Thủy phi cơ lớn nhất thế giới của Trung Quốc vượt qua một trong những bài kiểm tra khả năng bay thách thức nhất, tiến gần hơn tới mục tiêu gia nhập thị trường.
Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Avic) cho biết cuối tuần qua, thủy phi cơ AG600 Kunlong vượt qua bài kiểm tra tốc độ cất cánh tối thiểu trong cuộc đánh giá được thực hiện tại tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc. Bài kiểm tra rất quan trọng trong việc xác định tốc độ cất cánh và hạ cánh an toàn của máy bay.
Avic cho biết việc vượt qua bài kiểm tra đặt nền tảng vững chắc cho cho các thử nghiệm bay an toàn tiếp theo và việc chứng nhận an toàn hàng không của dòng máy bay “lương cư” lón nhất thế giới này.
“Điều này có nghĩa là các bài kiểm tra có độ rủi ro cao nhất đối với máy bay AG600, bao gồm bài kiểm tra rung lắc khi bay (nhằm chứng minh độ bền cấu trúc và độ ổn định của máy bay khi chống rung lắc) và tốc độ cơ động tối thiểu trên không, đều đã được vượt qua”, công ty tuyên bố.
AG600 là thủy phi cơ được thiết kế cho các hoạt động tuần tra trên biển và tìm kiếm cứu nạn. Với kích thước gần bằng một chiếc Boeing 737, AG600 là máy bay lưỡng cư lớn nhất thế giới, vượt qua ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga.
Chuyên gia hàng không Zhang Zhonglin cho biết thủy phi cơ hiện nay phần lớn được thay thế bằng trực thăng và thuyền trong các nhiệm vụ cứu hộ trên biển, nhưng chúng vẫn vô cùng hữu dụng trong một số tình huống.
Ông Zhang cho biết, ví dụ, tại các rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông không có sân bay, khả năng cất cánh và hạ cánh trên mặt nước của AG600 cho phép máy bay này dễ dàng chở người và vận chuyển hàng hóa.
AG600 dài 37 m, lớn tương đương Boeing 737 và có sải cánh 38,8 m. Thủy phi cơ có trọng lượng cất cánh tối đa 53,5 tấn và bay liên tục khoảng 4.500 km.
Ông Huang Lingcai, trưởng nhóm thiết kế của AG600, cho biết thủy phi cơ này có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần tàu cứu hộ. AG600 cũng có thể thực hiện các hoạt động khẩn cấp trong điều kiện sóng cao 2 m và cứu được 50 người gặp nạn cùng lúc.
AG600 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chữa cháy rừng. Thủy phi cơ khổng lồ có thể nạp 12 tấn nước trong 20 giây để phun bề mặt 4.000 m2 trong một lần chữa cháy.
AG600 là máy bay “lưỡng cư” thứ hai của Trung Quốc sau mẫu SH-5, được phát triển cho mục đích quân sự vào những năm 1970 và ngừng hoạt động vào năm 2015.
Việc phát triển AG600 bắt đầu vào năm 2014. Nguyên mẫu của AG600 hoàn thành chuyến bay đầu tiên năm 2017, cất cánh lần đầu từ một hồ chứa nước năm 2018 và bay trên biển năm 2020.
Các cuộc thử nghiệm khả năng bay của máy bay bắt đầu vào năm 2024. Theo Huang, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, máy bay dự kiến sẽ nhận được chứng chỉ loại vào cuối năm nay.
AG600 được đưa vào sản xuất hàng loạt và lắp ráp hoàn thiện vào tháng 7.
Chiếc thủy phi cơ này đại diện cho những nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm trở thành thế lực lớn trong lĩnh vực hàng không toàn cầu. AG600 là một trong ba máy bay lớn do Trung Quốc tự phát triển, cùng với máy bay vận tải chiến lược Y-20 và máy bay phản lực thân hẹp C919 – cả hai đều đang được khai thác hoạt động.
T.P