Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCăn cứ Ream - lựa chọn tốt nhất hay lựa chọn sẵn...

Căn cứ Ream – lựa chọn tốt nhất hay lựa chọn sẵn có?

Việc Campuchia xây dựng căn cứ quân sự Ream (nằm ở cực nam nước này) là công việc bình thường của một quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Cái không bình thường là, liệu có phải chính quyền Phnom Pênh đang bán đứng căn cứ quan trọng này cho Trung Quốc?

Mối lo ngại này là có cơ sở, vì hàng chục năm trước, căn cứ Ream được nâng cấp với sự hỗ trợ của Mỹ. Đây là một gói nhỏ trong gói lớn trị giá hàng chục triệu USD mà Nhà Trắng cung cấp cho chính quyền Phnom Pênh. Thế nhưng, chính Mỹ đã cắt khoản viện trợ này vì đối tác “chơi không đẹp”. Chuyện rút lui xảy ra vào năm 2017 khi Đảng đối lập chính của Campuchia ( Đảng Cứu nguy Dân tộc, thân Mỹ) bị cấm tranh cử, sau đó lãnh đạo của Đảng này phải lưu vong, một số bị bỏ tù.

Thế chân Mỹ, Trung Quốc đã chớp thời cơ này, bỏ ra một đống ngoại tệ để đầu tư cho căn cứ Ream. Lý do Bắc Kinh thay thế Mỹ cũng dễ hiểu, vì đây là vị trí hiểm yếu, cửa ngõ thông ra Biển Đông. Một lý do khác, dù Hải quân Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, nhưng họ mới chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài. Căn cứ duy nhất này được xây dựng năm 2016, nằm ở Djibouti thuộc châu Phi. Như vậy, thật là muối bỏ biển so với hải quân Mỹ. Hiện xứ Cờ Hoa có tới 750 căn cứ, rải khắp nhiều quốc gia, trong đó có quốc gia hàng xóm như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thật là một món hời tự đến. Căn cứ Ream được xem là một phần trong chiến lược “Chuỗi đảo Ngọc trai” của Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng Hải quân nước xanh (lực lượng hàng hải có khả năng hoạt động ở vùng ven biển của quốc gia mình và có năng lực hạn chế để hoạt động ở vùng biển cận biên chung quanh).

Không chần chừ, để vuột mất thời cơ, tháng 6/2022, Ream bắt đầu nạo vét trầm tích, chuẩn bị xây bến tàu mới. Đây là bước đầu cho các dự án mở rộng căn cứ do Trung Quốc tài trợ, bao gồm một ụ khô, một bến tàu và một bờ trượt để hạ thủy.

Sau hai năm xây dựng giờ đây đã rõ hình hài của một căn cứ hải quân. Từ trên máy bay nhìn xuống có thể thấy hai khối màu xám, đó là hai tàu hộ tống hiện đại. Các nhà quân sự Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn quân sự. Sự kiện tàu hộ tống xuất hiện tại đây vượt ra ngoài các nhóm đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm, tôn tạo.

Hai tàu hộ tống này là tàu Type A56 của Hải quân Trung Quốc. Loại tàu này có trọng lượng rất lớn, 1500 tấn. Tàu neo đậu cạnh một cầu tàu mới do Trung Quốc xây dựng – một cây cầu khổng lồ đủ sức chứa các tàu lớn hơn cả A56.

Khảo sát trên thực địa thấy rõ ràng như thế. Nhưng chính quyền Phnom Pênh phủ nhận. Họ khẳng định, Hiến Pháp của đất nước Chùa Tháp “cấm mọi sự hiện diện quân sự thường trực của nước ngoài”. Họ tuyên bố như dao chém đá, rằng, “căn cứ Ream mở của cho tất cả các lực lượng hải quân nước ngoài”.

Làm sao có thể tin! Theo các nhà phân tích, xây dựng căn cứ Ream, Trung Quốc muốn tăng cường sức mạnh tại Đông Nam Á để trở thành một cường quốc toàn cầu. Tham vọng đó và quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, mà theo luật pháp Trung Quốc phải được xây dựng theo tiêu chuẩn quân sự. Một trong những căn cứ quân sự đầu tiên ở đây chính là Ream.

Dư luận các nước liên quan không mấy bất ngờ khi Trung Quốc trở thành “bà đỡ” cho căn cứ này. Từ năm 2019, tin tức về một thỏa thuận bị rò rỉ giữa Campuchia và Trung Quốc đã lan truyền: Trung Quốc đã thuê 77 ha căn cứa Ream trong 30 năm. Thỏa thuận nêu rõ, bao gồm cả việc đồn trú quân nhân và vũ khí. Nhờ có thỏa thuận này mà chỉ có tàu chiến Trung Quốc mới được phép neo đậu tại cầu tàu mới. Hồi tháng 2/2024 có hai tàu khu trục của Nhật Bản định “dã ngoại” tại đây đã bị xua đuổi. Chủ nhà “nhiệt tình” hướng dẫn cho hai tàu này cập cảng tại thành phố Sihanoukville.

Có thể nói rằng, Trung Quốc đã giúp chủ nhà lách luật một cách khôn khéo. Nó không vi phạm Hiến pháp Campuchia, bởi đây không phải là “căn cứ nước ngoài”. Chủ nhà cho phép các lực lượng nước ngoài tiếp cận theo cơ chế luân phiên. Cách này Mỹ và Philippines cũng đang áp dụng.

Khi Trung Quốc mới thật sự là người nắm giữ căn cứ Ream thì nỗi lo của Thái Lan, Việt Nam ngày càng lớn. Thật ra trước đó Trung Quốc đã xây dựng ba căn cứ trên Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Su Bi ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ). Thế nhưng, căn cứ Ream ở cửa Vịnh Thái Lan mới thật là lợi hại. Đây được xem là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm bao vây bờ biển dài của Việt Nam.

Biết là mình đang bị hở sườn nhưng phản ứng sao đây? Cả Việt Nam và Thái Lan đều đang khó trong việc công khai phản đối. Thái Lan muốn tránh gây ra những phức tạp trong ngoại giao và làm ăn kinh tế với Trung Quốc. Còn Việt Nam muốn tránh tâm lý bài Việt, kích động chống Việt Nam của lực lượng dân chủ đối lập tại Campuchia, giống như trường hợp họ đòi nước này rút ra khỏi Tam giác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia.

Dẫu sao, vấn đề chưa đến mức báo động đỏ. Căn cứ Ream thực chất không đóng góp gì nhiều vào việc thể hiện sức mạnh, không giúp hải quân Trung Quốc tiến gần hơn đến nấc thang cao nhất, vượt Mỹ. Ream chỉ có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc thu thập thông tin tình báo, theo dõi vệ tinh và phát hiện, giám sát các mục tiêu tầm xa.

Ream không phải là lựa chọn tốt nhất mà chỉ là lựa chọn có sẵn cho Trung Quốc. Biết mình, biết người thì trăm trận trăm thắng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới