ Trung Hoa” đã ra đời gắn liền với tên tuổi ông. Giấc mơ ấy là đưa đất nước 1,4 tỉ dân trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu. Vị trí ấy đã mất trong quá khứ, khi Trung Quốc luôn bị Mỹ dẫn điểm trước trận đấu vô tiền khoáng hậu.
Chiến lược Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong chính sách, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, giúp đất nước này biến giấc mơ thành hiện thực.
Vì sao Đông Nam Á? Câu hỏi của các chiến lược gia không cần hỏi hết câu. Trước hết khu vực phía nam và phía đông của Trung Quốc có thể gây trở ngại đối với nước này. Bắc Kinh đang gặp khá nhiều rắc rối từ khu tự trị Nội Mông ở phía bắc, khu vực tự trị Tân Cương ở phía tây, khu vực Tây Tạng ở phía Tây nam và xung đột lãnh thổ với Ấn Độ, cho tới sự hiện diện của Mỹ trải dài suốt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, đến Thái Lan và eo biển Malacca.
Vì cái gai này cho nên nếu không duy trì được khả năng ảnh hưởng ở khu Đông Nam Á, thì Trung Quốc sẽ khó lòng nuốt trọn Biển Đông. Mà chiếm được Biển Đông thì sẽ chiếm được thế giới. Không vội gì phải biến các nước trong khu vực trở thành thuộc địa, Trung Quốc trước hết chỉ mong rằng, Đông Nam Á là khu vực này giữ vững được chính sách trung lập của họ.
Vì sao Bắc Kinh chỉ cần các ông bạn láng giềng đừng ngó bắc ngó nam, hãy “giữ nguyên hiện trạng”? Bởi trong lịch sử, Đông Nam Á đã trở thành điểm đến của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và đối tác, đồng minh Châu Âu. Học thuyết Domino trong thế kỷ 20 của Mỹ chủ yếu nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Mỹ cũng đã thành lập SEATO nhằm ngăn chặn sự lan rộng của cuộc chiến tại Việt Nam và ngáng đường Trung Quốc.
Thực hiện Chiến lược tìm cách kết thân với láng giềng, từ năm 2015, khi thăm Singapore, Chủ tịch Tập Cân Bình đã nói: “Trung Quốc luôn đặt quan hệ với các nước láng giềng lên hàng đầu, kiên trì xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác với các nước láng giềng; kiên trì chính sách đối ngoại mang lại sự hài hòa, an ninh và thịnh vượng cho các nước láng giềng”. Ông còn nói một cách hình ảnh hơn, “máu thịt” hơn: Trung Quốc và Đông Nam Á “nối kết núi sông, gắn kết bằng máu thịt”.
Nói là làm, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua các khoản đầu tư lên đến trăm tỷ USD nhằm ổn định khu vực, bảo đảm bảo lợi ích quốc gia và bảo đảm Chiến lược “Vành đai & Con đường” của nước này được triển khai suôn sẻ.
Do vị trí địa lý thuận lợi, Đông Nam Á là thị trường giàu tiềm năng đối với Trung Quốc. Thế nhưng hơn hai thập niên qua Trung Quốc luôn bị Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới- cản trở. Cuộc chiến thương mại với Mỹ do Tổng thống Donald Trump phát động vào tháng 3/2018. Mỹ áp đặt thuế quan bổ sung 10% giá trị lên các mặt hàng từ Trung Quốc xuất sang Mỹ có tổng kim ngạch 200 triệu USD/năm mặc dù đã áp thuế trước đó lên 50 tỷ USD.
Donald Trump hạ màn, Joe Biden thay thế. Tình hình còn tồi tệ hơn. Biden tiếp tục thực hiện hàng loạt biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Tiêu biểu là, hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu chất bán dẫn vào tháng 10/2022; kiểm soát xuất khẩu đối với 31 doanh nghiệp Trung Quốc vào tháng 6/2023; hạn chế các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử…
Cách tốt nhất khi bị Mỹ o ép, Trung Quốc tính ngay tới chuyện tìm đến các quốc gia Đông Nam Á gần gũi, nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Một vấn đề khác. Chính quyền Bắc Kinh luôn nhận rõ lợi thế của một quốc gia có diện tích lãnh thổ rộng lớn và dân số đông là giảm chi phí đầu vào bởi nguồn tài nguyên phong phú và chi phí nhân công thấp. Vì vậy, Trung Quốc muốn rằng, các nước Đông Nam Á sẽ đóng vai trò thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”. Sang thế kỷ 21, tư tưởng “công xưởng của thế giới” được Bắc Kinh thay bằng học thuyết “Made in China 2025”, nhằm giảm phụ thuộc của quốc gia này đối với công nghệ nước ngoài và thúc đẩy sản xuất, phát minh ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Năm 2017, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết rằng, Trung Quốc “sẽ thực hiện đầy đủ kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược” và “tăng tốc năng lực nghiên cứu, thương mại hóa nguyên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, mạch tích hợp, dược phẩm sinh học, thông tin di động 5G và các công nghệ khác, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực này”.
Và đương nhiên “công trường Đông Nam Á” đón nhận một cách hồ hởi. Những mảng phụ trợ, không cần đầu tư công nghệ cao, thâm hụt nhân lực ở Trung Quốc sẽ bị hạn chế, chúng được dịch chuyển sang các khu vực lân cận, chủ yếu là Đông Nam Á.
Muốn phát triển kinh tế thì phải giữ ổn định khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc- ASEAN từ năm 2018 đã thông qua Tầm nhìn Đối tác chiến lược đến năm 2030. Các bên đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11/2002, thông qua Hướng dẫn triển khai DOC năm 2011. Năm 2016 thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC…
Trung Quốc cũng gia tăng vốn đầu tư ở các nước trong khu vực ASEAN lên đến trên 150 tỷ USD vào năm 2022. Đáng lưu ý, Singapore – một quốc gia phát triển trong khu vực – là quốc gia nhận nguồn vốn FDI của Trung Quốc nhiều nhất, lên đến khoảng 50% giai đoạn 2017 – 2022.
Đủ thấy một chiến lược vô cùng bài bản của Trung Quốc, trong đó có các “món hời” về hợp tác kinh tế. Nhưng gần đây thì nhiều nước đang sập bẫy nợ của Trung Quốc. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã và đang từ chối các khoản đầu tư mà Trung Quốc cho vay dài hạn, thậm chí “cho không”.
Từ chối để lợi ích dân tộc không bị các thế lực bành trướng đánh cắp, chiếm đoạt.
H.Đ