Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLe Monde: Siết chặt lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga có thể...

Le Monde: Siết chặt lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga có thể đe dọa kinh tế toàn cầu

Theo một báo cáo, việc phương Tây tiếp tục siết chặt hạn chế đối với năng lượng của Nga có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở những nước nghèo nhất.

Phương Tây đang áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với dầu xuất khẩu của Nga

Tờ Le Monde của Pháp trong một bài viết đăng tải hôm 30/10 cho rằng nỗ lực thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu.

Bài viết chỉ ra rằng việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn có thể khiến giá phân bón tăng vọt và cuối cùng sẽ dẫn đến giá lương thực toàn cầu cao hơn.

“Việc tăng giá dầu sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến các nước nghèo nhất, có khả năng đẩy họ vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, bài viết dẫn lời nhà kinh tế học Mỹ Catherine Wolfram nhận định. Bà cho rằng một kịch bản như vậy có thể làm mất uy tín của phương Tây trong mắt Phương Nam toàn cầu và khuyến khích họ tăng cường quan hệ với Nga.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners có trụ sở tại Mỹ, Kevin Book, nói với tờ Le Monde rằng các biện pháp trừng phạt có thể sẽ phát huy tác dụng nếu như hầu hết các công ty chuyên về bảo hiểm vận tải dầu đều có trụ sở ở phương Tây. “Nhưng hiện nay thực tế lại không phải như vậy”, ông nói.

Các chính phủ phương Tây đã tấn công Nga bằng một loạt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Trong số nhiều biện pháp, phương Tây đã áp mức trần giá cùng với lệnh cấm vận đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nhằm cố gắng gây tổn hại cho nền kinh tế nước này, đồng thời giữ cho dầu thô của Nga chảy ra thị trường toàn cầu để không khiến giá tăng vọt.

Các biện pháp này được áp dụng vào tháng 12/2022 và nối tiếp sau đó là các biện pháp hạn chế tương tự vào tháng 2/2023 đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Biện pháp mới cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các chuyến hàng dầu thô của Nga, trừ khi hàng hóa được mua ở mức giá dưới 60 USD/thùng, mức thấp hơn giá thị trường hiện tại.

Đáp lại, Moscow đã cấm các doanh nghiệp Nga tuân thủ mức trần và chuyển phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.

“Trong khi một số biện pháp có tác động lâu dài, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu phụ tùng thay thế gây cản trở việc bảo trì thiết bị quân sự, thì lệnh cấm vận dầu lại ngược lại”, Le Monde viết, cho rằng Moscow đã thành công trong việc vượt qua các hạn chế khi giá dầu thô Urals của nước này hầu như vẫn cao hơn giới hạn giá của phương Tây.

Tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của các thương nhân cho thấy giá dầu thô Urals tháng 10 đang giao dịch trên 65 USD/thùng tại các cảng Baltic và Biển Đen của Nga. Vào tháng 7, dầu thô Nga giao dịch ở mức khoảng 80 USD/thùng.

Theo một báo cáo gần đây của tổ chức tư vấn kinh tế độc lập Viện Năng lượng và Tài chính (FIEF), doanh thu năng lượng của Nga có thể đạt mức kỷ lục trong năm nay, nhờ giá dầu xuất khẩu cao. Tờ báo cho biết thu nhập từ xuất khẩu dầu đã tăng 63% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay so với cùng kỳ năm 2023, đạt tổng cộng 6,4 nghìn tỷ rúp (66 tỷ USD).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới