Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThâm nhập mỏ vàng lớn nhất miền Bắc

Thâm nhập mỏ vàng lớn nhất miền Bắc

Mỏ vàng Pác Lạng (H.Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) được xem là lớn nhất miền Bắc và được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, việc “bảo vệ nghiêm ngặt” chỉ là vỏ bọc bên ngoài để cho các chủ bưởng khai thác vàng trái phép…

Từ cuối năm 2015, PV đã nhiều lần tìm cách tiếp cận mỏ vàng Pác Lạng nhưng không thành. Mãi đến tháng 5.2016, kế hoạch thâm nhập khu vực địa bàn phức tạp này mới thực hiện được.

“Đấy không phải chỗ chơi”

Mỏ vàng Pác Lạng cách QL3 chưa đầy 20 km, muốn vào phải đi qua chốt bảo vệ với rào chắn và tổ tuần tra túc trực 24/24. Trong vai người cung cấp phu đào vàng, trung tuần tháng 5, chúng tôi “đàm phán” với một đầu mối tại Pác Lạng về việc dẫn 30 lao động từ Thanh Hóa vào đây làm việc. Thỏa thuận giữa hai bên là khi chúng tôi đến thì phía chủ bưởng (cách gọi người cầm đầu nhóm khai thác) phải đảm bảo cho chúng tôi qua được chốt tuần tra, kiểm soát của công an.

Chốt công an canh phòng tại con đường độc đạo dẫn vào mỏ Pác Lạng

Hôm ấy, đúng kế hoạch, đầu giờ sáng chúng tôi bắt xe ôm đi từ QL3 vào Pác Lạng. Khi tới chốt kiểm soát, một anh công an trực ở rào chắn hỏi lớn: “Đi đâu? Làm gì?”. Chúng tôi đáp: “Vào nhà ông Huấn “lì”. Anh này đuổi: “Ra ngoài. Đấy không phải chỗ chơi”. Lúc này chúng tôi buộc phải di chuyển ra bên ngoài rào chắn và chờ đợi. 15 phút sau, một người đàn ông dáng vóc to béo, chạy chiếc xe máy màu đỏ ra chốt và nói điều gì đó với viên công an, rồi người đàn ông này vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi bước qua chốt kiểm soát.

Trên đường đi, nghe người đàn ông to béo kể chuyện, chúng tôi mới biết ông ta là bảo vệ của bưởng vàng. Ông này nói: “Nếu không phải người của bưởng vàng ra đón thì đừng hòng vào”. Thật vậy. Cứ đi một đoạn lại gặp một tổ tuần tra. Đi thêm khoảng 2 km, chúng tôi đến khu vực tập kết của một bưởng vàng lớn nhất tại mỏ. Bưởng này được chia làm 2 khu. Khu thứ nhất là lán dành cho chủ bưởng và công nhân, khu thứ hai dành cho phu vàng. Khu lán chủ được làm bằng gỗ, cao ráo, sạch sẽ, có người trồng rau, nuôi lợn, gà và nấu ăn. Khu của phu vàng được làm tạm, mái lợp bạt và tôn xi măng…

Đại công trường” trong lòng đất

Tại mỏ vàng, chúng tôi ghi nhận trong các đường hầm thường xuyên có hàng chục phu vàng dùng khoan phá núi. Mũi khoan đi đến đâu, đất đá lở đến đó. Theo lời của chủ bưởng Khanh, để làm được như vậy, mỗi ngày ông ta phải cho thợ dùng từ 20 – 25 kg thuốc nổ. Các phu vàng sẽ phải khoan lỗ nhỏ vào đá để nhồi lượng thuốc nổ vừa phải. Khi nổ, lượng đất đá sẽ bung ra và công việc kế tiếp là dùng mũi khoan để phá những khối đá có kích thước rất lớn. Tiếp đó, lượng đất đá sẽ được đưa vào máy nghiền nát… trước khi chuyển tới máy sàng lọc.

Phu vàng kéo xe đất đá lẫn vàng từ trong đường hầm sâu hàng chục mét ra ngoài

Khi chúng tôi ngỏ ý được chui vào hầm vàng để khảo sát điều kiện làm việc trước khi đưa công nhân lên mỏ, chủ bưởng vàng tên Khanh đồng ý và nói cộc lốc: “Tối có người đưa vào”. Đúng 17 giờ, các khe núi bỗng rầm rầm máy nổ. Xung quanh các lán, nhiều máy nổ cỡ lớn bắt đầu hoạt động. Máy nổ dùng để phát điện cho tuyến đường hầm dài cả ki lô mét, thọc sâu vào lòng núi. Ngoài ra, nguồn điện từ đây còn cung cấp cho máy đãi vàng được ngụy trang dưới lớp cỏ khô vào ban ngày và hệ thống máy hút ô xy vào lòng đất.

Theo lời của các phu vàng tại Pác Lạng, những đường hầm trong lòng đất có thể đưa được cả máy xúc cỡ nhỏ, cùng phương tiện cơ giới vận chuyển vào hoạt động. Nếu hoạt động hết công suất, số lượng phu vàng cùng lúc làm việc có thể lên đến hàng trăm người. Trong khi nổ máy phát điện để chuẩn bị hoạt động, tại lán của bưởng Khanh có hơn 40 phu vàng đang dùng bữa tối. Ăn xong, họ rồng rắn vào hang bắt đầu công việc từ thời điểm đó cho đến tận sáng hôm sau.

Đến 19 giờ, được sự đồng ý của chủ bưởng Khanh, người quản lý tên Biên đưa cho chúng tôi một đèn pin đội trên đầu để vào hang sâu, một đôi ủng đi để tránh nước và hóa chất. Từ lán chủ, mất chưa đầy một phút đi bộ xuống lòng suối, ông Biên dẫn chúng tôi đi xem dòng nước chảy từ trong hang ra. Đây chính là khu cửa hang, cũng là nơi đãi vàng. Dòng suối nhân tạo này chảy vào một bụi rậm. Ông Biên vạch lớp lá ngụy trang phía trên ra rồi đưa tôi nhảy xuống bậc thang phía dưới. Tại đây, một máy sàng vàng đang hoạt động. Ở phía trên, phu vàng đổ đất xuống, phía dưới máy sẽ sàng, lọc đất đá riêng còn vàng cám ra riêng. Khi rọi đèn pin vào đống đất thì thấy rõ màu óng ánh của vàng. Theo lời ông Biên, tất cả những chỗ có trùm cỏ dại, cành cây ven suối này đều là ngụy trang hết.

Sau vài phút khảo sát giàn máy đãi vàng ở cửa hang, ông Biên dẫn chúng tôi vào hang. Hang này có một đường hầm chính dài khoảng 700 m. Còn nếu tính tổng các đường hầm xương cá, độ dài đường hầm chính này có thể lên đến hàng

Chốt công an canh phòng tại con đường độc đạo dẫn vào mỏ Pác Lạng

ki lô mét. Quan sát rõ, hang vàng được bố trí 2 lớp cửa sắt. Lớp cửa thứ nhất nằm cách lán chủ chưa đến 100 m, lớp cửa thứ hai cách lớp cửa thứ nhất khoảng 100 m, tất cả đều được ốp khóa. Cách lớp cửa thứ hai vài chục mét có một máy bơm để đẩy ô xy vào hang. Ống dẫn này đường kính khoảng 40 cm, dài gần bằng đường hầm chính.

Từ cửa hầm đi sâu vào khoảng 300 m đường rất rộng, hai xe cút kít và người thoải mái tránh nhau. Hầm chỗ thấp nhất cũng cao khoảng 1,7 m, còn đoạn cao nhất lên tới cả chục mét, len lỏi theo vách đá.

Theo chân ông Biên, chúng tôi tìm đến đáy đường hầm chính. Tại đây có khoảng 30 người đang ra sức khoan tìm mạch vàng. Tiếng máy nổ, máy khoan chạy rầm rầm như đại công trường xây dựng. Khoan đến đâu, một nhóm 3 – 4 phu vàng bốc đất vào xô đựng rồi chuyển cho người phía sau. Người kế tiếp sẽ phân loại đất đá. Loại đá cỡ lớn được đưa vào máy để nghiền nhỏ rồi đưa vào xe rùa, xe cút kít kéo ra ngoài. Việc kéo quặng ra ngoài cũng được chia thành nhiều mắt xích. Theo đó, mỗi người sẽ kéo xe một quãng độ 100 m rồi truyền cho người tiếp theo kéo đi…

3 “cái tên” cần được nhắc tới

Tại mỏ vàng Pác Lạng có 3 “cái tên” cần được nhắc tới, gồm: Huấn – phu vàng và dân bản địa thường gọi với biệt danh Huấn “lì”, hay Huấn “lợn” cùng Khanh và Việt. Cả ba cái tên này đều đã nổi đình nổi đám ở đây từ nhiều năm. Trong đó Huấn là người có tiềm lực lớn nhất. Ngoài các bưởng vàng tại Bắc Kạn, người này còn tổ chức, lập ra các bưởng vàng ở Quảng Nam và nhiều nơi khác, cũng với hình thức và cung cách hoạt động hệt như tại Bắc Kạn. Huấn được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc “quan hệ” với cơ quan chức năng nhằm “tàng hình” việc đào vàng lậu tại mỏ Pác Lạng.

Còn ông Khanh là dân gốc Thái Nguyên, có thâm niên hàng chục năm khai thác vàng trái phép. Từ thời kỳ ở Thái Nguyên còn các băng nhóm vàng tặc nổi lên tranh giành lãnh địa, chém giết lẫn nhau phe của ông Khanh vẫn thuộc hàng mạnh nhất. Khi cơ quan chức năng ra tay dẹp nạn vàng tặc thì băng nhóm này kéo nhau đi tìm lãnh địa mới. Ông Khanh nói: “Ở H.Ba Vì, TP.Hà Nội cũng có vàng, nhưng mà ít lắm, Thanh Hóa cũng ít. Chỉ có Quảng Nam và ở mỏ Pác Lạng mới nhiều vàng”, và tỏ ra không giấu giếm về việc “rất khoái món này”. Theo kinh nghiệm “chinh chiến” trong khai thác vàng trái phép, ông Khanh tiết lộ: Khi có đợt truy quét thì phải cố sống cố chết giữ cho được vàng và cuốn sổ ghi chép số lượng vàng khai thác được mỗi ngày. Bởi, “nếu để họ cầm được quyển sổ thì sẽ bị truy cho bằng chết”.

Các chủ bưởng vàng ở đây thường móc ngoặc với những đầu mối ở nhiều nơi như Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa… để tuyển nhân công. Thậm chí, họ thu nhận cả trẻ vị thành niên, có em mới 15 tuổi. Một phu vàng đến từ H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết: Do gia đình khó khăn nên em bỏ học đi theo đám bạn lên bãi vàng Pác Lạng. Số tiền lương thu về chỉ đủ sinh hoạt hằng ngày “chứ ít khi được gửi về nhà”.

RELATED ARTICLES

Tin mới