Hôm qua (24.9), sau nhiều đồn đoán, Trung Quốc chính thức công bố gói giải pháp “nặng ký” để kích thích nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn và sắp tới có thể phải đối mặt thêm thách thức.
Theo tờ South China Morning Post, các biện pháp tập trung khá nhiều vào việc vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc vốn trong trạng thái “giậm chân tại chỗ” khá lâu.
Loạt biện pháp nặng ký
Cụ thể, Trung Quốc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm của lãi suất thế chấp cho nhà ở hiện tại và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo lãnh đạo ngành tài chính Trung Quốc, việc giảm lãi suất thế chấp hiện tại dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 50 triệu hộ gia đình – tương đương 150 triệu người, giảm chi phí lãi vay hộ gia đình trung bình khoảng 150 tỉ nhân dân tệ mỗi năm, điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư một cách hiệu quả.
Tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Julian Evans-Pritchard, thuộc Capital Economics – công tư tư vấn kinh tế có trụ sở tại Anh, nhận xét: “Đây là gói kích thích quan trọng nhất của PBOC kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19”.
Giải quyết khó khăn
Như vậy, trong vòng 2 ngày, Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều chính sách kích thích nền kinh tế. Ngày 23.9, PBOC giảm thêm 10 điểm cơ bản của lãi suất hợp đồng mua lại có thời hạn (repo) thời hạn 14 ngày, từ 1,95% xuống còn 1,85%. Kèm theo đó, PBOC còn thông qua công cụ này để bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỉ USD) cho nền kinh tế.
Những động thái trên của Bắc Kinh nhằm giải quyết tình hình kinh tế khó khăn chưa có nhiều khởi sắc, nhất là ngành bất động sản trì trệ trong thời gian dài.
T.H