Việc Trung Quốc ngày càng ráo riết tiến hành các hoạt động ngang ngược trên Biển Đông khiến Mỹ gia tăng lực lượng phản ứng nhanh tại châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu đổ bộ tấn công LHA-6 America thuộc lớp America của Mỹ
Hôm 29/6, tờ “Thời báo Hải quân lục chiến” (Marine Corps Times) của Mỹ dẫn tuyên bố của Tư lệnh lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ là Trung tướng John Wissler tuyên bố, sớm nhất là vào năm 2018, hải quân nước này sẽ điều động 3 tàu đổ bộ tấn công đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bình luận về vấn đề này, hãng Kyodo Nhật Bản ngày 30 tháng 6 lý giải rằng, sở dĩ Mỹ điều động thêm tàu đổ bộ tấn công đến khu vực này là do Lầu Năm Góc đang từng bước triển khai ý định tăng cường sự hiện diện quân sự, nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS), Trung tướng John Wissler cho biết, ông cảm thấy “hết sức lo ngại” đối với “chiến lược chống tiếp cận” của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ tiến vào các khu vực biển gần nước này.
Do các hoạt động trên Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc ngày càng ngang ngược, tình hình các nước xung quanh như Nhật Bản và Philippines tiếp tục gia tăng căng thẳng, nên Mỹ mới đưa ra ý tưởng tăng thêm lực lượng phản ứng nhanh tới châu Á-Thái Bình Dương, muốn từng bước khẳng định sự hiện diện quân sự tại đây để kiểm soát Trung Quốc.
Hãng Kyodo đưa tin, Lầu Năm Góc đã triển khai lực lượng phản ứng nhanh của Hải quân lục chiến (United States Marine Corps – USMC) trên toàn cầu, mà chủ đạo là 2 tàu đổ bộ tấn công tới Địa Trung Hải và Vùng Vịnh, bước tiếp theo là điều động thêm lực lượng tới châu Á-Thái Bình Dương.
Trước mắt, cứ 6 tháng một lần USMC luân phiên thay quân ở Australia. Hiện mỗi năm có 1250 quân lính hải quân lục chiến tới đồn trú ở đất nước này, nhưng Lầu Năm Góc hy vọng quân số của lực lượng tấn công cơ động này sẽ tăng lên 2500 quân vào năm 2020.
Ngoài ra, Mỹ sẽ cân nhắc việc tăng cường lực lượng mới đến các căn cứ hải quân lục chiến tại Hawaii hoặc Nhật Bản. Tại khu vực châu Á, USMC sẽ lấy hai căn cứ ở Sasebo và Okinawa của Nhật làm khu vực tiền duyên để để triển khai thêm lực lượng và phương tiện.
Hiện nay, đang đồn trú tại Nhật Bản có Cụm viễn chinh hải quân lục chiến số 3 của Mỹ. Hàng năm, lực lượng của cụm này sẽ triển khai 2 đợt tuần tra sẵn sàng chiến đấu dài 90 ngày tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nếu kế hoạch mới này được thực hiện, lực lượng hải quân lục chiến đóng tại Okinawa sẽ đảm trách nhiệm vụ tại khu vực Đông Bắc Á, còn lực lượng mới tại Australia chịu trách nhiệm khu vực Nam Thái Bình Dương, tướng Wissler tiết lộ thêm.
Hãng Kyodo còn đưa tin, ngoài việc triển khai thêm 3 tàu đổ bộ tấn công của lực lượng lính thủy đánh bộ, hải quân Mỹ còn có kế hoạch triển khai thêm 4 chiến hạm khác tới cảng chính ở Nhật Bản để tăng cường khả năng giám sát và cảnh giới trên biển Hoa Đông.
Mặc dù tướng Wissler không tiết lộ là 4 tàu được điều động thuộc loại tàu nào nhưng căn cứ vào kế hoạch đã công bố trước đây, siêu tàu khu trục tàng hình thế hệ mới nhất DDG-1000 Zumwalt sẽ là 1 trong 4 tàu được đưa tới căn cứ Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản.