Trung Quốc đã yêu cầu các nhà sản xuất ô tô của nước này dừng các khoản đầu tư lớn vào các quốc gia châu Âu ủng hộ mức thuế quan bổ sung đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, một động thái có khả năng sẽ làm chia rẽ châu Âu hơn nữa.
Tạm dừng đầu tư vào châu Âu
Mức thuế mới của Liên minh châu Âu lên tới 45,3% áp lên xe điện Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 31/10, sau cuộc điều tra kéo dài một năm gây chia rẽ khối và thúc đẩy hành động trả đũa từ Bắc Kinh.
10 thành viên EU (bao gồm Pháp, Ba Lan và Ý) đã ủng hộ mức thuế quan mới trong cuộc bỏ phiếu trong tháng này. 5 thành viên khác (bao gồm Đức) bỏ phiếu chống và 12 thành viên bỏ phiếu trắng.
Khi Bắc Kinh tiếp tục đàm phán về một giải pháp thay thế cho thuế quan, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bao gồm BYD, SAIC và Geely đã được thông báo tại một cuộc họp do Bộ Thương mại tổ chức vào ngày 10/10 rằng họ nên “tạm dừng” các kế hoạch đầu tư tài sản lớn như xây nhà máy ở các quốc gia ủng hộ mức thuế mới, hai nguồn thạo tin chia sẻ với Reuters.
Một số nhà sản xuất ô tô nước ngoài cũng tham dự cuộc họp, tại đó những người tham gia được khuyên nên “thận trọng” khi đầu tư vào các quốc gia bỏ phiếu trắng và được “khuyến khích” đầu tư vào những quốc gia bỏ phiếu chống lại thuế quan, các nguồn tin cho hay.
Ý và Pháp nằm trong số các quốc gia EU đang thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nhưng họ cũng cảnh báo về những rủi ro mà làn sóng xe điện giá rẻ của Trung Quốc gây ra cho các nhà sản xuất châu Âu.
SAIC, công ty nhà nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai của Trung Quốc, đang lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại châu Âu và đang có kế hoạch riêng để mở trung tâm phụ tùng châu Âu thứ hai tại Pháp trong năm nay để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe thương hiệu MG của mình.
Chính phủ Ý đang đàm phán với Chery, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, về xuất khẩu, và các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc, bao gồm cả Dongfeng Motor về các khoản đầu tư tiềm năng.
“Ông lớn” xe điện BYD của Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy ở Hungary, nơi đã bỏ phiếu chống lại thuế quan. Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc cũng đang cân nhắc việc chuyển trụ sở chính tại châu Âu từ Hà Lan sang Hungary do lo ngại về chi phí, hai nguồn thạo tin khác cho biết.
Ngay cả trước khi Bắc Kinh ban hành hướng dẫn, các công ty Trung Quốc đã thận trọng về việc thành lập các cơ sở sản xuất độc lập tại châu Âu vì việc này đòi hỏi số tiền đầu tư lớn và hiểu biết sâu sắc về luật pháp và văn hóa địa phương.
Các nhà sản xuất ô tô cũng được thông báo tại cuộc họp ngày 10/10 rằng họ nên tránh các cuộc thảo luận đầu tư riêng biệt với các chính phủ châu Âu và thay vào đó nên hợp tác để tổ chức các cuộc đàm phán tập thể, những người này cho biết.
Chỉ thị này được đưa ra sau một cảnh báo tương tự vào tháng 7 khi Bộ thương mại khuyên các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không nên đầu tư vào các quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời thận trọng khi đầu tư vào châu Âu.
Kích hoạt các biện pháp đối phó
Những người theo dõi thị trường cảnh báo rằng những mức thuế quan bổ sung của EU lên xe điện Trung Quốc có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại và gây ra sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại trong ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu.
Ông Zhang Yongjun, Tổng thư ký Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết dựa trên nguyên tắc có đi có lại, quyết định của EU chắc chắn sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó, có khả năng tác động đến các ngành công nghiệp xuất khẩu cạnh tranh của EU giao dịch với Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Trong những hoàn cảnh như vậy, người tiêu dùng châu Âu có thể phải chịu thiệt hại khi phải đối mặt với chi phí tăng cao đối với xe điện Trung Quốc hoặc hạn chế lựa chọn từ các nhà cung cấp thay thế”.
Cựu thứ trưởng thương mại Wei Jianguo cho biết động thái của EU có thể làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư Trung Quốc vào châu Âu, đặc biệt là những nhà đầu tư trong ngành ô tô, pin điện, phụ tùng công nghiệp và hậu cần.
Ông Erik Solheim, cựu giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, phát biểu với tờ China Daily ngày 30/10: “Thuế quan đối với xe điện cao cấp của Trung Quốc đi ngược lại mọi lý thuyết kinh tế. Nó sẽ khiến tất cả chúng ta trở nên nghèo hơn và làm chậm quá trình chuyển đổi xanh ở châu Âu”.
“Cạnh tranh xanh là cuộc đua lên đỉnh, thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ là cuộc đua xuống đáy. Châu Âu nên mời gọi đầu tư từ BYD và tất cả các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác để giúp chia sẻ công nghệ và giúp định hình cạnh tranh để các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể bắt kịp”, ông Erik nhấn mạnh thêm.
Cũng trong ngày 30/10, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc đối với biện pháp thuế quan của EU. “Động thái này rõ ràng vi phạm các quy tắc của WTO và trái ngược với các nguyên tắc của thương mại tự do”, ông Vương cho biết trong cuộc họp tại Bắc Kinh với Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen.
Ông Vương nói thêm rằng Trung Quốc luôn tin rằng sự cởi mở sẽ dẫn đến tiến bộ trong khi chủ nghĩa bảo hộ không có tương lai và toàn cầu hóa kinh tế mang lại lợi ích chung và toàn diện sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các bên.
Tin rằng đối thoại là con đường tốt nhất để tiến lên phía trước, ông Chen Huiqing, người đứng đầu chi nhánh dịch vụ pháp lý tại Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Máy móc và Sản phẩm Điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đàm phán vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng kinh tế và thương mại song phương.
Theo Bộ Thương mại, hiện tại, các nhóm kỹ thuật của cả hai bên đang tham gia vào giai đoạn tham vấn mới.
T.P