Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBàn về “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc

Bàn về “Giấc mộng Trung Hoa” của Trung Quốc

1. Tư tưởng mới được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất trong những năm gần đây: Giấc mộng Trung Hoa, Một vành đai – Một con đường

Giấc mộng Trung Quốc hay “Trung Quốc mộng”, “Phục hưng dân tộc Trung Hoa” là một học thuyết mới chỉ đạo xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc do Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong kỳ họp Quốc hội năm 2013 và sau đó được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế học thuyết này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện ngay từ khi vừa được bầu làm Tổng bí thư, khi ông cùng một nửa thành viên Thường vụ Bộ chính trị, tham quan triển lãm “Đường tới phục hưng” tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Chính tại đây ông đề xuất ý tưởng “Giấc mộng Trung Quốc” với định nghĩa: Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại là giấc mơ lớn nhất thời kỳ cận đại. Giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực.

Còn sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013. Sau đó trong chuyến thăm Indonesia tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục công bố “Sáng kiến xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” nằm trong “Một vành đai, một con đường”. Có thể nói, “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” là một nhánh của “Một vành đai, một con đường”.

Các kết nối kinh tế phục vụ sáng kiến này là lý do chính để ông công bố thành lập “Quỹ Con đường tơ lụa” 40 tỉ USD để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước có liên quan. Truyền thông Trung Quốc đã quảng bá một cách khá hệ thống, đồng bộ và bài bản cho các sáng kiến, ý tưởng này, đồng thời nó cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận khu vực và quốc tế.

Cá nhân tôi nhận thấy, dù là “Giấc mộng Trung Quốc” hay “Một vành đai, một con đường” thì đều nhằm thực hiện 2 mục tiêu thế kỷ mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ khóa 18 đưa ra: Một là, xây dựng xã hội khá giả vào năm 2021, đúng thời điểm ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập; Hai là, xây dựng Trung Quốc thành đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, văn minh, giàu mạnh, dân chủ và hài hòa vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Tôi thiết nghĩ, bất kỳ một quốc gia nào cũng đều có mong muốn đất nước mình phát triển cường thịnh, trở thành quốc gia có thể sánh vai cùng năm châu bốn biển, nhất là những nước phải đấu tranh gian khổ, hy sinh xương máu mới giành được độc lập, mới thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến, Trung Quốc cũng thế, Việt Nam cũng vậy, không có gì khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng động viên, khuyên nhủ thế hệ trẻ Việt Nam cố gắng học tập rèn luyện để xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh, sánh vai cùng năm châu bốn biển. Bởi vậy cho nên, nếu chủ trương của ĐCSTQ phấn đấu thực hiện “Giấc mông Trung Quốc” với động cơ trong sáng của nó, phù hợp với các giá trị nhân văn, phổ quát của nhân loại văn minh ngày nay, phù hợp với luật pháp quốc tế, đem lại lợi ích cho Trung Quốc, mà ít nhất cũng không phương hại đến lợi ích của các quốc gia khác, thì sẽ là điều rất đáng được hoan nghênh và ủng hộ.

Trong thế giới hiện nay, hòa bình và phát triển, hợp tác giúp nhau cùng thắng là một xu thế tất yếu của thời đại, phù hợp với quy luật phát triên của xã hội loài người, nhất là sự mở rộng giao thương hợp tác giữa các nước có nền kinh tế phát triển hùng mạnh, có tiềm lực so với các nước nhỏ khác cũng là điều đáng khuyến khích. Vì vậy, hai chủ trương, ý tưởng lớn này nếu nội dung của nó chứa đựng những xu hướng tiến bộ và hoàn toàn vì mục tiêu kinh tế, hợp tác phát triển cùng thắng thì đó là chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật cuộc sống, chắc chắn sẽ được cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam, ủng hộ hết mình và phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để thực hiện giấc mơ, ý tưởng ấy!

Sở dĩ tôi phải đặt chữ “Nếu” vào đây là vì, mặc dù Trung Quốc đã triển khai và tuyên truyền mạnh mẽ hai ý tưởng, sáng kiến này từ năm 2013 đến nay nhưng dư luận quốc tế, khu vực, đặc biệt là tại những nước có các dự án nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đặc biệt quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi cần làm rõ.

Đến nay vẫn nhiều người còn thắc mắc rằng, liệu sáng kiến này chỉ thuần túy là về hợp tác kinh tế – thương mại như “con đường tơ lụa cổ xưa”, hay còn mang theo những mục đích khác về an ninh, hàng hải, địa – chính trị, địa – quân sự…?

Đặc biệt hiên nay, trong tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức căng thẳng, phức tap, đặc biêt là việc Trung Quốc đã và triển khai nhiều hoạt động mà dư luận cho rằng đã vượt quá những cam kết t đã đạt được giữa các bên liên quan và không dựa trên cơ sở của Luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, khiến các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, đang hết sức lo ngại, phản ứng, đề phòng và đang tìm mọi cách nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của họ. Một xu thế chạy đua vũ trang đang manh nha, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở Đông Nam Á, có nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang…

Biển Đông hiện đang là đột phá khẩu, là điểm khởi đầu của “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, một nhánh của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Trong khi đó, Trung Quốc đã bồi lấp 7 bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và đang xây các tiền đồn quân sự khổng lồ…Tinh hình đó khiến dư luân không thể không nghi ngờ đến mục đích của những sáng kiến nói trên: Liệu các công trình được xậy dựng trên các bãi cạn đó sẽ đóng vai trò gì trong sáng kiến “ Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”hay rộng hơn là sáng kiến “Một vành đai, một con đường”? Liệu Trung Quốc đã chi bao nhiêu tiền trong số 40 tỉ USD của “Quỹ Con đường tơ lụa” cho các công trình đảo nhân tạo và quân sự này?…

Đó là những mối quan tâm chính đáng, những lo ngại thật sự mà dư luận khu vực, trong đó có Việt Nam, đặt ra và cần một câu trả lời công khai, minh bạch, thiện chí và cầu thị từ phía Trung Quốc. Có như vậy thì những băn khoăn mới được làm rõ, niềm tin chiến lược mới có thể tạo dựng và được củng cố, sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” mới có thể thành tựu.

Bởi lẽ đặt vào cương vị của các bên liên quan ở Biển Đông, sẽ không có quốc gia nào đánh đổi chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông để lấy các lợi ích kinh tế nhất thời. Trong khi cơ chế vận hành, khai thác cũng như hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn từ “Quỹ Con đường tơ lụa” hay sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đến đâu vẫn còn là điều cần làm sáng tỏ.

Có thể nói dư luận rất hoan nghênh và chào đón các sáng kiến, ý tưởng hợp tác của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch và thiện chí hợp tác cùng có lợi, không ẩn chứa những vấn đề liên quan đén yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, một yêu sách đang bị dư luận phê phán, lên án, không thừa nhận, thậm chí đang bị khởi kiện ra Hội đồng trọng tài quốc tế La Haye. Trung Quốc trả lời được những câu hỏi này, tất nhiên niềm tin của khu vực và quốc tế vào ý tưởng, sáng kiến của Trung Quốc sẽ được xác lập và củng cố, ý tưởng, sáng kiến ấy chắc chắn sẽ thành tựu viên mãn. Ngược lại thì nó sẽ chỉ nằm trên giấy, trên các hoạt động tuyên truyền và có thể gây phản tác dụng.

2. Nguyên nhân nào khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất những ý kiến trên, và các ý kiến đó góp phần vào sự phát triển của Trung Quốc như thế nào?

Nhiều học giả và nhà phân tích quốc tế cho rằng, những ý tưởng, sáng kiến trên mà chính các bạn đã xác định là “tư tưởng mới” thể hiện khát vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trên cương vị người đứng đầu đất nước Trung Quốc, chịu trách nhiệm cho tương lai của hơn 1,3 tỉ dân muốn tìm kiếm một học thuyết mới, một hướng đi mới để đột phá sau 30 năm cải cách mở cửa làm cho diện mạo Trung Quốc thay da đổi thịt. Đã đến lúc Trung Quốc cần một “tư tưởng mới” để tiếp tục dẫn đường đưa đất nước phát triển phồn vinh, đồng thời khắc phục những mặt trái do tăng trưởng quá nóng gây ra như ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chênh lệch giàu nghèo và bất ổn xã hội…

Cá nhân tối thiết nghĩ, đây là mong muốn, là nguyện vọng và là mục đích hoàn toàn chính đáng của một người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc thời hiện đại. Theo dõi trên truyền thông đại chúng những diễn biến gần đây cá nhân tôi nhận thấy, Chủ tịch Tập Cận Bình đang triển khai thực hiện mạnh mẽ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” cũng như thực hiện “Giấc mộng Trung Quốc” mà Chủ tịch đã nỗ lực dồn hết tâm huyết để thực hiện giấc mộng đó: Một là, chiến dịch chống tham nhũng thành công vang dội, gây chấn động dư luận trong và ngoài Trung Quốc. Những nhân vật từng là ủy viên Thường vụ Bộ chính trị như Chu Vĩnh Khang, hay có đến 2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu đã bị đưa ra trước ánh sáng công lý.

Theo tôi đây là thành tích cực kỳ quan trọng và làm nên sức mạnh, sức hút của Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi tham nhũng là kẻ thù của bất kỳ quốc gia nào. Thể chế càng thiếu minh bạch càng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tuyên chiến với tham nhũng là tuyên chiến với các tập đoàn lợi ích sừng sỏ, nếu không đủ bản lĩnh, quyết tâm, nghị lực cũng như sự tài năng, khéo léo để tập hợp lòng người, khó có thể hạ được những con hổ tham nhũng cỡ bự như vậy.

Hai là, trên mặt trận kinh tế, cá nhân tôi theo dõi thấy rằng ảnh hưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình tới những quyết sách mang tính bước ngoặt tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc từ hướng sản xuất công nghiệp nặng và hàng tiêu dùng giá rẻ nhưng ô nhiễm môi trường hiện nay sang sản xuất hàng tiêu dùng trung cao cấp và phát triển dịch vụ. Mặc dù đây là việc làm không dễ dàng gì, ngay cả sự đồng thuận từ xã hội, vì nó có thể đánh mất khá nhiều việc làm, cũng như nảy sinh các vấn đề xã hội khi hàng triệu công nhân ngành thép, ngành than mất việc.

Chính điều này cũng khiến dư luận khu vực và quốc tế đặt dấu hỏi, phải chăng chiến lược “Một vành đai, một con đường” cùng với “Quỹ Con đường tơ lụa”, “Định chế Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á” (AIIB) đang là một kênh hiệu quả để Chủ tịch Tập Cận Bình chuyển các ngành công nghiệp nặng dư thừa của Trung Quốc ra nước ngoài theo chân những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng? Có nhiều người cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng co lại, suy giảm hay yếu đi. Nhưng cá nhân tôi thấy kinh tế Trung Quốc đang rất mạnh, những biểu hiện bên ngoài chỉ là hiệu ứng của tái cơ cấu bắt buộc phải trải qua. Việc Trung Quốc thâu tóm hàng loạt các định chế, thương hiệu toàn cầu trong thời gian qua có thể cho thấy rõ sức mạnh nội lực của Trung Quốc đang ở mức nào.

Nhưng cũng chính kênh này đang khiến tôi và nhiều nhà nghiên cứu băn khoăn: Liệu việc đi kèm với các gói tín dụng, vốn vay ưu đãi từ “Quỹ Con đường tơ lụa” (AIIB) theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” làm lợi cho Trung Quốc đã đành, nhưng có gây phương hại cho kinh tế các nước đối tác hay không? Bởi lẽ, ngay tại Việt Nam, hầu hết các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc thắng thầu bằng giá rẻ và vay vốn Trung Quốc thì cuối cùng đều đội vốn, có nơi gấp đôi, gấp ba so với dự toán ban đầu. Công nghệ trong các dự án này thường lạc hậu, nhà thầu Trung Quốc gây nhiều điều tiếng khi hoạt động ở nước ngoài, vấn đề công nhân – người lao động chân tay Trung Quốc, ồ ạt tràn sang các nước chiếm mất việc làm của người dân sở tại… Đó là những lo ngại rất hiện hữu.

Bởi vậy tôi nghĩ rằng, với tinh thần hợp tác cùng thắng, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, nên chăng Trung Quốc cần tính đến việc điều chỉnh chiến lược sao cho hài hòa giữa lợi ích của mình với đối tác. Bởi chính điều này mới làm nên hình ảnh một Trung Quốc thân thiện, đáng tin cậy và có trách nhiệm trong mắt đối tác và, mục đích thực hiện “Giấc mộng Trung Quốc” mới có thể thành hiện thực khi các nước đều thấy Trung Quốc rất có trách nhiệm, uy tín trong làm ăn.

Ngược lại thì thiệt hại vô cùng. Có thể các nước vay tiền Trung Quốc thiệt hại về kinh tế, nhưng Trung Quốc thiệt hại về hình ảnh, uy tín và vị thế. Trung Quốc càng dành được nhiều dự án và triển khai theo kiểu này, thì mất mát về uy tín càng lớn. Một nhóm nào đó trong Chính phủ các nước có thể hoan nghênh một vài gói vốn vay của Trung Quốc, nhưng người dân các nước sẽ ngày càng ác cảm và cảnh giác với Trung Quốc. Thiệt hại này không đo được bằng tiền.

Ngày nay ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Trung Quốc thì Nhật Bản cũng đang rất quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực và họ đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch hỗ trợ tài chính cho chiến lược này. Nhật Bản lâu nay rất uy tín trong việc hợp tác làm ăn, nên nếu Trung Quốc không có sự điều chỉnh về chiến lược và chính sách, tôi e các bạn sẽ gặp khó khăn không nhỏ.

Ba là là mặt trận quân sự. Cá nhân tôi rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ khả năng, năng lực và uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tái cơ cấu bộ máy chỉ huy quản lý các lực lượng vũ trang và cắt giảm 300 ngàn quân. Đây là việc làm cực kỳ khó khăn, nhưng ông đã triển khai một cách hệ thống, bài bản và rất nhanh chóng. Từ lúc tuyên bố chính thức ngày 3/9/2015 đến khi chuyển đổi ngày 1/1/2016 vỏn vẹn chỉ có vài tháng, vậy mà ông đã thành công.

Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực gây lo ngại nhất cho các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ ngân sách dành cho quân sự của Trung Quốc tăng trưởng liên tục, tàu chiến máy bay và các cuộc tập trận bắn đạn thật xuất hiện ngày một dày đặc trên Biển Đông. Đi kèm là các công trình xây dựng khổng lồ hàng tỉ USD trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc kéo tên lửa, máy bay ra bố trí ở Phú Lâm, Hoàng Sa….Tất cả những điều này gây ra một cảm giác lo ngại và không một nước nào trong khu vực không đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc.

Nếu thực sự Trung Quốc trỗi dậy hòa bình như các bạn vẫn nói, thì Trung Quốc giải thích thế nào về các căn cư quân sự và số vũ khí đang hiện diện ngày càng nhiều, càng lớn ở Biển Đông? Trong khi Trung Quốc né tránh việc thực hiện trách nhiệm của thành viên UNCLOS 1982 trong việc tuân thủ quá trình giải quyết tranh chấp áp dụng, giải thích UNCLOS thông qua cơ quan tài phán thì mấy ai mà không lo ngại?

Chính điều này phải chăng đang làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của “Một vành đai, một con đường” hay “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Ngược lại, phải chăng nó còn tạo thêm hoài nghi cho dư luận, phải chăng các dự án, chương trình hợp tác kinh tế theo sáng kiến này chỉ nhằm ngụy trang cho các công trình quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông? Nếu không trả lời rõ ràng câu hỏi này, tôi e dù các bạn có tốn bao nhiêu công sức và tiền của để tuyên truyền về sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, thì vẫn chỉ là công “Dã tràng xe cát Biển Đông…”.

RELATED ARTICLES

Tin mới