Thursday, September 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNghiên cứu mới: Ô nhiễm ánh sáng có thể làm tăng nguy...

Nghiên cứu mới: Ô nhiễm ánh sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Nghiên cứu mới cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt ở những người dưới 65 tuổi.

Các nguồn ánh sáng nhân tạo được cho là làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer


Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience ngày 6.9, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy mối tương quan giữa người dân các tiểu bang ở Mỹ tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm và tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer, The Guardian đưa tin.

Nhóm nghiên cứu cho rằng dù đèn đường và các loại ánh sáng nhân tạo khác giúp những tuyến đường an toàn hơn và cải thiện cảnh quan, việc tiếp xúc với nguồn ánh sáng không bị gián đoạn như vậy “đi kèm với hậu quả về mặt sinh thái, hành vi và sức khỏe”.

Các nhà nghiên cứu đánh giá tỷ lệ mắc Alzheimer bằng cách xem xét cường độ ánh sáng ban đêm trung bình theo tiểu bang Mỹ từ năm 2012 – 2018, sử dụng dữ liệu ô nhiễm ánh sáng thu được từ vệ tinh và báo cáo dữ liệu y tế của Mỹ về tỷ lệ mắc Alzheimer. Nhóm cũng kết hợp dữ liệu về các biến số được biết đến là có nguy cơ gây bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer.

Nghiên cứu phát hiện, tiểu đường, tăng huyết áp và các tình trạng có liên quan chặt chẽ với Alzheimer hơn là ánh sáng. Song các nguồn ánh sáng nhân tạo ban đêm lại có liên quan đến bệnh này chặt chẽ hơn so với lạm dụng rượu, bệnh thận mạn tính, trầm cảm, suy tim và béo phì. Người dưới 65 tuổi được cho là dễ mắc Alzheimer do tiếp xúc ánh sáng hơn bất kỳ yếu tố gây bệnh nào khác.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Điều này có thể gợi ý rằng những người trẻ tuổi có thể đặc biệt nhạy cảm với tác động của việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm”.

Tiến sĩ Robin Voigt-Zuwala, phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Rush (Mỹ) và là một trong những tác giả nghiên cứu, giải thích: “Một số kiểu gien ảnh hưởng đến bệnh Alzheimer khởi phát sớm, tác động đến phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng sinh học, có thể lý giải cho tình trạng dễ bị tổn thương với việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm”.

Ông Samuel Gandy, một nhà nghiên cứu về bệnh Alzheimer tại bệnh viện Mount Sinai (Mỹ), cho rằng nghiên cứu mới nêu trên có cơ sở khi ánh sáng kiểm soát nhịp sinh học của mỗi người và điều này ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ông nêu thêm giấc ngủ kém làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer.

Tiến sĩ Jason Karlawish, đồng Giám đốc Trung tâm trí nhớ Penn tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), nêu rằng các nhà nghiên cứu cũng đã thừa nhận hạn chế là dữ liệu y tế được sử dụng chỉ lấy theo nơi cư trú của cá nhân vào mốc thời gian nghiên cứu, và vấn đề nơi ở cũng như việc tiếp xúc với cường độ ánh sáng ở mức nào có thể thay đổi trong tương lai.

Dù vậy, ông Karlawish vẫn nhấn mạnh nghiên cứu đã nhắc lại tầm quan trọng của một trong những trụ cột chính ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ, đó là chất lượng giấc ngủ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới