Một số tờ báo lớn ở Mỹ có truyền thống lâu đời ủng hộ các ứng cử viên trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống, nhưng năm nay đã khác.
Washington Post (Post) và Los Angeles Times (LA Times) mới đây trở thành tâm điểm cuộc tranh luận gay gắt về việc báo chí Mỹ thể hiện sự ủng hộ chính trị và ý nghĩa của những điều này với tự do báo chí. Các chủ sở hữu tỷ phú hai tờ báo hàng đầu này chấm dứt thông lệ lâu đời về việc ủng hộ ứng cử viên tổng thống, điều gây ra phản ứng dữ dội vài ngày trước cuộc bầu cử 5/11.
Cụ thể, chủ sở hữu của The Washington Post và Los Angeles Times ngăn các nhân viên thể hiện sự ủng hộ với ứng viên Kamala Harris của đảng Dân chủ, so với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, phá vỡ truyền thống “chọn phe” kéo dài hàng thập kỷ.
Washington Post, thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập và chủ sở hữu của Amazon, cho biết quyết định này được đưa ra để bảo vệ việc đưa tin độc lập. “Nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là tờ báo của thủ đô quốc gia quan trọng nhất thế giới là phải độc lập. Và đó là những gì chúng tôi đang và sẽ làm”, Bezos nói.
Vài ngày trước, Patrick Soon-Shiong, ông trùm công nghệ sinh học và là chủ sở hữu của Los Angeles Times, cũng có động thái tương tự. “Quyết định của chúng tôi là làm thế nào để thực sự cung cấp thông tin tốt nhất cho độc giả của mình”, Soon-Shiong cho biết.
Các thông báo gây ra phản ứng từ đội ngũ biên tập và độc giả, cũng như cuộc tranh luận gay gắt về tự do báo chí và liệu các tờ báo có nên hoàn toàn trung lập trong các cuộc bầu cử hay không.
Liệu có nguyên nhân nào khác?
Một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại rằng lợi ích kinh doanh của các ông trùm sở hữu các tờ báo này có thể đóng một vai trò nào đó.
Cựu biên tập viên của Washington Post, Marty Baron, cáo buộc tờ báo này “khuất phục” trước sự đe dọa từ phe Cộng hòa. “Đây là sự hèn nhát, và nền dân chủ là nạn nhân của nó”, Baron viết trên X.
Để chỉ trích quyết định của ban quản lý, các biên tập viên trang biếm họa của tờ báo này đăng hình ảnh vệt sơn đen có tiêu đề “Nền dân chủ chết trong bóng tối” – vốn là khẩu hiệu của tờ báo được in bên dưới tiêu đề.
Những người chỉ trích các quyết định này cũng cho rằng Bezos và Soon-Shiong có các lợi ích kinh doanh có thể bị ảnh hưởng nếu ông Donald Trump tái đắc cử. Người sáng lập Amazon nắm giữ cổ phần trong các công ty có hợp đồng đáng kể với chính quyền Mỹ, còn chủ sở hữu tờ Los Angeles Times đang muốn quảng bá các loại thuốc mới và cần được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận.
Dan Kennedy, giáo sư báo chí tại Đại học Northeastern, cho biết Bezos và Soon-Shiong đang “thích nghi trước” với tình huống mới.
“Ngày càng có nhiều tổ chức tin tức trở nên sợ hãi trước làn sóng cực đoan đang gia tăng”, ông viết trên blog của mình. “Việc bỏ qua cuộc đua tổng thống vào giai đoạn cuối của chiến dịch này có vẻ như là sự đầu hàng trước hình phạt mà họ có thể phải chịu nếu ông Trump trở lại nắm quyền”.
Lịch sử của việc các tờ báo Mỹ ủng hộ chính trị
Việc các tờ báo Mỹ thể hiện sự ủng hộ chính trị có từ khi tờ Chicago Tribune ủng hộ ứng viên Abraham Lincoln vào năm 1860.
Tờ Post bắt đầu truyền thống ủng hộ của mình cách đây 48 năm khi tờ báo lên tiếng ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Jimmy Carter. Nhà xuất bản kiêm giám đốc điều hành của tờ báo, William Lewis, tuyên bố vào tuần trước rằng từ giờ trở đi, tờ báo sẽ ngừng ủng hộ một ứng cử viên và quay trở lại truyền thống trước đó.
“Chúng tôi từng làm đúng trước đó, và đây là điều chúng tôi sẽ quay lại làm”, Lewis nói.
Trong khi đó, Los Angeles Times từng đình chỉ việc ủng hộ ứng viên tổng thống từ năm 1976 đến năm 2004. Nhưng vào năm 2008, tờ báo quay lại ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama và vẫn tiếp tục thực hiện thông lệ này từ đó.
Một số cơ quan báo chí khác thì thu hẹp phạm vi ủng hộ. Ví dụ, tờ New York Times không còn thực hiện việc ủng hộ chính trị tại tiểu bang và địa phương, nhưng tiếp tục làm như vậy trong các cuộc bầu cử quốc gia.
Bên cạnh đó, mặc dù không có số liệu chính thức nào về sự ủng hộ chính trị của báo chí Mỹ, Fox News được cho là thiên về đảng Cộng hòa và các kênh truyền thông khác ước tính rằng gần 80 tờ báo ủng hộ ứng viên Harris trong khi chưa đến 10 tờ ủng hộ Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay.
Trong số đó, ông Trump giành được sự ủng hộ của The Washington Times và New York Post, một tờ báo do ông trùm kinh doanh người Mỹ gốc Australia Rupert Murdoch sở hữu. Bà Harris thì giành được sự ủng hộ của The New York Times, The Boston Globe, tạp chí Rolling Stone và The Philadelphia Inquirer, cùng nhiều tờ báo khác.
Tại sao các tờ báo Mỹ ủng hộ các ứng cử viên chính trị?
Các tờ báo này cho rằng cho việc thể hiện sự ủng hộ các ứng cử viên cũng là một “dịch vụ” dành cho độc giả, khi cung cấp thông tin và hướng dẫn cẩn thận về các ứng viên, dựa trên các phân tích chi tiết. Sự ủng hộ thể hiện lập trường ý thức hệ của tờ báo nhưng cũng được coi là ý kiến chuyên gia và chỉ báo về chất lượng của ứng cử viên.
Trong tuyên bố của mình, Lewis, Tổng giám đốc điều hành của The Washington Post, mô tả quyết định không ủng hộ ứng viên Harris của tờ báo là “vì khả năng tự đưa ra quyết định của độc giả về vấn đề này, quyết định quan trọng nhất của người Mỹ – bầu ai làm tổng thống tiếp theo”.
Dominic Wring, giáo sư truyền thông chính trị tại Đại học Loughborough của Vương quốc Anh, cho biết sự ủng hộ của báo chí Mỹ đã đóng vai trò nổi bật trong việc định hình dư luận cho đến ngày nay.
“Không phải phương tiện truyền thông bảo chúng ta phải nghĩ gì, mà là họ chỉ ra chúng ta nên nghĩ gì”, ông nói với Al Jazeera. “Câu chuyện này cho thấy cách các thương hiệu truyền thông đã thành danh, mặc dù trong bối cảnh truyền thông phân mảnh, vẫn chiếm được lòng trung thành và sự quan tâm của công chúng”.
Sự ủng hộ của giới truyền thông trong lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử Mỹ.
Trong một nghiên cứu, Steven Sprick Schuster, giáo sư kinh tế tại Đại học Tiểu bang Middle Tennessee, phát hiện ra rằng sự ủng hộ của báo chí từ năm 1960 đến năm 1980 “gây ra sự thay đổi lớn, đáng kể với ứng cử viên được độc giả ưa thích”.
Trong thời gian đó, khi hầu hết sự ủng hộ của báo chí dành cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa, Sprick Schuster tính toán rằng họ tác động đến khoảng 20 triệu cử tri về việc chuyển sang phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, ông thừa nhận rằng “có khả năng sự ủng hộ ở đây chỉ đơn giản là đẩy nhanh một sự thay đổi vốn đang xảy ra”.
Còn Wring cho biết đối với cuộc bỏ phiếu tổng thống hiện tại, khi cuộc đua rất sít sao, sự ủng hộ của các tờ báo hàng đầu Mỹ sẽ có vai trò lớn hơn trong việc xoay chuyển phiếu bầu. “Tôi chắc chắn nhóm của Harris sẽ muốn mọi thứ phải phù hợp với những gì họ nói”, ông bình luận.
Còn tờ Post và chủ sở hữu tờ LA Times có thể đã chấp nhận “rủi ro được tính toán”, tính đến cả khả năng phải hàn gắn lại mối quan hệ với bà Harris – được cho là dễ dàng hơn so với ông Trump.
Các quốc gia khác có truyền thống này không?
Vương quốc Anh cũng có truyền thống báo chí ủng hộ chính trị mạnh mẽ.
Trong cuộc bầu cử năm 1992, khi Thủ tướng John Major giành chiến thắng lần thứ tư liên tiếp, tờ The Sun tuyên bố sự ủng hộ của họ xoay chuyển cuộc bầu cử.
“The Sun giành chiến thắng”, tiêu đề trang nhất của tờ báo viết vào sáng hôm sau. Tiêu đề này đi vào lịch sử chính trị Vương quốc Anh như một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của báo chí có sức mạnh như thế nào.
Cụm từ này xuất hiện trở lại vào năm 1997 – khi The Sun ủng hộ đảng Lao động của ông Tony Blair và đảng này giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử.
Năm 2009, The Sun chính thức chuyển sự ủng hộ của mình trở lại đảng Bảo thủ với tiêu đề “Đảng Lao động đã đánh mất”. Đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm sau và tiếp tục nắm quyền trong 14 năm.
Điều này có thay đổi trong thời đại truyền thông xã hội?
Có vẻ là không. Wring, người nghiên cứu tác động của tin tức đối với các cuộc bầu cử gần đây nhất của Vương quốc Anh, cho biết các phương tiện truyền thông truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình dư luận xung quanh các vấn đề chính ảnh hưởng đến lá phiếu.
Ông cho biết “họ vẫn có vị trí trong môi trường truyền thông hiện đại vì họ đã vượt qua được cơn bão” của các nền tảng truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa sự ủng hộ chính trị của báo chí và tự do ngôn luận.
Ban quản lý tại tờ Post và LA Times coi chính sách không ủng hộ mới của họ là ngang bằng với tính chính trực và công bằng của báo chí. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà quan sát cho rằng khi các tổ chức tránh đưa ra lập trường biên tập rõ ràng, họ có thể đang chịu áp lực bên ngoài, gây ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng.
Cho đến nay, khoảng 200.000 độc giả của Washington Post hủy đăng ký để phản đối những gì họ coi là áp lực chính trị đằng sau việc không ủng hộ chính trị. LA Times cũng mất độc giả.
Một số nhân viên của cả hai tờ báo từ chức sau vụ việc, bao gồm biên tập viên Robert Kagan của Post cũng như biên tập viên ý kiến của LA Times Mariel Garza, các nhà báo kỳ cựu Robert Greene và Karin Klein.
T.P