Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGạo Việt được thế giới săn lùng: Theo bước Campuchia

Gạo Việt được thế giới săn lùng: Theo bước Campuchia

Người Việt hoàn toàn có khả năng tạo ra những giống gạo ngon tầm thế giới. Tuy nhiên, điều này mới chỉ giới hạn ở một vài doanh nghiệp.

Có khả năng làm ra gạo ngon tầm thế giới nhưng…

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua không mấy nổi bật thì loại gạo Hạt Ngọc Trời – Thiên Long của Tập đoàn Lộc Trời, từng lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới, lại được nhiều nhà nhập khẩu thế giới săn lùng, thậm chí doanh nghiệp phải từ chối rất nhiều đơn hàng do cung không đủ cầu.

Lý giải thành công của gạo Hạt Ngọc Trời – Thiên Long, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, điều này xuất phát từ chiến lược đã có từ rất lâu của lãnh đạo Tập đoàn.

Theo đó, trước đây, Việt Nam thường chỉ chú trọng đến gạo năng suất cao mà ít quan tâm chất lượng. Nhưng từ đầu những năm 2000, Tập đoàn Lộc Trời chủ trương lai tạo, chọn lọc ra những giống có chất lượng gạo ngon. Giống lúa Lộc Trời 1 (tức gạo Hạt Ngọc Trời – Thiên Long) được tiến hành nghiên cứu từ năm 2004 và bố mẹ của giống lúa này là IR-64, một giống rất phổ biến ở thời điểm đó và giống Basmati, loại gạo ngon nổi tiếng của Ấn Độ. Từ việc kết hợp đặc tính của hai giống lúa trên, sau 10 năm chọn lựa các thế hệ phân ly, đến năm 2014, Tập đoàn Lộc Trời xin Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời, sau đó tiếp tục trồng khảo sát trên diện rộng. Đến ngày 15/1/2016, Lộc Trời 1 mới được công nhận chính thức là giống quốc gia, cho trồng tại vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

“Hạt Ngọc Trời – Thiên Long được đem đi thi đấu xảo ở Malaysia vào tháng 10/2015 và lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới. Khi thế giới biết đến loại gạo này, nhiều nhà nhập khẩu đặt hàng để mua. Tập đoàn sản xuất và tiêu thụ tốt sản phẩm gạo này trong thời gian qua”, PGS Chín cho biết.

Vị chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh, thành công của Hạt Ngọc Trời-Thiên Long không chỉ mang tính thời điểm nhờ lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới mà quan trọng hơn là chất lượng của nó đã chinh phục được các khách hàng khó tính trên thế giới.

“Khi đi thi đấu xảo, ban giám khảo không chỉ đơn thuần nhìn mặt gạo để đánh giá mà phải phân tích, nấu ăn thử. Cuộc đấu xảo đó được tổ chức bởi hai cơ quan là The Rice Trader, tức Hiệp hội của các nhà xuất nhập khẩu gạo trên thế giới và Viện Nghiên cứu hàng hóa quốc tế có trụ sở tại Malaysia nên có nhiều chuyên gia đánh giá cùng nhiều phương tiện đo đếm… Đặc biệt, người ta phải nấu ăn thử và những người thử cơm đó là những người thử chuyên nghiệp, họ ngửi được mùi, nếm được vị và có chỉ số đánh giá một cách khắt khe để lựa chọn ra loại gạo ngon nhất thế giới. Chính chất lượng đó mới làm nên thương hiệu gạo”, PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.

Bàn về nghịch lý của Việt Nam: dù là quốc gia trồng lúa nước lâu đời trên thế giới, thậm chí, người nông dân Việt còn được mời đi đào tạo kỹ thuật trồng lúa cho nhiều nước nhưng tới thời điểm này, gạo Việt mới có một thương hiệu gạo ngon trên thế giới, PGS.TS Dương Văn Chín cho hay, điều này một phần do đặc điểm của nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Cụ thể, diện tích đất canh tác trên đầu người của Việt Nam rất ít so với Thái Lan và Campuchia. Ở Thái Lan, đất rộng nên nông dân trồng lúa mùa địa phương năng suất thấp (2-3 tấn/ha), một năm chỉ trồng được 1 vụ nhưng đổi lại chất lượng gạo rất ngon. Trong khi đó, Việt Nam không thể đi theo hướng đó vì nếu làm như Thái Lan sẽ không đủ nuôi sống người dân. Chính vì thế, Việt Nam phải chọn con đường trồng lúa cao sản.

“Suốt thời gian dài vừa qua, lúa cao sản của Việt Nam năng suất cao nhưng chất lượng gạo chưa cao. Với bước đột phá của các nhà di truyền chọn giống, đến nay Việt Nam có thể lai tạo, chọn lọc ra được những giống lúa cao sản ngắn ngày không quang cảm (tức trồng được nhiều vụ trong năm, không chờ ngày nắng mới trổ bông mà có thể trổ bông bất kỳ thời gian nào, ngày dài hay ngày ngắn). Việt Nam đã có được những giống vừa năng suất vừa chất lượng gạo cao, không thua kém giống lúa mùa địa phương của Thái Lan. Từ đây trở đi, chúng ta có thể nỗ lực để có được ngày càng nhiều lượng gạo cao sản chất lượng cao đặc sản để giành thắng lợi trong thị trường gạo đặc sản trên thế giới”, vị chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng được PGS Chín lưu ý là các doanh nghiệp phải tìm được thị trường tiêu thụ cho các loại gạo đặc sản để xuất đi với giá cao thì mới có thể phát triển thương hiệu, từ thương hiệu doanh nghiệp đến thương hiệu địa phương, và hình thành nên thương hiệu quốc gia. Nếu không ai làm thì quốc gia không thể ấn một cái tên cho một loại gạo nào đó, nó phải xuất phát từ những loại gạo được thị trường thế giới chấp nhận, ngay cả với thị trường trong nước, người tiêu dùng khi ăn thấy thích, thấy chuộng, có nhu cầu thì nông dân mới sản xuất được, doanh nghiệp mới tổ chức thu mua, chế biến… Có như vậy mới phát triển ngành hàng lúa gạo được.

Trước thắc mắc: gạo Hạt Ngọc Trời- Thiên Long do người Việt làm từ A tới Z (từ khâu tạo giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu), tất cả đều theo một quy trình khép kín. Điều đó đồng nghĩa người Việt hoàn toàn có khả năng tạo ra những giống gạo ngon tầm thế giới. Tuy nhiên, điều này dường như mới chỉ giới hạn ở một vài doanh nghiệp như Lộc Trời. Theo ông Chín, các viện nghiên cứu nhà nước cũng tạo ra được nhiều giống lúa tốt nhưng vấn đề ở chỗ, những giống lúa đó phải được doanh nghiệp trồng trên diện thch rộng hàng chục ngàn hecta. Gạo đó lại không được trộn lẫn với gạo khác, doanh nghiệp chỉ đóng bao gạo của một giống đặc biệt nào đó để xuất khẩu sang một thị trường nhất định, khách hàng ăn và chấp nhận thì mới phát triển được.

“Còn trước nay, chúng ta có giống lúa tốt nhưng không làm theo chuỗi, cơ quan nhà nước tạo ra giống lúa rồi nhiều khi người nông dân lấy lại giống đó tự nhân rồi tự trồng. Khi có hạt lúa, họ bán cho thương lái trôi nổi, thương lái gom đủ các giống lúa khác nhau đem chà, gạo đó không đồng nhất và chính sự không đồng nhất đó làm giảm chất lượng gạo, khách hàng ăn thấy chất lượng không thỏa mãn nhu cầu. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam phải bán gạo với giá rẻ.

Trong khi đó, Tập đoàn Lộc Trời tự tạo giống, giống đó được nhân lên với khối lượng lớn và đưa vào vùng nguyên liệu của tập đoàn. Trong vùng nguyên liệu chúng tôi kiểm soát được từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch. Một giống lúa chà ra một loại gạo và đóng bao một loại gạo mà thôi. Chính điều này mới giúp doanh nghiệp thắng lợi, còn trộn 2-3 loại khiến chất lượng gạo giảm, không xây dựng được thương hiệu gạo”, ông Chín giải thích.

Thay đổi thói quen không dễ

Giống lúa Lộc Trời 1 có nhiều ưu điểm, thậm chí có khả năng thích ứng với vùng đất nhiễm mặn nhẹ. Trồng lúa trong điều kiện này cho chất lượng gạo cao hơn trồng ở vùng đất phèn và phù sa. Thế nhưng, cho đến nay, diện tích sản xuất giống lúa Lộc Trời 1 chỉ mới hơn 10.000 ha, tập trung tại vùng ĐBSCL, chưa thể đưa vào sản xuất đại trà. Lý giải điều này, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cho biết:

“Chúng tôi đang cố gắng phát triển rộng hơn nhưng làm gì cũng phải thuyết phục nông dân từng bước. Dù đây là loại gạo ngon và doanh nghiệp mong muốn mở rộng diện tích để có khối lượng gạo lớn xuất khẩu nhưng nếu người nông dân thích trồng giống khác hơn thì làm sao ép buộc được? Chỉ có cách thuyết phục người dân dần dần rằng đây là giống lúa tốt, người dân trồng thì Tập đoàn sẽ mua với giá bao nhiêu, thương lượng với họ để mở rộng diện tích từ từ. Các nước Âu Mỹ là đại diện, khi ông chủ thay đổi tư duy thì hàng ngàn hecta có thể thay đổi  theo. Còn ở Việt Nam, nông dân sản xuất nhỏ, tiểu điền nên phải thuyết phục từ từ, không thể làm một cách ồ ạt. Để đưa một giống lúa mới vào sản xuất lớn không đơn giản và cần nhiều thời gian, do nông dân đã quen với những giống lúa hiện có”.

Từ kinh nghiệm của Tập đoàn Lộc Trời, theo PGS.TS Dương Văn Chín, để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt, từng doanh nghiệp phải chọn cho mình những giống lúa chiến lược, sản xuất ra loại gạo chiến lược và doanh nghiệp phải tìm được thị trường tiêu thụ cho nó. Quan trọng nhất là phải có người có nhu cầu mua gạo của giống đó thì doanh nghiệp mới tổ chức trồng trên vùng nguyên liệu của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp không được trộn lẫn nhiều giống với nhau. Khi nhiều doanh nghiệp có nhiều giống chiến lược, mỗi doanh nghiệp lại tự tìm cho mình thị trường riêng để xuất khẩu, khi đó mới cạnh tranh thắng lợi được.

“Ở Campuchia cũng vậy, họ trồng lúa mùa nhưng cũng phải chọn giống nào đặc sắc, có thị trường thì mới thu mua xuất khẩu. Ví dụ, giống lúa mùa Khaodokmali là giống đặc sản của Campuchia, doanh nghiệp thu mua loại lúa đó để làm ra gạo Khaodokmali đem bán, như vậy mới xây dựng được thương hiệu.

Việt Nam phải đi theo hướng đó. Chúng ta không có nhiều đất, không trồng lúa mùa 1 vụ/năm, nhưng dù trồng lúa cao sản cũng phải chọn những giống đặc sắc, và loại gạo đặc sắc đó phải có thị trường tiêu thụ, có thể trong nước hoặc xuất khẩu, như vậy mới có chỗ đứng và phát triển được. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cùng làm mới có thể thắng lợi, còn 1-2 doanh nghiệp như Lộc Trời không thể “làm nên mùa xuân”, ông Chín chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới