Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBước ngoặt lịch sử của thị trường vàng

Bước ngoặt lịch sử của thị trường vàng

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng đứng im cả tháng. Lần đầu tiên trong lịch sử, vàng chỉ bán thông qua 4 ngân hàng và Công ty SJC ở 2 thành phố lớn nhất cả nước. Cũng chưa bao giờ mua bán vàng lại khó khăn như trong năm 2024…

Giá vàng miếng SJC lập mốc lịch sử ở 92,4 triệu đồng/lượng


Có thể nói, 2024 là năm mang tính cột mốc trong lịch sử thị trường vàng khi cơ quan quản lý nhà nước áp dụng giải pháp đặc biệt nhằm kéo giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới.

Giá vàng lập mức cao nhất lịch sử
Có thói quen tích trữ vàng như của để dành mấy chục năm nay, bà Nguyễn Hà (TP.Đà Nẵng) chưa bao giờ gặp phải tình cảnh như năm nay, có tiền chưa chắc mua được vàng. Bà Hà kể, hồi tháng 5, khi giá vàng tăng vù vù vượt qua mức 90 triệu đồng/lượng, sợ mất cơ hội, bà vội mua 2 lượng. Đến khi giá tăng lên trên 92 triệu đồng/lượng, bà mở cờ trong bụng, nhất là các dự báo đều cho thấy vàng sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng, mọi cái bỗng quay ngoắt 180 độ khi giá vàng lao dốc rớt xuống mức 75 triệu đồng/lượng, mỗi lượng lỗ ngay 15 triệu đồng. Với 2 lượng vàng dắt lưng, tổng khoản lỗ của bà Hà lên tới 30 triệu đồng chỉ trong vòng 3 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng biện pháp bán vàng qua 4 NH thương mại quốc doanh và Công ty SJC. Đến khi chúng tôi thực hiện bài viết này, khoản lỗ của bà Hà đã giảm xuống còn hơn 20 triệu đồng nhưng không đủ an ủi trái tim của người phụ nữ lớn tuổi với thói quen gom góp tiền tiết kiệm mua vàng để dành bao năm qua.

“Tính ra số tiền lỗ vẫn bằng 3 – 4 tháng lương hưu chứ có phải ít đâu. Nhưng quan trọng là mua bán vàng giờ quá khó khăn. Tôi phải nhờ con cháu trong nhà đăng ký ở NH để mua chứ tôi không biết dùng mạng internet. Không rõ sắp tới chính sách về vàng có thay đổi gì nữa không, giá còn giảm nữa hay không… Dù gì thì vàng vẫn là vàng, nên càng siết thì nó lại trở nên quý hiếm”, bà Hà tự an ủi mình.

Nhìn lại năm 2024, thị trường vàng chứng kiến những mức giá cao kỷ lục. Vàng miếng SJC đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 5, tăng 21,4 triệu đồng/lượng so với đầu năm. Sóng tăng giá của vàng trong nước đến từ kim loại quý trên thị trường quốc tế liên tục phá các mức giá kỷ lục, lên 2.534 USD/ounce vào tháng 8, tương đương mức tăng giá 22,7% so với đầu năm. Nguyên nhân chính cho đợt tăng giá này là do lo ngại lạm phát tăng cao, chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang và thị trường xuất hiện kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ… Tất cả yếu tố này đều hỗ trợ cho vàng tăng giá.

Trong nước, tốc độ tăng giá của vàng miếng SJC vẫn nhanh hơn quốc tế do khan hiếm nguồn cung. Bởi từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, NHNN đã không bơm ra thị trường một lượng vàng nào trong gần 12 năm trở lại đây. Sự khan hiếm khiến vàng miếng SJC đắt hơn thế giới kỷ lục đến 20 triệu đồng/lượng. Và đây chính là khởi nguồn cho những cột mốc lịch sử trong thị trường vàng kéo dài đến tận lúc này.

Những cái đầu tiên
Sau hơn 1 thập niên, NHNN chính thức đấu thầu vàng trở lại để tăng cung ra thị trường. Thế nhưng dù khan hiếm, các phiên đấu giá vàng do NHNN tổ chức từ cuối tháng 4 đều không thành công, có phiên bị hủy vì không đủ số lượng đăng ký, phiên thì ế chỏng gọng. Vàng miếng SJC vẫn đắt đỏ. Qua đầu tháng 6, NHNN chuyển hướng biện pháp can thiệp thị trường bằng việc chỉ định bán vàng cho 4 NH thương mại quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC để các đơn vị này bán vàng ra thị trường.

NHNN đưa ra giá bán từng ngày và các đơn vị này bán ra cho người dân không được cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá của NHNN. Đây là lần đầu tiên, biện pháp bán can thiệp chỉ định giá được áp dụng. Ngay tức thì, giá vàng miếng SJC đổ đèo từ mức giá gần 91 triệu đồng/lượng xuống còn 77,98 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng bắt đầu xuất hiện những diễn biến có một không hai trong lịch sử. Người dân ùn ùn kéo nhau xếp hàng từ sáng sớm để được mua vàng với mức giá bình ổn. Rồi cũng lần đầu tiên, từ chỗ phát số thứ tự cho người mua vàng, 4 NH và Công ty SJC chuyển sang bán vàng trực tuyến.

Từ hàng hóa bình thường, mua vàng giờ đây phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu của các đơn vị được phép bán: Cung cấp các dữ liệu thông tin cá nhân như CCCD, số điện thoại, địa chỉ email… Các tổ chức này cũng bán định lượng, mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng mỗi lần đăng ký; mỗi miếng vàng SJC được định danh gắn với CCCD người mua. Không những vậy, Vietcombank, BIDV chỉ bán vàng cho chính khách hàng của NH mình; người mua giao tiền nhưng vàng được giao sau 2 – 5 ngày đăng ký mua vàng thành công và 1 tháng sau mới được đăng ký mua lại…

Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng miếng SJC đứng bất động ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng trong một tháng.

Các giải pháp hành chính này đã làm giá vàng miếng SJC biến động lỗi nhịp so với giá quốc tế, dẫn đến tình huống hy hữu là có lúc giá mua vàng nhẫn cao hơn vàng miếng thương hiệu quốc gia.

Cần thay đổi tư duy về thị trường vàng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đã được kiểm soát ở mức 4 – 5 triệu đồng/lượng so với mức 20 triệu đồng/lượng trước đó. Tuy nhiên, thị trường bị kiểm soát chặt chẽ nên chưa thể hiện được rõ ràng cung – cầu. Các hoạt động mua bán vàng trở nên khó khăn, phức tạp, dẫn đến tình trạng 2 giá vàng miếng SJC xuất hiện trên thị trường. Các cá nhân, đơn vị không có chức năng mua bán vàng miếng hoạt động trên thị trường tự do với mức giá cao hơn từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng mỗi lượng tùy thời điểm. Chợ đen hình thành những cơn sóng ngầm có nguy cơ gây bất ổn thị trường, nhất là khi giá vàng nhẫn lại đang có xu hướng vượt tăng hơn so với giá vàng miếng.

Để thị trường vàng phát triển lành mạnh và ổn định, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, khi cung – cầu vàng trên thị trường gặp nhau thì giá vàng sẽ đạt được mục tiêu mong muốn. Giải pháp can thiệp hành chính không nên kéo dài mà cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Phân tích sâu về thị trường vàng, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng kiến nghị NHNN cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng, sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng chỉ quản lý, hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định. NHNN không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung – cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân. Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế. Không thể tách rời mà phải làm sao biến thị trường vàng thành một cấu thành của thị trường tài chính, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng. Xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường, cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt hơn 10 năm qua. NHNN nên đưa ra phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vàng trong nước được tiếp cận với nguồn vàng nhập khẩu để có sự lựa chọn về nguồn cung đầu vào, giúp nâng cao chất lượng về sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, chính sách mở cửa vàng nguyên liệu còn tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế nhằm học hỏi lẫn nhau và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là động lực để khối doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại dùng trong quá trình sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Thị trường vàng Việt Nam hiện nay đang hiểu theo nghĩa hẹp, tức chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện. Để thị trường vàng phát triển, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân kiến nghị sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng.

Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các NH thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.

Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia. Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới