Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao ông Zelensky “trảm tướng”?

Vì sao ông Zelensky “trảm tướng”?

Đây là lần cải tổ nội các mạnh nhất từ trước đến nay của Ukraine. Cùng lúc 6 vị bộ trưởng đã đệ đơn xin từ chức. Quốc hội đã đồng ý cho 4 vị rời chức. Mới nhất là Ngoại trưởng Kuleba, người đệ đơn từ chức hôm 4/9 mà không nêu lý do.

Việc cải tổ bộ máy chóp bu là lẽ thường ở mọi quốc gia. Nhưng điều bất thường là lẽ ra người đáng “về” nhất chính là ngài Tổng thống Ukraine. Theo đúng luật thì một cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra ở nước này vào ngày 31/3/2024. Vậy nhưng, Tổng thống đương nhiệm Zelensky tuyên bố rằng, sẽ không có cuộc bầu cử Tổng thống hoặc bầu cử Quốc hội nào được tổ chức chừng nào thiết quân luật vẫn còn hiệu lực. Thiết quân luật được áp đặt sau khi bắt đầu cuộc chiến với Nga vào tháng 2/2022. Sau đó Quốc hội đã nhiều lần gia hạn.

Dĩ nhiên, ngoài Tổng thống, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã lần lượt về vườn vì nhiều lý do, trong đó có lý do bản thân hoặc gia đình… thân Nga. Lần này ông Zelensky “trảm tướng” với lý do: đất nước cần “nguồn năng lượng mới”. Ông nói, cần phải quyết liệt cải tổ chính phủ vào mùa thu, thời điểm quan trọng của cuộc chiến chống “kẻ thù xâm lược”.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ireland Simon Harris, người đang có chuyến thăm Ukraine, hôm 4/9, ông Zelensky nói: “Chúng ta cần nguồn năng lượng mới ngày hôm nay, và những động thái này chỉ nhằm mục đích củng cố sức mạnh của nhà nước chúng ta ở nhiều phương diện khác nhau”.

Điều khiến giới quan chức và người dân bất bình là Tổng thống Zelensky cải tổ một loạt vị trí quan trọng trong chính phủ, nhưng lại bổ nhiệm nhiều quan chức hạn chế về năng lực, là người thân cận với ông thay thế, nhằm củng cố quyền lực. Bày tỏ thái độ không đồng tình, các nghị sĩ đã không chấp thuận đơn xin từ chức của Vitaliy Koval – Giám đốc Quỹ Tài sản Nhà nước, và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng phụ trách tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng Iryna Vereshchuk.

Việc các nghị sĩ không chấp nhận đơn từ chức của Phó thủ tướng Vereshchuk, cùng giám đốc Quỹ Tài sản Nhà nước Koval, cũng như chưa xem xét bãi nhiệm Ngoại trưởng Kuleba cho thấy một đợt “sóng ngầm” đang xuất hiện. Một số đối thủ chính trị cho rằng, Tổng thống đang hành động vượt quá thẩm quyền của mình. Ivanna Klympush-Tsintsadze, Nghị sĩ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, nói: “Làn sóng từ chức của các quan chức chính phủ cho thấy một cuộc khủng hoảng quản trị nghiêm trọng”.

Trường hợp Ngoại trưởng Kule ba khiến Quốc hội băn khoăn nhất. Nhiều khả năng ông này quyết định từ bỏ con đường chính trị là vì mâu thuẫn với Andriy Yermak, chánh văn phòng Tổng thống. Trong khi đó Kuleba đã thiết lập được những mối liên hệ trực tiếp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và nhiều nhân vật đình đám khác. Tuy nhiên hôm 5/9 Quốc hội đã đồng ý bãi nhiệm ông Kuleba với số phiếu tập trung.

Gạt hết các lý do cá nhân, những quan chức thân cận với Tổng thống Zelensky giải thích về “cơn động đất” trong chính phủ là hướng đến mục tái cơ cấu chính phủ, tái bổ nhiệm một số bộ trưởng đã bị sa thải vào các vị trí khác và lấp đầy những ghế nội các đã bị bỏ trống từ lâu. Rằng, phong cách điều hành của Tổng thống Zelensky là phù hợp tình hình thực tế, làm cho chính phủ năng động và hiệu quả hơn.

Theo dự kiến, Thứ trưởng Ngoại giao Andriy Sybiha, cựu phó chánh văn phòng tổng thống, sẽ thay thế Ngoại trưởng Kuleba. Một phó chánh văn phòng Tổng thống khác là Oleksiy Kuleba sẽ trở thành Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng cơ sở hạ tầng và chính sách khu vực. Cựu phó thủ tướng Stefanishyna sẽ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp. Mykola Tochytskyi, cũng là phó chánh văn phòng Tổng thống, sẽ trở thành Bộ trưởng Văn hóa và Chính sách thông tin mới, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống thông tin giả,v.v..

“Đục nước béo cò”, những người thân tín với Tổng thống hùa theo: Ukraine không thiếu nhân tài. Cần phải lắng nghe, thấu hiểu quan điểm và lập trường của Tổng thống, xem ai là người mà ông ấy thấy thoải mái hơn khi làm việc cùng. Ai là người có thể mang lại chiến thắng cho Ukraine.

Về việc bổ nhiệm người thay thế quá gấp gáp như “móc từ túi áo”, phe thân cận Tổng thống lý giải: Tuy có những hạn chế về quyền tự do và dân chủ trong thời chiến, như việc không tổ chức bầu cử, điều bị cấm bởi luật thiết quân luật, hệ thống mà Tổng thống Zelensky áp dụng cho đến nay đã giúp Ukraine chống đỡ chiến dịch của Nga và củng cố sự ủng hộ từ nước ngoài. Nếu không, sẽ không thể duy trì hoàn toàn nền dân chủ trong một cuộc xung đột như vậy.

Cách lập luận này đã nhận được nhiều chỉ trích. Rằng ông Zelensky đã biến sân khấu chính trị thành sân khấu kịch. Ông ta đã vượt quá giới hạn chỉ vì muốn có một chính phủ máu lửa hơn khi cuộc chiến với Nga chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tuy nhiên, pháp luật là pháp luật. Chính phủ Ukraine hãy quay trở lại với pháp quyền, chiến sự dù căng thẳng đến đâu cũng không thể là cái cớ!

Ông Zelensky tuyên bố, cần có năng lượng mới, nhưng trong “trật tự tái lập vĩ đại” này vẫn chưa có nhân vật mới nào thật sự xuất chúng xuất hiện. Cái gọi là thay đổi chỉ là sự luân chuyển giữa những người đã ở trong “vương quốc”. Đến thời điểm này, các đồng minh phương Tây chưa công khai lên tiếng về sự “trảm tướng” của Tổng thống Ukraine. “Có thể có lý do để lo ngại”, một quan chức Mỹ giấu tên, ngập ngừng… Chỉ có những tiếng nói không chính thức trên mạng xã hội, lo ngại rằng, động thái này có thể tạo ra ấn tượng ông Zelensky đang cố nhồi nhét càng nhiều người trung thành với ông vào chính phủ càng tốt.

Những người nhìn xa ở Ukraine thì nói rằng, đất nước này sẽ khởi động lại nền dân chủ ngay khi xung đột kết thúc. Và rồi các cuộc bầu cử diễn ra như thông lệ. Đấy cách trả lời khôn khéo. Bao giờ xung đột mới kết thúc, hòa bình được lập lại? Khi nội bộ lủng cùng, rối như canh hẹ, khi người thay thế kém hơn cả người bị bãi nhiệm thì làm sao có được một kết cục tốt đẹp.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới