Saturday, December 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTop tỉnh thành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam có bất ngờ

Top tỉnh thành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam có bất ngờ

Mặc dù gặp nhiều thách thức, vẫn có nhiều địa phương tăng trưởng 2 chữ số trong 9 tháng. Nhóm dẫn đầu có cả các tỉnh miền núi, bị bão Yagi càn quét.

Bắc Giang tăng trưởng 13,89%
Kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong 9 tháng năm nay. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh (GRDP) cao nhất cả nước, đạt mức 13,89%.

Mặc dù nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận sụt giảm 2,19% nhưng bù lại, công nghiệp – xây dựng tăng 18,03% (cùng kỳ năm ngoái tăng 15,49%); dịch vụ tăng 6,19% (cùng kỳ tăng 6,06%) và thuế sản phẩm tăng 12,89% (mức tăng 9 tháng năm 2023 chỉ là 5,64%).

Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục có tốc độ tăng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của kinh tế địa phương, đóng góp 12,92 điểm % vào mức tăng GRDP, là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là khu vực công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI với sản phẩm chính vẫn là linh kiện điện tử. Khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP.

Trong 3 khu vực kinh tế thì nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng tại Bắc Giang gặp nhiều khó khăn do mất mùa vụ vải thiều, ảnh hưởng của bão số 3, tác động làm giảm 0,24 điểm % vào mức tăng chung. 

Ngoài ra, những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế 9 tháng của tỉnh Bắc Giang còn có: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 30,6%, bằng 86% dự toán cả năm; tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng gần 24%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,3%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,25%. Khách du lịch đến Bắc Giang ước đạt 2,2 triệu lượt, tăng 45% so với cùng kỳ.

Trong năm nay, tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với tăng trưởng dự kiến cả năm đạt khoảng 14,5%.

Thanh Hóa tăng trưởng 12,46%
GRDP 9 tháng của Thanh Hóa ước tính tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước với tăng trưởng của ngành công nghiệp, xây dựng lên tới 18,85% (công nghiệp tăng 22,7%; xây dựng tăng 8,55%). Các ngành dịch vụ tăng 7,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02% trong khi ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng 4,43%.

Về cơ cấu kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,19%, giảm 0,85%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 51,01%, tăng 2,3%; các ngành dịch vụ chiếm 29,78%, giảm 1,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,02%, giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, hoạt động du lịch trên địa bàn Thanh Hóa diễn ra sôi động; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2024 được tổ chức; dịch vụ tại các trung tâm vui chơi giải trí . Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 9 tháng ước đạt 16.401 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ (quý I tăng 8,1%, quý II tăng 21,8%, quý III tăng 31,6%).

Sản xuất công nghiệp tại Thanh Hóa cơ bản ổn định và có bước phát triển. Các doanh nghiệp ngành may, sản xuất giày, dép có nhiều đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nghi Sơn II tăng công suất và hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 9 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 46,06% so với tháng cùng kỳ

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán tỉnh giao, tăng 44,7% so cùng kỳ và nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong nhóm đầu cả nước; giải phóng mặt bằng đạt 89,8% kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ.

Lai Châu tăng trưởng 11,63%
Con số tăng trưởng GRDP của Lai Châu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến trong phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực tuyến với 63 địa phương.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Lai Châu cung cấp không đề cập đến tăng trưởng GRDP, song cho hay, trong 9 tháng, hầu hết các ngành công nghiệp đều có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt là ngành sản xuất thủy điện của địa phương này có mức tăng trưởng cao do trong kỳ có 11 nhà máy thủy điện mới hoàn thành đi vào phát điện với tổng công suất lắp máy là 145,3 MW. Cùng với điều kiện thời tiết mưa nhiều đã tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất thủy điện tăng sản lượng.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Lai Châu 9 tháng là 143,3%, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chỉ số IIP so với cùng kỳ năm trước là do mức tăng của ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 43,75% do năm nay mưa nhiều.

Theo cơ quan thống kê của tỉnh Lai Câu, do Lai Châu là tỉnh được bao bọc bởi những dãy núi cao nên ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) gây ra nên tình hình thương mại, dịch vụ và vận tải tháng 9 tại tỉnh vẫn tăng trưởng khá so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, Lai Châu cấp đăng ký thành lập mới 104 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.156 tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch; nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 2.082 doanh nghiệp.

Hà Nam tăng trưởng 10,89%
Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, GRDP của tỉnh trong 9 tháng ước tính tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc.

Năm 2024, tình hình kinh tế Hà Nam có sự phục hồi trở lại, nhu cầu về xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lên, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế lớn, số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động trong năm tăng đáng kể đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 9 tháng qua.

Khu vực công nghiệp, xây dựng 9 tháng ước tính tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,77 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ước tính 9 tháng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 15,17%, đóng góp 8,49 điểm %. Khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,77 điểm % vào mức tăng GRDP.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 0,58% so với cùng kỳ, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Trong những tháng đầu năm, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Hà Nam phát triển tương đối ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, tuy nhiên do tác động của mưa bão trong quý III đã gây ra thiệt hại và làm giảm năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính tăng 5,19% so với cùng kỳ, đóng góp 0,3 điểm % vào mức tăng GRDP chung của tỉnh.

Trong cơ cấu GRDP 9 tháng theo giá hiện hành của tỉnh Hà Nam, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 6,7%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 64,9%; khu vực dịch vụ chiếm 22,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,5%.

Điện Biên tăng trưởng 10,55%
Theo Cục Thống kê tỉnh Điện Biên, GRDP 9 tháng của địa phương này theo giá so sánh năm 2010 đạt 11.423,4 tỷ đồng, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 1.574,1 tỷ đồng, tăng 3,74%; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 2.323,2 tỷ đồng, tăng 9,48% (riêng công nghiệp tăng 19,71%); khu vực dịch vụ đạt 7.006,35 tỷ đồng, tăng 12,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 519,79 tỷ đồng, tăng 7,42%.

Tốc độ tăng GRDP của Điện Biên đạt cao so với các tỉnh cùng khu vực, xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên 9 tháng theo giá  hiện hành đạt 22.176,84 tỷ đồng, tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 68,87% kế hoạch.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,59%, giảm 0,66% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,73%, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ chiếm 62,22%, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,46%, giảm 0,18% so với cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III tại Điện Biên tăng trưởng tích cực hơn quý trước và so cùng kỳ năm trước. Là quý cao điểm của mùa mưa, lượng mưa năm nay lớn và kéo dài nên thuận lợi cho ngành sản xuất thủy điện dẫn đến sản lượng điện tăng mạnh, tác động lớn đến chỉ số chung của toàn ngành công nghiệp.

Tính chung 9 tháng, hoạt động công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng khá nguyên nhân chủ yếu là tác động tích cực của 2 ngành: công nghiệp chế biến; sản xuất và phân phối điện.

Chỉ số sản xuất công nghiệp  9 tháng tăng 20,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 7,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 46,79% (cùng kỳ năm trước giảm 20%); ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,54%.

Chín tháng năm nay trên địa bàn Điện Biên diễn ra nhiều lễ hội quảng bá hình ảnh, sự kiện văn hóa quan trọng trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia – Điện Biên 2024 và Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, tác động tích cực đến thị trường hàng hóa và các dịch vụ thương mại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 22,96% so với cùng kỳ với quý II tăng 30,92% và quý III tăng 27,04%.

Khánh Hòa tăng trưởng 10,45%
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo giá so sánh 2010) 9 tháng ước đạt 47.127,1 tỷ đồng, tăng 10,45% so cùng kỳ năm trước, xếp vị trí thứ 6/63 của cả nước và thứ 2/14 của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Trong đó, GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 10,99%; thuế sản phẩm trừ  trợ cấp sản phẩm tăng 4,84%. Đóng góp trong tổng mức tăng 10,45% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,11%, làm tăng 0,01 điểm  phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 20,39%, làm tăng 6,43 điểm  phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,47%, làm tăng 3,59 điểm phần trăm; thuế sản  phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,84%, làm tăng 0,42 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 20,39% so cùng kỳ năm trước. Khu vực này có mức tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế, trong đó, ngành công nghiệp tăng 23,01%; ngành xây dựng tăng 15,6% với nhiều công trình trọng  điểm của quốc gia và của tỉnh được khởi công.

Tuy ngành công nghiệp Khánh Hòa có tốc độ  tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu nhờ vào ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (gấp 2,24 lần, đóng góp tăng 4,79 điểm phần trăm); còn ngành công nghiệp chế biến chế tạo – là ngành có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong công nghiệp – chỉ tăng 1,34%, làm tăng 0,2 điểm phần trăm của toàn tỉnh. 

Khu vực dịch vụ với cơ cấu chiếm tỷ trọng cao nhất trong GRDP tỉnh Khánh Hòa tăng 7,47% so cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu 40.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng cao nên ngành du lịch Khánh Hòa về đích trước 3 tháng.

Tính đến đầu tháng 10, tỉnh đã đón 9 triệu lượt khách lưu trú, đạt 100% so với kế hoạch năm và tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó có 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 147,9% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 44.138,4 tỷ đồng, tăng 61,9% so với cùng kỳ (vượt 10% kế hoạch năm)…

Nhiều địa phương tăng trưởng cao bất chấp bị bão Yagi tàn phá
Hải Phòng (9,77%)

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng 9 tháng ước tăng 9,77% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,88%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,09%, đóng góp 6,63 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,94%, đóng góp 2,89 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,8%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

Tỉnh cho biết, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhiều doanh nghiệp công nghiệp bị gián đoạn sản xuất. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 ước tính giảm 8,39% so với tháng 8, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dự kiến trong quý IV, hoạt động các ngành dịch vụ sẽ gặp khó khăn do còn phải khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Quảng Ninh (8,02%)

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, tỉnh Quảng Ninh vẫn cho thấy sự phục hồi và phát triển kinh tế ấn tượng qua nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực.

Tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng của tỉnh này đạt 8,02%, thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 9 tháng.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 20,45%, cao hơn 4,05 điểm % so cùng kỳ. Khu vực dịch vụ ước tăng 13,55%, cao hơn 1,76 điểm % so cùng kỳ. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 9 tháng ước đạt trên 15,6 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,59 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 36.856 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,97% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tăng 27,4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 2.570 triệu USD, tăng 13,8% so cùng kỳ.

Phú Thọ (9,56%)

Tốc độ tăng trưởng GRDP của Phú Thọ ghi nhận mức cao 9,56%. Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp quý III trên địa bàn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 48,21% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng, IIP tăng 38,65%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,3%. IIP tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp đáng kể của một số doanh nghiệp quy mô lớn mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, sự ổn định trong sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng trong và ngoài nước của các doanh nghiệp cũng là các nhân tố quan trọng thúc đẩy toàn ngành công nghiệp tăng trưởng,…

Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; công tác bình ổn giá được thực hiện tốt không xảy ra tình trạng dư thừa hàng hóa.

Mặc dù hứng chịu thiên tai nhưng trong tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 48,1% so với cùng kỳ; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa tăng 87,6%. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 11,26 tỷ USD, tăng 86,4%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới