Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBoris Yeltsin: Đạo luật nền tảng xác lập quan hệ NATO –...

Boris Yeltsin: Đạo luật nền tảng xác lập quan hệ NATO – Nga năm 1997 chỉ là “bước đi bắt buộc”

Nhằm cung cấp thêm cho độc giả các tài liệu nghiên cứu về cuộc đối đầu giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên bang Nga, Tạp chí Phương Đông đăng tải nội dung một số cuộc trao đổi về việc mở rộng NATO giữa chính quyền Clinton với chính quyền Yeltsin trong thập niên 1990 mới được Chính phủ Hoa Kỳ giải mật. Các nội dung này được Viện Lưu trữ An ninh Quốc gia (một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ) tóm tắt lại, chúng tôi đăng nguyên văn để độc giả tham khảo về quan điểm của hai cường quốc này về liên minh NATO.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton (trái) bắt tay Tổng thống Nga Boris Yeltsin (phải) trong lễ ký kết Đạo luật nền tảng quan hệ NATO – Nga tại Paris tháng 5/1997, trước sự chứng kiến ​​của Tổng thống Pháp Jacques Chirac.

Vào thời điểm ký kết, Đạo luật nền tảng (về quan hệ chung, hợp tác và an ninh) NATO – Nga năm 1997 (NATO – Russia Founding Act) được ca ngợi là một sự thay đổi lịch sử, “chôn vùi” sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh, nhưng cá nhân Tổng thống Nga Boris Yeltsin khi đó chỉ coi đây là một “bước đi bắt buộc”. Boris Yeltsin nói với Tổng thống Mỹ Bill Clinton rằng ông phản đối việc mở rộng NATO nhưng không thấy có giải pháp thay thế nào ngoài việc ký hiệp định đó. Lời thừa nhận thẳng thừng của Yeltsin là một trong nhiều tiết lộ từ bộ tài liệu mới được giải mật do Viện Lưu trữ An ninh Quốc gia (National Security Archive) công bố hôm 9/7/2024, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm NATO ở Washington.

Các tài liệu cho thấy chính sách của chính quyền Clinton trong những năm 1990 nhấn mạnh vào cả hai hướng mở rộng NATO và sự can dự của Nga thường xung đột với nhau, để lại những vết sẹo lâu dài cho Yeltsin, người không ngừng tìm kiếm cái mà ông gọi là quan hệ đối tác với Mỹ. Nhưng theo các tài liệu mới được giải mật, ngay từ mùa thu năm 1994, cấu trúc an ninh thay thế cho châu Âu – là chương trình “Đối tác vì Hòa bình”, bao gồm cả Nga và Ukraine – đã không được các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ chú trọng, họ chỉ trì hoãn việc mở rộng NATO cho đến khi cả Clinton và Yeltsin có thể vượt qua cuộc bầu cử lại vào năm 1996.

Yeltsin và Bộ trưởng ngoại giao của ông vào năm 1997, Yevgeny Primkov, đã không hề cho người Mỹ “sự thừa nhận miễn cưỡng” về việc mở rộng NATO mà Mỹ hy vọng, và thậm chí cũng không có “sự bằng lòng” như các cuốn hồi ký sau đó của Mỹ đã tuyên bố. Đúng hơn, như Yeltsin đã nói riêng với Clinton tại Helsinki vào tháng 3/1997: “Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Việc NATO tiến về phía đông vẫn là một sai lầm. Nhưng tôi cần phải thực hiện các bước để giảm bớt những hậu quả tiêu cực của việc này đối với Nga. Tôi sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với NATO, nhưng không phải vì tôi muốn mà vì đó là một bước đi bắt buộc. Không có giải pháp nào khác cho ngày hôm nay”.

Các tài liệu mới được giải mật cũng cho thấy Yeltsin và các quan chức hàng đầu của ông tiếp tục hợp tác với NATO trong những thỏa thuận linh hoạt hơn theo Hiệp ước Các Lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) ngay cả khi NATO đang ném bom Belgrade trong cuộc khủng hoảng Kosovo từ tháng 3 đến tháng 4/1999.

Những hồ sơ mới được công bố này đến từ Thư viện Tổng thống Clinton và là kết quả của các yêu cầu Đánh giá Giải mật Bắt buộc (MDR) do Viện Lưu trữ An ninh Quốc gia và các nhà nghiên cứu khác đệ trình, cũng là kết quả của một vụ kiện thành công về Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) do Viện này kiện Bộ Ngoại giao, yêu cầu mở hồ sơ của Strobe Talbott, cố vấn hàng đầu về các vấn đề Nga (1992-1993) và là Thứ trưởng Ngoại giao (1994-2001) trong chính quyền Clinton.

Tài liệu 1

Điện tín từ Ngoại trưởng tới Phái bộ Hoa Kỳ tại NATO, “Tiêu đề: Cuộc họp của Bộ trưởng với Tổng thư ký NATO Manfred Woerner”

Ngày 6 tháng 3 năm 1993

Tổng thư ký NATO thăm Washington từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 3/1993, thời kỳ đầu của chính quyền Clinton, và gặp Tổng thống Clinton, Cố vấn An ninh Quốc gia Anthony Lake và Ngoại trưởng Warren Christopher. Bức điện tóm tắt cuộc trò chuyện giữa Christopher và Woerner này đã được giải mật toàn bộ và cung cấp cái nhìn sâu sắc về các chủ đề mà Woerner đã thảo luận với Tổng thống và Cố vấn An ninh Quốc gia. Tổng thư ký NATO có ba mục chính trong chương trình nghị sự: kêu gọi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh NATO vào mùa thu năm 1993, tăng cường sự tiếp cận của NATO với các nước Đông Âu, và yêu cầu Hoa Kỳ cấp thêm tiền cho cơ sở hạ tầng của NATO và các quỹ đi lại cho các thành viên Hội đồng Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NACC).

Woerner nhắc Christopher rằng Tổng thống George H. W. Bush đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 5/1989 để thiết lập vai trò lãnh đạo của mình và rằng sẽ tốt cho chính quyền Clinton nếu tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO để “xác định đường hướng phát triển của NATO”. Ý tưởng chính đằng sau sự cần thiết của hội nghị thượng đỉnh NATO là những dàn xếp an ninh trong tương lai ở châu Âu vào thời điểm mà nhiều người đặt câu hỏi về lý do căn bản cho sự tồn tại của NATO sau Chiến tranh Lạnh. Woerner khuyến khích Christopher xem xét kỹ hơn các nước Đông Âu và suy nghĩ về cách tích hợp các nước này vào các cấu trúc an ninh châu Âu. Bức điện này là một trong những tài liệu đầu tiên của chính quyền Clinton nêu rõ ràng vấn đề mở rộng NATO: “Woerner kêu gọi Ngoại trưởng bắt đầu xem xét các khung thời gian, ứng cử viên và tiêu chí có thể có để mở rộng thành viên”. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Đông Âu ít quan tâm hơn đến mối đe dọa quân sự từ Nga, mà thay vào đó hy vọng rằng “tư cách thành viên NATO có thể giúp ngăn chặn sự quay trở lại của các lực lượng độc tài” ở chính nước họ.

Woerner bi quan về Hội nghị An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE) và cho rằng nó sẽ không tồn tại được. Theo lời ông ta, các nhà lãnh đạo Đông Âu “có nhiều niềm tin vào NATO hơn CSCE, vì NATO là một tổ chức có sức mạnh”. Để tích hợp thêm Đông Âu, Woerner tin rằng Hoa Kỳ nên cung cấp thêm kinh phí cho việc đi lại và chi phí sinh hoạt cho các chuyến thăm của các đại diện NACC cũng như các hoạt động hợp tác và tiếp cận khác.

Điều kỳ lạ là cuộc trò chuyện này không nhắc đến sự tương tác và hợp tác rất tích cực của Woerner và các đại diện NATO khác với các đại diện của Nga trong suốt năm 1992 cũng như sự đảm bảo của Woerner đối với những người đồng cấp Nga về sự nhạy cảm của NATO với những lo ngại về an ninh của Nga trước khả năng mở rộng của NATO.

Tài liệu 2

John Podesta/Todd Stern gửi Tổng thống “Bản ghi nhớ của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về cuộc gặp với Ngoại trưởng Christopher”, đính kèm: Anthony Lake gửi Tổng thống: “Hội nghị thượng đỉnh NATO và phía Đông của châu Âu”.

Ngày 19 tháng 10 năm 1993

Thư ký Nhà Trắng (Podesta) và cấp phó của ông (Stern) trong nhiệm kỳ đầu tiên của Clinton đã lập lại trật tự cho luồng giấy tờ đến và đi từ Tổng thống Clinton. Ở đây, họ tóm tắt các bản ghi nhớ quan trọng từ Cố vấn An ninh Quốc gia Anthony Lake (một trong số đó được đưa vào đây) kết tinh cuộc tranh luận chính sách vào mùa thu năm 1993 giữa những người ủng hộ việc mở rộng NATO nhanh chóng (như Thứ trưởng Ngoại giao Lynn Davis và trợ lý hàng đầu của bà là Stephen Flanagan) và những người đề xuất chính sách đi chậm trong đó có sự tham gia của Nga (và Ukraine) trong các thỏa thuận hợp tác mới do Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh liên quân, tướng John Shalikashvili, đứng đầu.

Cuộc tranh luận dẫn đến sự thỏa hiệp của Ủy ban Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia: một mặt, một tuyên bố nguyên tắc của NATO rằng NATO sẽ mở rộng (nhưng không có tiêu chí cụ thể hoặc thời gian biểu), và mặt khác, chương trình “Đối tác vì hòa bình” sẽ thu hút tất cả “các nền dân chủ mới và đầy tham vọng ở phía Đông châu Âu” vào một “phong trào tiến hóa” hướng tới tư cách thành viên đầy đủ của NATO. Lý do cốt lõi, theo bản ghi nhớ của Lake: “Tất cả các cố vấn của Ngài [tức Tổng thống] đều đồng ý rằng trong giai đoạn này, làm bất cứ điều gì để chỉ ra rằng biên giới của NATO sẽ tiến gần hơn đến Nga và Ukraine mà cùng lúc đó không có sự tham gia của 2 nước này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực lớn cho cả hai. Điều đó có thể, ngoài những điều khác, làm cho các nước Trung Âu trở nên kém an toàn hơn”.

Tổng thống Clinton đã phê duyệt bản ghi nhớ này với dòng chữ viết tay “OK”. Khi Ngoại trưởng Warren Christopher trình bày tóm tắt với Tổng thống Nga Boris Yeltsin về chương trình “Đối tác vì hòa bình” một tuần sau đó, Yeltsin gọi đó là “thiên tài”, và nghĩ rằng chương trình này là để thay thế việc mở rộng, trong khi người Mỹ coi đó là tiền thân.

Tài liệu 3

Cố vấn An ninh Quốc gia Anthony Lake gửi Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, “Tài liệu của Nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về việc mở rộng NATO”.

Ngày 14 tháng 10 năm 1994

Gần đúng một năm sau khi các Giám đốc NSC đồng ý với thỏa hiệp tháng 10/1993, tài liệu chính sách này của nhân viên NSC, do Anthony Lake phụ trách và gửi tới các Giám đốc, cho thấy rằng những người ủng hộ việc mở rộng NATO hiện đang quản lý chính sách của Hoa Kỳ, chứ không phải những người đề xướng chương trình “Đối tác vì hòa bình” ở Bộ Quốc phòng. Tiêu đề của bài viết, “Tiến tới mở rộng NATO”, trái ngược với những luận điệu tiếp theo về một “hệ thống an ninh tích hợp và toàn diện cho châu Âu”. Bài viết này có lẽ chứa tuyên bố rõ ràng nhất về cơ sở lý luận “Chính sách bảo hiểm” cho việc mở rộng NATO, còn được gọi là “phòng ngừa chiến lược”. Bản ghi nhớ này cho biết điều này “(tức là chính sách ngăn chặn mới đối với Nga) sẽ chỉ được giữ ở hậu trường, hiếm khi được nêu rõ. Ngược lại, trong dài hạn không nên loại trừ thẳng thừng khả năng một nước Nga dân chủ trở thành thành viên, như Tổng thống và Yeltsin đã đồng ý (Volker Ruhe)” (ám chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Volker Ruhe, người đã công khai bác bỏ điều đó). Đồng thời, bản ghi nhớ dự đoán “quyết định rõ ràng sớm nhất của NATO về các thành viên mới sẽ được đưa ra không sớm hơn nửa đầu nhiệm kỳ thứ hai của Clinton” – nói cách khác, là sau khi cả Yeltsin và Clinton đều đã tái đắc cử. Không nói ra nhưng ẩn ý ở đây là việc đưa ra những tuyên bố rõ ràng như vậy trước thời điểm đó sẽ có tác động rất tiêu cực đến nền chính trị Nga. Tài liệu cũng đề cập đến chính sách song song trong đó NATO (và Mỹ) mở rộng mối quan hệ với Nga, “ngầm báo trước “việc liên minh với Liên minh” như một giải pháp thay thế cho con đường trở thành thành viên” đối với Nga.

Tài liệu 4

“Bản tóm tắt của Gore về cuộc gặp trực tiếp với Yeltsin”, Ghi chú về cuộc gặp của Phó Tổng thống Gore với Tổng thống Yeltsin, Moscow, ngày 16 tháng 12 năm 1994.

Bản ghi chi tiết này về cuộc trò chuyện đầy kịch tính trong bệnh viện giữa Yeltsin ốm yếu nhưng đang hồi phục và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore dường như được Strobe Talbott viết lại từ cuộc trao đổi của ông với Gore trên chuyên cơ khi rời Moscow. Gore đã đến Moscow trong khuôn khổ ủy ban chung của ông với Thủ tướng Nga Victor Chernomyrdin, nhưng cũng quan trọng nhất là để hàn gắn quan hệ với Yeltsin sau “vụ bùng nổ” Budapest vào đầu tháng 12. Yeltsin, tại Budapest và trước mặt Clinton, đã cáo buộc Tổng thống Mỹ đang tạo ra một nền “hòa bình lạnh” bằng cách đẩy nhanh việc mở rộng NATO. Budapest là nơi hai đường hướng trong chính sách của Clinton – sự mở rộng NATO và sự can dự của Nga – va chạm với nhau. Gore muốn trấn an Yeltsin rằng thông cáo từ NATO mà Yeltsin nghe được và cho đó là vi phạm lời hứa của Clinton thực ra không phải là một sự thay đổi và rằng sẽ không có sự mở rộng nào diễn ra trước cuộc bầu cử Duma Nga năm 1995 và cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996. Phép ẩn dụ mà Gore sử dụng cho mối quan hệ Mỹ – Nga và NATO-Nga, về hai con tàu vũ trụ cẩn thận cập bến và đi tiếp trên các đường ray song song, đã trùng với ý của Yeltsin, gợi lên sức mạnh của Nga trong không gian, sự ngang bằng và sự hợp tác của Nga với Mỹ.

Tài liệu 5

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Samuel Berger gửi Tổng thống, “Cuộc gặp với Phó Tổng thống về Nga và việc mở rộng NATO”.

Ngày 21 tháng 12 năm 1994

Bản ghi nhớ tóm tắt gửi Clinton đề cập đến các nội dung Phó Tổng thống Gore truyền đạt lại sau chuyến đi tới Moscow và cuộc trò chuyện tại bệnh viện của ông với Yeltsin. Ở trên cùng bên phải là dòng chữ “Tổng thống đã xem”. Bản ghi nhớ tóm tắt kết luận của Gore rằng Yeltsin chỉ đơn giản là “hiểu nhầm” các thông báo của NATO về việc nghiên cứu việc mở rộng vào năm 1995, và rằng các cuộc thảo luận với người Nga “có thể kéo dài hơn nhiệm kỳ đầu tiên của Ngài [Tổng thống]”. Dường như không có biên bản nào về cuộc thảo luận này, và hai phiên bản rất khác nhau về cuộc họp này xuất hiện trong các cuốn hồi ký.

Strobe Talbott trong cuốn “Bàn tay nước Nga” (The Russia Hand) nói đến cuộc thảo luận như một sự đồng thuận, tất cả mọi người đều đồng tình về việc không mở rộng NATO trước cuộc tái tranh cử của Yeltsin vào năm 1996, đúng như Clinton đã hứa. Talbott mô tả Bộ trưởng Quốc phòng Bill Perry lập luận ủng hộ sự trì hoãn đó và nói rằng nên cho chương trình Đối tác vì hòa bình “ít nhất một năm” trước khi có bất kỳ quyết định cuối cùng nào về việc mở rộng. Lời kể của chính Perry trong cuốn hồi ký “Hành trình của tôi ở bờ vực hạt nhân” (My Journey at the Nuclear Brink) lại kể rất khác về cuộc thảo luận này, rằng Bộ trưởng Quốc phòng lập luận về việc trì hoãn nhiều hơn một năm rất nhiều, như hẳn một thập kỷ, trước khi có bất kỳ sự mở rộng nào của NATO, bởi vì tầm quan trọng của việc kiểm soát rủi ro hạt nhân – cùng với Người Nga – là một thách thức hiện hữu, quan trọng hơn nhiều so với hình thức tích hợp châu Âu và loại trừ Nga. Perry viết rằng đây là cuộc họp mà ông nhận ra rằng đoàn tàu đã rời ga, rằng Tổng thống và Phó Tổng thống đã quyết định theo đuổi việc mở rộng NATO chứ không phải chương trình Đối tác vì hòa bình ngay khi họ và Yeltsin vượt qua cuộc bầu cử năm 1996. Perry dường như thậm chí còn cân nhắc việc từ chức sau cuộc họp này.

Tài liệu 7

Bản ghi nhớ gửi cho Tổng thống từ Anthony Lake, “Báo cáo về tiến trình mở rộng NATO/An ninh châu Âu”.

Ngày 17 tháng 7 năm 1995

Với những dòng ghi chú nguệch ngoạc của Clinton, bản ghi nhớ này từ Cố vấn an ninh quốc gia mang đến cho Tổng thống một số tin xấu: “sự phản đối ngày càng tăng của Nga đối với việc mở rộng NATO, sự bất an của một số nước Tây Âu và sự hỗ trợ chưa chắc chắn từ Quốc hội đặt ra một thách thức đối với chính sách của chúng ta.” Clinton viết vào ngày hôm sau, “Tôi nghĩ chúng ta cần thảo luận xem người châu Âu cảm thấy thế nào [gạch chân] về điều này và những gì họ có thể sẽ làm”.

Thời điểm ở đây rất quan trọng. Hai tháng trước đó, Clinton đã tham dự Ngày Chiến thắng (9/5) ở Moscow, kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Hitler, như một ân huệ cá nhân dành cho Yeltsin, chỉ để nghe Tổng thống Nga hét vào mặt ông rằng việc mở rộng NATO “chẳng mang lại điều gì ngoài sự sỉ nhục đối với nước Nga”. Clinton hứa với Yeltsin một lần nữa rằng sẽ không có hành động nào liên quan đến việc mở rộng NATO xảy ra trong năm 1995 hoặc 1996. Ở đây, Lake cố gắng trình bày nghiên cứu sắp tới về “làm thế nào và tại sao việc mở rộng NATO” như một nghiên cứu “có thể trấn an người Nga về việc triển khai các lực lượng hạt nhân và vũ trang thông thường quy mô lớn trên lãnh thổ của các thành viên mới. NATO có quyền làm như vậy nhưng thấy không có lý do gì để thực hiện việc triển khai như vậy vào lúc này, đặc biệt là liên quan đến vị thế hạt nhân của tổ chức này”.

Nhưng bản ghi nhớ tiếp tục mô tả chi tiết sự phản đối “cứng rắn” trong giới tinh hoa Nga: “Trong ngắn hạn hoặc trung hạn, sự phản đối của Nga đối với việc mở rộng NATO khó có thể nhượng bộ thành một dạng thừa nhận miễn cưỡng nào đó; Sự phản đối của Nga rất sâu sắc. Trong thời gian tới, giới lãnh đạo Nga sẽ cố gắng hết sức để làm chệch hướng chính sách của chúng ta, vì họ tin rằng bất kỳ sự mở rộng về phía đông nào của NATO về cơ bản là đi ngược lại các lợi ích lâu dài của Nga”. Lake kết luận, điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm chỉ là đạt được một “phản ứng im lặng trong bối cảnh hợp tác rộng rãi hơn”.

Tài liệu 14

Bản ghi nhớ về cuộc đối thoại, Hội nghị thượng đỉnh Clinton-Yeltsin, Helsinki, Phần Lan, “Tiêu đề: Cuộc gặp buổi sáng với Tổng thống Nga Yeltsin: NATO – Nga, START, ABM/TMD”

Ngày 21 tháng 3 năm 1997

Cuộc trò chuyện thẳng thắn này tại hội nghị thượng đỉnh Clinton-Yeltsin ở Phần Lan vào tháng 3/1997 là sự thể hiện rõ ràng nhất của phía Nga về động cơ của họ trong việc đàm phán về những gì sẽ trở thành Đạo luật nền tảng quan hệ NATO – Nga vào tháng 5/1997. Khác xa với “sự thừa nhận miễn cưỡng” về việc mở rộng NATO mà người Mỹ hy vọng, và thậm chí vẫn khác xa với “sự đồng ý” mà người Mỹ sau này tuyên bố trong hồi ký của họ, Yeltsin mô tả việc tham gia vào mối quan hệ NATO-Nga là “một bước đi bắt buộc”. Câu trích dẫn đầy đủ đáng được nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Việc NATO tiến về phía đông vẫn là một sai lầm. Nhưng tôi cần phải thực hiện các bước để giảm bớt những hậu quả tiêu cực của việc này đối với Nga. Tôi sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với NATO, không phải vì tôi muốn mà vì đó là một bước đi bắt buộc. Không có giải pháp nào khác cho ngày hôm nay”.

Đổi lại, Yeltsin yêu cầu một “thỏa thuận bí mật của các quý ông – chúng ta sẽ không viết nó ra trong tuyên bố – rằng không có nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nào gia nhập NATO”. Clinton từ chối, đưa ra nhiều lập luận chống lại ý tưởng của Yeltsin: rằng không có thỏa thuận bí mật nào như vậy có thể được giữ bí mật, rằng một tuyên bố như vậy sẽ “không tốt cho nước Nga” vì nó sẽ nói rằng “chúng ta vẫn có một đế chế nhưng chỉ là nó không thể vươn tới được tận phía Tây”, rằng nó sẽ báo động các nước Baltic và làm suy yếu chương trình “Đối tác vì hòa bình”, và thậm chí xúc phạm nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh của họ là Phần Lan. Ngoài ra, Clinton nói, “Ngài đã nói chuyện với Helmut [Kohl] và Jacques [Chirac], ngài biết suy nghĩ của họ – không ai nói về một sự mở rộng nhanh chóng, toàn diện và quy mô lớn.” Cuối cùng, sau hơn nửa cuộc trò chuyện, hai tổng thống đồng ý chuyển sang vấn đề kiểm soát vũ khí.

Tài liệu 16

Bản ghi nhớ về cuộc trò chuyện qua điện thoại, “Tiêu đề: Cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Yeltsin”

Ngày 19 tháng 4 năm 1999

Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi chiến dịch ném bom Belgrade của NATO bắt đầu. Clinton gọi điện cho người đồng cấp Nga để kêu gọi hợp tác ở Nam Tư và đảm bảo với ông rằng “Nga là trung tâm trong việc thực hiện một giải pháp”. Clinton đề xuất một kênh bí mật trực tiếp để đàm phán, nêu tên Talbott về phía Mỹ và đề cử Viktor Chernomyrdin về phía Nga – thể hiện sự tôn trọng miễn cưỡng của Mỹ đối với Thủ tướng Nga, người mà ban đầu người của Clinton coi là một cựu quan chức cộng sản. Giờ đây Clinton nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng ông ấy và nghĩ rằng ông ấy là người có khả năng giải quyết vấn đề”. Trên thực tế, Chernomyrdin đã chứng tỏ mình là người không thể thiếu trong quan hệ Mỹ – Nga những năm 1990 trong khuôn khổ ủy ban Gore-Chernomyrdin.

Yeltsin đồng ý rằng Mỹ và Nga cần hợp tác để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Kosovo, nơi mà theo ông, vụ đánh bom của NATO đã tạo ra “một thảm họa nhân đạo khổng lồ” và đã gây “thiệt hại đáng kể” cho quan hệ Mỹ-Nga. Vụ đánh bom xảy ra ngay sau khi Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc gia nhập NATO và nhằm vào một đồng minh của Nga không tấn công bất kỳ thành viên NATO nào. Hơn nữa, Nga đã không được hỏi ý kiến ​​hoặc thậm chí không được thông báo trước. Yeltsin nói với Clinton rằng “NATO đã phạm phải một sai lầm lớn” và “thành thật mà nói, […] quan điểm chống Mỹ và chống NATO ở Nga ngày càng gia tăng như một trận tuyết lở.” Yeltsin đang chịu áp lực rất lớn trong nước về việc giúp đỡ Nam Tư và nói với Clinton rằng ông ấy đang cố gắng hết sức để giữ Nga đứng ngoài cuộc xung đột nhưng “khả năng chống lại những yêu cầu đó của ông ấy [vì thế] rất hạn chế”.

Thật ngạc nhiên, cuộc trò chuyện kết thúc với một ghi chú rất hợp tác, thậm chí nồng ấm, với việc Yeltsin tâm sự với Clinton rằng ông đang “bị tấn công bạo lực và bị những người Cộng sản công kích”, họ muốn Nga gửi vũ khí, can thiệp quân sự và thậm chí bắt đầu “một cuộc chiến tranh ở châu Âu và trên toàn thế giới.” Yeltsin nói rằng ông “hoàn toàn phản đối điều đó” và sẽ hợp tác với Hoa Kỳ về giải pháp cho vấn đề này.

LTS: Tài liệu giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ cho thế giới thấy rằng chủ trương mở rộng NATO ở các nước Đông Âu có ngay từ khi Liên Xô sụp đổ, và thấy sự mơ hồ, yếu thế của chính quyền Nga do Yeltsin làm Tổng thống, đồng thời cũng thấy được NATO không phải là một tổ chức phòng thủ như tuyên bố của tổ chức này, mà thực chất là một cỗ máy chiến tranh để xóa bỏ ảnh hưởng và làm tan rã hệ thống XHCN ở châu Âu. Ngày nay, trải qua trên 30 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, cỗ máy chiến tranh NATO vẫn đang thực hiện sứ mệnh xóa bỏ Cộng hòa Liên bang Nga do Tổng thống Putin lãnh đạo, đồng thời mở rộng ra các châu lục khác để đối đầu với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia đang đe dọa vai trò bá chủ của Mỹ trên thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới