Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiViệt Nam muốn mở rộng mạng lưới đường sắt tới TQ.

Việt Nam muốn mở rộng mạng lưới đường sắt tới TQ.

Đại diện tỉnh Lào Cai và Hải Phòng đều khẳng định việc xây dựng đường sắt tốc độ cao nối với Trung Quốc là cần thiết và phải làm ngay.

Đại diện tỉnh Lào Cai và Hải Phòng đều khẳng định việc xây dựng đường sắt tốc độ cao nối với Trung Quốc là cần thiết và phải làm ngay. Ảnh minh họa

Phải làm nhanh không Trung Quốc sẽ lờ đi

Ngày 1/7, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam (GTVT) Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay có 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đã đề xuất với Bộ GTVT về việc xây đường sắt tốc độ cao kết nối 3 tỉnh đó với Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Phong – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã xác nhận thông tin trên.

Theo ông Phong, cách đây không lâu, cá nhân ông đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa để bàn về việc xây dựng đường sắt tốc độ cao kết nối giữa Lào Cai với Trung Quốc.

“Phía Bộ trưởng Nghĩa đồng tình cao lắm. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh cùng có tiếng nói với Bộ GTVT, cùng đề xuất với chính phủ sớm xây dựng dự án khả thi của bên hữu ngạn sông Hồng kết nối từ đấy về đến Hà Nội, xong ra đến Hải Phòng và từ Lạng Sơn về”, ông Phong nói.

Chia sẻ về kế hoạch xây dựng đường sắt tốc độ cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết và phải làm ngay.

“Việc này rất tốt vì nó là tuyến kết nối từ Côn Minh qua Lào Cai.  Bây giờ phía bên tỉnh Vân Nam, từ Côn Minh đến cửa khẩu Lào Cai đã thông được 1,45 m rồi.

Việc xây dựng này là theo chương trình hợp tác, hai hành lang một vành đai, và dự án con đường xuyên Á từ lâu.  Bên Trung Quốc đã làm xong hết rồi. Không phải là tốc độ cao mà họ đã triển khai xong đường cao tốc, đi từ các tỉnh đến trung tâm  các tỉnh với nhau. Đường sắt tốc độ cao của mình chỉ đạt khoảng 100 -120 km/h thôi.

Nếu để lâu thì Trung Quốc cũng lờ qua ngay. Họ cũng chẳng cần nữa và sẽ tìm nước khác. Họ đang kết nối với mấy nước bằng cách đi đường vòng Thái Lan để ra biển”, ông Phong khẳng định.

Vị lãnh đạo nhấn mạnh, không chỉ riêng Lào Cai mà tất cả các tỉnh, thành phố nằm trên tuyến hành lang trên đều có lợi về mặt kinh tế.

“Xây dựng rất cần thiết mang lại nguồn lợi kinh tế cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta sẽ làm nhiệm vụ chung chuyển, vận chuyển hàng hóa từ các điểm lớn từ Hải Phòng, từ cảng biển nước sâu của Hải Phòng, Quảng Ninh qua Trung Quốc.

Hiện nay tỉnh đang đề xuất nguyện vọng. Khi nào Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc thì sau đó tỉnh mới phối hợp để triển khai được. Việc này cần phải sớm triển khai trước năm 2020 phải chuẩn bị xong”, ông Phong nhấn mạnh thêm.

Đường ngắn hơn, giá thành rẻ hơn

Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hải Phòng khẳng định Hải Phòng đưa ra đề nghị xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương.

“Hải Phòng đề nghị cùng với Lào Cai và Lạng Sơn mở tuyến đường sắt tốc độ cao với Trung Quốc. Đấy là đường vành đai. Từ cảng Hải Phòng đi đến các tỉnh phía Nam của Trung Quốc thì rất gần. Do vậy khi Trung Quốc muốn quá cảnh qua Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng đến Hà Nội, Lào Cai, Lang Sơn thì thuận tiện và hiệu quả kinh tế hơn.

Vì thế nhiều tàu bè của các nước đi qua Trung Quốc bằng con đường này. Lợi thế này sẽ khiến giá thành hạ, hai là cảng của Việt Nam cũng được nhiều hàng hóa qua. Về mặt kinh tế rất có lợi nên Hải Phòng mới đề nghị như vậy”, ông Vinh khẳng định.

Trước câu hỏi “Việt Nam sẽ chở gì sang Trung Quốc”, vị ĐBQH Hải Phòng cho rằng người dân và nhiều chuyên gia đang có sự nhầm lẫn về mục đích thực sự của việc xây dựng đường sắt tốc độ cao kết nối với nước bạn.

“Thực ra Việt Nam chỉ đóng vai trò là nước chung chuyển thôi. Ở đây là hàng hóa của Trung Quốc nhập vào và hàng của các nước đưa vào Trung Quốc tạm nhập tái xuất qua Việt Nam. Chúng ta kiểm tra nếu không có vấn đề gì thì hàng hóa đó sẽ đi tiếp chứ Việt Nam không được mở hàng của họ ra để kiểm tra.

Ngoài ra, hàng hóa của các nước sản xuất ở Trung Quốc muốn đi vào các nước khác thì đi qua con đường của cảng Hải Phòng cũng sẽ gần hơn. Như vậy Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ chung chuyển, lấy tiền cước phí vận tải.

Thực tế là nhờ việc này mà cảng Hải Phòng sơ sơ thu lệ phí một tháng cũng được mấy tỷ. Tôi cho rằng nhiều người đang hiểu nhầm về chủ trương việc xây dựng đường sắt tốc độ cao kết nối với Trung Quốc”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đánh giá khách quan dự án trên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hải Phòng khẳng định là cần thiết và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

“Con đường này sẽ gồm 2 đường. Một là đường vận tải hành khách cho tuyến trong nước của Việt Nam bằng cao tốc. Hai là đường hàng hóa. Nó có lợi cả 2 phía. Chúng ta sẽ lấy chi phí của hàng hóa để bù đắp cho vận tải hành khách. Ví dụ đi từ Hải Phòng qua Hà Nội đến Lào Cai thì rất gần nếu đường cao tốc. Hiện nay đường sắt chỉ mới chạy được tốc độ 40-50 km/h thôi. Nhưng nếu chạy 100 -120 km/h, thậm chí 200 km/h tùy theo tốc độ của con tàu và đường ray thì sẽ lợi nhiều thứ.

Nếu không có lợi thì chắc chắn cả Việt Nam và Trung Quốc đã không tính phát triển việc kết nối này”, ông Vinh nêu quan điểm.

RELATED ARTICLES

Tin mới