Ngày 31/8, Người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc cho biết, một tàu Philippines đã “di chuyển bất hợp pháp” vào bãi Sabin trên Biển Đông, kéo mỏ neo và “cố tình va chạm” với tàu của Trung Quốc.
Sabin là một rạn san hô vòng thuộc quần đảo Trường Sa. Là nước có chủ quyền đối với Trường Sa, Sabin thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên trong thực tế, bãi cạn không người ở này, ngoài Việt Nam, cả Trung Quốc và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Và chuyện Sabin nóng lên trong vài tháng qua chủ yếu do xung đột giữa Philippines và Trung Quốc.
Trong tuyên bố, phát ngôn viên Liu Dejun của Hải cảnh Trung Quốc kêu gọi phía Philippines lập tức rút con tàu trên khỏi khu vực bãi Sa Biden; khẳng định: “”Hải cảnh Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết ngăn chặn các hành vi khiêu khích, quấy rối và xâm phạm, cũng như kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của đất nước”.
Điều khiến nhiều nhà quan sát khu vực chú ý không phải những ngôn từ mạnh mẽ, quyết đoán của ông Liu Dejun, mà là ở sự lên tiếng trước của Bắc Kinh. Để làm gì? Để chứng tỏ với dư luận rằng, họ (Trung Quốc) là nạn nhân, không phải là kẻ gây sự. Thông thường, tiếng kêu trước của bên yếu thế bị hại. Nhưng trong trường hợp này, bảo rằng, bị hại là Trung Quốc, gây hấn là Philippines, thì…hơi bị khó tin.
Với cái nhìn sâu hơn, nhiều người dẫn lại vụ việc xảy ra chưa đầy một tháng mà Trung Quốc cũng cho rằng họ bị Philippines gây gổ tại bãi cạn Sabin, qua lời tố cáo Manila của lực lượng hải cảnh Trung Quốc ngày 5/8: “Hải cảnh Trung Quốc bắt đầu giám sát các tàu tuần tra và tàu đánh cá của Philippines tập trung quanh bãi cạn Sabin, gần một con tàu mà Trung Quốc cho là “bị mắc cạn bất hợp pháp” tại bãi cạn”.
Cái khôn của Bắc Kinh là, một mặt rên rẩm cho thiên hạ thấy mình là nạn nhân; mặt khác, khẳng định việc “giám sát” tàu Philippines. Điều đó hàm ý rằng, Trung Quốc “trên cơ” cũng như tự tin vào khả năng bảo vệ chủ quyền trước bên gây hấn. Đó là chưa kể, Bắc Kinh còn cảnh báo Philippines đang có dấu hiệu sử dụng một con tàu cũ Teresa Magbuana làm tiền đồn tại bãi cạn Sabin như đã từng sử dụng chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre một cách hiệu quả tại bãi cạn Cỏ Mây từ năm 1999.
Phía Philippines, ngay sau đó, lực lượng tuần duyên nước này cũng cáo buộc tàu Hải cảnh Trung Quốc đã phớt lờ những quy định về va chạm và thực hiện những động thái nguy hiểm, dẫn đến thiệt hại tài sản cho tàu Philippines.
Nên nhớ rằng, vì chuyện tiếp tế nhóm lính Philippines đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre, bãi cạn Cỏ Mây thành một điểm nóng trong hàng chục năm qua với những cuộc xung đột, va chạm căng thẳng giữa hai bên. Đỉnh điểm là vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines ngày 17/6 làm một binh sĩ Philippines “đứt một ngón tay”.
Vì cái “ngón tay” này, Washington, đồng minh của Manila, đã giận dữ tố cáo Trung Quốc và coi đây như một hành động “leo thang và vô trách nhiệm”. Mỹ cũng đồng thời nói gần nói xa về khả năng sẽ hành xử cứng rắn để bảo vệ đồng minh dựa trên căn cứ Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines “được áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông”.
Trước lời đe dọa trên, một số người trong giới phân tích vẫn nhận định một cách dè dặt. Họ cho rằng, đối lại điều coi là “nắn gân” Mỹ của Bắc Kinh, thì Mỹ cũng “nắn gân” lại Bắc Kinh bằng cách mang Hiệp ước trên ra để cảnh báo. Còn kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Manila là chuyện lớn, đâu phải nhỏ để mà dễ dàng và đơn giản tức lên là bấm nút?
Mỹ thừa hiểu, nếu xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến tranh thực sự giữa hai siêu cường. Nếu xảy ra, Biển Đông chắc chắn sẽ thành một biển lửa. Nếu xảy ra, biển lửa này còn dữ dội hơn nhiều lò lửa đang ngùn ngụt cháy ở Ukraine…
Sắm vai trò “chủ chi” trong “cuộc chiến ủy nhiệm” tại Ukraine gần ba năm qua đã khiến Washington đủ mệt. Nay gánh thêm một vai tương tự nữa tại Biển Đông, nước Mỹ giàu mạnh tới đâu cũng kiệt sức có ngày…
Còn Trung Quốc, đang phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề quốc nội, vấn đề Đài Loan, Trung Nam Hải chắc chắn chẳng muốn rơi vào tình trạng “già néo đứt dây” mà không lường tới các tình huống quân sự không thể kiểm soát xảy ra với Mỹ, dẫn tới những khốc liệt khôn lường không chỉ quân sự mà còn kinh tế, chính trị, ngoại giao…
Tuy nhiên, nhận định trên dường như chỉ có ý nghĩa như một kỳ vọng hơn là một thực tế. Sự kỳ vọng chỉ thành hiện thực nếu Sabin không tiếp tục phát sinh thêm các tình huống mới sau vụ Trung Quốc cáo buộc Philippines gây sự vào đầu tháng 8, cũng như trước đó, vào tháng 5, Philippines tố cáo Trung Quốc ráo riết triển khai quy mô lớn hoạt động bất hợp pháp, nghiền san hô bồi đắp, xây đảo nhân tạo tại đây với những hình ảnh cụ thể. Thực tế là chưa đầy 1 tháng, Sabin đã nóng trở lại với ít nhất hai cuộc va chạm: một cuộc xảy ra ngày 25, một cuộc xảy ra ngày 31 cùng trong tháng 8 vừa qua. Liên quan hai cuộc va chạm đó, cả Bắc Kinh và Manila cùng tố cáo nhau, bên nào cũng cho là mình bị gây sự.
Thực tế đang ngày một căng thẳng. Thế nên, thời điểm này, không ít nhà quan sát khu vực bi quan rằng, “bóng ma Cỏ Mây” đang lởn vởn quanh bãi cạn Sabin.
T.V