23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trước hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024.
Các quốc gia này đến từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và đều là các nền kinh tế mới nổi muốn sử dụng đồng nội tệ để giao dịch thay vì đồng USD.
Theo trang Watcher.guru, diễn biến này cho thấy BRICS có lợi cho các nền kinh tế mới nổi vì khối cung cấp giải pháp giúp đồng nội tệ của họ tăng trưởng. Khối các nền kinh tế mới nổi BRICS đi đầu trong chương trình nghị sự phi USD hóa và các nước đang phát triển thấy sáng kiến này có hiệu quả.
Ngoài 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, 24 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia BRICS một cách không chính thức. Do đó, tổng số quốc gia muốn gia nhập BRICS đã tăng lên 47 – có thể đưa BRICS trở thành nhóm có số lượng quốc gia thành viên lớn nhất hành tinh.
Để so sánh, Liên minh châu Âu (EU) hiện có 27 nước thành viên. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có 32 thành viên. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 10 thành viên…
Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức tại Kazan, Nga từ ngày 22 đến 24.10. Một số cuộc thảo luận quan trọng liên quan đến thương mại và các thỏa thuận mới có thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh. BRICS cũng có thể thảo luận về việc sử dụng rộng rãi các loại tiền tệ địa phương, không phải USD, cho các giao dịch xuyên biên giới.
Quay lại vấn đề kết nạp các quốc gia mới, khối BRICS gồm 9 quốc gia hiện tại (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE) có vẻ chia rẽ.
Trong khi Trung Quốc và Nga muốn BRICS mở rộng, Ấn Độ lại muốn tạm dừng việc cho phép các quốc gia mới gia nhập. Ấn Độ đã ra tín hiệu muốn tạm dừng việc kết nạp thêm các quốc gia mới vào khối trong tối thiểu 5 năm.
Điều này tạo cho BRICS không gian thở và quyết định các chính sách phù hợp với tham vọng của khối 9 thành viên. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi và theo dõi hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sắp tới về quyết định mở rộng khối này.
T.P