Ở Việt Nam có câu: “khen cho chết”. Còn phương Tây thì nói tế nhị hơn, rằng cách ủng hộ như thế là gây hại cho người khác. Mới đây Tổng thống Nga Putin ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Mỹ Kamala Harris, phải chăng là cách ủng hộ như thế?
Trong khi Trung Quốc một mực từ chối không lên tiếng về việc ủng hộ Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, ủng hộ Kamala hay Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029, vì không muốn “can thiệp vào nội bộ” nước khác, thì Nga lại khác, bày tỏ thái độ một cách thẳng thắn. Cố nhiên cách bày tỏ này mục đích thật sự là gì thì cần tiếp tục suy nghĩ một cách khách quan, thận trọng.
Thái độ thẳng thắn của ông Putin là, trước đây đã từng ủng hộ Biden thì nay tiếp tục ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ là bà Kamala. Ông Putin còn nói rõ ông không hề thù ghét gì Donald Trump, vì ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ có giải pháp hay để chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, điều mà Moscow hết sức mong đợi. Tuy nhiên, Tổng thống Nga ủng hộ Kamala vì rằng, cách bà Harris “cười rất truyền cảm”, cho thấy “mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với bà ấy”. Thì ra là Putin… “ủng hộ nụ cười” (!).
Tổng thống Putin giải thích, không đơn giản như thế, trước đây ông đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đương kim Tổng thống Mỹ, nhưng vì ông Biden đã rút khỏi chiến dịch tái tranh cử, cho nên tôn trọng ý kiến của ông ấy. Rằng, vì Biden đã kêu gọi những người ủng hộ mình chuyển sang ủng hộ bà Kamala Harris với tư cách là ứng cử viên mới, nên Điện Kremlin có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ.
Tổng thống Nga cũng hy vọng thái độ tích cực của bà Harris có thể đồng nghĩa với việc bà sẽ không áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cho rằng, ông Donald Trump đã áp đặt nhiều hạn chế đối với Nga hơn bất kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử nước Mỹ.
Có nhà báo quốc tế hỏi xoáy, liệu “Ông có gọi điện chúc mừng người giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới hay không?”, ông Putin thản nhiên nói: “Lâu rồi tôi không có bất kỳ liên lạc trực tiếp nào với các nhà lãnh đạo Tây Âu hoặc Mỹ. Sự lựa chọn cuối cùng tùy thuộc vào người dân Mỹ. Chúng tôi sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của họ”.
Khi không được Tổng thống Nga “yêu quý”, ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump nói tỉnh rụi: “Ông Putin đã ủng hộ bà Harris. Tôi không biết liệu mình có nên gọi điện cho ông ấy và nói rằng “Cảm ơn ông rất nhiều” hay không” (!).
Sau phát ngôn “gây bất ngờ” của Tổng thống Nga, Nhà Trắng đã kêu gọi ông Putin ngừng “can thiệp” vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông John Kirby- Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, tuyên bố: “Chỉ có người dân Mỹ mới có quyền quyết định ai sẽ tổng thống tiếp theo”.
Lời thỉnh cầu của Putin được đưa ra ở thời điểm căng thẳng Mỹ-Nga tiếp tục căng thẳng. Trước đó Nhà trắng công bố các trừng phạt và các thủ tục tố tụng, nhắm vào các nhà quản lý của hãng truyền thông Russia Today (RT) với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 sắp tới.
Báo chí Mỹ phản đối đề nghị của Tổng thống Nga. Theo Kênh truyền hình Mỹ CNN, “nếu nhìn theo quan điểm của Putin về nền chính trị Mỹ ”, thì sự ủng hộ của ông trùm tình báo Nga (Putin) dành cho Harris là kiểu ủng hộ “gây hại cho người nhận”.
Trả lời báo Pháp Le Figaro, nhà khoa học chính trị Konstantin Blokhine, đã nói rất “khoa học”. Ông cho rằng, Putin có thể được xem là một “troll chính trị tinh vi”. (Troll chủ yếu được sử dụng để thể hiện hành động chơi khăm một ai đó thông qua tin nhắn, hình ảnh, status, trong game… Những người thường đi troll người khác quá nhiều được gọi là thánh troll. Ngoài ra, troll theo nghĩa tiếng Anh có nghĩa là “người khổng lồ độc ác”).
Trước khi Joe Biden tuyên bố “rút lui” không ứng cử tiếp, Tổng thống Nga cũng đã từng nhận xét, Biden vẫn có cơ hội trở thành Tổng thống thứ 60 trong lịch sử Mỹ. Và ông Biden có nhiều kinh nghiệm hơn ông Trump. Khi ông Putin bày tỏ sự ủng hộ với cả Biden và Harris, có thể ông nhắm tới một nước cờ cao tay: Cả hai ứng viên này đều “đang làm hại nước Mỹ, đưa nước Mỹ vào con đường sai lầm”, và Nga sẽ có lợi.
Nếu như thế thì đúng là, khen cho chết!
H.Đ