Saturday, October 12, 2024
Trang chủThâm cung bí sửVụ bắt giữ Pavel Durov – Nhà sáng lập Telegram

Vụ bắt giữ Pavel Durov – Nhà sáng lập Telegram

Một sự kiện rung động mạng xã hội toàn cầu là việc nhà chức trách Pháp bắt giữ Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram ngày 24/8. Ngay khi vừa hạ cánh tại sân bay Pháp, Durov đã bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc nền tảng Telegram do ông điều hành đã bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, khuyến khích tội phạm tình dục trẻ em và nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng khác.

Pavel Durov, nhà sáng lập, CEO của nền tảng Telegram

Pavel Durov là một lập trình viên và doanh nhân người Nga, được biết đến rộng rãi qua việc sáng lập mạng xã hội Vkontakte và ứng dụng nhắn tin bảo mật Telegram. Sinh ngày 10/10/1984 tại Leningrad (nay là St. Petersburg), Nga, Durov trở thành một trong những nhân vật nổi bật trong lĩnh vực công nghệ. Ông thành lập VKontakte vào năm 2006 và Telegram vào năm 2013, Telegram nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất toàn cầu.

Chính phủ Nga đã nhiều lần yêu cầu Durov chia sẻ thông tin người dùng trên Vkontakte, nhưng ông kiên quyết từ chối, vì cho rằng điều này đi ngược lại nguyên tắc bảo mật mà ông luôn hướng tới. Năm 2011, sau cuộc bầu cử Hạ viện Nga, Durov cũng từ chối yêu cầu của Chính phủ về việc gỡ bỏ các trang mạng của phe đối lập. Sau đó, cảnh sát St. Petersburg đã đến nhà ông, nhưng Durov không mở cửa hợp tác.

Pavel Durov là một người ủng hộ mạnh mẽ tự do Internet và đã nhiều lần chỉ trích Chính phủ Nga vì các biện pháp hạn chế quyền truy cập Internet. Vào tháng 4/2014, Durov từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân của những người biểu tình chống lại Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ, Viktor Yanukovich, và cũng từ chối chặn trang mạng của nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny trên VKontakte. Để phản đối, Durov công khai đăng hai lệnh này của Chính phủ Nga lên mạng xã hội của mình, khẳng định chúng là bất hợp pháp.

Sau sự việc đó, Durov đã bán lại cổ phần của mình tại VKontakte và rời khỏi Nga để tìm kiếm tự do sáng tạo. Mặc dù giữ quốc tịch Nga, ông còn nhập thêm quốc tịch Pháp, UAE… Rời Nga, Durov tiếp tục phát triển sự nghiệp với việc sáng lập ứng dụng nhắn tin bảo mật Telegram, chọn hình ảnh tàu bay giấy làm biểu tượng của ứng dụng này. Nhiều nguồn tin cho rằng biểu tượng chiếc tàu bay giấy có nguồn gốc từ sự kiện năm 2012 khi Durov gấp những tờ tiền 5.000 rúp thành tàu bay giấy và ném xuống đám đông tụ tập bên ngoài trụ sở VKontakte tại St. Petersburg. Hành động này nhận nhiều sự chỉ trích nhưng chỉ là một phần trong chuỗi hành vi táo bạo và lập dị của ông. Hiện tại, Pavel Durov chọn Dubai làm nơi sinh sống và đặt trụ sở chính cho Telegram.

Telegram được biết đến rộng rãi nhờ tính bảo mật cao, khiến nó trở thành lựa chọn phổ biến trong giới chính trị, quân sự và thậm chí cả các tổ chức tội phạm ẩn danh. Đối với các nhà báo, việc đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng là điều vô cùng quan trọng. Pavel Durov, người sáng lập Telegram, nổi tiếng với lập trường bảo vệ quyền riêng tư người dùng, từ chối hợp tác không chỉ với Chính phủ Nga mà còn với nhiều nước phương Tây trong việc can thiệp vào hệ thống bảo mật của ứng dụng.

Chính sự bảo mật tuyệt đối và sự độc lập của Durov đã khiến Telegram trở thành công cụ quan trọng trong việc truyền tải thông tin quân sự và tình báo giữa tiền tuyến và hậu phương cho cả Nga lẫn Ukraine. Cơ chế mã hóa đầu cuối của Telegram giúp bảo vệ thông tin khỏi sự can thiệp hoặc gây nhiễu từ đối phương, đảm bảo sự an toàn cho các thông tin nhạy cảm.

Điều này đã biến Telegram, cùng với Durov, thành mục tiêu của các cơ quan tình báo từ cả Nga lẫn phương Tây, những bên đã nhiều năm cố gắng giải mã các liên lạc qua nền tảng này. Telegram không chỉ là một kho báu về bảo mật, mà còn là một điểm mấu chốt trong các cuộc chiến tranh thông tin hiện đại.

Các cơ quan An ninh Mỹ, đặc biệt là Cục Điều tra Liên bang (FBI), đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt khi các nhân viên của Telegram đặt chân đến nước Mỹ. CEO của Telegram, Pavel Durov, từng tiết lộ rằng trong lần gần nhất ông đến Hoa Kỳ, các đặc vụ của Washington đã bí mật tiếp cận và cố gắng chiêu mộ các kỹ sư của công ty. Chính phủ Mỹ thậm chí còn đưa ra các đề nghị hấp dẫn để Durov cho phép họ xâm nhập vào nền tảng Telegram để giám sát hoạt động người dùng. Tuy nhiên, Durov kiên quyết từ chối và luôn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trước mọi yêu cầu từ phía Mỹ.

Nga cũng tham gia cuộc đua kiểm soát Telegram, nhưng mọi nỗ lực của chính quyền Nga đều không thành công. Thậm chí, vào năm 2014 khi bị chính quyền Nga yêu cầu cung cấp thông tin người dùng trang mạng VKontakte, Durov đã rời Nga để bảo vệ sự tự do của bản thân và công ty. Durov còn tiết lộ về mối quan hệ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với nhiều lần gặp gỡ thân mật, cùng nhau uống cà phê. Tuy nhiên, lần này, khi đến Pháp để gặp Macron, Durov bất ngờ bị bắt tại sân bay. Khi được phóng viên hỏi, Tổng thống Macron phủ nhận việc bắt giữ có liên quan đến chính trị, ông cho biết đó là do luật pháp Pháp thực thi độc lập, không chịu sự chỉ đạo của ông.

Không chỉ các cơ quan an ninh của Mỹ, Nga hay Pháp, nhiều nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại về việc cơ chế mã hóa đầu cuối của Telegram đã biến nền tảng này thành thiên đường cho các nhóm cực đoan và những người theo thuyết âm mưu. Telegram đã bị lợi dụng bởi các tổ chức tội phạm để lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình chống lại chính quyền, điển hình như ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Nhóm chiến dịch chống phân biệt chủng tộc Hope Not Hate cũng đã đưa ra kết luận rằng Telegram đã trở thành lựa chọn hàng đầu của những kẻ có tư tưởng phân biệt chủng tộc và xu hướng bạo lực. Các nội dung mang tính kích động thù hận, bài trừ sắc tộc xuất hiện tràn lan trên nền tảng này mà không bị kiểm duyệt, chủ yếu do lập trường kiên quyết của chủ sở hữu Pavel Durov trong việc từ chối áp đặt các hạn chế đối với người dùng. Điều này đã tạo điều kiện cho những hành vi cực đoan lan truyền mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào từ phía Telegram.

Như vậy, có thể thấy rằng mạng Telegram dưới sự điều hành của Pavel Durov đã đảm bảo được quyền riêng tư và bảo mật thông tin cho người dùng, đồng thời duy trì tự do thông tin mà không bị kiểm soát. Tuy nhiên, trong khi Telegram đặt mục tiêu bảo vệ liên lạc cá nhân, nền tảng này lại vô tình trở thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm, khi những kẻ xấu lợi dụng tính năng mã hóa để thực hiện các hành vi phi pháp.

Điều này đã biến Telegram thành kho thông tin quan trọng mà các cơ quan an ninh, lực lượng chống tội phạm và các tổ chức quốc tế cần đặc biệt quan tâm. Như nhiều tài liệu đã chỉ ra, cả Nga và Ukraine đều sử dụng Telegram để liên lạc và điều phối các hoạt động quân sự, khiến ứng dụng này trở thành tâm điểm của nhiều cuộc điều tra và theo dõi từ các cơ quan an ninh toàn cầu.

Trong bối cảnh như vậy, việc cơ quan cảnh sát bắt giữ Pavel Durov dường như là điều khó tránh khỏi. Nếu Pháp không thực hiện, các quốc gia khác cũng có thể hành động tương tự. Tuy nhiên, lý do mà Pháp đưa ra cho vụ bắt giữ chỉ là những giả thiết chưa có bằng chứng cụ thể. Do đó, chính quyền Pháp buộc phải thả tự do cho Durov sau 3-4 ngày tạm giam. Ông được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu euro kèm điều kiện phải đến đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.

Vụ bắt giữ Durov đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ các quốc gia, trong đó mạnh mẽ nhất là từ phía Nga. Chính quyền Nga có thể đã lo ngại rằng nếu Pavel Durov bị các cơ quan an ninh phương Tây thuyết phục, toàn bộ bí mật liên quan đến cuộc chiến với Ukraine có nguy cơ bị khai thác, gây ra những bất lợi nghiêm trọng cho Nga. Để đối phó với tình huống này, chính phủ Nga đã nhanh chóng yêu cầu các quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng, nhân viên một số cơ quan hành pháp, các quan chức chính phủ và nhiều doanh nhân xóa ngay các tin nhắn trên tài khoản chính thức của họ trên Telegram, nhằm đảm bảo an toàn cho thông tin nhạy cảm.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Silipav Ivankov, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga can thiệp để đảm bảo tự do cho doanh nhân Pavel Durov. Trong một phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova nhận định rằng vụ bắt giữ Durov có thể xuất phát từ động cơ chính trị. Bà cũng khẳng định rằng Đại sứ quán Nga tại Pháp đang tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền lợi công dân đối với Pavel Durov tại nơi ông bị giam giữ.

Ông Dmitry Medvedev, nguyên Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, đã đăng bài trên Telegram nhắc đến nhà sáng lập mạng xã hội này. Trong bài viết, Medvedev cho rằng Durov đã phạm sai lầm khi quyết định rời khỏi Nga, nghĩ rằng quê hương là vấn đề lớn nhất của mình và tin rằng có thể sống tự do ở nước ngoài. Ông viết: “Pavel Durov đã tính toán sai lầm. Dù anh ta muốn trở thành một công dân toàn cầu, thì những kẻ thù chung vẫn xem anh ta như một người Nga, một mối đe dọa khó lường”. Medvedev chỉ trích quyết định của Durov rời bỏ Nga, cho rằng điều đó đã dẫn đến việc ông bị bắt ở Pháp và phải đối mặt với tình huống hiện tại. Theo ông Medvedev, thay vì tìm kiếm tự do cho bản thân ở nước ngoài, giờ đây Durov lại mang tiếng phản quốc.

Đại sứ Nga tại Pháp đã yêu cầu tiếp xúc lãnh sự với Pavel Durov và đề nghị chính quyền Pháp đảm bảo quyền lợi cho CEO của Telegram. Đại sứ Nga cũng chỉ trích giới chức Pháp vì không cung cấp thông tin về tình hình của Durov. Về phía Pháp, Tổng thống Macron khẳng định vụ bắt giữ không liên quan đến chính trị nhưng không giải thích thêm. Đây là lần hiếm hoi tổng thống Pháp lên tiếng về tư pháp, điều vốn là thẩm quyền của Tòa án.

Công tố viên Laure Beccuau thông báo rằng Durov đã bị truy tố vì các cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm quản lý nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, rửa tiền, và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Durov đã bị coi là có tội, mà chỉ là bước điều tra tiếp theo, có thể kéo dài nhiều năm trước khi có quyết định xét xử hoặc hủy bỏ.

Hiện tại, Chính phủ Mỹ vẫn giữ im lặng về vụ bắt giữ Pavel Durov, nhưng tỷ phú Elon Musk đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ông Musk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chỉ trích cách tiếp cận của châu Âu trong vấn đề này. Ông liên tục chia sẻ các phát biểu của Durov và kêu gọi trả tự do cho CEO của Telegram.

Về phía UAE, quốc gia mà Durov có quốc tịch, đã can thiệp để ngăn chặn việc dẫn độ và yêu cầu Chính phủ Pháp cung cấp đầy đủ các dịch vụ lãnh sự cho Durov. Trong tuyên bố ngày 27/8, Bộ Ngoại giao UAE khẳng định đang theo dõi sát sao vụ việc và yêu cầu khẩn cấp quyền tiếp cận lãnh sự cho công dân của mình. Chính quyền UAE đưa ra lời đe dọa hủy bỏ hợp đồng mua máy bay hàng tỷ đô la với Pháp.

Vụ bắt giữ CEO Telegram, Pavel Durov, đang trở nên phức tạp do ông mang nhiều quốc tịch như Nga, Pháp, và UAE, khiến vấn đề pháp lý trở nên mập mờ và khó giải quyết, đặc biệt là trong quá trình dẫn độ. Pháp có thể xem xét tước quốc tịch Pháp của Durov để đơn giản hóa việc dẫn độ ông sang Mỹ. Sự việc này có nguy cơ dẫn đến xung đột ngoại giao nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến Pháp, Nga và Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác.

Việc Durov bị dẫn độ sang Mỹ có thể đe dọa tính độc lập của Telegram và đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư, tự do ngôn luận trên các nền tảng số, đây có thể trở thành một bước ngoặt lớn trong lĩnh vực bảo mật số. Các nhà quan sát nhận định đây không chỉ là một vụ án tội phạm thông thường, mà còn mang tính chính trị, là cuộc đối đầu với các cơ quan tình báo.

Các nhà quan sát cũng cho rằng:

Việc Toà án Pháp ra lệnh bắt Durov thể hiện có sự tính toán trước rất kỹ càng. Durov đã bị gài bẫy – bắt Durov trong hoàn cảnh chứng cứ không chắc chắn nhưng Pháp vẫn thực hiện, đây là biện pháp cuối cùng sau quá trình các cơ quan đặc vụ các nước thuyết phục Durov hợp tác không thành công.

Giờ đây Durov đang ở trong sự quản lý của Pháp, đó là một lợi thế để tiếp tục gây áp lực đối với ông. Nếu Pavel Durov được dẫn độ sang Mỹ, tình hình có thể sẽ biến đổi. Trước áp lực, Durov sẽ phải tiết lộ mã bí mật của Telegram để đổi lấy mạng sống. Telegram sẽ sụp đổ.

Điều này phản ánh luật lệ quốc tế đã không còn được tôn trọng. Những quyền dân chủ tự do được phương Tây tuyên truyền đã không còn ý nghĩa.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới