Thursday, October 31, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnGiữa xung đột Ukraine, kinh tế Nga tăng trưởng nóng đủ sức...

Giữa xung đột Ukraine, kinh tế Nga tăng trưởng nóng đủ sức tiếp tế quân đội

Thay vì sụp đổ do các lệnh trừng phạt như dự đoán của phương Tây sau khi nổ ra xung đột Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn đang tăng trưởng nóng, thậm chí rất nóng. Kinh tế Nga được cho là đủ sức giúp quân đội Nga duy trì xung đột vũ trang trong các năm tới.

Tổng thống Nga Putin tại Saint Petersburg.


Kinh tế Nga tăng trưởng nóng, tiếp lực cho quân đội trong nhiều năm tới
Tại Siberia, hiện đang thiếu nhân lực lái xe bus. Trên các nông trang Nga, những cô gái vắt sữa đang yêu cầu mức lương cao ngang ngửa nhân lực làm công nghệ thông tin (IT). Các khách sạn tại Nga cũng đang vật lộn tuyển thêm bồi bàn, nhân viên lau dọn và đầu bếp.

Chi phí quân sự trên diện rộng bao gồm mức lương cao cho quân nhân đã tiếp lửa cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh của nước Nga. Tình hình này cũng thúc đẩy các công ty phải nâng lương tương xứng với bên quân đội để thu hút thêm nhân lực.

Theo các nhà kinh tế học, Nga đủ tiền chi cho cuộc xung đột vũ trang với Ukraine trong vài năm nữa, nhờ vào doanh thu dầu mỏ khổng lồ của Nga và thất bại của phương Tây trong các lệnh trừng phạt, đặc biệt là trần giá dầu do nhóm G7 áp với ý đồ thu hẹp thu nhập của Nga từ dầu mỏ.

Nền kinh tế Nga hiện nay phát triển nóng còn một phần vì chính quyền Nga muốn tăng số lượng quân nhân để bù đắp những thương vong trên chiến trường. Để thu hút người nhập ngũ, thống đốc nhiều tỉnh của Nga đang đưa ra mức thưởng rất hậu hĩnh cho những ai đăng ký gia nhập quân đội. Tỉnh Belgorod của Nga gần đây phá vỡ kỷ lục với mức thưởng lên tới 31.200 USD.

Với những thay đổi này, tỷ lệ có việc làm tại Nga đang ở mức rất cao, mức lương cũng cao ngất theo. Thậm chí, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo rằng lực lượng lao động và năng lực sản xuất của nền kinh tế hiện “gần như kiệt sức”.

Thống đốc Nabiullina công bố một thời kỳ lãi suất cao kéo dài nhằm hạ nhiệt nền kinh tế Nga và giảm lạm phát.

Hôm 25/10 Ngân hàng Trung ương Nga nâng mức lãi suất chính từ 19% lên 21% – mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ, vượt quá mức 20% mà hầu hết các nhà phân tích đã dự đoán.

Thông cáo của ngân hàng này cho biết, lạm phát vẫn “cao hơn đáng kể” so với dự báo hồi tháng 7. Ngân hàng này dự báo mức tăng từ 3,5% đến 4% trong năm 2024 rồi giảm mạnh xuống trong khoảng từ 0,5% đến 1,5% trong năm 2025.

Tình trạng khan hiếm công nhân
Các công ty tư nhân đang phải cạnh tranh với mức lương cao do bên quân đội cung cấp. Một cuộc điều tra của Liên minh Nhà công nghiệp và doanh nhân Nga vào tháng 10 cho thấy 82,8% các hãng gặp khó khăn thu hút công nhân. Theo Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sụt xuống mức 2,4% vào tháng 6.

Các quảng cáo việc làm ở Nga hiện nay đặc biệt hào phóng và tha thiết mời gọi nhân công. Thí dụ, quảng cáo tuyển nhân sự của một hãng đóng gói sô-cô-la đưa ra mức lương lên tới 4.100 USD/tháng, không đòi hỏi kinh nghiệm, có thêm chỗ ở và 3 bữa ăn miễn phí mỗi ngày. Còn nghề đóng gói tại một nhà kho ở Astrakhan có mức lương tháng hơn 3.600 USD. Lưu ý là, mức lương quốc gia trung bình hồi năm 2023 của Nga chỉ là 763 USD.

Trong nửa đầu năm 2024, lương thực tế tại Nga tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Rosstat. Thu nhập cho những công nhân nghèo nhất tăng nhanh nhất, tăng lên tới 67%, theo hãng truyền thông độc lập Nga Bell hồi tháng 3.

Alexander Tkachyov – một đồng minh của Tổng thống Putin và là một đại gia trong lĩnh vực nông nghiệp Nga, gần đây phàn nàn về mức lương của công việc làm bơ sữa tại nông trang, từng được coi là thấp nhất trong giới lao động, giờ lên tới 1.550 USD – tương đương với nhân viên IT bậc thấp.

Anton Petrakov thuộc hãng Yandex Taxi (phiên bản Uber của Nga) hồi tháng 9 phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Vladivostok rằng Nga thiếu hụt tới 130.000 tài xế taxi.

Tại Siberia, cũng không đủ người để điều khiển xe bus. Nhiều tuyến xe bus giờ bị đóng cửa. Nguyên nhân là tài xế xe bus dân sự đã đổ sang làm việc cho quân đội với mức lương cao gấp đôi.

Trước tình trạng thiếu hụt tài xế xe bus như thế này, Sergei Kuznetsov – thị trưởng thành phố Novokuznetsk ở Siberia, đã đề xuất lập một “tiểu đoàn nữ tài xế xe bus” để đáp ứng nhu cầu.

Trong quá khứ, Nga thường tuyển người nhập cư từ Trung Á để làm những công việc thu nhập thấp như thế này nhưng sau vụ khủng bố Crocus City Hall hồi tháng 3, việc tuyển dụng này tạm đình lại.

Đầu tư nguồn lực cho chiến sự
Các ưu tiên kinh tế của Tổng thống Putin được thể hiện rõ trong ngân sách gần đây của Nga, trong đó chi tiêu cho quân sự và an ninh sẽ lên mức 142 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tới 40% chi tiêu ngân sách và hơn 8% GDP của Nga và vẫn sẽ ở mức cao trong các năm 2026 và 2027 – điều này cho thấy quyết tâm của ông Putin trong cuộc xung đột với Ukraine.

Nhà kinh tế người Nga hiện sống ở Mỹ, Vladislav Inozemtsev (đồng sáng lập Trung tâm Phân tích và chiến lược ở châu Âu) nói rằng Nga đủ sức tiến hành xung đột vũ trang trong những năm tới đây.

Ông Inozemtsev nói: “Nga có thể duy trì cuộc chiến này trong khoảng thời gian mà Ukraine và có thể cả phương Tây nữa không thể chịu đựng thêm. Đó là vấn đề mấu chốt. Tổng thống Putin dường như rất tự tin rằng ông có thể đi xa hơn trong 1-2-3 năm tới”.

Nhà kinh tế Inozemtsev nói thêm: “Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đang sản xuất cả xe tăng và đạn pháo thời Xô viết. Họ chế tạo đạn pháo, tên lửa, kể cả loại cổ, với số lượng lớn”.

Những lệnh trừng phạt không đi tới đâu
Robin Brooks – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, đánh giá Nga sẽ duy trì được năng lực tiến hành chiến tranh trong những năm tới do các lệnh trừng phạt của phương Tây (nhằm vào Nga) đã thất bại hàng loạt vì những hoạt động vận động hành lang tại châu Âu cũng như tình trạng thiếu ý chí chính trị trong khối EU.

Chẳng hạn, chuyên gia Brooks nêu rằng chỉ thời gian ngắn sau khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine, Đức và một số quốc gia châu Âu chủ chốt bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Séc, Ba Lan và Áo bắt đầu xuất khẩu lượng lớn hàng hóa qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giếng của Nga như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Gruzia và Armenia, với đích đến rõ ràng là chính nước Nga.

Các nước EU cũng không có động lực ngăn chặn bán microchip và những thứ hàng lưỡng dụng khác sang Nga nếu Đức và các nước lớn trong EU tiếp tục xuất những chiếc ô tô và hàng hóa sang trọng khác qua ngả hàng xóm của Nga.

Ông Brooks phân tích: Các lệnh trừng phạt của phương Tây vì vậy cơ bản không ảnh hưởng đến dân thường Nga và do đó khó lòng khiến họ quay sang phản đối Tổng thống Putin cùng những quyết sách của ông.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới