Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã trở thành một trong những biểu tượng của sự phát triển kinh tế và công nghệ của quốc gia này trong thế kỷ XXI. Chỉ sau hơn 2 thập kỷ, quốc gia này gần như đã tạo ra “phép màu” với hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới.
Đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc chưa có đường sắt cao tốc. Những chuyến tàu chậm chạp và thường không mấy thoải mái chạy qua đất nước rộng lớn này, khiến những hành trình xa xôi như Thượng Hải – Bắc Kinh trở thành thử thách về sức bền khi di chuyển.
Nhưng chỉ sau hơn 2 thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với những tiện ích hàng đầu. Một bức tranh mới, hiện đại và đẹp đẽ hơn, đã và đang được hoàn thiện, triệt để thay đổi cái nhìn của thế giới với lĩnh vực đường sắt của nước này.
Kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thiên Tân mở cửa vào năm 2008, Trung Quốc đã xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc rộng lớn và tiên tiến nhất thế giới. Các dự án lớn, như tuyến đường sắt cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến – Hong Kong và đường sắt Lhasa – Nyingchi tại khu tự trị Tây Tạng, đã tăng cường đáng kể khả năng kết nối và phát triển khu vực.
Mạng lưới đường sắt cao tốc của đất nước này hiện chiếm hơn 70% tổng số đường sắt cao tốc của thế giới. Trong số này, các tuyến hoạt động ở tốc độ 300-350km/h bao phủ 20.000km (chiếm 43%), trong khi các tuyến hoạt động ở tốc độ 200-250km/giờ bao phủ 26.000km (tương đương 57%), phá vỡ thế độc quyền của các hãng hàng không nội địa ở những lộ trình đông đúc nhất. Không chỉ vậy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đạt được hoạt động thương mại đường sắt cao tốc ở tốc độ 350km/h.
Cho đến nay, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã vận chuyển tổng cộng hơn 20 tỷ lượt hành khách. Hơn 8.700 tàu cao tốc Fuxing đang hoạt động mỗi ngày tại Trung Quốc. Được biết đến với hiệu suất an toàn đặc biệt, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc được công nhận rộng rãi là hệ thống đường sắt an toàn nhất trên toàn thế giới.
Chuyên gia du lịch đường sắt Mark Smith, cho biết: “Người Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc ở quy mô chưa từng có – nhanh hơn và chắc chắn đáng tin cậy hơn các chuyến bay nội địa”.
Mở ra thời đại mới chỉ trong 2 thập kỷ
Ông Li Jingwei, Phó Giám đốc bộ phận phát triển và cải cách của tập đoàn China State Railway Group, cho biết: “Kể từ năm 2012, việc mở rộng đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã được tăng cường, với trung bình hơn 3.000km tuyến đường sắt cao tốc mới được đưa vào vận hành hàng năm”.
Ông Li cũng nói thêm rằng mạng lưới đường sắt cao tốc hiện đã phủ sóng 96% các thành phố có dân số trên 500.000 người, bao gồm cả Đặc khu hành chính Hong Kong. Chỉ trong một ngày, mạng lưới đường sắt của Trung Quốc vận chuyển hơn 10 triệu hành khách, trở thành hệ thống đường sắt bận rộn nhất trên toàn cầu.
“Thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải đã giảm từ khoảng 12 giờ xuống còn hơn 4 giờ, trong khi hành trình từ Bắc Kinh đến Quảng Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông) đã giảm từ khoảng 21 giờ xuống còn hơn 7 giờ. Sự chuyển đổi này đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức đi lại của người dân Trung Quốc và nhiều người đã thích đi tàu cao tốc”, ông Li cho hay.
Các nhà ga mới rộng rãi tại các thành phố lớn trên mạng lưới đường sắt tốc độ cao không kém gì các nhà ga sân bay khi được lát đá cẩm thạch và kính đánh bóng không tì vết với màn hình thông tin khổng lồ và phòng chờ thoáng đãng.
Các toa hành khách trên tàu có ghế ngồi êm ái, bảng điều khiển màn hình cảm ứng 5G, đèn thông minh, hàng nghìn cảm biến an toàn và ghế có thể tháo rời cho hành khách ngồi xe lăn. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt và robot được sử dụng tại các nhà ga để hỗ trợ hành khách trong việc điều hướng, lấy hành lý và làm thủ tục. Trong khi đó, giá vé chỉ từ 13 USD.
Tham vọng của Trung Quốc là biến đường sắt cao tốc thành phương thức di chuyển đường dài trong nước, nhưng những tuyến đường sắt mới này có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Giống như tàu Shinkansen của Nhật Bản vào những năm 1960, chúng là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế, hiện đại hóa nhanh chóng, trình độ công nghệ ngày càng phát triển và sự thịnh vượng ngày càng tăng của đất nước.
Tất nhiên, chặng đường nào cũng có những khó khăn. Diện tích rộng lớn của Trung Quốc cùng những biến đổi địa hình, địa chất và khí hậu đã đặt ra cho các kỹ sư đường sắt của nước này những thách thức đáng kinh ngạc.
Từ Cáp Nhĩ Tân đóng băng ở cực bắc đến khu vực có độ ẩm gần nhiệt đới của siêu đô thị Đồng bằng sông Châu Giang, đến tuyến đường sắt Lan Châu-Urumqi dài 1.776km băng qua sa mạc Gobi, các kỹ sư Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển chuyên môn sâu rộng trong việc điều hướng đường sắt qua, dưới và xuyên qua mọi địa hình trên đường đi của chúng.
Trung Quốc ban đầu dựa vào công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để thiết lập mạng lưới của mình. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã phát triển thành những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc, nhờ vào sự mở rộng đáng kinh ngạc của mạng lưới trong nước.
Theo báo cáo năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Trung Quốc có thể xây dựng đường sắt cao tốc với chi phí trung bình từ 17-21 triệu USD/km, thấp hơn 1/3 so với các quốc gia khác. Việc chuẩn hóa thiết kế và quy trình được coi là lý do chính giúp giảm chi phí.
Hướng tới tương lai
Trong khi những tuyến đường sắt cao tốc trong nước tiếp tục được hoàn thiện, Trung Quốc đã đặt mục tiêu mở rộng toàn bộ mạng lưới đường sắt lên 200.000km, bao gồm 70.000km đường sắt cao tốc vào năm 2035.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng chi hàng tỷ USD cho công nghệ đệm từ (maglev). Tháng 8 vừa qua, tuyến thử nghiệm tàu bay tốc độ cao đầu tiên, với tốc độ di chuyển tối đa 1.000km/giờ, đã đạt đủ điều kiện chấp thuận. Báo cáo cho biết những chuyến tàu bay trong ống chân không thế này có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Thượng Hải xuống chỉ còn 90 phút.
Bên cạnh đó, khi thị trường trong nước ngày càng phát triển, Trung Quốc cũng bắt đầu “xuất khẩu” sản phẩm đường sắt cao tốc của mình tới các quốc gia xung quanh, điển hình thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), khởi xướng năm 2013, với tham vọng tạo ra một “Con đường tơ lụa” mới.
Một dự án mang tính bước ngoặt của hợp tác Vành đai và Con đường là Đường sắt Trung Quốc – Lào, đã bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2021. Một dự án khác do Trung Quốc xây dựng, tuyến đường sắt cao tốc Belgrade – Novi Sad, đã vận chuyển gần 8,8 triệu người giữa hai thành phố lớn nhất của Serbia kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2022.
“Ngành đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột kinh tế của quốc gia này và mang lại sự thịnh vượng hơn cho công chúng”, Chủ tịch Bombardier Transportation China Jianwei Zhang, cho biết.
Nhìn chung, quá trình xây dựng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc không chỉ ghi dấu ấn với những thành tựu đáng kể trong việc kết nối và thúc đẩy kinh tế, mà còn để lại nhiều bài học quý giá.
Trước hết, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án lớn. Thứ hai, việc áp dụng công nghệ tiên tiến và quản lý hiệu quả sẽ giúp giảm chi phí và thời gian xây dựng một cách đáng kể. Ngoài ra, tầm nhìn chiến lược và khả năng linh hoạt ứng phó với những biến động toàn cầu đã giúp Trung Quốc vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
T.P