Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển ĐôngVấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa - Trường Sa theo hướng...

Vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa theo hướng tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam

Lịch sử Việt Nam bao gồm tất cả các hoạt động của con người trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với con người đã diễn ra trên phạm vi lãnh thổ và có quan hệ trực tiếp đến lãnh thổ Việt Nam, bao quát lịch sử của tất cả các cộng đồng cư dân, các tộc người, các vương quốc đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Văn minh Champa từng là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng, giao thoa của hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ, Đại Việt vào văn hóa Champa từ sau thế kỷ thứ XI.

Quan niệm truyền thống coi lịch sử Việt Nam khởi đầu từ các lớp cư dân thời nguyên thủy rồi đến thời dựng nước Văn Lang – Âu Lạc, qua nước Đại Việt, Việt Nam, Đại Nam cho đến Việt Nam ngày nay. Trên dòng chảy lịch sử đó, về phía Nam, người Việt đi đến đâu lịch sử Việt Nam tiếp nối đến đấy. Theo quan niệm này, lịch sử vùng đất phía Nam chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVI, XVII và hoàn toàn không có các vương quốc Chămpa, Phù Nam. Từ nhận thức này, các nhà sử học trước đây thường không mấy quan tâm đến tính toàn bộ, toàn diện, tức là tính tự nhiên, bản chất, cốt lõi của lịch sử đất nước, và vì thế mà đã gặp không ít những khó khăn, lúng túng khi cần phải lý giải một cách thực sự khách quan, khoa học, cho đến tận ngọn nguồn những vấn đề còn đang có nhiều tranh cãi, trong đó có vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa. Nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa theo định hướng tiếp cận toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam đòi hỏi các chuyên gia phải triển khai nghiên cứu một cách bài bản, đúng phương pháp, trong đó không thể không vận dụng hiệu quả các phương pháp Sử học liên ngành và Sử học đa ngành.

Thứ nhất, biển là không gian sinh tồn, là nhân tố quyết định quá trình hình thành các quốc gia cổ đại đầu tiên và toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam cho đến ngày nay

Đất nước Việt Nam gồm đất liền, sông núi, biển và hải đảo. Toàn bộ lãnh thổ đất liền của Việt Nam ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của biển. Biển Đông là không gian sinh tồn và phát triển, là cánh cửa mở ra với thế giới của Việt Nam suốt từ thuở sinh thành cho đến ngày nay.

Trên khu vực miền Bắc tiếp nối văn hóa của lớp cư dân thích ứng với môi trường biển ở Soi Nhụ cho đến văn hóa Cái Bèo, văn hóa tiền Hạ Long và Hạ Long thực sự là văn hóa của cư dân khai thác biển mạnh và tỏa rộng trên nhiều địa bàn miền Bắc, miền Trung, miền Nam và nhiều nơi thuộc Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Văn hóa Hạ Long góp phần tạo thành nền văn hóa Đông Sơn và tô đậm thêm yếu tố biển của nền văn minh đầu tiên của người Việt. Đây cũng đồng thời là địa bàn căn bản của nước Văn Lang, Âu Lạc.

Ở khu vực miền Trung, trên dải đất núi ăn ra sát biển, sông ngắn và dốc, đồng bằng nhỏ hẹp, thật khó có thể bảo tồn được sự sống lâu dài nếu con người hoàn toàn chỉ đánh cược vào nghề nông. Để tồn tại và phát triển, cư dân ở đây từ Bàu Dũ, Bàu Tró cho đến tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh và người Chăm đều không còn con đường nào khác là phải tiến ra biển, tìm ở biển một con đường sống mới. Thông qua các hoạt động mưu sinh, từ vùng biển gần đến các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, người Sa Huỳnh, Chămpa trở thành chủ nhân đích thực của biển.

Nam Bộ là một vùng đất cổ, có lịch sử văn hoá lâu đời và gắn bó hữu cơ với môi trường sông biển. Khảo cổ học đã chứng minh quá trình phát triển liên tục từ văn hoá Đồng Nai sang văn hoá Óc Eo và trên cơ sở nền văn hoá Óc Eo, có sự tác động mạnh mẽ, thuận chiều của văn minh Ấn Độ, vào khoảng đầu Công nguyên, trên vùng đất này đã xuất hiện một quốc gia đầu tiên – Vương quốc Phù Nam. Vương quốc Phù Nam ngay từ khi mới lập quốc, tính từ đầu công nguyên đã là một vương quốc biển, triệt để khai thác biển tạo thành thế mạnh căn bản của mình. Cư dân Nam Bộ suốt trong quá trình hình thành và phát triển luôn là cộng đồng cư dân có truyền thống khai thác biển mạnh hơn nhiều vùng khác.

Lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của 3 vương quốc cổ đại đầu tiên là là nước Văn Lang – Âu Lạc ở miền Bắc, nước Lâm Ấp – Chămpa ở miền Trung và nước Phù Nam ở miền Nam. Các vương quốc này cùng có chung một dải Biển Đông, đều tự nhận nguồn gốc biển của mình và trong thực tế biển đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, là nhân tố quyết định không chỉ sự hình thành mà cả sự hưng thịnh hay thậm chí là sự suy tàn của mỗi vương quốc. Lịch sử Việt Nam do được tích hợp ít nhất từ 3 dòng như thế, tuy mỗi khu vực vẫn bảo tồn những nét truyền thống riêng, nhưng cũng sớm định hình một xu thế thống nhất của một dòng chảy chủ đạo khởi đầu từ Văn Lang phát triển đến Đại Việt – Đại Nam và Việt Nam ngày nay. Lịch sử Việt Nam, vì thế, lại có một quy luật vận động riêng, trong đó năng lực khai chiếm các vùng biển đảo trở thành thước đo sức mạnh và vị thế của một vương triều hay một thời đại.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc hiền triết thông kim bác cổ, một đại diện kiệt xuất của trí tuệ và văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XVI tổng kết và dự báo: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”. Theo ông, nếu giữ được Biển Đông thì Việt Nam muôn thuở ổn định, hòa bình, thịnh vượng, còn nếu để mất Biển Đông, Việt Nam sẽ mất tất cả. Đây trở thành lẽ sống tự nhiên, thành phương châm hành động của mỗi vương triều cho đến cả mỗi người dân sống trong lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam tuyên bố là quốc gia đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu thật sự các quần đảo giữa Biển Đông, khi chúng là vùng đất vô chủ và đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa một cách đầy đủ, toàn vẹn, liên tục trong nhiều thế kỷ, ít nhất là từ đầu thế kỷ XVII. Tuyên bố này thể hiện thiện chí của Việt Nam với tư cách là một quốc gia tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, mong muốn được giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông theo tinh thần của Công ước, thông qua những bằng chứng lịch sử – pháp lý nguyên gốc, rõ ràng, xác thực của nhà nước. Đây hoàn toàn không có ý khẳng định một cách tuyệt đối dứt khoát phải đến thế kỷ XVII Việt Nam mới bắt đầu có chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa, mà có thể thực tế hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đã diễn ra sớm hơn rất nhiều.

Thứ hai, cần phải đứng trên quyền lợi chung của quốc gia dân tộc để nghiên cứu và đánh giá toàn bộ quá trình lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa

Như trên chúng tôi đã phân tích, nếu chỉ đóng cứng thời điểm mở đầu lịch sử chủ quyền ở Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa vào thế kỷ XVII thì vô hình chung chúng ta chỉ thừa nhận chủ quyền do Đại Việt xác lập. Vậy trước đó Chămpa là một vương quốc biển hàng đầu ở Đông Nam Á, lấy Biển Đông làm không gian tồn tại và phát triển, có nắm giữ chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa hay không? Trên một số đảo lớn trong quần đảo Trường Sa chúng ta đã khai quật được nhiều hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 3000 năm. Đấy có phải là minh chứng của lớp cư dân đầu tiên sinh sống trên các đảo này không.

Trước đây khi trình bày về lịch sử Việt Nam, các nhà sử học thường chỉ biết đến lịch sử Đại Việt, mà không coi lịch sử Chămpa là một bộ phận hữu cơ của lịch sử đất nước. Lịch sử Chămpa hầu như không được giới sử học quan tâm và vì thế mà vấn đề hoạt động của người Chăm và thông qua đó là chủ quyền của Chămpa trên Biển Đông cũng chưa được đầu tư nghiên cứu. Đây là chỗ hổng lớn của lịch sử Việt Nam mà thế hệ các nhà sử học mới của Việt Nam không thể không tự nhận về mình trách nhiệm phải bồi lấp.

Thời kỳ từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX là thời kỳ chúng ta xác lập và thực thi chủ quyền thật sự, đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình. Nguồn tư liệu của nhà nước, bởi nhà nước hay có liên quan đến các chủ trương của nhà nước là phong phú, độc đáo và thật sự minh bạch.

Từ sau năm 1884, chủ quyền của Việt Nam đã bị rơi vào tay thực dân Pháp và trên danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa cũng do thực dân Pháp chiếm giữ. Dù là khẳng định chủ quyền trên cơ sở chủ quyền lâu đời của An Nam (trường hợp quần đảo Hoàng Sa) hay tuyên bố chủ quyền bằng các hành động chiếm đóng thực tế của quân đội Pháp (trường hợp quần đảo Trường Sa), thì cuối cùng đến khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn có quyền thừa kế chủ quyền của Cộng hòa Pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quá trình thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, chính quyền thực dân Pháp và chính quyền An Nam thuộc Pháp luôn luôn có sự kết hợp cộng đồng trách nhiệm trong các hoạt động quân sự, dân sự, kinh tế, xã hội, khoa học, đặt ra các tổ chức hành chính đặc thù trực thuộc chính quyền địa phương khu vực miền Trung. Vì thế các nhà sử học không nên nhân danh cách mạng mà coi nhẹ hay phủ định những cố gắng của Pháp và các chính quyền thân Pháp trong thực thi chủ quyền, chiếm giữ thật sự và duy nhất cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên tinh thần ấy, chúng tôi cho rằng các nhà sử học cũng cần có quan điểm rõ ràng, dứt khoát, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết để đánh giá vai trò và những cống hiến của Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cho sự nghiệp gìn giữ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Các nguồn tư liệu của Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cần phải được xếp cùng hàng với tất cả các nguồn tài liệu có giá trị lịch sử pháp lý cao nhất minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa. Cũng tương tự như vậy, chúng ta cần phải công minh và khách quan, xác định rõ trách nhiệm của Việt Nam Cộng hòa đến đâu trong việc để mất quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa.

Đến tháng 5/1975, công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã về đích vinh quang. Chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được chuyển từ Việt Nam Cộng hòa sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như thế nào. Có một số tác giả căn cứ vào kế hoạch thu hồi quần đảo Trường Sa của Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày 05/4/1975 và tình hình tương đối phức tạp diễn ra trên một số đảo mà cho rằng chúng ta đã giải phóng Trường Sa khỏi sự chiếm đóng của Việt Nam Cộng hòa. Theo chúng tôi, sự chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ 1954 đến đầu 1975 là sứ mệnh đại diện chung cho cả nước Việt Nam. Đến đây, khi Việt Nam Cộng hòa tan rã, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân danh chủ thể của nước Việt Nam thống nhất tiến hành thu hồi lãnh thổ, quy toàn bộ non sông đất nước về một mối là một sự tiếp quản lãnh thổ hoàn toàn đúng theo luật pháp quốc tế.

Thứ ba, trong khi đặc biệt đề cao các tư liệu nguyên gốc của các nhà nước Việt Nam về chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa, cần không ngừng mở rộng nhận diện đầy đủ, khai thác triệt để các nguồn tư liệu khác có liên quan đến quá trình khai chiếm Biển Đông của tất cả các cộng đồng dân cư, các nhà nước từ cổ đại đến hiện đại

Chúng tôi quan niệm tư liệu là chất liệu cơ bản của toàn bộ công trình sử học. Chủ quyền quốc gia lãnh thổ phải là chủ quyền của nhà nước, nên phần trình bày về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa, không thể không tập trung cao cho việc khai thác các tư liệu thuộc về hoạt động trực tiếp của nhà nước hay do nhà nước chủ trương. Nguồn tư liệu dân gian và các nguồn tư liệu khác ở trong nước và quốc tế là hết sức phong phú, đa dạng, cần phải được nghiên cứu cụ thể, xử lý, giám định kỹ càng và đặt trong mối quan hệ với các chủ trương của nhà nước Việt Nam qua mỗi thời kỳ lịch sử. Có thể hình dung các nguồn tư liệu phục vụ cho đề tài bao gồm:

– Nguồn tư liệu chữ Hán cổ Việt Nam, trong đó tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam như Châu bản triều Nguyễn, những bộ sử chính thức của vương triều, sách địa lý lịch sử, công văn giấy tờ, bản đồ, hương ước… do Nhà nước tổ chức soạn thảo hay được soạn thảo trong sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là những bằng chứng về quá trình lịch sử thực thi chủ quyền của các Nhà nước Việt Nam, với tư cách Nhà nước nên nó có giá trị lịch sử – pháp lý cao. Bên cạnh đó chúng ta vẫn phải quan tâm khai thác những ghi chép của các học giả, các làng xã, các dòng họ đã được tập hợp lại trong các thư viện hay các kho lưu trữ để bổ sung thêm, làm sáng tỏ thêm quá trình hành sử chủ quyền của các Nhà nước Việt Nam.

