Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến thuật Whataboutism

Chiến thuật Whataboutism

Cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà phương Tây gọi là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đã kéo dài hơn hai năm rưỡi. Cả hai bên đều mong muốn kết thúc cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” này, nhưng đến nay cũng đã qua hơn hai năm, đàm phán vẫn rơi vào bế tắc.

Vì sao không tìm được tiếng nói chung, dù có cả các bên trung gian tham gia? Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau, cho rằng đối phương đã huỷ hoại các cuộc đàm phán hòa bình kể từ hồi tháng 4/2022 tại Istanbul, theo yêu cầu của Mỹ và các đồng minh.

Từ đó đã có rất nhiều “sáng kiến”, rất nhiều “tối hậu thư”, nhưng xem ra tình hình càng ngày càng rối. Mới đây, hôm 9/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc họp bàn về hợp tác chiến lược với các quốc gia Arab tại Riyadh, Saudi Arabia, rằng: Các sáng kiến hòa bình của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chỉ là một “tối hậu thư thuần túy”.

Nếu như vậy thì việc phương Tây kiên định tuân theo cái gọi là “công thức hòa bình” của ông Zelensky cho thấy, Kiev và các bên trung gian hòa giải không muốn đàm phán với Nga một cách trung thực, trên cơ sở bình đẳng. Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ “sự ngạc nhiên khi đến giờ vẫn có người ủng hộ sáng kiến đó”.

Moscow cho rằng, hơn hai năm qua, nhiều cuộc thảo luận về giải pháp hòa bình đã bỏ qua nhân tố cốt yếu, cũng là một trong những lý do cơ bản khiến Nga phải ra tay với người láng giềng. Quan điểm của Nga trước sau vẫn là, “vấn đề không phải là lãnh thổ”. Nga “không bao giờ muốn chiếm, hoặc lấy lại đất đai của người khác”. Điều mà Nga muốn là “những con người là một phần không thể thiếu của thế giới Nga, văn hóa Nga, ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo Nga, được đối xử nhân đạo theo yêu cầu của luật pháp quốc tế”.

Tuy nhiên, cách nói này có thể còn trừu tượng. Điều quan trọng nhất là phải thống nhất những gì sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán hòa bình. Theo Ngoại trưởng Lavrov, nếu Nga thảo luận về lời kêu gọi ngừng bắn và nghĩ tới trao đổi lãnh thổ thì điều này không thành vấn đề. Nhưng vấn đề lại không nằm ở đó. Nó nằm ở quyền của những người đã bị luật pháp chà đạp”.

Đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc, sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán do bất đồng về các điều khoản với Moscow. Cho đến cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Zelensky ban hành Sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin. Ông đề xuất “Công thức hòa bình” gồm 10 điểm để chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy. Trong các “công thức” có điểm cốt lõi là: Nga phải rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991. Đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow.

Nghe nói đến chuyện rút quân, Ông chủ Điện Kremlin nóng gáy. Rằng, Kiev bất chấp lịch sử, mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận 4 tỉnh đã sáp nhập Nga cũng như từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó Tổng thống Zelensky vẫn kiên trì quan điểm: Ukraine “có thể tìm ra hình mẫu” cho một giải pháp tiềm năng cho cuộc xung đột với Nga. Theo ông, hình thức được sử dụng để dẫn tới Thỏa thuận Ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022 có thể hữu ích cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow. (Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen được ký kết tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine do Liên họp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Mục đích của Sáng kiến nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc cảu Ukraine một cách an toàn qua Biển Đen, vốn ngăn chặn bởi cuộc xung đột).

Ông Zelensky tuyên bố, Ukraine đang vạch ra một “kế hoạch toàn diện” nhằm kết thúc cuộc chiến với Nga. Ông nói: “Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là đưa ra một kế hoạch chấm dứt chiến tranh sẽ được đa số thế giới ủng hộ”.

Cả hai bên đều tỏ rõ thái độ, nhưng rất tiếc, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga dựa trên các tuyên bố công khai của Zelensky và Putin. Càng ngày hai bên dường như càng xa cách khi nói đến các điều khoản của một giải pháp hòa bình tiềm năng.

Đến đây khiến các nhà bình luận nhớ tới một chiến thuật mới trong đấu tranh chính trị, ngoại giao – chiến thuật Whataboutism – hiểu nôm nay là, một cách ngụy biện phi logic. Các quốc gia khi phản ứng lại những lời cáo buộc từ đối phương bằng cách chỉ trích ngược lại.

Mượn cái phi nghĩa để khoác lên mình cái chính nghĩa sẽ chẳng lòe được ai. Chỉ khổ người dân mãi chưa ra khỏi bom đạn và chiến tranh ngôn từ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới