Friday, November 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHút vốn FDI để “tăng lực” cho nền kinh tế

Hút vốn FDI để “tăng lực” cho nền kinh tế

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng của nền kinh tế. Nếu các dự án lớn, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao tiếp tục đổ bộ, sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.

Chờ dự án lớn

Các cuộc làm việc để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách và thủ tục đầu tư cho Dự án 1,8 tỷ USD của Samsung Display vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Dự án này đã được tỉnh Bắc Ninh và Samsung Việt Nam ký MOU hôm 22/9/2024.

Nếu dự án này sớm được thông qua, Việt Nam không chỉ thu hút thêm được một nguồn lực không nhỏ, mà quan trọng hơn, sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Cùng với Samsung, một nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc là Hyosung cũng đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cách đây ít ngày, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, sau khi đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, Hyosung có kế hoạch đầu tư tiếp 4 tỷ USD nữa để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học…

“Môi trường đầu tư của Việt Nam rất đáng tin cậy. Tôi tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á”, Chủ tịch Hyosung khẳng định.

Không chỉ Hyosung hay Samsung, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt niềm tin vào Việt Nam như vậy. Đó là lý do, những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến được lựa chọn, bất kể đầu tư toàn cầu sụt giảm. Đây chính là một điểm sáng của nền kinh tế, mà khi báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, 9 tháng, Việt Nam đã thu hút được 24,78 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký ước cả năm đạt 39 – 40 tỷ USD, trong khi vốn thực hiện ước đạt 23 tỷ USD. Con số này cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết với Việt Nam, đồng thời phản ánh khả năng hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện đáng kể nhờ tập trung thu hút các dự án chất lượng cao. Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn”, Báo cáo của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền ký cho biết.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh về điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Nhấn mạnh con số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 17,34 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ năm 2021 đến nay, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng môi trường đầu tư của Việt Nam”.

“Tăng lực” cho nền kinh tế

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered tiếp tục đưa ra những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam, với khả năng đạt mức tăng trưởng 6,9% trong quý IV năm nay và 7,5% trong nửa đầu năm 2025. “Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa”, các chuyên gia Standard Chartered nhận định.

Phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh, công nghệ cao. Và phải thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng, như chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydro xanh… Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, bên cạnh sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh, thì đầu tư nước ngoài chính là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Thực tế, thu hút đầu tư nước ngoài tăng tốc cũng chính là một trong những nền tảng quan trọng để xuất khẩu và sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Khi dòng vốn này được “nâng chất”, với nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, điện tử… được đầu tư và đi vào hoạt động, thì đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn lớn hơn nữa.

Đó cũng chính là một trong những lý do khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội thời gian gần đây, luôn nhấn mạnh việc phải tăng cường thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…

Có điều, thu hút các dự án này không đơn giản, nhất là khi triển vọng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục có nhiều bất định hơn, tăng chậm lại và ngày càng tập trung ở các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là các lĩnh vực chiến lược. Hơn thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và các nhóm chính sách ở nhiều nước cũng có thể ảnh hưởng đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam phải làm gì để tiếp tục đón dòng vốn lớn, qua đó góp phần “tăng lực” cho nền kinh tế?

Để thu hút đầu tư, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, nhưng rõ ràng, cần đẩy nhanh hơn nữa việc đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp tiên phong.

Và để ứng phó với câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu, cũng cần sớm có chính sách, trong đó có việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Tuy vậy, tới thời điểm này, Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa được Chính phủ thông qua, trong khi đây là vấn đề cấp bách.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới