Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHÀNH ĐỘNG HUNG HĂNG CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG BỊ THƯỢNG...

HÀNH ĐỘNG HUNG HĂNG CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG BỊ THƯỢNG VIỆN MỸ LÊN ÁN

BienDong.Net: Trước những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 10/6/2013, một số Thượng nghị sỹ Mỹ (Mennendez, Rubio và Cardin) đã đệ trình Nghị quyết 167 lên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bằng các biện pháp hoà bình.

Trong phần mở đầu, Nghị quyết 167 đã viện dẫn một loạt các sự kiện, động thái liên quan đến tình hình Biển Đông và nhắc lại các sự kiện gây căng thẳng trên Biển Đông do phía Trung Quốc tiến hành như vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu nghiên cứu khoa học Bình Minh 02 và Viking 2 của Việt Nam trong năm 2011; vụ tàu Trung Quốc phong tỏa lối ra vào của bãi cạn Scarborough do Phlippines kiểm soát vào tháng 4 năm 2012; vụ Trung Quốc xuất bản bản đồ chính thức in yêu sách “đường chín đoạn”trên Biển Đông, coi đó là biên giới quốc gia; việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai đơn vị quân sự đồn trú tại đây…

Trong phần kết luận, nghị quyết nêu 6 điểm:

– Lên án mọi hành động cưỡng ép, đe doạ hoặc sử dụng vũ lực của các lực lượng hải quân, cảnh sát biển và các tàu cá nhằm thực hiện những yêu sách chủ quyền lãnh thổ hoặc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và biển Hoa Đông;

– Kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động gây mất ổn định, làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp;

– Ủng hộ mạnh mẽ việc ASEAN và Trung Quốc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này;

– Ủng hộ quá trình phối hợp các hoạt động ngoại giao của tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp biển hoặc lãnh thổ dựa trên nguyên tắc duy trì hoà bình và an ninh, tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo vệ các hoạt động thương mại hợp pháp, không bị cản trở, cũng như tự do hàng hải và hàng không;

– Khuyến khích việc làm sâu sắc các cố gắng của Mỹ để xây dựng mối quan hệ đối tác với các nước trong khu vực liên quan đến các khu vực biển và xây dựng năng lực biển;

– Kêu gọi quân đội Mỹ duy trì hoạt động tại Tây Thái Bình Dương nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hoà bình, ổn định và sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế.

Nếu được thông qua thì đây là lần thứ ba, kể từ năm 2011, Thượng viện Mỹ ra các nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Nghị quyết đầu tiên về Biển Đông là nghị quyết mang số hiệu S. Res. 217 ngày 27.6.2011, do 4 thượng nghị sĩ đệ trình là thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ James Inhofe, thượng nghị sĩ Joseph Lieberman và thượng nghị sĩ Daniel Inouye.

Nghị quyết S. Res. 217 đề cập đến nhiều sự kiện, nhiều hoạt động xảy ra liên quan đến Biển Đông trong thời gian trước đó, mà nguyên nhân gây căng thẳng là các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc như vụ 1 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Bình Minh 02 của Việt Nam trong vùng biển gần vịnh Cam Ranh ngày 26.5.2011; vụ 1 tàu cá và 2 tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Viking 2 ngày 9/6/2012. Cả hai vụ việc này xảy ra trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam; vụ tàu tuần tra Trung Quốc đâm vào 1 của tàu giám sát của Philippines tháng 3.2011; việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “Tam Sa” với vùng biển chắn hầu hết diện tích Biển Đông, khoảng 648.000 dặm vuông, tương đương gần 2 triệu km2, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông…

Điều đáng nói là trong điểm thứ 2 của phần kết luận của nghị quyết S.Res.217,Thượng viện Mỹ đã chính thức bày tỏ phàn nàn (deplore) về việc tàu hải quân và hải giám Trung Quốc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Tuy việc sử dụng từ nghữ để lên án Trung Quốc còn nhẹ nhưng với nghị quyết này, Thượng viện Mỹ đã chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ đã đơn phương sử dụng vũ lực để dọa dẫm và làm rối ren tình hình Biển Đông.

Lần thứ hai, Thượng viện Mỹ có động thái về tình hình Biển Đông là nghị quyết mang số hiệu S.Res.524 được thông qua ngày 2.8.2012, do thượng Nghị sĩ John Kerry và một số thượng nghị sĩ khác như Lugar, Jim Webb, Inhofe, Lieberman, M Cain, Levin và Collins đệ trình ngày 23.7. Một bước tiến rõ rệt hơn trong nghị quyết này là ở điểm 5 của phần kết luận, nghị quyết tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ giúp đỡ các nước Đông Nam Á lớn mạnh và độc lập; Mỹ cam kết giúp đỡ mỗi nước được hưởng hòa bình và ổn định; Mỹ cam kết mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh… với khối ASEAN và các quốc gia thành viên.

Lời lẽ phản đối Trung Quốc trong các nghị quyết tăng dần, từ mức độ phàn nàn, lấy làm tiếc đến mức độ lên án đối với cách hành xử hung hăng và đe dọa của nhà cầm quyền Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. So sánh các nghị quyết về Biển Đông do Thượng viện Mỹ thông qua trong 2 năm 2011, 2012 có thể thấy lời lẽ của Nghị quyết 167 mạnh mẽ hơn, phê phán trực diện hơn.

Nếu Nghị quyết 167 được Thượng viện Mỹ thông qua thì đây sẽ là một “quả đấm” vào chính sách cứng rắn trên vấn đề Biển Đông của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh. Còn đối với các nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia thì Nghị quyết 167 là sự hậu thuẫn ủng hộ cần thiết để các nước này có thể vững tâm trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

 
RELATED ARTICLES

Tin mới