Sunday, October 13, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc cạnh tranh có tổng bằng 0

Cuộc cạnh tranh có tổng bằng 0

Những thay đổi chiến lược trên Bán đảo Triều Tiên được hình dung như là một “cuộc cạnh tranh có tổng bằng 0” giữa các cường quốc. Nhưng nó không phải là một số 0 tròn trĩnh mà có thể sẽ tạo ra hai khối đối lập ở Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, đối lập với Mỹ, Hàn Quốc, và Nhật Bản.

Những thay đổi chiến lược của Bình Nhưỡng tập trung vào ba hướng chính. Tuy nhiên, ba thay đổi này có liên quan đến nhau, xoay quanh vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân. Thay đổi thứ nhất là, Triều Tiên đặt mục tiêu tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Năm 2021, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố một Kế hoạch 5 năm, trong đó có đặt mục tiêu này. Việc Triều Tiên đầu tư vào Tổ hợp công nghiệp hạt nhân, cùng với tuyên bố mạnh mẽ của ông Kim rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân cho thấy “tư thế chiến lược” đã hoàn toàn khác trước.

“Tư thế” ngạo nghễ/ngang ngược này đã làm thay đổi cán cân chiến lược ở Đông Bắc Á. Nó đặt ra những câu hỏi bức bối về mức độ tin cậy của khả năng răn đe mở rộng của Mỹ. Nó khiêu khích niềm khao khát của Hàn Quốc về sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thay đổi thứ hai là, Bình Nhưỡng đang tìm cách “tái định vị địa chính trị”. Kim Jong-un chối bỏ mục tiêu lâu dài của dân tộc là bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nhằm hướng đến cân bằng giữa các cường quốc. Rời xa Mỹ, xích lại gần Trung Quốc, Kim đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 1/2019, sau đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng vào tháng 6 năm đó. Nhờ mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh mà cả Nga và Trung Quốc đều cùng tập trung ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các cuộc thử nghiệm ICBM (phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) của Triều Tiên.

Nhưng rồi hai năm gần đây khi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine thì Trung Quốc đã nhìn anh bạn Triều Tiên với con mắt cảnh giác. Nga đã thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới với Triều Tiên, sử dụng viện trợ kinh tế và quân sự để đổi lấy đạn dược và tên lửa.

Bắc Kinh cảm thấy không thoải mái, như thể bị anh bạn nhỏ vượt mặt (!) Biết đâu đấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang trở thành đòn bẩy thay thế Bắc Kinh, tạo ra một tình huống giống như hồi thập niên 1950-1960. Thời điểm ấy, Kim Il Sung là Ông nội của Kim Jong Un, đã có những hành động tương tự khiến cho hai cường quốc Nga-Trung mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.

Thay đổi thứ ba khá nguy hiểm, Kim Jong-un đã từ bỏ chính sách thống nhất hai miền Triều Tiên. Từ chỗ Triều Tiên và Hàn Quốc được coi là một quốc gia có chung huyết thống, nhưng bị chia cắt bởi lịch sử, nay trở thành “kẻ thù chính”. Ông Kim kêu gọi thay đổi Hiến pháp của Triều Tiên. Ghi rõ trong Hiến pháp: Xóa bỏ cam kết thống nhất; giải thể các cơ quan xử lý quá trình hòa giải Bắc-Nam và phá bỏ Tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng mà cha ông đã xây dựng.

Vô hình trung con bài của Bình Nhưỡng đã khiến Nga và Trung Quốc mâu thuẫn nhau. Cả hai cường quốc cùng từ bỏ mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Thậm chí theo nhận định của các nhà quan sát, Kim Jong-un đang ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh. Có thể đây là nhận định mang tính cảnh báo hơi thái quá, nhưng không thể không thấy một điều: Bán đảo Triều Tiên dường như nguy hiểm và bất ổn hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1950 đến nay.

Vì sao Kim Jong-un đã loại bỏ cả mục tiêu phi hạt nhân hóa và thống nhất Bắc-Nam, bất chấp sự thật đây vẫn là mục tiêu chính sách nhất quán của cả Mỹ và Hàn Quốc? “Vấn đề Triều Tiên” có phải đang nằm trong cuộc cạnh tranh có tổng bằng 0 giữa các cường quốc? Những mối quan tâm chung về phổ biến vũ khí hạt nhân từng khiến Trung Quốc và Nga hợp tác với nhau trong các cuộc đàm phán, giờ đây đã không còn. Kim trở nên táo bạo và liều lĩnh nhờ có kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đang phát triển; nhờ sự ủng hộ từ Tổng thống Nga Putin; nhờ sự ghẻ lạnh của Trung Quốc.

Theo thông tin từ một Báo cáo vào năm 2023 của Hội đồng Tình báo Quốc gia về Triều Tiên, hiện đang hình thành một “môi trường rủi ro mới”. Báo cáo này nhận định: Triều Tiên rất có thể sẽ tiếp tục sử dụng tình trạng vũ khí hạt nhân của mình để hỗ trợ cho chính sách ngoại giao cưỡng chế.

Báo cáo này nhận định, Kim sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi ông “tin rằng chế độ đang gặp nguy hiểm”. Tuy nhiên, nó đã ám chỉ nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm: “Ông ta có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro quân sự thông thường lớn hơn, vì tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ ngăn chặn được một phản ứng dữ dội không thể đáp trả được của Mỹ hoặc Hàn Quốc”. Và: “Một chiến lược tấn công nhằm chiếm giữ lãnh thổ và đạt được sự thống trị chính trị trên Bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực ít có khả năng xảy ra hơn so với một chiến lược cưỡng chế”.

Cuối cùng, bản Báo cáo đưa ra một cảnh báo: Chiến lược tấn công sẽ có khả năng xảy ra nếu Kim tin rằng ông ta có thể đánh bại quân đội Hàn Quốc, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ và duy trì sự ủng hộ của Trung Quốc.

Dẫu rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên được viết theo kịch bản tồi tệ như thế nào thì cũng khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Thế nhưng sự tái định vị về mặt địa chính trị của Triều Tiên đã làm dấy lên khả năng Bình Nhưỡng sẽ có động thái mạnh mẽ trong vòng hai năm tới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới