Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDự án kênh đào xuyên đại dương của Trung Quốc ở Nicaragua

Dự án kênh đào xuyên đại dương của Trung Quốc ở Nicaragua

BienDong.Net: Một dự án trị giá 40 tỉ USD do phía Trung Quốc chủ trì nhằm xây dựng kênh đào nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương xuyên qua lãnh thổ Nicaragua vừa được quốc hội nước này thông qua hôm 13.6 trong một tiến trình bị phe đối lập coi là vội vã và thiếu sự bàn bạc.

Theo dự án, Nicaragua sẽ trao nhượng 50 năm cho HKDN, một tập đoàn công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kong vốn chỉ có kinh nghiệm trên lĩnh vực viễn thông để thiết kế, xây dựng và vận hành kênh đào, và có thể gia hạn thời gian vận hành cho họ thêm 50 năm nữa.

Trong 10 năm đầu, HKDN sẽ trả Nicaragua số tiền khiêm tốn 10 triệu USD/năm, sau đó chia lợi nhuận cho nước này ở mức 1% và sẽ tăng dần theo thời gian. Sau khi hợp đồng kết thúc, toàn bộ cơ sở hạ tầng của kênh đào sẽ được bàn giao cho phía Nicaragua.

alt

Mặc dù nghị quyết về kênh đào được thông qua không đề cập tới con đường đi của kênh đào cũng như chi tiết về nguồn đầu tư, song theo một số tiết lộ ban đầu, kênh đào sẽ dài hơn gấp đôi so với chiều dài 77 km của kênh Panama và rộng hơn để có thể tiếp nhận các tàu lớn không qua được kênh Panama. Nó chạy dọc theo các con sông từ bờ đông đến hồ Nicaragua rồi thêm hơn 10 km nữa xuyên qua Dải đất Rivas để nối với Thái Bình Dương. Ngoài việc xây dựng kênh đào, dự án còn bao gồm một đường ống dẫn dầu, một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa, 2 cảng nước sâu, 2 sân bay và một số khu mậu dịch tự do.

Dự kiến hoàn thành trong 11 năm, kênh đào mới hi vọng sẽ thu hút 4,5% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, tạo ra 40.000 việc làm và làm tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua vào năm 2020. Những người ủng hộ nói rằng dự án của Trung Quốc sẽ biến ước mơ xây dựng kênh đào của người Nicaragua, một trong những nước nghèo nhất Mỹ La tinh từ hơn 150 năm nay trở thành sự thật.

“Một trong những tài nguyên lớn nhất của Nicaragua là vị trí địa lí, đó là lí do vì sao ý tưởng (xây dựng kênh đào) luôn được tính đến” – nghị sĩ Jacinto Suarez, người thuộc phe sandino phát biểu trong cuộc họp quốc hội. “Hoạt động thương mại toàn cầu đòi hỏi phải xây dựng con kênh này, vì đó là điều cần thiết…Chống lại dự án này là không yêu nước” – ông nói.

Những người ủng hộ cũng hi vọng kênh đào sẽ cho phép Nicaragua được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động thương mại toàn cầu, đặc biệt là từ các thị trường Mỹ và Châu Á. Bằng việc tạo ra sự cạnh tranh với kênh đào Panama, kênh đào mới có thể giúp làm giảm chi phí vận tải hàng hải đối với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, và có thể trở thành một địa chỉ du lịch mới đối với các hãng kinh doanh du thuyền. Nó cũng giúp cho việc vận chuyển hàng hóa từ Châu Á đi thẳng tới các cảng ở bờ Đông nước Mỹ thay vì phải trung chuyển qua các cảng ở bờ Tây. Người ta cũng cho rằng với khả năng cho phép các tàu chở dầu lớn vốn không qua được kênh đào Panama quá cảnh, kênh đào Nicaragua sẽ trở thành một tuyến vận chuyển quan trọng khi mà Mỹ đang có xu hướng trở thành một nước xuất khẩu dầu lửa và khí hóa lỏng.

Tuy nhiên dự án cũng gây không ít hoài nghi đối với các chuyên gia hàng hải và các nhà hoạt động môi trường.

Theo kế hoạch, kênh đào mới sẽ dài gấp hơn 2 lần so với kênh đào Pamana, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nằm cách đó hơn 1200 km và đang chiếm 5% lưu lượng giao thương hàng hải toàn cầu. Panama lại đang tiến hành dự án mở rộng kênh đào với chi phí 5,2 tỉ USD nhằm cho phép các tàu lớn hơn đi qua. Chính vì thế, đã có ý kiến lo ngại rằng tính cạnh tranh của kênh đào Nicaragua có thể bị ảnh hưởng bởi hành trình sẽ dài hơn, và để thu hút các tàu lớn, kênh đào mới phải rộng hơn, sâu hơn và chi phí lớn hơn, và từ đó cước phí lưu hành sẽ đắt hơn.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những yếu tố khác ảnh hưởng đến kênh đào Nicaragua đó là nhu cầu sử dụng tàu lớn chuyên chở container thực tế đang giảm đi do kinh tế suy thoái (khoảng 5% số lượng tàu vận tải trên thế giới hiện phải ngừng hoạt động, và tỉ lệ này có thể lên tới hơn 20% khi rất nhiều hợp đồng đóng tàu mới chuẩn bị được bàn giao). Đó là chưa kể tới khả năng xuất hiện những tuyến vận chuyển mới, kể cả đường qua Biển Bắc do tình trạng ấm lên trên toàn cầu làm tan chảy lớp băng ngăn cản giao thông ở Bắc Cực. Nếu Bắc Băng Dương trở thành tuyến vận chuyến hàng hải mới, nhu cầu chuyên chở qua kênh đào ở Trung Mỹ sẽ giảm đi.

Đối với các nhà môi trường, mối lo ngại lớn là dù trong bất cứ trường hợp nào, kênh đào cũng sẽ chạy qua hồ Nicaragua, nguồn nước ngọt chủ yếu của nước này. Hồ Nicaragua rộng 8.264 km2 là hồ lớn nhất Trung Mỹ, lớn thứ 19 trên thế giới về diện tích, nơi sâu nhất lên tới 26 m. Nếu như dự án thuộc tầm lớn nhất thế giới này được thực hiện, nguồn nước ngọt được dùng cho các âu tàu của kênh đào khi vận hành sẽ làm giảm sút nghiêm trọng mực nước ngọt quí giá trong hồ.

Chính vì thế, việc Quốc hội vội vã thông qua dự án kênh đào đã gây nên hàng loạt cuộc biểu tình phản đối việc trao cho HK Nicaragua Canal Development Investment Co. quyền xúc tiến kênh đào mà không tiến hành đấu thầu cũng như không hề có chi tiết về việc cung cấp vốn cho dự án.

alt 

Hồ Nicaragua sẽ bị đe dọa nếu trở thành một phần trong hệ thống kênh đào (ảnh AP)

Roberto Troncoso, chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp Panama cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể cổ vũ việc xây dựng kênh đào Nicaragua như là phương cách để thiết lập một con đường độc lập với kênh đào Panama vẫn được coi là đang nằm dưới ảnh hưởng nặng nề của Mỹ. Ông cũng cho rằng tiền nong không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây là Trung Quốc đang tìm cách trở thành một cường quốc kinh tế hàng đầu. “Ai khống chế được hoạt động thương mại, người ấy sẽ khống chế thế giới”, ông nói.

Một số chuyên gia khác cho rằng trong dự án này, Trung Quốc xuất phát từ động cơ địa chính trị hơn là về kinh tế. Lâu nay, Mỹ vẫn coi Mỹ La tinh là “sân sau” và kênh đào Panama là “cửa sau” của mình dù đã trao trả kênh đào cho nước sở tại từ năm 1999. Theo thỏa ước, Washington vẫn bảo lưu quyền can thiệp nếu cảm thấy “sự tự do lưu thông và tính trung lập của kênh đào bị đe dọa”, và vẫn xem đây là tài sản quan trọng về quốc phòng của họ. Trung Quốc nhiều khả năng cũng có ý định tương tự với kênh đào ở Nicaragua, đồng thời muốn giành giật ảnh hưởng với Mỹ tại khu vực này.

Cho đến nay, Mỹ vẫn không đưa ra lập trường chính thức liên quan đến kênh đào Nicaragua. Công ty Trung Quốc cũng không bình luận gì về hoạt động cung cấp tài chính cho kênh đào cũng như những ai đứng đằng sau nó.

Theo tài liệu được tiết lộ, Wang Jing, giám đốc HK Nicaragua Canal Development Investment Co. còn là giám đốc của khoảng một tá công ty khác, trong đó có một số công ty còn hoạt động và một số đã bị giải thể. Ông này đồng thời là chủ tịch Beijing Xinwei, một công ty viễn thông có lợi nhuận khoảng 100 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay.

Panama và Nicaragua là hai nước cạnh tranh trong việc xây dựng kênh đào xuyên đại dương ngay từ thời những người Châu Âu đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ la tinh. Một công ty Pháp đã tiến hành đào kênh Panama vào năm 1880 nhưng công trình bị bỏ dở do dịch bệnh sốt rét và bệnh sốt vàng. Dự án này được bán lại cho Mỹ với giá 40 triệu USD và được hoàn tất vào năm 1914, với cái giá hơn 27.500 công nhân thiệt mạng trong suốt quá trình xây dựng.

Việc xây dựng kênh đào Panama tốn kém 375 triệu USD theo thời giá và các nhà thầu đã phải đào khối lượng đất đá nhiều gấp 3 lần so với kênh đào Suez. Mặc dù kĩ thuật thủy lợi ngày nay đã tiến bộ hơn rất nhiều so với thời kì đào kênh Panama song các thách thức trong việc xây dựng kênh đào mới ở Nicaragua vẫn rất lớn do địa hình ở đây phức tạp hơn nhiều.

BDN (Theo AP và Los Angeles Times)

RELATED ARTICLES

Tin mới