Tuesday, October 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mới4 kịch bản với xung đột Nga - Ukraine nếu ông Trump...

4 kịch bản với xung đột Nga – Ukraine nếu ông Trump tái đắc cử

Cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục khiến dư luận tò mò về những khả năng có thể xảy ra trên chiến trường Ukraine nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Trong khi Mỹ lên dây cót cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, một câu hỏi vẫn khiến dư luận quan tâm là liệu chính sách của Mỹ đối với Ukraine sẽ thế nào nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Trong trường hợp ông Trump trở lại Nhà Trắng, diễn biến của cuộc chiến Ukraine sẽ phụ thuộc phần lớn vào liệu chính quyền mới có coi việc hỗ trợ cho Ukraine rủi ro hơn so với không hành động gì hay không, xét cả về khía cạnh an ninh, chính trị và kinh tế.

Ngoài ra, cục diện xung đột còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của các chủ thể quan trọng khác như Nga, Ukraine, các quốc gia châu Âu và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, trang Stratfor Worldview nhận định 4 kịch bản chính có thể xảy ra với chiến sự Nga – Ukraine nếu ông Trump tái đắc cử.

Kịch bản thứ nhất: Đóng băng xung đột

Một kịch bản có khả năng xảy ra là xung đột đóng băng, với một lệnh ngừng bắn mong manh nhằm tạm thời chấm dứt tình trạng thù địch, nhưng không có thỏa thuận hòa bình.

Ở kịch bản này, Mỹ có thể không cắt viện trợ hoàn toàn và bỏ mặc Ukraine, nhưng mức độ cắt giảm viện trợ của Washington sẽ đủ để buộc Ukraine phải tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Trên thực tế, Ukraine đang phải đối mặt với những hạn chế cả về trang thiết bị và nhân sự. Trong khi đó, nền kinh tế Nga đến nay hoạt động tốt, nhưng vẫn có những dấu hiệu quá tải. Việc tạm dừng giao tranh sẽ tạo điều kiện cho cả 2 bên phục hồi và điều chỉnh.

Cộng đồng quốc tế cũng có thể đưa ra các hỗ trợ cho cả 2 bên, bao gồm viện trợ để tái thiết Ukraine và giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt đối với Nga. Đây là một kết quả không hoàn hảo nhưng có thể chấp nhận với cả hai bên.

Kịch bản này cho phép Nga củng cố các khu vực đã sáp nhập từ Ukraine và chuẩn bị lực lượng nếu cuộc chiến tiếp diễn.

Một cuộc xung đột đóng băng cũng đảm bảo NATO không mở rộng hơn nữa về phía đông, một xu hướng mà Moscow cho là gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Trong khi đó, châu Âu có thể tiếp tục tập trung củng cố quân đội Ukraine nhằm ngăn chặn Nga phát động các cuộc tấn công mới.

Lệnh ngừng bắn như vậy là khả thi bởi theo một số phân tích của Reuters, Nga sẵn sàng ngừng bắn để đóng băng xung đột. Hơn nữa, một số chính phủ và tổ chức chính trị phương Tây cho rằng một giải pháp đàm phán là trong tầm tay và nên được khuyến khích. Họ cân nhắc đến yêu cầu hàng đầu của Moscow là làm chậm hỗ trợ quân sự và đóng băng quá trình Ukraine gia nhập NATO.

Còn đối với Ukraine, việc thiếu viện trợ từ Mỹ sẽ khiến họ khó tiếp tục cuộc chiến vì lo ngại mất thêm lãnh thổ.

Kịch bản 2: Mỹ duy trì viện trợ khiến xung đột có nguy cơ leo thang hơn

Nếu ông Trump giành chiến thắng, cuộc chiến ở Ukraine có thể tiếp tục giằng co với nguy cơ Mỹ tham gia sâu hơn nữa.

Ông có thể duy trì các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Ukraine, từ chối thúc đẩy Kiev đàm phán, tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine theo nhiều hình thức khác nhau từ cấp vũ khí đến chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ huấn luyện binh sĩ.

Nếu Mỹ duy trì ủng hộ Ukraine, cuộc chiến có nguy cơ leo thang ác liệt hơn. Để đưa ra những đáp trả cứng rắn hơn trên chiến trường, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ thay đổi tính toán của Mỹ và cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí mà chính quyền hiện tại coi là “lằn ranh đỏ”. Ông cũng có thể cho phép Kiev sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump hoàn toàn có khả năng đề cập tới lá bài vũ khí hạt nhân trong những răn đe của mình.

Ông có thể tiếp cận vấn đề hạt nhân không theo những quan điểm chính thống thận trọng cũ kỹ mà theo những quy tắc riêng để củng cố vị thế của Mỹ và Ukraine trên bàn đàm phán.

Mặc dù luôn chỉ trích chính quyền hiện tại về việc viện trợ cho Ukraine, nhưng chấm dứt khoản viện trợ đó không phải điều dễ dàng đối với ông Trump. Ngay cả khi ông thực sự có ý định từ bỏ Ukraine, ông sẽ phải đấu tranh trong chính đảng của mình.

Ông Trump được cho là vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định đối với đảng Cộng hòa, nhưng ông vẫn gặp khó khăn để thống nhất ý kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách với Nga và Ukraine.

Vào năm 2017, quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga mà Nhà Trắng không muốn. Cho tới nay, sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine vẫn tồn tại giữa các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và trong cử tri đảng Cộng hòa.

Ông Trump nhận thức được điều này, hơn nữa ông cũng biết việc cắt viện trợ cho Ukraine sẽ ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến hình ảnh của mình. Bài học nhãn tiền chính là cuộc rút quân khỏi Afghanistan và hậu quả nó để lại cho chính quyền của Tổng thống Biden.

Có lý do để tin rằng những tuyên bố của ông về chấm dứt chiến tranh ở Ukraine mang tính hùng biện và tuyên truyền cho chiến dịch tranh cử hơn là hành động cụ thể.

Tuyên bố có thể kết thúc chiến tranh trong 24 giờ với nỗ lực thúc đẩy Ukraine và Nga ngồi vào bàn đàm phán không đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ có thái độ, hành động hòa hoãn và nhân nhượng với Nga để đổi lấy đàm phán hòa bình như một số ý kiến.

Từ năm 2017 đến năm 2021, ông Trump không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hoặc sự hiện diện quân sự của nước này tại miền đông Ukraine. Ông cũng phá vỡ chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama bằng cách gửi hỗ trợ quân sự sát thương cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa chống tăng Javelin.

Hai quốc gia Montenegro và Bắc Macedonia đã được kết nạp vào NATO với sự chấp thuận của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tại Syria, Mỹ cũng đã có hành động quân sự chống lại Nga vào năm 2018.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump chưa phải đối phó trực tiếp với cuộc chiến nào. Từ năm 2017 đến năm 2021, Nga không có bất cứ động thái quân sự lớn nào.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo có lẽ sẽ chứng kiến Ukraine thất bại trong cuộc chiến lớn đầu tiên của châu Âu kể từ năm 1945. Với viễn cảnh như vậy, vị thế của Mỹ trên thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng và việc đổ lỗi cho các chính quyền trước đây không thể giúp cải thiện tình hình.

Hơn nữa Mỹ có quyền lo ngại việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine sẽ khuyến khích Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi chứng kiến sự thiếu kiên quyết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh.

Nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump, nếu thực sự xảy ra, không ngoại trừ khả năng làm xung đột leo thang. Phong cách giao tiếp và làm việc của ông có thể kéo theo rủi ro. Nếu không thể kết thúc xung đột trong vòng 24 giờ như đã hứa, ông Trump được cho là sẽ chuyển hướng sang tăng cường sức mạnh và can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine.

Khi đó, Nga sẽ buộc đáp trả tương xứng và khiến quy mô xung đột mở rộng hơn nữa.

Với kịch bản này, cuộc chiến giữa Nga – Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt, đòi hỏi khoản lớn chi phí kinh tế, quân sự và thiệt hại về người ngày càng tăng đối với cả 2 nước. Tuy vậy, việc Mỹ duy trì hỗ trợ sẽ cho Ukraine thấy được sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn từ phương Tây.

Kịch bản 3: Thúc đẩy Nga và Ukraine đàm phán chấm dứt xung đột

Trong khi chính phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẵn sàng phối hợp với Mỹ bất kể tổng thống tiếp theo là ai, nhiều người Ukraine lo lắng kế hoạch chấm dứt xung đột của ông Trump đồng nghĩa với cắt viện trợ quân sự cho Kiev. Điều đó khiến Ukraine phải đưa ra lựa chọn: tiếp tục chiến đấu mà không có bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung nào của Mỹ và chịu tổn thất lớn hoặc đàm phán hòa bình theo các điều khoản bất lợi.

Khả năng này được đưa ra dựa trên những động thái và phát ngôn gần đây của ông Trump về Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất, ông Trump nhắc lại tuyên bố nếu tái đắc cử, ông có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông làm điều đó bằng cách nào, ông đã không đưa ra câu trả lời.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters năm ngoái, ông nói, Ukraine có thể phải nhượng lại một số lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình.

Với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA), trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã điều chỉnh chính sách đối ngoại Mỹ theo tôn chỉ “nước Mỹ trên hết” với việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris hay hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Với tinh thần này, ông Trump cũng không cam kết viện trợ thêm cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng và yêu cầu các nước châu Âu phải tăng khoản đóng góp. Ông thậm chí còn đề xuất Mỹ không nên bảo vệ các đồng minh đóng góp không đầy đủ cho NATO.

Trước đó vào tháng 2, ông Trump nỗ lực kêu gọi đảng Cộng hòa ngăn chặn Thượng viện thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine. Cựu Tổng thống cũng từng tuyên bố Mỹ nên ngừng viện trợ nước ngoài trừ khi viện trợ đó được cung cấp dưới dạng khoản vay.

Ngoài ra, cần tính đến động cơ cá nhân của ông Trump để lý giải vì sao trường hợp này có thể xảy ra. Cựu Tổng thống bị cho là có khúc mắc với chính quyền Ukraine từ năm 2019 khi ông bị buộc tội can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump đã gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải công bố cuộc điều tra về Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhưng phía Ukraine từ chối.

Tuy nhiên, khả năng đạt được một cuộc đàm phán hòa bình không chỉ phụ thuộc vào hành động từ phía ông Trump, mà còn phụ thuộc cả vào những tính toán và lợi ích chiến lược của nước Nga.

Từ khi xung đột nổ ra cách đây hơn 2 năm, lập trường của Tổng thống Vladimir Putin là sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine nếu Kiev từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia. Ông Putin nhấn mạnh mục tiêu của Moscow là chấm dứt xung đột chứ không chỉ đơn thuần là đóng băng.

Thêm vào đó, ông yêu cầu các quyền, sự tự do và lợi ích của công dân nói tiếng Nga tại Ukraine phải được bảo vệ đầy đủ, mọi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga phải được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, một thỏa thuận cuối cùng làm hài lòng cả 2 bên và dẫn đến một giải pháp hòa bình vĩnh viễn cực kỳ khó, bởi cả Nga và Ukraine đều muốn kiểm soát các khu vực mà Nga đã sáp nhập kể từ năm 2022. Trong khi đó, Nga không chấp nhận một thỏa thuận mà cho phép Ukraine gia nhập NATO. Ở chiều ngược lại, Ukraine cũng không có ý định từ bỏ tham vọng này.

Kịch bản 4: Ukraine cố gắng kéo NATO vào cuộc chiến

Đây là kịch bản xấu nhất cho các bên liên quan trong cuộc chiến, nhưng ít có khả năng xảy ra.

Trong kịch bản này, Kiev nhận thức được rằng nếu ông Trump tái đắc cử và cắt viện trợ cho Ukraine, họ sẽ không có sự đảm bảo về an ninh, chính trị và vật chất. Hơn nữa, Ukraine rất có thể cũng sẽ mất dần ủng hộ từ khối NATO.

Do đó, để bảo vệ đến cùng lợi ích của mình, Kiev dường như ngày càng mạo hiểm hơn với nước cờ tấn công vào lãnh thổ Nga, ngay cả khi điều này có nguy cơ kéo theo hành động trả đũa của Moscow và bắt đầu một vòng xoáy leo thang “ăn miếng, trả miếng”, cuối cùng gây ra cuộc xung đột lớn hơn giữa Nga và NATO.

Một trong những nguyên nhân có khả năng nhất dẫn đến một cuộc xung đột mở rộng như vậy là Ukraine vi phạm các hạn chế của phương Tây và sử dụng vũ khí của họ cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhắm vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng khác.

Tuy nhiên, kịch bản này gần như không thể xảy ra vì Kiev biết các cường quốc phương Tây sẽ không thể mạo hiểm xung đột trực tiếp với Nga. Hơn nữa, nếu xung đột Nga – NATO xảy ra, nó đồng nghĩa với Thế chiến thứ 3. Chính quyền ông Trump gần như sẽ giảm hỗ trợ cho Ukraine để chuyển hướng nguồn lực.

Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ khi cuộc chiến trên bộ khốc liệt nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2 nổ ra, cả Moscow và Kiev đều cho biết họ đang cân nhắc khả năng đàm phán dù chưa thể hiện rõ quan điểm về lệnh ngừng bắn sẽ như thế nào.

Hai bên đều đang chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Trong cuộc bầu cử năm nay, chính sách đối ngoại đã trở nên có sức nặng và là vấn đề đáng quan tâm đối với cử tri. Do đó, có thể nói, cục diện xung đột Ukraine gắn chặt với kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới