Cải cách tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc là bước đầu tiên nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt lương hưu và duy trì lực lượng lao động đang thu hẹp.
Vấn đề dân số già hóa đang là thách thức toàn cầu, nhưng tại Trung Quốc, tình trạng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng do hậu quả từ chính sách một con đã được thực hiện suốt ba thập kỷ. Điều này khiến tỉ lệ sinh giảm mạnh, với chỉ 9 triệu trẻ em được sinh ra trong năm qua.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm gần 40% vào năm 2050 so với năm 2010. Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống lương hưu và nguồn lực lao động của quốc gia này.
Cả người lao động trẻ lẫn những người đã lớn tuổi đều bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong chính sách lương hưu. Trung Quốc đang đối mặt với những bất cập trong hệ thống lương hưu giữa khu vực nông thôn và thành thị, đồng thời phải duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm dần, trong khi tuổi thọ trung bình tăng từ 44 tuổi năm 1960 lên 78 tuổi vào năm 2021 và dự kiến sẽ vượt qua 80 tuổi vào năm 2050, đồng nghĩa với việc dân số già ngày càng tăng, tạo thêm gánh nặng cho hệ thống lương hưu vốn đã gặp nhiều khó khăn.
Tháng 9 vừa qua, các nhà lập pháp Trung Quốc đã thông qua nhanh chóng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu, một “bước tiến quan trọng” trong việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hệ thống lương hưu của Trung Quốc đang phải chịu áp lực tài chính lớn. Khoảng một phần ba các khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc hiện đang thâm hụt quỹ lương hưu, và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính rằng nếu không có cải cách, hệ thống này sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035.
Mức lương hưu ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải dao động từ 3.000 đến 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng, trong khi ở các khu vực nông thôn, mức lương hưu rất thấp. Số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng ít nhất 40%, lên hơn 400 triệu người vào năm 2035, tương đương với tổng dân số của Anh và Mỹ gộp lại.
Để đủ điều kiện nhận lương hưu, thời gian đóng góp tối thiểu sẽ tăng từ 15 năm lên 20 năm, bắt đầu từ năm 2030. Theo Giáo sư Stuart Gietel-Basten từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc), việc kéo dài thời gian đóng góp có thể khiến nhiều lao động phổ thông, đặc biệt trong nền kinh tế chia sẻ và phi chính thức, gặp khó khăn trong việc đủ điều kiện nhận lương hưu.
Theo phân tích của Ernan Cui từ Gavekal Dragonomics, tác động tài chính từ việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ không đáng kể trong thời gian đầu vì việc nghỉ hưu muộn phần lớn vẫn là tự nguyện. Mặc dù vậy, việc tăng thời gian đóng góp tối thiểu để nhận lương hưu sẽ không phải là tùy chọn, và điều này có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với lực lượng lao động.
T.P