Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDân số già từ góc nhìn kinh tế và địa chính trị...

Dân số già từ góc nhìn kinh tế và địa chính trị toàn cầu

Tình trạng già hoá dân số là một vấn đề ngày càng quan trọng trên toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, vào năm 2020, có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới, chiếm khoảng 9,3% tổng dân số toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng lên khoảng 1,5 tỷ người, chiếm khoảng 16% tổng dân số toàn cầu. Dân số toàn cầu từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của nhóm này là 3%.

Tỉ lệ % người từ 65 tuổi trở lên ở châu Âu.

Các khu vực phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất. Vào năm 2020, khoảng 20% dân số châu Âu và Bắc Mỹ là từ 65 tuổi trở lên. Các khu vực đang phát triển, như châu Á và châu Mỹ Latinh, cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi.

Tình trạng già hóa dân số là một nguyên nhân ẩn sâu khiến tăng trưởng châu Âu chững lại. Theo dữ liệu từ Eurostat, vào năm 2020, khoảng 20,6% dân số châu Âu (EU27) là người từ 65 tuổi trở lên. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 30% vào năm 2050. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân châu Âu vào năm 2019 là khoảng 81, trong khi đó tỷ lệ sinh ở châu Âu đang ở mức thấp. Tỷ lệ sinh trung bình ở EU vào năm 2019 là khoảng 1,53 trẻ em/phụ nữ, thấp hơn mức 2,1 trẻ em/phụ nữ cần thiết để duy trì dân số ổn định mà không cần nhập cư. Với thực tế như vậy, dự báo dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) ở EU sẽ giảm từ khoảng 265 triệu người vào năm 2019 xuống còn khoảng 217 triệu người vào năm 2100. Một số quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi đặc biệt cao, ví dụ như Ý và Đức, nơi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã vượt qua 22% vào năm 2020. Thách thức lớn về già hóa dân số khiến châu Âu khó có động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bị động trong việc đẩy mạnh vị thế địa chính trị vốn bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ như hiện nay.

Dân số trẻ được coi là thứ vũ khí mạnh mẽ giúp Đông Á nói riêng và châu Á nói chung. Khu vực này đạt bước tăng trưởng ngoạn mục và có được vị thế như hiện nay nhờ từng có dân số trẻ. Trong những thập kỷ sau Thế chiến thứ hai, dân số Đông Á bùng nổ. Giữa những năm 1950 và 1980, dân số đã tăng gần 80%. Đến năm 2020, khu vực này có dân số gần gấp 2,5 lần so với năm 1950, tăng từ dưới 700 triệu lên gần 1,7 tỷ. Bước nhảy vọt về dân số này là một phần không thể thiếu cho sự cất cánh kinh tế phi thường của Đông Á.

Tuy vậy, ở châu Á đặc biệt là Đông Á, xu hướng này đang bị đảo ngược. Trong những thập kỷ sắp tới, Đông Á có lẽ sẽ trải qua sự thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ nhất trong thế giới hiện đại. Tất cả các quốc gia chính trong khu vực – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan – sắp bước vào kỷ nguyên giảm dân số, trong đó họ sẽ già đi đáng kể. Theo dự đoán từ Phòng Dân số thuộc Vụ Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc, dân số Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giảm lần lượt 8% và 18% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050. Dân số Hàn Quốc dự kiến sẽ giảm 12%. Và Đài Loan sẽ giảm khoảng 8%.

Cụ thể hơn, Trung Quốc của năm 2050 sẽ có số người ở độ tuổi 70, 80 và 90 tuổi gấp 2,5 lần so với ngày nay, thêm 180 triệu người nữa, mặc dù tổng dân số của đất nước sẽ giảm. Ở các nước khác, những thay đổi sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Vào năm 2050, Đài Loan sẽ có nhiều người trên 75 tuổi hơn người dưới 25 tuổi. Ở Hàn Quốc, số người trên 80 tuổi sẽ nhiều hơn người dưới 20 tuổi. Thực tế sẽ là nhóm dân số trong độ tuổi tăng trưởng nhanh nhất ở các quốc gia này có thể lại là nhóm có ít khả năng làm việc nhất: những người trên 80 tuổi. Ở Trung Quốc, nhóm “già nhất” này sẽ tăng gấp bốn lần từ năm 2020 đến năm 2050. Đến giữa thế kỷ này, cứ mười người dân cả nước thì có một người ở độ tuổi 80 trở lên. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, gần một phần sáu sẽ trên 80 tuổi. Đến năm 2050, toàn bộ Đông Á sẽ có nhiều người trên 80 tuổi hơn trẻ em dưới 15 tuổi. Ở Hàn Quốc, con số này có thể nhiều gấp đôi.

Sự thay đổi nhân khẩu học này sẽ khiến các quốc gia này phải trả giá, đe dọa lớn nhất là làm mất đi sức sống kinh tế của họ. Theo nguyên tắc chung, những xã hội có ít người hơn hoặc nhiều người già hơn có xu hướng có nền kinh tế nhỏ hơn. Người già làm việc ít hơn người trẻ và người trung niên, và chỉ có những người từ 15 đến 64 tuổi mới là dân số “trong độ tuổi lao động”. Nếu tiếp tục theo xu hướng này, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc vào năm 2050 sẽ giảm hơn 20% so với năm 2020. Nhật Bản và Đài Loan sẽ giảm hơn khoảng 30% và Hàn Quốc sẽ giảm hơn hơn 35%. Điều này sẽ khiến các quốc gia giàu mạnh này gặp khó khăn hơn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tích lũy đầu tư và tạo dựng của cải, đảm bảo an sinh xã hội và huy động lực lượng vũ trang. Nhiều nhà kinh tế đã dự báo các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có xu hướng hướng nội nhiều hơn và một Trung Quốc già đi cũng khó triển khai tham vọng địa chính trị của mình.

Dân số đang già đi với tốc độ nhanh chóng như hiện nay do nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số xu hướng và lý do chính giải thích hiện tượng này.

Thứ nhất, là sự gia tăng tuổi thọ. Nhờ tiến bộ trong y học, dinh dưỡng và điều kiện sống, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng lên đáng kể. Nhiều người sống lâu hơn, dẫn đến tỷ lệ người già trong dân số tăng.

Thứ hai, là tỉ lệ sinh giảm, ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển ở châu Âu và châu Á, tỷ lệ sinh đang giảm mạnh. Điều này có nghĩa là số lượng trẻ em sinh ra ít hơn, làm tăng tỷ lệ người cao tuổi so với người trẻ. Tỷ lệ sinh trung bình ở châu Âu hiện nay dao động khoảng từ 1,4 đến 1,6 con/phụ nữ, tùy thuộc vào quốc gia. Con số này thấp hơn so với mức cần thiết để duy trì dân số ổn định, thường được coi là khoảng 2,1 con/phụ nữ. Tính đến năm 2023, mức sinh của Nhật Bản thấp hơn mức cần thiết này hơn 40%. Tỷ lệ sinh con của Trung Quốc thấp hơn gần 50% so với mức cần thiết nói trên. Nếu xu hướng đó tiếp tục, mỗi thế hệ đang trỗi dậy của Trung Quốc sẽ chỉ bằng một nửa thế hệ trước đó. Điều tương tự cũng đúng với Đài Loan. Tỷ lệ sinh năm 2023 của Hàn Quốc thấp hơn đáng kinh ngạc, khoảng 65% so với mức tiêu chuẩn. Nếu không thay đổi, trong hai thế hệ, Hàn Quốc sẽ chỉ có 12 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên 100 phụ nữ ở nước này hiện nay. Một tỉ lệ đáng báo động.

Tỉ lệ sinh giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của lối sống tự do phương Tây. Mỗi cá nhân đòi hỏi cuộc sống tự do thoải mái vị kỷ của mình hơn là nghĩ tới sự phát triển tổng thể của cộng đồng dân tộc. Sinh đẻ rõ ràng là vất vả và nuôi con là gánh nặng nên những phụ nữ ảnh hưởng bởi quan điểm tự do từ chối sinh nhiều con vì điều này. Gần đây, phong trào Cầu Vồng từ phương Tây đòi bình đẳng cho các bản dạng giới tính cá biệt khác nhau càng làm dấy lên quan điểm tự do này, như kết hôn đồng giới, chuyển giới nam thành nữ và ngược lại, cổ vũ lớp trẻ sống độc thân… theo đó sinh đẻ và giới tính cũng không còn quan trọng nữa. Những ý tưởng như vậy khiến cho châu Âu và nhiều nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đối mặt với một bài toán như nhau: tỉ lệ sinh thấp kéo theo đó là già hoá dân số. Riêng với Trung Quốc, do quá đông dân, nước này đã thực hiện các chính sách kiểm soát dân số như chính sách một con trước đây, dẫn đến suy giảm tỷ lệ sinh. Chính sách này đang thay đổi bởi Trung Quốc cũng ý thức rõ được mối nguy cơ từ việc suy giảm dân số sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới khát vọng toàn cầu của nước này.

Thứ ba, một số quốc gia phát triển cũng bị già hoá do người trẻ có xu hướng di cư đến các nước khác phát triển khác để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn, để lại dân số ở nông thôn hoặc các khu vực ít phát triển có tỷ lệ người già ngày một cao hơn. Số lượng người trong độ tuổi lao động di cư đến nơi khác dẫn đến thiếu hụt lao động và giảm năng suất kinh tế.

Từ các thực tế đã nói ở trên có thể thấy nguy cơ già hoá là hiện hữu và chưa được đánh giá hết. Trong quá khứ, đã từng có những đợt suy giảm dân số và suy thoái kéo dài do hậu quả của những tai họa khủng khiếp như chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh. Ngày nay, sự suy thoái đang diễn ra trong điều kiện tiến bộ, dưới những lý tưởng như dân chủ nhân quyền, tự do lựa chọn. Nói cách khác, sự suy giảm dân số hiện nay là tự nguyện. Một thực tế mỉa mai là dân số giảm hiện nay không phải vì chết hàng loạt do chiến tranh hay dịch bệnh mà vì người ta chọn sinh ít con hơn.

Không giống với các đợt suy giảm dân số trong quá khứ, nơi tỷ lệ sinh cao sẽ phục hồi dân số sau khi nạn đói, chiến tranh hoặc thảm họa khác lắng xuống, tỉ lệ sinh giảm hiện nay khó đảo ngược do nhận thức chủ động không sinh con đang tăng. Nhận thức được mặc định này sẽ tiếp tục làm giảm dân số trẻ ở các quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.

Sự suy giảm dân số sẽ làm yếu đi sức mạnh của các cực khác so với Hoa Kỳ trong thế giới đa cực. Hiện nay, tỷ lệ sinh của Hoa Kỳ thấp hơn mức tiêu chuẩn, nhưng vẫn cao hơn 40% so với Đông Á. Quan trọng hơn, Hoa Kỳ thu hút số lượng lớn người nhập cư, tri thức trẻ chất lượng cao tới học tập và làm việc, từ đó tăng cường dân số trẻ của nước này, trong khi lượng nhập cư ở Đông Á không đáng kể. Nhận thức được sự yếu đi tương đối này, một số nhà lãnh đạo các cường quốc đã thay đổi chính sách, đặc biệt Tổng thống Nga Putin gần đây liên tục phát đi các thông điệp khích lệ người Nga giữ vững truyền thống gia đình như cũ, sinh nhiều con như các thế hệ cha ông để giữ vững sức mạnh của đất nước.

Riêng đối với Việt Nam, tình trạng già hóa dân số cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng đáng chú ý. Dù trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã tận dụng lợi thế dân số trẻ để vươn lên trở thành một nước mạnh trong khu vực, trong thời gian tới, lợi thế này sẽ không còn nữa. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2021, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12% dân số Việt Nam. Dự báo đến năm 2036, tỷ lệ này có thể tăng lên 20%, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có dân số già.

Tỷ lệ sinh của Việt Nam cũng đang giảm dần. Năm 2020, tỷ lệ sinh ở Việt Nam là khoảng 2,09 con/phụ nữ, thấp hơn một chút so với mức 2,1 con/phụ nữ cần thiết để duy trì dân số ổn định. Số liệu mới nhất cho thấy tổng tỷ suất sinh của thành phố Hồ Chí Minh năm nay là 1,42, là mức sinh rất thấp, tiếp tục đáng báo động khi đây là đầu tầu kinh tế của cả nước. Những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước, thấp hơn nhiều so với mức sinh Việt Nam đang duy trì.

Tình trạng già hóa dân số đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đòi hỏi những giải pháp toàn diện và bền vững từ cả chính phủ và cộng đồng để đảm bảo duy trì sự phát triển kinh tế – xã hội, cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Dù tỉ lệ sinh chưa ở mức nguy cơ như nhiều nước châu Âu và Đông Á, Việt Nam phải thực hiện ngay các biện pháp đối phó. Quan trọng nhất là các chính sách khuyến khích sinh đẻ.

Một là, Chính phủ có thể xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ tài chính như trợ cấp sinh con, bao gồm tiền mặt, giảm thuế hoặc các khoản hỗ trợ khác. Trợ cấp nuôi con như hỗ trợ tài chính hàng tháng cho các gia đình có con nhỏ để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nuôi con cũng là một biện pháp có thể xem xét.

Hai là, nhóm giải pháp liên quan đến chính sách nghỉ phép và bảo hiểm, ví dụ tăng thời gian nghỉ phép thai sản có lương cho cả cha và mẹ, khuyến khích cha mẹ cùng tham gia chăm sóc con cái. Nhà nước cũng có thể cung cấp bảo hiểm y tế toàn diện cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.

Ba là, nhóm giải pháp hỗ trợ chăm sóc trẻ em, như mở rộng và cải thiện chất lượng các cơ sở chăm sóc trẻ em, đảm bảo chi phí hợp lý và dễ tiếp cận, đầu tư vào các chương trình giáo dục sớm để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Bốn là, các chính sách hỗ trợ việc làm, như đảm bảo linh hoạt thời gian làm việc. Chính phủ có thể khuyến khích các công ty áp dụng chính sách làm việc linh hoạt, cho phép cha mẹ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Hỗ trợ việc làm cho phụ nữ sinh con là quan trọng, tạo điều kiện và cơ hội việc làm cho họ, bao gồm các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng. Chỉ khi có thu nhập ổn định, phụ nữ mới muốn sinh thêm con.

Năm là, nhà nước phải đặc biệt chú trọng khuyến khích văn hóa gia đình trước sự tấn công của các luồng tư tưởng phương Tây đang cổ vũ lối sống không lành mạnh trong thanh thiếu niên theo chương trình Cầu vồng của các nước phương Tây. Công việc của nhà nước và các tổ chức xã hội và gia đình phải làm là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị truyền thống của dân tộc là có gia đình và sinh con, khuyến khích các gia đình trẻ có nhiều con, cũng như tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ giữa các gia đình.

Sáu là, nhóm chính sách nhà ở là yếu tố không thể không tính tới. Nhà nước cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc trợ cấp để giúp các gia đình trẻ có thể mua nhà ở, từ đó ổn định để sinh con. Xây dựng và cung cấp nhà ở xã hội với giá cả phải chăng cho các gia đình có thu nhập thấp là một yêu cầu hiện nay.

Khuyến khích sinh con thứ hai và thứ ba ngay từ bây giờ phải trở thành ưu tiên hàng đầu. Không cần thiết phải hạn chế nữa mà cần cung cấp các phần thưởng và ưu đãi đặc biệt cho các gia đình sinh con thứ ba. Các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ và linh hoạt. Việc tăng tỷ lệ sinh không chỉ là vấn đề của chính sách mà còn đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và thái độ của người dân đối với việc sinh con và nuôi dưỡng trẻ em.

Nền văn hoá truyền thống của Việt Nam có được duy trì hay không, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng cao và bền vững hay không, vị thế quốc gia trên trường quốc tế có được mở rộng hay không tuỳ thuộc rất lớn vào bức tranh dân số của Việt Nam. Một dân số trẻ, đông đảo và năng động là điều kiện tiên quyết. Đã tới lúc cần coi tỉ lệ sinh thấp là một nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống, đe doạ sự phát triển của đất nước. Không để rơi vào cái bẫy mà nhiều nước phương Tây cũng như Đông Á đã sa vào chính là một cách để Việt Nam vươn lên thành nước phát triển. Dân số trẻ đông đảo sẽ giúp duy trì và khẳng định vị thế của Việt Nam như một quốc gia trung tâm, của khu vực và thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới