Ngày 31-10, một quan chức Indonesia khẳng định lập trường của nước này ở biển Bắc Natuna vẫn không thay đổi, đồng thời cho biết Jakarta sẽ có phản ứng thích hợp để bảo vệ lãnh thổ.
“Về vấn đề biển Bắc Natuna, Chính phủ Indonesia sẽ không thay đổi quan điểm. Chúng tôi sẽ có hành động phù hợp với tình hình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Roy Soemirat phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay 31-10.
“Chúng tôi đang cố gắng để xác nhận tình hình và trao đổi thông tin. Các hoạt động thực tế tại khu vực sẽ liên quan đến rất nhiều bên”, ông Soemirat nói thêm.
Tuần trước, Indonesia cho biết họ đã ba lần xua đuổi các tàu tuần duyên của hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển Bắc Natuna trong vòng vài ngày, vì các tàu của Bắc Kinh “phá rối các cuộc khảo sát” của Tập đoàn dầu khí Pertamina, thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia.
Biển Bắc Natuna là vùng biển phía bắc quần đảo Natuna (Indonesia) nằm ở rìa phía nam của Biển Đông, cách đất liền Trung Quốc hơn 1.500km. Indonesia tuyên bố có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại vùng biển này. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tuyên bố khu vực này là một phần của “đường chín đoạn”.
Theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, đồng thời triển khai các đội tàu tuần duyên ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Một số quốc gia xung quanh khu vực Biển Đông như Philippines không ít lần cáo buộc hải cảnh Trung Quốc có hành vi hung hăng, gây rối các hoạt động khai thác năng lượng và đánh bắt cá.
Cuộc chạm trán giữa Indonesia và hải cảnh Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh ông Prabowo Subianto đắc cử tổng thống Indonesia.
Theo phân tích của ông Ridzwan Rahmat – nhà phân tích quốc phòng tại Công ty tình báo quốc tế Jane’s, đây có thể là động thái thăm dò, một phép thử của Trung Quốc để dò xét chính quyền mới của Indonesia sẽ như thế nào trước các hoạt động ở vùng biển tranh chấp.
Ông Ridzwan cho biết hồi năm 2020, chỉ vài tháng sau khi ông Joko Widodo (Jokowi) đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, một tàu tuần duyên và một tàu đánh cá của Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển Bắc Natuna.
Sự xuất hiện của Bắc Kinh đã khiến Jakarta phải triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến ở thời điểm đó. Ông Widodo thậm chí còn đích thân đến thăm một hòn đảo tại vùng biển này như một lời khẳng định chủ quyền đối với Indonesia.
T.H