Nguồn tư liệu khảo sát thực địa bao gồm hỗn hợp các tư liệu thư tịch, di tích, di vật, truyền thuyết dân gian, ca dao, hò vè, tập quán, tín ngưỡng… Nguồn tư liệu này vô cùng phong phú, nhưng cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, nếu khéo biết “gạn đục, khơi trong”, khéo đặt trong mối quan hệ tổng thể mà so sánh, đối chiếu và đánh giá để tìm ra cái nhân, cái lõi của nó thì lại là nguồn tư liệu tin cậy phản ánh sinh động việc thực hiện những chủ trương, chính sách của các Nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa ở các địa phương. Giá trị pháp lý của nguồn tài liệu này là ở chỗ nó khẳng định quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa không dừng lại ở những những quyết sách lớn của Nhà nước mà thực sự biến thành hoạt động thực hiện tự giác của những người dân thường.

– Nguồn tư liệu Trung Quốc phản ánh quan niệm và thực trạng vấn đề đường biên giới trên Biển Đông trong các thời kỳ lịch sử bao gồm các bản đồ, các sách lịch sử và địa lý chính thức của Nhà nước Trung Quốc cũng như của các tập thể và tư nhân. Giá trị của nguồn tài liệu này là ở chỗ nó xác nhận vùng lãnh thổ truyền thống của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam và vùng biển đảo ngoài khơi phía Nam đảo Hải Nam là thuộc về “Man Di”, ở “hải ngoại”, có nghĩa là hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc. Cũng có những tài liệu đã chỉ rõ khu vực này thuộc Việt Nam hay có quan hệ trực tiếp với Việt Nam.

– Nguồn tư liệu thư tịch và bản đồ cổ của phương Tây, trong đó chủ yếu là các tư liệu của công ty Đông Ấn Anh, Pháp, Hà Lan, tư liệu của người Bồ, tư liệu của Hội Truyền giáo Pháp… Nguồn tư liệu thư tịch, hình ảnh và bản đồ của Pháp những thập kỷ đầu và giữa thế kỷ XX ghi lại những sự việc thực có khả năng cung cấp thông tin khách quan và tương đối chính xác về hoạt động chủ quyền của Việt Nam và của Pháp ở Hoàng Sa – Trường Sa.

Trong thời gian qua, do cố gắng đi sâu vào các tư liệu chính thức của nhà nước và tập trung vào thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XVII cho nên một số mảng tư liệu khác ít được quan tâm. Từ nguồn tư liệu dân gian ở các địa phương trong nước cho đến các bản đồ cổ của cả phương Đông và phương Tây đều được các chuyên gia pháp lý xếp vào loại không có giá trị minh chứng chủ quyền và vì thế mà cũng không có giá trị lịch sử. Họ thẳng tay gạt ra ngoài các loại tư liệu này mà không hiểu được rằng không có chúng thì họ làm sao có thể giải thích được quá trình nhận thức và khai chiếm Biển Đông, quá trình lịch sử chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa phát triển từ sơ khai đến hoàn thiện, từ khởi đầu vì mục tiêu sinh tồn của những người dân thường cho đến chủ quyền đầy đủ và thật sự của nhà nước. Trái lại, cũng có không ít tác giả chỉ qua một vài tấm bản đồ cổ, mấy mẩu tư liệu dân gian hay vài ba trang sách có đề cập đến Hoàng Sa – Trường Sa là coi như đã có minh chứng chủ quyền “không thể tranh cãi”. Có tác giả chỉ vì nhận thấy trong một số tấm bản đồ cổ phương Tây có đánh dấu “Pulo Capaa” (đảo Chămpa), “Baixos de Chapar” (Bãi ngầm Chămpa) hay “Pracel” / “I.de Pracel” (Đảo Hoàng Sa), “Costa de Pracel” (Bờ biển Hoàng Sa)… mà đã hùng hồn kết luận từ cách đây 500 năm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa đã được thế giới khẳng định. Không ít những trang viết “máu lửa” về chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa chỉ là tư liệu dân gian, hoàn toàn không có kiểm chứng. Chúng tôi hy vọng thế hệ nghiên cứu lịch sử mới của Việt Nam hiện nay cần chủ động khắc phục những hạn chế kiểu này, trở lại quan niệm đúng và cách xử lý chuẩn mực, nhuần nhuyễn tất các các nguồn tài liệu có liên quan đến quá trình khai chiếm Biến Đông và chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa – Trường Sa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới