Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững kẻ côn đồ… chuyên nghiệp

Những kẻ côn đồ… chuyên nghiệp

Hành động côn đồ của các lực lượng chấp pháp giấu mặt Trung Quốc hôm 29/9 đối với ngư dân Quảng Ngãi, Việt Nam đã bị Mỹ, Nhật Bản, Philippines… lên án mạnh mẽ.

Mặc dù tiếng nói chính thức của Hà Nội có vẻ hơi chậm, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên án mạnh mẽ. Qua đây có thể nói, Bắc Kinh vẫn có những hành động thù địch đối với Việt Nam. Sự tranh chấp của hai quốc gia láng giềng đối với quần đảo này vẫn chưa hề hạ nhiệt. Điều đó đã, đang và sẽ còn là những vấn đề tiếp tục làm sáng tỏ, đặng trả lại chủ quyền cho đúng chủ nhân đích thực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 2/10, đã mạnh mẽ lên án những hành xử của Trung Quốc đối với các thuyền viên của tàu cá Quảng Ngãi bị tấn công. “Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố.

Trong suốt một tuần qua, báo chí thế giới đã đưa tin và có nhiều bài bình luận về hành động vi phạm pháp luật của những kẻ “cướp biển”. Không thể chối cãi khi Trung Quốc đã vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOC-1982). Điều 301 của UNCLOC quy định: “Trong việc thực hiện các quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình theo đúng Công ước, các quốc gia thành viên cần tránh dựa vào việc đe dọa, hay sử dụng vũ lực để xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, hay độc lập chính trị của mọi quốc gia”.

Báo chí đặc biệt lo ngại về hành động côn đồ của “những kẻ mặc quần áo rằn ri” đã bất ngờ ập lên tàu Việt Nam, dùng các tuýp sắt, thẳng tay phang những người đánh cá trên tàu, làm 4 trong số họ bị gãy tay và ngất xỉu. Bọn cướp biển còn đập nát trang thiết bị và lấy đi toàn bộ hải sản trị giá hàng tỉ đồng.

Sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối, thay vì nghiêm túc lắng nghe và xử lý hành động côn đồ, bất chấp pháp luật của lực lượng chấp pháp, chính quyền Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này. Trung Quốc cho rằng, “các hoạt động của lực lượng chấp pháp Trung Quốc tại hiện trường là chuyên nghiệp và kiềm chế, không hề gây ra bất kỳ thương tích nào”(!).

Đúng là những kẻ côn đồ… chuyên nghiệp. Tại sao họ có thể trơ trẽn, nói trơn tuột như thế? Trong khi đó các ngư dân bị thương vẫn đang tiếp tục phải điều trị, ảnh hưởng sức khỏe không nhỏ. Hàng chục gia đình ngư dân mất trắng tài sản đi biển. Đau hơn là gây tâm lý lo sợ, hoang mang mỗi lần ra khơi đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền cảu mình, nhưng chẳng biết tai họa ập đến khi nào.

Chúng tôi xin nhắc lại rằng, đến hiện tại cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc cũng như Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo này từ năm 1974, từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Một năm sau vào ngày 30/4/1975 khi miền Nam giải phóng, nước Việt Nam giành độc lập, giang sơn liền một dải thì Hoàng Sa đã mất. Trước đó, 9 giờ ngày 29/4/1975, Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Nếu không nhanh chóng như vậy, chắc chắn các thế lực bành trướng đã không bỏ qua cơ hội chiếm đảo ở Trường Sa.

Nhân đây chúng tôi xin lưu ý quý độc giả, cái tên Hoàng Sa được bắt đầu sử dụng vào thế kỷ 16 sau khi các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đặt tên cho quần đảo này là “Ilhas do Pracel” (bãi hoặc rạn san hô bị ngập nước). Phải 300 năm sau, vào thế kỷ thứ 19, nước Pháp tuyên bố quần đảo này là một phần của Liên hiệp Đông dương thuộc Pháp và đặt dưới sự quản lý của cùng một chính quyền thực dân giống như vùng lục địa miền nam Việt Nam.

Thế rồi các lực lượng Nhật Bản đã chiếm đóng Hoàng Sa từ năm 1939 đến năm 1945. Tranh chấp về quần đảo này tiếp diễn trong những năm sau đó giữa Trung Quốc và các chính phủ miền Nam Việt Nam, vốn đã chiếm đóng một số rạn san hô. Ngày 19/1/1974, quân đội Trung Quốc đã bất ngờ tấn công, giết chết 74 thủy thủ và binh lính Miền Nam Việt Nam trong một trận chiến được gọi là “Hải chiến Hoàng Sa”, chiếm đóng toàn bộ quần đảo này.

Nay thì Trung Quốc đã từng bước củng cố, nâng cấp, xây dựng khoảng 20 tiền đồn ở quần đảo Hoàng Sa. Trong số đó có 3 tiền đồn được xây cảng biển, đủ sức đón một số lượng lớn các tàu hải quân và dân dụng; 5 tiền đồn có sân bay trực thăng. Sân bay dân dụng-quân sự Tam Sa được đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Đặc biệt, trên quần đảo có đảo Phú Lâm được xây dựng thành một trung tâm đô thị hoàn chỉnh, được bảo vệ bởi các khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9. Trên đảo này có khoảng 2.300 người sinh sống.

Kiên trì đấu tranh ngoại giao, trong nhiều năm qua, việc việc khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định như một lẽ tự nhiên, cần thiết, theo đúng luật pháp quốc tế. Điều đó cũng đúng với đường lối, quan điểm ngoại giao của hai nước Việt Nam- Trung Quốc: tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ, đàm phán để thu hẹp những bất đồng, khác biệt, không làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam xác định Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng. Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập vào năm 1997.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đưa ra phản đối chính thức, lên án những hành động vi phạm pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi lần như vậy, Bắc Kinh lại “kiên trì giải thích” với luận điệu: Hai quần đảo này là của họ “từ thời thượng cổ”, cho nên không nên bàn cãi gì nữa (!).

Cuộc đấu tranh để bảo vệ chân lý còn kéo dài. Vấn đề quan trọng nhất trong lúc này là, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động cậy thế nước lớn để o ép, bắt nạt các nước trong khu vực. Chấm dứt không điều kiện hành động côn đồ đối với ngư dân Việt Nam khi họ đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình. Thế mới đúng là “gác tranh chấp cùng khai thác” như tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới