Saturday, October 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững “sứ giả lắm lông”

Những “sứ giả lắm lông”

Tháng 11/2023, cặp gấu trúc Mei Xiang (Mỹ Hương) và Tian Tian (Thiêm Thiêm) về Trung Quốc sau 23 năm sống tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian, thủ đô Washington DC.

Gấu trúc Yun Chuan tại vườn thú San Diego, California, Mỹ

Theo về còn có gấu trúc con Xiao Qi Ji (Tiểu Kỳ Tích) ra đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chuyến hồi hương đại gia đình gấu trúc này đã thành một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và dư luận trong bối cảnh bang giao Mỹ – Trung căng thẳng. Nhiều nhà quan sát coi nó là cách Trung Quốc trả đũa việc Washington tiến hành cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ nhằm vào Trung Quốc, bắt đầu từ giữa nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump.

Căng thẳng Trung- Mỹ là một thực tế. Nhưng nó liên can gì tới những con gấu trúc bụ bẫm, đáng yêu? Có đấy. Gấu trúc là loài động vật quý, hiếm – một trong những biểu tượng của văn hóa Trung Hoa, được ví như “quốc bảo”. Khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Bắc Kinh cố ý tô đậm hơn hình ảnh gấu trúc thành một biểu tượng của tình bạn. Quốc gia nào được Trung Quốc tặng gấu trúc, đó là thông điệp thân thiện, hữu nghị, hợp tác. Thuật ngữ “ngoại giao gấu trúc” ra đời từ đó, được biết đến có khi còn nhiều hơn thuật ngữ “ngoại giao bóng bàn”.

Tháng 1/1972, trong chuyến công du lịch sử tới Trung Quốc, tổng thống Mỹ Richard Nixon đã được nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông tặng một cặp gấu trúc. Cặp gấu trúc này đã góp phần mở ra một chương mới trong quan hệ Trung – Mỹ sau đó.

Sau đó, cùng với đà thăng tiến bang giao Trung – Mỹ, Bắc Kinh tiếp tục gửi tới Mỹ một số chú gấu trúc với hình thức tặng, sau này là cho mượn theo hợp đồng cụ thể, do loài gấu trúc này ngày một hiếm.

Là “biểu tượng ngoại giao” nên mỗi động thái liên quan tới gấu trúc tránh sao khỏi sự soi mói của dư luận…

Chẳng biết ngẫu nhiên không, nhưng thời kỳ bang giao Mỹ – Trung ấm áp, từng có lúc có tới 15 con gấu trúc ở Mỹ. Con số này giảm là lúc quan hệ Mỹ – Trung suy. Đầu năm 2023, cá thể gấu trúc có tên là Le Le đưa tới Mỹ 20 năm trước, theo hình thức cho mượn, đã qua đời tại Sở thú Memphis ở bang Tennessee. Tiếp đó, hình ảnh xơ xác thảm hại của gấu trúc Ya Ya, cũng tới Mỹ cùng chuyến với cá thể Le Le, trên mạng xã hội, đã khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ. Nhiều người Trung Quốc coi đó như bằng chứng của hành vi “tiểu nhân” mà người Mỹ sử dụng, kết hợp với đòn chiến tranh thương mại và công nghệ đang nhằm vào đối thủ.

Cơn giận của người Trung Quốc thậm chí vẫn còn ngay cả khi một nhóm chuyên gia Trung Quốc thực hiện các kiểm tra, đánh giá rằng Ya Ya bị rụng lông do bệnh da, nhưng ăn uống tốt, tiêu hóa bình thường, thể trọng ổn định…, chứ không phải bị ngược đãi. Hậu quả là, sự “thù dai” cố chấp bên kia bán cầu đã khiến nhiều người xứ Cờ Hoa có những phản ứng tiêu cực, tỏ ra bất cần…

Người dân bột phát cảm xúc là điều có thể. Nhưng những cái đầu ở Trung Nam Hải thì không nên, mà cần phải tính toán. Có lẽ thế, trong chuyến công du tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2023 tại San Francisco, ông Tập Cận Bình chợt nhớ ra thứ vũ khí ngoại giao lợi hại, nên đã nói rằng: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ trong việc bảo tồn gấu trúc, đồng thời đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước”.

Nói cách khác, gấu trúc Trung Hoa, một lần nữa lại được sủ dụng giúp Bắc Kinh trong nỗ lực hóa giải căng thẳng trong quan hệ với Mỹ tại một thời điểm được coi là “xuống đáy”.

Trong năm nay, một cặp gấu trúc mới đã được đưa đến Sở thú San Diego; một cặp khác sẽ đến San Francisco – như hứa hẹn thiện chí của ông Tập Cận Bình.

Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã Trung Quốc: một cặp gấu trúc khổng lồ ba tuổi, có tên là Bảo Lực và Thanh Bảo, đã rời một cơ sở nghiên cứu ở một thành phố tây nam Trung Quốc, và sẽ sớm được đưa đến vườn thú quốc gia Smithsonian, Washington DC, bằng máy bay trong một thỏa thuận chúng sẽ ở lại tới 10 năm.

Nguồn tin chi tiết còn làm thỏa mãn những người Mỹ yêu gấu trúc Trung Hoa, hay tò mò, rằng: “Thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đi bao gồm bánh mì bắp, tre và cà rốt, cũng như nước và thuốc men”; tháp tùng chúng, còn có kíp bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm…

Hoan hỷ như người dân đã đành. Nhưng với những chính khách Washington, các thông tin trên chưa quan trọng bằng thông điệp thiện chí được rút ra qua khẳng định của phía Trung Quốc: sự kiện này sẽ “đem đến những đóng góp mới trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu và tăng cường tình hữu nghị của người dân hai nước”.

Chỉ có điều, thời điểm quan hệ Trung – Mỹ xấu tới nước này, không chắc các “sứ giả lắm lông” mới được gửi đến Washington cũng như một số vườn thú khác trên đất Mỹ, có hoàn thành được sứ mệnh ngoại giao như kỳ vọng không?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới